Trung Quốc: Các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa nổ ra ở Quảng Châu
Người dân yêu cầu cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm
Không thể chịu đựng được tình trạng phong tỏa kéo dài và thiếu lương thực, nhu yếu phẩm hàng ngày, và điều trị y tế kịp thời, rất đông người dân ở khu trung tâm thương mại phía nam Quảng Châu của Trung Quốc đã xuống đường biểu tình hôm thứ Hai (14/11).
Các video clip và bài đăng trực tuyến đã cho thấy mọi người đang phá bỏ các loại hàng rào và rào chắn, sau đó diễn hành trên đường phố ở Quận Hải Châu của Quảng Châu cho đến khi họ bị các trạm kiểm soát và công an chặn lại.
Quảng Châu đã bùng phát một đợt dịch bệnh COVID-19 mới bắt đầu từ hôm 22/10, báo cáo tổng cộng 33,166 ca dương tính từ hôm 22/10 đến hôm 15/11, theo cổng thông tin tài chính Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc.
Quận Hải Châu, phía nam Quảng Châu, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt đại dịch gần đây. Gần 95% các ca nhiễm được báo cáo hôm 14/11 đã được tìm thấy ở Quận Hải Châu, theo phương tiện truyền thông nhà nước Nhân dân Nhật báo.
Việc phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian dài đã gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt trong cộng đồng cư dân, và các cuộc biểu tình đã nổ ra tại các ngôi làng nội đô của Quận Hải Châu vào tối hôm 14/11.
Biểu tình quy mô lớn
Sau 8 giờ tối hôm 14/11, người dân ở nhiều phường của Quận Hải Châu đã bắt đầu tập trung xuống đường để phản đối lệnh phong tỏa kéo dài.
“Trước 9 giờ, các cuộc biểu tình đã bắt đầu ở thôn Đại Đường. Nhiều người đã tham gia cuộc biểu tình. Hơn 1,000 cư dân từ một cộng đồng ở Phường Nam Châu đã biểu tình,” một cư dân của Phường Nam Châu nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 15/11.
Thôn Đại Đường nằm dưới sự quản lý của Phường Nam Châu. Người đàn ông này đã sử dụng tên “Mr. Li” (ông Lê) như một bí danh do lo ngại cho sự an toàn của mình.
Ông Lê nói: “Chúng tôi chỉ yêu cầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa và cung cấp thực phẩm cũng như các nhu yếu phẩm hàng ngày.”
Ông Lê nói thêm, “Chúng tôi đã bị phong tỏa hơn 20 ngày. Chúng tôi không thể rời khỏi nơi cư trú của mình để lấy thức ăn, và chúng tôi chưa nhận được bất kỳ nhu yếu phẩm nào mà nhà hảo tâm quyên góp. Chúng tôi phải mua thực phẩm với giá cắt cổ, nhưng chúng tôi không có bất kỳ khoản thu nhập nào trong thời gian phong tỏa.”
Những cư dân biểu tình đã xé toạc hàng rào và xô đổ các rào chắn. Họ diễn hành đến tận cổng làng, nơi có các trạm kiểm soát, lính canh, và công an, ông Lê cho biết.
Theo ông Lê, dân làng đã bắt đầu đàm phán với chính quyền địa phương ở lối ra. Họ trở về nơi ở của mình sau 10 giờ tối khi họ được các quan chức địa phương hứa sẽ cung cấp thực phẩm và điều trị y tế cho họ.
Người biểu tình xô đẩy hàng rào
Đoạn video trên bao gồm một số clip cho thấy đám đông người đi bộ trên đường phố, một số người xô đổ các hàng rào chắn và một số hô vang “Dỡ bỏ phong tỏa!”
Trong phần sau của video, những người biểu tình đối đầu với công an và nhân viên phòng dịch trong bộ đồ bảo hộ, ném hộp giấy vào cảnh sát và nhân viên chính quyền. Người ta nghe thấy một người đàn ông hét lên: “Cảnh sát đang đánh người! Một thai phụ đã mất đi đứa con trong bụng! Chính quyền phải cho chúng tôi một lời giải thích, nếu không, chúng tôi sẽ không rời đi!” Một người phụ nữ được cho là đã bị sảy thai do bị phong tỏa, và người chồng dường như đã bị công an đánh đập, như những gì được chiếu trong đoạn video trên.
Khi những người biểu tình trong video đến một trạm kiểm soát, một người đàn ông có vẻ ngoài như là quan chức ra lệnh cho họ dừng lại. Nhiều xe công an đặc biệt được nhìn thấy đang chạy đến một địa điểm biểu tình.
The Epoch Times không thể kiểm chứng tính xác thực của đoạn phim.
Bên cạnh cuộc biểu tình ở Phường Nam Châu, những người lao động nhập cư ở Phường Giang Hải và đối diện với khu phức hợp văn phòng chính quyền quận Hải Châu cũng xuống đường biểu tình, ông Lê nói với The Epoch Times.
“Chắc chắn phải có hơn 10,000 người biểu tình [ở Quận Hải Châu],” ông Lê nói, đồng thời cho biết thêm rằng họ hầu hết đều đến từ quê hương của ông ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Các cuộc gọi đến Phường Nam Châu của The Epoch Times đã không nhận được hồi âm.
Hôm 05/11, chính quyền quận Hải Châu đã tuyên bố phong tỏa toàn bộ khu vực, cấm người dân rời khỏi nơi cư trú, đình chỉ các phương tiện giao thông công cộng, chuyển học tại trường sang học trực tuyến, và cấm người dân quay đi làm.
Quận Hải Châu nằm ở phía nam Quảng Châu. Quận này quản lý 18 phường và là nơi sinh sống của 1.8 triệu cư dân, nhiều người trong số họ là lao động nhập cư chủ yếu từ tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc và các tỉnh lân cận.
Bùng phát ở ‘những ngôi làng trong phố’
Trong đợt bùng phát COVID-19 gần đây tại Quận Hải Châu, phần lớn các trường hợp được ghi nhận ở bốn phường là Phượng Dương, Giang Hải, Xích Cương, và Nam Châu. Họ có những “ngôi làng trong phố” lớn trong phạm vi quyền hạn của mình, và hầu hết cư dân đều là lao động nhập cư từ Hồ Bắc, Hồ Nam, và các vùng nông thôn của tỉnh Quảng Đông.
Các ngôi làng thành thị từng là vùng ngoại ô nông thôn của các siêu đô thị như Quảng Châu. Khi những siêu đô thị này mở rộng ra vùng ngoại ô, những người nông dân trước đây trở thành cư dân đô thị sau khi chính quyền lấy đi đất canh tác của họ. Họ xây dựng các tòa nhà san sát nhau trên khu đất được để lại cho họ, sau đó họ cho thuê làm khu dân cư, khu công nghiệp, và thương mại cho người lao động nhập cư với giá thuê thấp hơn so với giá thuê ở các khu vực trung tâm thành phố.
Một bài báo từ cổng thông tin Liên Hợp Tảo Báo (Zaobao) của Singapore nói rằng cuộc biểu tình ở Quảng Châu là do không đủ nguồn cung cấp thực phẩm, vì người lao động nhập cư không được ghi trong hệ thống đăng ký hộ khẩu của chính quyền địa phương và không được chính quyền phân phát nhu yếu phẩm miễn phí cho người dân địa phương.
Một cư dân khác của Quận Hải Châu, với bút danh là Mr. Ye (ông Diệp), nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 15/11 rằng cư dân trong khu vực của ông cũng xuống đường vào đêm 14/11.
Ông Diệp nói rằng ông sống không xa khu phức hợp văn phòng chính quyền Quận Hải Châu. Ông Diệp cho biết những người biểu tình tập trung gần văn phòng chính quyền quận để phản đối việc phong tỏa vô nhân đạo.
“Xe cảnh sát và xe cứu thương đã chạy đến và tiếng còi cảnh sát có thể nghe thấy ở khắp mọi nơi,” ông cho biết. Ông nói rằng nhiều cảnh sát đã đến khu phức hợp chính quyền này để trấn áp cuộc biểu tình.
Ông Diệp cũng nói với The Epoch Times rằng đã có hơn 10,000 người biểu tình trong quận vào đêm hôm 14/11.
“Sau khi chúng tôi phản đối, chính quyền thành phố Quảng Châu đã giao hàng miễn phí cho chúng tôi. Nếu chúng tôi không biểu tình, thì chúng tôi đã không nhận được đồ tiếp tế miễn phí này,” ông Diệp nói.
Khó khăn cho người lao động nhập cư
Bộ phận những người lao động nhập cư đang bị đối xử bất công ở Trung Quốc bởi cả chính quyền lẫn cư dân có hộ khẩu thành thị, mặc dù những lao động này đóng góp đáng kể cho sự phát triển đô thị và nền kinh tế. Theo hệ thống ghi danh hộ khẩu của Trung Quốc, được gọi là “hukou” trong tiếng Trung Quốc, những người lao động nhập cư không có hộ khẩu thành thị và bị loại khỏi hệ thống phúc lợi xã hội của các thành phố nơi họ làm việc, và con cái của họ không được nhận vào các trường công lập ở các thành phố này.
Người dân địa phương gọi họ là “dân đen.”
Ông Lê phàn nàn rằng khi họ xét nghiệm dương tính với COVID-19, không một ai từ chính quyền địa phương chăm sóc cho họ. Khi người lao động nhập cư bị sốt và yêu cầu nhân viên chính quyền cho thuốc hạ sốt, họ không nhận được bất kỳ loại thuốc nào từ nhân viên chính quyền.
Ông Lê nói “Có một đứa trẻ bị sốt cao và ông bà của đứa trẻ đó đã quỳ xuống để cầu xin sự giúp đỡ, nhưng các nhân viên chính quyền đã phớt lờ họ. Lần này chúng tôi cũng biểu tình đòi công lý cho những người dân nghèo này.”
Hôm 14/11, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã đưa tin rằng ông của một đứa trẻ đã quỳ xuống và khấu đầu trước các nhân viên gác trạm kiểm soát, cầu xin họ cho phép họ ra ngoài để đưa đứa trẻ đến bệnh viện vì đứa trẻ bị sốt cao. Người đàn ông lớn tuổi đã liên tục gọi đến số điện thoại khẩn cấp của xe cứu thương và văn phòng chính quyền phường Nam Châu, và đến tối hôm đó, họ đã không nhận được sự trợ giúp nào. Nhân viên canh gác đã không cho phép họ rời khỏi khu dân cư.
Những người đứng xem đã phẫn nộ trước hành động làm ngơ của các nhân viên chính quyền và phá bỏ tất cả các rào chắn tại trạm kiểm soát đó.
Cư dân: Phong tỏa ảnh hưởng đến doanh nghiệp và thu nhập
Ông Lê cho biết ông đang kinh doanh buôn bán hàng may mặc và có xưởng may riêng.
“Ngày nào cũng phải chi ra nhiều khoản, nhưng không có một đồng thu nhập nào,” ông Lê phàn nàn. Ông nói rằng ông đã chuẩn bị khoảng 300,000 bộ quần áo cho đợt giảm giá hôm 11/11 nhưng không một bộ quần áo nào được bán trong mùa mua sắm này. Ông đã phải chịu tổn thất lớn, ông Lê nói.
Ông kể ông đã thuê hơn một chục công nhân làm việc trong nhà máy may mặc, những người này đều đã bị cách ly trong xưởng và không thể trở về nhà thuê của họ.
Ngày 11/11 được gọi là “Ngày lễ Độc Thân,” một ngày lễ không chính thức của Trung Quốc và cũng là một mùa mua sắm của những người độc thân ở Trung Quốc. Ngày (11/11) giống như một cây gậy trần trụi, là tiếng lóng hiện đại của Trung Quốc để chỉ một người đàn ông chưa lập gia đình, người mà chưa gắn thêm “nhánh” vào gia phả của nhà mình. Đây là một thời điểm phổ biến cho những người trẻ tuổi mua sắm quà tặng để kỷ niệm ngày độc thân.
Ông Lê cho biết nhiều người sống ở cùng khu vực từ tỉnh Hồ Bắc cũng làm trong ngành may mặc như ông. Họ cũng chịu tổn thất lớn trong năm nay vì không thể gửi sản phẩm cho khách hàng do lệnh phong tỏa.
Theo báo cáo của Netease, một cổng thông tin trực tuyến lớn ở Trung Quốc, tổ dân phố Khang Lộ của phường Phượng Dương, cũng thuộc khu vực quản hạt của Quận Hải Châu, có diện tích chưa đến 0.4 dặm vuông (1 km vuông), nhưng dân số của phường này lên tới hơn 100,000 người. Hơn 5,200 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc và nhà kho đều tập trung trong khu vực nhỏ này.
Hôm 15/11, hãng thông tấn tài chính Tài Tân của Trung Quốc đưa tin rằng cư dân của thôn Đại Đường, phường Giang Hải, đã chạm trán với các nhân viên phòng chống dịch địa phương vào tối hôm 14/11 vì họ không có thu nhập trong thời gian phong tỏa và việc cách ly kéo dài càng khiến họ tức giận.
Ông Diệp, cũng là một chủ doanh nghiệp trong ngành may mặc, nói rằng ông đang phải chịu áp lực rất lớn về tài chính và tinh thần.
“Tôi có ba nhà máy [may mặc], tôi phải trả hơn 3,000 USD tiền thuê mỗi tháng,” ông Diệp nói. Các đợt phong tỏa buộc ông phải tạm dừng sản xuất và kinh doanh, nhưng ông vẫn phải trả tiền thuê nhà trong thời gian phong tỏa.
“Tôi không kiếm được tiền; Tôi đang bị lỗ hàng tháng. Tôi phải nuôi gia đình mình, bao gồm cả cha mẹ tôi. Tôi phải trả tiền học phí cho con tôi. Vợ tôi [luôn] hỏi tôi về tiền chi tiêu hàng ngày. … Tôi đang chịu áp lực tinh thần rất lớn,” ông Diệp nói, và cho biết thêm rằng ông cảm thấy rất chán nản.
Hôm 16/11, ủy ban y tế tỉnh Quảng Đông đã báo cáo có đến 8,883 ca nhiễm COVID-19 tại tỉnh này. Trong số đó, 8,761 ca nhiễm được báo cáo tại Quảng Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh. Đây là số ca mắc bệnh cao nhất được ghi nhận ở Quảng Đông kể từ khi đại dịch bùng phát gần đây.
Bản tin có sự đóng góp của Phương Hiểu và Cố Hiểu Hoa
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times