Biểu tình phản đối phong tỏa COVID làm rung chuyển nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất của Apple ở Trung Quốc
Hàng trăm công nhân đã đụng độ với cảnh sát tại cơ sở lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, nơi đã bị đặt trong tình trạng phong tỏa COVID-19 trong những tuần gần đây, theo các video trực tuyến và các công nhân ở địa điểm này.
“Bảo vệ quyền lợi của chúng ta!” các công nhân tại nhà máy của Foxconn Technology Group đã hô vang như vậy vào đêm hôm thứ Ba (22/11), theo một video lan tỏa bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội hôm thứ Tư.
Trong một cảnh, hàng trăm công nhân chen lấn và xô đẩy các bảo vệ trong bộ đồ bảo hộ trắng, trong khi những người khác la hét “cố lên, cố lên!” Một video khác cho thấy hơi cay đang được phun ra và các công nhân xô đổ hàng rào cách ly. The Epoch Times không thể xác minh các video này ngay lập tức.
Điều gây ra các cuộc biểu tình, nổ ra vào cuối ngày hôm thứ Ba, là việc thù lao bị trì hoãn và lo sợ bị lây nhiễm, bốn công nhân mới tại nhà máy này nói với The Epoch Times. Họ cho biết thêm rằng hàng trăm cảnh sát mặc áo trắng, bao gồm cả cảnh sát chống bạo động, đã tràn vào hiện trường và đánh người biểu tình bằng dùi cui.
Bảy hoặc tám cảnh sát liên tục dùng gậy tấn công một người, và máu chảy ra từ đầu anh ta, một công nhân nói với The Epoch Times. “Rất nguy hiểm. Tôi đang cố gắng chạy trốn khi nhìn thấy cảnh tượng đó.”
Tình trạng bất ổn hiếm hoi ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, chứng tỏ sự bất bình đang ngày càng gia tăng kể từ khi nhà máy này bị phong tỏa từ hồi tháng 10. Hơn 200,000 nhân viên tại nhà máy lắp ráp iPhone đã bị cô lập với bên ngoài, làm việc và sinh sống tại khu vực này trong hệ thống khép kín khi thành phố cố gắng ngăn chặn các đợt bùng phát mới.
Hàng ngàn công nhân đã trèo qua các hàng rào để cố gắng rời khỏi nhà máy khi công ty thông báo đóng cửa hồi tháng trước. Những người cố gắng đi bộ để thoát ra khỏi khuôn viên nhà máy cho biết vào thời điểm đó họ không thể chịu đựng được các quy tắc kiểm dịch khắc nghiệt và các điều kiện sống tồi tệ bao gồm tình trạng thiếu lương thực và chăm sóc y tế.
Để giữ chân nhân viên và thu hút thêm công nhân, Foxconn đã phải đưa ra các khoản thù lao và mức lương cao hơn. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc, với một số nơi thúc giục quân nhân đã về hưu và đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thay ca làm việc, theo báo cáo của truyền thông địa phương.
“Chúng tôi đã bị lừa,” một công nhân thứ hai đến từ thành phố Thâm Quyến, miền nam nước này cho biết. Anh ta tuyên bố công ty đã không trả thù lao và trì hoãn khoản thanh toán mà họ đã hứa trong các hợp đồng trực tuyến. “Tôi đã đi hơn 1,500 km (970 dặm) [để đến đây làm việc] và sau đó họ thay đổi các điều khoản hợp đồng.”
“Tôi chỉ còn lại khoảng 100 nhân dân tệ (13 USD). Tôi phải đi đâu bây giờ?” Anh nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times. “Nếu tôi quay lại Thâm Quyến, có lẽ tôi sẽ bị cách ly một lần nữa. Tôi không biết liệu mình có cần phải trả tiền cho việc cách ly hay không.”
Các thành phố của Trung Quốc thường yêu cầu mọi người phải cách ly khi họ đến. Khoản thanh toán bắt buộc thường dành cho chỗ ở tại khách sạn, và họ cũng cần phải trả tiền ăn uống.
Một công nhân thứ ba cho biết họ buộc phải ở chung ký túc xá với các đồng nghiệp có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
“Tôi không thể làm việc với một người bị nhiễm bệnh. Tôi sợ bị nhiễm virus,” người đàn ông này nói với The Epoch Times hôm thứ Tư. “Nhưng nếu tôi rời đi và trở về quê, thì tôi sẽ bị cách ly và [bị buộc phải] trả tiền cho việc cách ly bắt buộc.”
Trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng sớm thứ Tư, Foxconn cho biết họ đã hoàn thành các hợp đồng thù lao và các báo cáo về nhân viên bị nhiễm bệnh sống trong khuôn viên nhà máy cùng với những công nhân mới là “không đúng sự thật.”
“Về bạo lực, công ty sẽ tiếp tục liên lạc với nhân viên và chính phủ để ngăn chặn những vụ việc tương tự lại xảy ra,” công ty này cho biết thêm.
Cuộc biểu tình hôm thứ Ba nhấn mạnh sự thất vọng dâng cao đối với các quy tắc COVID cực kỳ khắc nghiệt của chính quyền ĐCSTQ. Chính sách zero COVID của nhà cầm quyền này — vốn dựa vào các đợt phong tỏa đột xuất, giám sát hàng loạt, và cách ly bắt buộc — đã kéo nền kinh tế của đất nước đi xuống và tàn phá các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng ĐCSTQ khó có thể sớm giảm bớt cách tiếp cận khắc nghiệt của họ.
“Zero COVID đã là một vỏ bọc [của ĐCSTQ] để mở rộng kiểm soát chính trị,” Tiến sĩ Rory Truex, phó Giáo sư Chính trị và Sự vụ Quốc tế, nói trong một phiên điều trần hôm 16/11.
Theo Reuters, tính đến chiều hôm thứ Tư, hầu hết các cảnh quay trên Kuaishou, một ứng dụng video dạng ngắn phổ biến ở Trung Quốc, đã bị gỡ xuống.
Những đợt phong tỏa mới nhất và sự bất mãn trong người lao động dự kiến sẽ tiếp tục cản trở hoạt động sản xuất của Apple Inc. Foxconn là nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, chiếm 70% lượng iPhone xuất xưởng trên toàn cầu. Công ty này sản xuất hầu hết điện thoại ở nhà máy Trịnh Châu, mặc dù cũng có các địa điểm sản xuất nhỏ hơn khác ở Ấn Độ và miền nam Trung Quốc.
Đầu tháng này, Apple đã đưa ra một cảnh báo hiếm hoi rằng các hạn chế COVID ở Trịnh Châu đã tác động “đáng kể” đến chuỗi cung ứng iPhone của họ — đặc biệt là các mẫu iPhone 14 cao cấp — trước cao điểm mùa lễ.
Bản tin có sự đóng góp của Cố Hiểu Hoa, Hồng Ninh, and Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times