Nhật Bản, Philippines ký hiệp ước phòng thủ trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Trung Quốc
Thỏa thuận này sẽ cho phép hai nước điều động lực lượng trên lãnh thổ của nhau để tập trận chung.
Hôm 08/07, Philippines và Nhật Bản đã ký một hiệp ước quốc phòng để thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong bối cảnh ngày càng gia tăng căng thẳng với chính quyền cộng sản Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ, mà hai nước bắt đầu đàm phán hồi tháng 11/2023, đã được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa ký kết tại Manila. Hiệp ước này cho phép hai nước điều động lực lượng trên lãnh thổ của nhau cho các cuộc tập trận chung, kể cả các cuộc diễn tập bắn đạn thật, và ứng phó thảm họa. Thỏa thuận với Philippines này là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản ở châu Á.
Hiệp ước quốc phòng này được ký kết sau khi nhiều vụ đụng độ xảy ra giữa chính quyền Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
Thỏa thuận này phù hợp với những nỗ lực của Philippines nhằm xây dựng các liên minh an ninh và củng cố năng lực vốn hạn chế của quân đội nước này để bảo vệ các lợi ích về lãnh thổ của Manila ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, người chứng kiến lễ ký kết, cho biết thỏa thuận quốc phòng này là “vô cùng quan trọng,” trong khi bà Kamikawa gọi đây là “một thành tựu đột phá.”
Ông Teodoro nói với các phóng viên sau khi ký kết: “Đây là một cột mốc quan trọng khác trong nỗ lực chung của chúng tôi nhằm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và đặc biệt là trong khu vực của chúng tôi.”
“Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác nằm ở … một giao lộ quan trọng của các tuyến đường biển của Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác và trao đổi quốc phòng với Philippines là quan trọng đối với Nhật Bản,” Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết.
Các quan chức Philippines và Nhật Bản cho biết thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi được cơ quan lập pháp của mỗi nước thông qua.
Trong một biến cố xảy ra hôm 17/06, trong một nhiệm vụ tiếp tế nhân đạo của Philippines tới tiền đồn của nước này ở Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây) đang tranh chấp, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được trang bị dao và mã tấu đã cố tình đụng vào và đâm thủng các thuyền tiếp tế của Hải quân Philippines. Một phát ngôn viên của quân đội Philippines cho biết vụ việc đã khiến một số người Philippines bị thương, trong đó một người bị mất một ngón tay.
Bãi cạn này, một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, đã bị chiếm đóng bởi một đội quân nhỏ của Hải quân Philippines trên một chiến hạm mắc cạn, mà lực lượng Hải cảnh và Hải quân Trung Quốc đã giám sát sít sao trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm.
Tuần trước, Philippines yêu cầu Bắc Kinh bồi thường 1 triệu USD để trang trải chi phí cho hai chiếc hải quân bị các xuồng máy Trung Quốc làm hỏng trong vụ đụng độ và trả lại súng trường bị Hải Cảnh Trung Quốc thu giữ.
Tư lệnh quân đội Philippines, Tướng Romeo Brawner Jr., cũng cảnh báo rằng các lực lượng của Philippines sẽ “áp dụng mức độ vũ lực tương tự” để tự vệ nếu họ vướng vào một cuộc đối đầu khác với quân đội Trung Quốc tại bãi cạn này.
Những cam kết vững chắc
Sau sự việc hồi tháng trước, Hoa Kỳ đã tái khẳng định “các cam kết vững chắc” của mình với Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951, trong đó yêu cầu hai quốc gia trợ giúp lẫn nhau nếu một trong hai nước bị tấn công. Hoa Thịnh Đốn lên án “những hành động nguy hiểm và vô trách nhiệm của Bắc Kinh nhằm không cho Philippines thực hiện một hoạt động hàng hải hợp pháp ở Biển Đông.”
Tokyo đã ký các thỏa thuận tương tự với Úc năm 2022 và với Vương quốc Anh hồi năm ngoái. Nước này cũng đang đàm phán một thỏa thuận với Pháp.
Tokyo cũng có tranh chấp lãnh thổ lâu dài với Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông. Trong khi Tokyo kiểm soát các hòn đảo tranh chấp, mà họ gọi là Quần đảo Senkaku, thì Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và gọi là Quần đảo Điếu Ngư. Năm 2012, căng thẳng leo thang khi chính phủ Nhật Bản mua lại một số hòn đảo thuộc quần đảo này từ một chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản.
Hoa Kỳ có các hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và cả Philippines. Hồi tháng Tư, các nhà lãnh đạo của ba nước này đã gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Hoa Thịnh Đốn, khi đó, Tổng thống Joe Biden đã nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản và Philippines.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times