Ngoại trưởng các nước Bộ Tứ ‘thực sự lo ngại’ về an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
‘Không có quốc gia nào thống trị và cũng không có quốc gia nào bị thống trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,’ các bộ trưởng ngoại giao đồng cấp của các quốc gia Bộ Tứ cho biết.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và các nhà ngoại giao hàng đầu từ Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản cho biết họ “thực sự lo ngại” về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và đang tìm cách duy trì sự an toàn và an ninh hàng hải trong khu vực này.
Hôm 29/07, Ngoại trưởng Antony Blinken, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa, Ngoại trưởng Úc Penny Wong, và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có mặt tại Tokyo để tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng của các quốc gia đối tác thuộc liên minh Đối thoại Anh ninh Bốn bên, hay còn gọi là Bộ Tứ (Quad).
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, bốn nhà ngoại giao đã bày tỏ mối lo ngại của họ về các hoạt động hàng hải gần đây của Trung Quốc, tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc.
“Chúng tôi thực sự lo ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ của chúng tôi đối với bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép,” các ngoại trưởng tuyên bố.
“Chúng tôi tiếp tục bày tỏ sự lo ngại thực sự của mình về việc quân sự hóa các khu vực đang trong tình trạng tranh chấp, và các cuộc diễn tập mang tính cưỡng ép và đe dọa ở Biển Đông.”
“Chúng tôi cũng bày tỏ sự lo ngại thực sự của mình về việc sử dụng tàu tuần duyên và tàu dân quân trên biển một cách nguy hiểm, việc sử dụng ngày càng nhiều các cuộc diễn tập nguy hiểm khác nhau, và các nỗ lực phá hoại hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác.”
Trong những tháng gần đây, hải cảnh và các lực lượng khác của Trung Quốc đã đụng độ với các tàu của Philippines đang tìm cách tiếp tế cho quân nhân đồn trú tại Bãi Cỏ Mây. Có vẻ như căng thẳng đã dịu đi sau khi Lực lượng Vũ trang Philippines vận chuyển thành công hàng tiếp tế đến bãi cạn này hôm 27/07 mà không gặp phải bất kỳ trục trặc nào, sau khi hai bên đạt được thỏa thuận tạm thời hôm 21/07.
Các viên chức ngoại giao đồng cấp của Bộ Tứ cho biết họ đang thực hiện nhiều sáng kiến để duy trì “trật tự hàng hải tự do và cởi mở,” như trợ giúp các đối tác nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải thông qua dữ liệu vệ tinh, huấn luyện, và xây dựng năng lực quân sự. Họ còn công bố một kế hoạch khai triển sáng kiến “đối thoại pháp lý hàng hải của Bộ Tứ” để trợ giúp các nỗ lực của họ nhằm “duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ngoài ra, các viên chức ngoại giao đồng cấp của Bộ Tứ cho biết họ có ý định “mở rộng về mặt địa lý” đối với sáng kiến “Mối quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức trong Lĩnh vực Hàng hải” sang khu vực Ấn Độ Dương. Sáng kiến này được khai triển vào năm 2022 nhằm theo dõi tốt hơn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và “vận chuyển mờ ám” (tàu vận chuyển tắt thiết bị nhận dạng tự động AIS) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Tất cả các quốc gia đều có vai trò đóng góp vào hòa bình, ổn định, và thịnh vượng của khu vực, đồng thời hướng tới một khu vực trong đó không có quốc gia nào thống trị và cũng không có quốc gia nào bị thống trị, sự cạnh tranh được kiểm soát một cách có trách nhiệm, và mỗi quốc gia không chịu sự cưỡng ép dưới mọi hình thức và có thể thực hiện quyền tự quyết của mình để định đoạt tương lai của chính mình,” các viên chức ngoại giao đồng cấp tuyên bố.
‘Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở’
Bốn viên chức ngoại giao đồng cấp của Bộ Tứ đã tổ chức một cuộc họp báo chung sau cuộc họp của họ, và đã thảo luận về tầm nhìn chung về một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
“Chúng tôi đang đề ra lộ trình cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương an toàn và cởi mở hơn bằng cách tăng cường an ninh hàng hải,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với các phóng viên sau cuộc họp. “Trên thực tế, điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là tăng cường năng lực của các đối tác trên khắp khu vực để nhận biết những gì đang diễn ra trong vùng biển của chính họ.”
Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo đảm cho sự tự do hàng hải, hàng không, và dòng chảy thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở.
Ông Jaishankar cho biết các đối tác Bộ Tứ đang cùng nhau hợp tác “vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, vì một trật tự dựa trên luật lệ, và vì lợi ích toàn cầu.”
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tại một cuộc họp thường kỳ hôm 29/07, khi được hỏi về mối lo ngại của Bộ Tứ về Biển Đông và Biển Hoa Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) đã cáo buộc nhóm này “tạo ra tình hình căng thẳng một cách giả tạo” và “kích động đối đầu” trong khu vực.
Ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cũng đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Tokyo hôm 29/07. Theo thông tin từ Ngũ Giác Đài về cuộc họp, ba quan chức này đã thảo luận về các cơ hội để tiếp tục mở rộng hợp tác ba bên với Nam Hàn.
Theo một tuyên bố từ Ngũ Giác Đài, hôm 28/07, ông Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Shin Won-sik, và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara đã ký một bản ghi nhớ thể chế hóa sự hợp tác an ninh ba bên, trong đó có việc chia sẻ thông tin và các cuộc tập trận ba bên. Mục tiêu chung của họ là mang lại sự ổn định cho Bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo một tuyên bố, cũng trong ngày 28/07, ông Blinken, ông Austin, bà Kamikawa, và ông Kihara đã tổ chức một cuộc họp an ninh “2+2”, trong đó họ đồng ý rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc “tìm cách định hình lại trật tự quốc tế” và rằng các mối đe dọa từ Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất.” Họ đồng ý sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác quân sự giữa song phương bằng cách nâng cấp quyền chỉ huy và kiểm soát của các lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản.
Bốn quan chức Hoa Kỳ và Nhật Bản này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình trên Eo biển Đài Loan là “một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế.”
Đài Loan, quốc gia đang chịu sự đe dọa của quân đội Trung Quốc, hoan nghênh sự ủng hộ này của các quan chức Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times