Philippines và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về nhiệm vụ tiếp tế để giảm leo thang căng thẳng ở Biển Đông
Cơ quan ngoại giao Philippines cho biết: ‘Cả hai bên tiếp tục nhận thấy sự cần thiết phải giảm leo thang tình hình ở Biển Đông và giải quyết những bất đồng.’
Manila tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về một “dàn xếp tạm thời” cho các nhiệm vụ tiếp tế tới một tiền đồn của Philippines để “tránh hiểu lầm và tính toán sai lầm” trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
“Cả hai bên tiếp tục nhận thấy sự cần thiết phải giảm leo thang tình hình ở Biển Đông và giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời đồng ý rằng thỏa thuận này sẽ không gây phương hại đến quan điểm của nhau ở Biển Đông,” một tuyên bố hôm 21/07 của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận “dàn xếp tạm thời” này, cùng với việc hai bên đồng ý cùng giải quyết những bất đồng trên biển.
Tiền đồn này tọa lạc tại Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây) thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Một đạo quân nhỏ của hải quân Philippines trên tàu BRP Sierra Madre, một con tàu bị mắc cạn từ thời Đệ nhị Thế chiến, đã đóng tại đây kể từ năm 1999. Hải cảnh và hải quân Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ tiền đồn này trong bối cảnh một cuộc giằng co lãnh thổ đã diễn ra nhiều năm.
Thỏa thuận này đạt được sau một loạt các cuộc đàm phán “thẳng thắn và mang tính xây dựng” trong cuộc họp lần thứ chín của Cơ chế Tham vấn Song phương về Biển Đông hôm 02/07. Tại cuộc họp, Manila và Bắc Kinh đã đồng ý “khôi phục lòng tin” và “xây dựng lại niềm tin” để kiểm soát tốt hơn các tranh chấp trên biển.
Cả hai nước đều không cung cấp nội dung chi tiết của thỏa thuận.
Hôm 21/07, các quan chức an ninh Philippines cũng cho biết họ sẽ tự mình thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế mặc dù có lời đề nghị giúp đỡ từ phía Hoa Kỳ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố quyền kiểm soát đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một khu vực quan trọng trong thương mại hàng hải quốc tế. Yêu sách lãnh thổ này chồng chéo với các lãnh thổ mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, và Brunei tuyên bố chủ quyền.