Hàng chục triệu người Trung Quốc chịu đựng đợt phong tỏa COVID-19 mới trước Đại hội Đảng
Các trường học hoãn khai giảng. Các doanh nghiệp phải đóng cửa. Người dân xếp hàng để được lấy mẫu dịch họng mới.
Một lần nữa, hàng chục thành phố Trung Quốc đang thắt chặt các hạn chế COVID trước thềm đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng tới.
Hôm 08/09, một đợt phong tỏa suốt cả tuần ở thủ phủ Thành Đô đã được kéo dài thêm sau khi phát hiện hơn một trăm ca nhiễm COVID-19. Hôm 01/09, các quan chức đã ra lệnh cho 21 triệu cư dân của thành phố này phải ở yên tại nhà trong lúc tiến hành xét nghiệm COVID-19 toàn thành phố suốt ba ngày. Kể từ đó lệnh này đã được gia hạn.
Tại cuộc họp hôm thứ Năm (08/09), các nhà chức trách đã mở rộng các hạn chế ở hầu hết các khu vực vì “nguy cơ lây truyền trong cộng đồng vẫn tồn tại ở một số khu vực.” Thành Đô, thành phố lớn nhất bị phong tỏa sau khi Thượng Hải bị phong tỏa suốt hai tháng, vẫn chưa công bố kế hoạch mở cửa trở lại.
Theo nền tảng tin tức sức khỏe của Nhân dân Nhật báo, tờ báo hàng đầu của ĐCSTQ, kể từ hôm 05/09 ít nhất 34 thành phố Trung Quốc đã bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, trong đó có bảy thủ phủ cấp tỉnh. Các thành phố này rải rác khắp đất nước, từ trung tâm khai thác dầu tại thành phố Đại Khánh thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở miền Bắc cho đến trung tâm công nghệ Thâm Quyến ở miền Nam.
Ngân hàng Nomura của Nhật Bản cho biết trong ghi chú của mình hôm 06/09, các biện pháp hạn chế COVID làm gián đoạn cuộc sống của 291.7 triệu người, chiếm 20.7% dân số Trung Quốc. Ngân hàng Nomura ước tính rằng 49 thành phố Trung Quốc, nơi đã chịu các mức độ phong tỏa hoặc các biện pháp kiểm soát khác nhau, đóng góp vào 24.5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Đóng cửa trên diện rộng diễn ra khi ĐCSTQ chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20 quan trọng, dự kiến sẽ khai mạc hôm 16/10 tại Bắc Kinh. Trong cuộc họp đại hội đảng tổ chức 5 năm một lần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng đạt được một nhiệm kỳ 5 năm tại vị lần thứ ba phá vỡ các kỷ lục trước đó, và ban lãnh đạo hàng đầu mới sẽ được công bố.
Tuy ông Tập được đồn đoán là sẽ bảo toàn được vị trí của mình, nhưng “số ca lây nhiễm gia tăng đã trở thành biến số lớn nhất của đại hội đảng,” nhà bình luận về Trung Quốc Vương Hách (Wang He) cho biết. “Nếu dịch bệnh đột ngột bùng phát ở Bắc Kinh, thì liệu đại hội đảng có thể tiếp tục không?”
Xét nghiệm thường xuyên và hạn chế đi lại
Ông Mễ Phong (Mi Feng), phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm thứ Tư (07/09) rằng, kể từ tháng Chín, 29 trong số 31 tỉnh thành của nước này đã báo cáo các ca nhiễm mới.
Đối mặt với những thách thức do biến thể Omicron rất dễ lây lan đặt ra, ông Mễ thấu hiểu rằng các quan chức phải tuân theo cách tiếp cận zero-Covid của chế độ này “một cách chuyên chú.” Chính sách nghiêm ngặt này nhằm mục đích loại bỏ bất cứ ca lây nhiễm nào trong các cộng đồng thông qua xét nghiệm thường xuyên, cách ly bắt buộc, và phong tỏa nhiều lần.
Quan chức này cho biết, các thành phố báo cáo không có ca nhiễm mới phải thực hiện một hệ thống xét nghiệm “được bình thường hóa”, ngụ ý rằng cứ cách vài ngày người dân lại được xét nghiệm một lần.
Hành động nói trên, vốn bị cư dân mạng xã hội Trung Quốc chỉ trích, đánh dấu một chính sách ngược lại hoàn toàn so với trước kia. Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết trong một cuộc họp báo tháng Sáu rằng kiểm tra kết quả xét nghiệm COVID “không nên trở thành một tiêu chuẩn mới” ở các thành phố không bùng phát dịch.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư các cơ quan y tế cho biết những người đi tàu hỏa, phi cơ, xe buýt đường dài và phà phải xuất trình bằng chứng về kết quả xét nghiệm COVID âm tính trong vòng 48 giờ trước đó.
Các biện pháp xiết chặt mới sẽ có hiệu lực đến hết hôm 31/10, thời điểm mà các cuộc họp quan trọng của Đảng và các ngày lễ cận kề đã hoàn tất.
Các nhà chức trách kêu gọi người dân ở yên tại chỗ trong dịp Tết Trung Thu từ thứ Bảy đến thứ Hai và kỳ nghỉ kéo dài một tuần vào đầu tháng Mười.
Tại thủ đô Bắc Kinh, các hạn chế đi lại đã được thắt chặt vào đầu tuần này. Phát ngôn viên của chính quyền Bắc Kinh cho biết trong một cuộc họp báo hôm 03/09, những người đã đến các đơn vị hành chính cấp quận mà có một ca duy nhất được xác nhận trong thời gian bảy ngày sẽ bị cấm vào thành phố này.
Những cái giá phải trả
Những cái giá phải trả khi tuân thủ chiến lược zeo-Covid của ĐCSTQ ngày càng đắt đỏ hơn.
Việc phong tỏa hàng chục triệu người hồi đầu năm nay đã làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, khiến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục và các công ty ngoại quốc chuyển vốn đầu tư ra khỏi đất nước. Xét đến đợt phong tỏa mới nhất này, các nhà kinh tế tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Hôm thứ Ba (06/09), Ngân hàng Nomura đã cắt giảm dự báo GDP cả năm xuống còn 2.7% từ mức 2.8% được dự báo hồi tháng Tám, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Bắc Kinh là “khoảng 5.5%”.
Tuy nhiên, đợt phong tỏa dường như không ngừng này đã gây ra bao khổ sở cho dân chúng. Tại Thành Đô, các video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy người dân bị cấm chạy khỏi nhà sau trận động đất mạnh 6.8 độ hồi đầu tuần.
Một phụ nữ đến từ Quý Dương, một thành phố vùng tây nam với hơn một nửa thành phố bị phong tỏa kể từ hôm 05/09, cho biết nhiều người trong khu dân cư của bà đang chịu đựng tình cảnh thiếu lương thực. Bà sống ở Khu Hoa Quốc Viên (Huaguoyuan), nơi có khoảng 400,000 cư dân.
“[Đợt phong tỏa] diễn ra quá đột ngột nên nhiều người không kịp chuẩn bị sẵn đồ dự trữ,” bà nói với The Epoch Times hôm 08/09. “Chúng tôi đang ở trong một tình cảnh khá khó khăn.”
Kiểm soát
Trong khi đó, những người khiếu kiện và bất đồng chính kiến cho rằng giới quan chức đang sử dụng các biện pháp kiểm soát COVID để công chúng không chú ý đến họ, do vậy không làm gián đoạn đại hội sắp tới của ĐCSTQ.
Sau khi một người tên là Dương Gia Hào (Yang Jiahao) viết và công bố một bức thư cho nhà lãnh đạo Trung Quốc để phản đối phán quyết của chính quyền địa phương về vụ kiện của mình, ông đã bị tống giam hơn 400 ngày. Hôm 05/09 ông lên kế hoạch đến Bắc Kinh với hy vọng tìm lại công lý.
Nhưng ý định kiến nghị này bị buộc phải hủy bỏ. Một buổi sáng, ông nhận thấy mã cá nhân trên ứng dụng theo dõi sức khỏe bắt buộc đột nhiên chuyển sang màu đỏ. Ông Dương cho biết ông đã xét nghiệm âm tính hôm 04/09 trước khi bị giới chức địa phương triệu tập vào cuối ngày hôm đó. Mã màu đỏ có nghĩa là ông không được đi đến mọi nơi, từ nhà vệ sinh công cộng, các cửa hàng cho đến ga tàu và phải bị cách lý bắt buộc.
Hôm 08/09 ông Dương nói với The Epoch Times rằng hiện ông đang bị cách ly tại nhà, mặc dù hôm thứ Năm ông xét nghiệm lần hai vẫn cho kết quả âm tính. Ông cho biết các quan chức đã niêm phong cửa nhà ông bằng giấy và cài đặt hệ thống báo động điện tử để thực thi cách ly tại nhà, mặc dù trong nhà ông hầu như không có thực phẩm.
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya, Gu Xiaohua, Xiao Lvsheng, Li Xi, và Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times