Chuyên gia: ĐCSTQ có thể lợi dụng căng thẳng ở Biển Đông để đo lường phản ứng của Hoa Kỳ đối với các đồng minh
Căng thẳng ở Biển Đông âm ỉ sau nhiều cuộc đối đầu giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trên tuyến đường biển quan trọng trong những tháng gần đây.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể sử dụng Biển Đông để đo lường phản ứng của Hoa Kỳ đối với các đồng minh của mình trong bối cảnh chế độ cộng sản này gia tăng bành trướng quân sự trên tuyến đường biển vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu này.
Căng thẳng ở Biển Đông âm ỉ sau nhiều cuộc đối đầu giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trên tuyến đường biển quan trọng trong những tháng gần đây.
Trong một cuộc chạm trán hôm 17/06, Philippines cho biết nhân viên của họ bị thương, còn tàu thuyền thì bị hư hại sau khi các tàu từ phía Manila và Bắc Kinh đụng độ gần Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas), thuộc Quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết phía Philippines tiếp cận “một cách cố tình và nguy hiểm” các tàu hải quân của nước này, gây ra vụ xô xát. Bộ Ngoại giao Philippines quy trách nhiệm vụ việc này cho “các hành động bất hợp pháp và gây hấn” của chính quyền Trung Quốc.
Một phán quyết quốc tế năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của ĐCSTQ về vùng biển gần Bãi Cỏ Mây. Phán quyết tuyên bố hòn đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã bác bỏ phán quyết của tòa án trực thuộc Liên Hiệp Quốc ở The Hague, Hà Lan, và từ chối tham gia phán quyết trọng tài này.
Bà June Teufel Dreyer, một chuyên gia về bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tìm cách gây áp lực lên Philippines.
Hôm 22/06, bà nói với The Epoch Times: “Người Trung Quốc đã và đang gây áp lực, thúc ép Philippines trong một thời gian dài.”
Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte đã theo đuổi chính sách thân Trung Quốc và thay đổi quan điểm của ông giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khá nhiều lần, dẫn đến mối quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ xấu đi. Điều đó đã thay đổi vào năm 2022 khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền.
Trong khi ông Marcos muốn ngăn chặn ĐCSTQ, thì bà Teufel Dreyer cảnh báo rằng ông có rất ít nguồn lực để thực hiện điều đó.
“Ông ấy thực sự muốn đẩy lùi,” bà nói về ông Marcos. “Nhưng ông ấy có rất ít phương tiện để làm điều đó. Và ông ấy cũng không chắc mình có thể trông cậy vào Hoa Kỳ đến mức nào, bởi vì mặc dù Hoa Kỳ không chính thức tham gia nhưng nước này có can dự vào một cuộc chiến ở Ukraine chống lại Nga và một cuộc chiến khác ở Israel chống lại Hamas.”
Ông Srikanth Kondapalli, trưởng khoa của Trường Nghiên cứu Quốc tế và là giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, Ấn Độ, đã mô tả chiến lược của Trung Quốc là “hai ngạnh.”
Ông Kondapalli nói với The Epoch Times rằng, một mặt, Bắc Kinh gây áp lực “qua các cuộc tập trận quân sự từ bên ngoài,” còn mặt khác, họ tìm cách gây áp lực qua “các hoạt động gây ảnh hưởng” trong nước.
Cuộc xâm lược toàn diện?
Sau cuộc xung đột trên biển giữa Philippines và Trung Quốc đó, hôm 09/06, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo, trong đó ông nhấn mạnh “các cam kết vững chắc của Hoa Kỳ với Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ Chung,” Bộ Ngoại giao cho biết.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 05/2023 của ông Marcos, hai bên đã tái khẳng định liên minh an ninh kéo dài hàng thập niên của mình. Tổng thống Joe Biden nói rằng cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ đối với Philippines là “vững chắc.”
Tuy nhiên, ông Kondapalli cho rằng ông tin là, trên thực tế, Hoa Kỳ sẽ “hết sức thận trọng” khi đề xướng Hiệp ước Phòng thủ Chung Hoa Kỳ-Philippines, một thỏa thuận phòng thủ song phương mà cả hai quốc gia cam kết trợ giúp lẫn nhau nếu một trong hai nước bị ngoại bang tấn công.
Ngoài ra, ông lưu ý rằng Hoa Kỳ không có một căn cứ [quân sự] nào trong khu vực này, chẳng hạn như là Vịnh Subic, điều này sẽ gây ra những khó khăn nhất định khi thực hiện hiệp định. Vịnh Subic, bị đóng cửa năm 1992, từng là một tiền đồn quan trọng của quân đội Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Bà Teufel Dreyer cũng thể hiện quan điểm tương tự.
Bà cho biết bà tin rằng Hoa Kỳ sẽ viện dẫn hiệp ước này nếu chính quyền Trung Quốc khởi xướng một “cuộc xâm lược toàn diện.”
“Nhưng điều đó sẽ không xảy ra, vì chính phủ Trung Quốc không khờ dại. Họ sẽ không làm những việc như thế đâu,” bà nói.
‘Thử thăm dò’
Bà Teufel Dreyer nói rằng có thể chính quyền này sử dụng hành động gây hấn quân sự ở Biển Đông để kiểm tra nguy cơ xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan, và đo lường quyết tâm của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ các đồng minh. Tuy nhiên, bà cho biết tình hình ở Đài Loan “rất khác” so với Philippines.
Bà nói: “Đài Loan đã thể hiện họ sẵn sàng và có khả năng chống trả hơn nhiều so với Philippines.”
Tuy nhiên, Manila có ý định trông cậy vào sự giúp sức từ các đồng minh.
Bà Teufel Dreyer cho rằng Philippines thường có thói quen để Hoa Kỳ đứng ra bênh vực mình.
Bà nói: “Nói cách khác, họ sẽ để cho Hoa Kỳ chiến đấu với Trung Quốc, nhưng về cơ bản [họ] đã đứng ngoài cuộc.”
Bà cho biết đó là lý do tại sao Hoa Kỳ “bị đe dọa nhiều hơn” ở Đài Loan so với ở Philippines.