Trung Quốc: Biểu tình nổ ra khắp cả nước trong bối cảnh chính quyền mở rộng các đợt phong tỏa do COVID
Các cuộc biểu tình phản đối các đợt phong tỏa do COVID-19 đã nổ ra ở các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh được ghi nhận tăng cao.
Bất chấp các quy định phòng ngừa dịch bệnh mới của chính quyền nhằm ngăn chặn các biện pháp kiểm soát thái quá của chính quyền địa phương, Trung Quốc vẫn đang tuân thủ các chính sách hạn chế “zero COVID”. Với số ca nhiễm tăng nhanh, thêm nhiều thành phố đã mở rộng các đợt phong tỏa, khiến công chúng ngày càng phẫn nộ.
Mới đây, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước này. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra ở Tân Cương, Quảng Châu, Thượng Hải, Trịnh Châu, và các thành phố khác để phản đối những biện pháp kiểm soát “zero COVID” này. Những cư dân phẫn nộ đã phá bỏ và xô đổ hàng rào, đồng thời hô vang các khẩu hiệu “đả đảo Đảng Cộng Sản” và “Tập Cận Bình nên từ chức.” Trước những cuộc biểu tình này, các nhà chức trách ở một số nơi đã phải đưa ra các thông báo nói rằng không có lệnh phong tỏa nào hoặc những lệnh phong tỏa đó đã được dỡ bỏ.
Hồi đầu tháng Mười Một, số ca nhiễm mới được báo cáo ở Bắc Kinh đã vượt quá 10,000 ca. Mặc dù đã bổ sung 20 quy định phòng dịch mới, các nhà chức trách Bắc Kinh đã không dám tuyên bố phong tỏa toàn thành phố, tuy nhiên hầu hết các khu vực trong thành phố này đã thực sự bị phong tỏa.
Người dân Bắc Kinh không tuân thủ các lệnh phong tỏa
Nhiều cư dân ở Bắc Kinh không thể chịu đựng thêm được nữa, hoặc họ đã phá bỏ rào chắn và tự giải thoát cho bản thân, bất chấp những lệnh phong tỏa này, hoặc yêu cầu chính quyền dỡ bỏ phong tỏa thông qua các hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Hôm 27/11, cô Lý từ quận Đại Hưng của Bắc Kinh nói với The Epoch Times rằng cộng đồng dân cư nơi cô sống đã bị phong tỏa, và toàn bộ thành phố hầu như bị phong tỏa trong những ngày này. “Mọi người trong cộng đồng của chúng tôi đã xô đẩy những cánh cửa bị niêm phong của họ để đi ra ngoài. Ở các cộng đồng phía sau và bên cạnh chúng tôi, cư dân cũng đã phá bỏ rào chắn và đi ra ngoài.” Cô cũng tiết lộ rằng những cửa hàng vẫn mở cửa kinh doanh bất chấp lệnh phong tỏa không chính thức này từ chính quyền địa phương.
Những cộng đồng dân cư này ở Bắc Kinh thường xuyên bị phong tỏa do những cá nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID. Những cư dân này đã bắt đầu thực hiện các hành động tập thể để hỗ trợ những người hàng xóm nào của họ có kết quả xét nghiệm dương tính và không muốn bị các nhà chức trách cưỡng chế đưa đi cách ly tập trung.
Theo một báo cáo của ifeng.com, một hãng thông tấn do chính quyền Trung Quốc kiểm soát, tại khu dân cư rộng lớn Vọng Kinh (Wangjing) của Bắc Kinh, cư dân trong nhiều cộng đồng đã đăng các bức thư công khai trên mạng xã hội Trung Quốc, nêu rõ: “Nếu những người hàng xóm bị nhiễm bệnh gặp phải bất kỳ hình thức ép buộc nào như cách ly và tái xét nghiệm và các biện pháp liên quan khác, tôi sẵn sàng hỗ trợ họ bảo vệ các quyền cá nhân của họ theo quy định của pháp luật.” “Chúng tôi không quy trách nhiệm hay phân biệt đối xử với những người hàng xóm vô tội bị nhiễm bệnh. Đây là để duy trì sự tôn trọng đạo đức căn bản nhất cho nhân loại trong một xã hội văn minh! Và chúng tôi mang đến cho họ sự giúp đỡ nhiều nhất có thể.”
Nhà quan sát Trung Quốc Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) cho biết trong chuyên mục của mình cho The Epoch Times: “Hành động này của cư dân Bắc Kinh là sự hỗ trợ tự tổ chức chống lại sự kiểm soát hà khắc của chính quyền đối với COVID và hành động này cho thấy sự thức tỉnh của họ.”
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Tân Cương
Sau khi một vụ hỏa hoạn xảy ra tại thành phố Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) vốn đang bị phong tỏa ở khu vực Tân Cương hôm 25/11 khiến 10 người thiệt mạng và 9 người bị thương, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều nơi trong thành phố, hơn nữa những cư dân phẫn nộ đã yêu cầu dỡ bỏ tình trạng phong tỏa toàn thành phố vốn đã kéo dài ba đến bốn tháng nay. Hôm 26/11, những nhà chức trách tại đây đã nới lỏng kiểm soát, loan báo rằng các cư dân nào đã ở trong cộng đồng dân cư của họ trong 3 ngày có thể rời khỏi cộng đồng kể từ lúc đó, và các cửa hàng được phép mở cửa trở lại. Các khu vực có nguy cơ cao không phát hiện ca nhiễm mới trong 5 ngày liên tiếp có thể được giảm xuống thành khu vực có nguy cơ thấp, và người dân được phép xuống tầng dưới hoặc ra ngoài.
Hôm 26/11, một cư dân của Cộng đồng Liên Hưng (Lianxing) ở thành phố Urumqi nói với The Epoch Times rằng nhiều cư dân đã vội vã rời khỏi cộng đồng của họ vào đêm 25/11. “Có nhiều người đã ra ngoài để biểu tình ở tất cả các cộng đồng ở Urumqi, tất cả họ đều ra ngoài.”
Một người dân là chủ một nhà hàng ở quận Mễ Đông (Midong) cho biết: “Ai nấy đều cảm thấy ngột ngạt [vì tình trạng phong tỏa] đến mức sắp nổ tung, và các nhà hàng nên được phép mở cửa ngay sau cuộc biểu tình này. Lần này cuộc biểu tình khá dữ dội nên có tác dụng, hơn nữa khá nhiều người ở các cộng đồng khác cũng ra đường. Chúng tôi đã bị phong tỏa quá lâu rồi.”
Một chủ siêu thị ở Thủy mộc Thương thành (Shuimu Shangcheng) ở Urumqi nói với The Epoch Times rằng cửa hàng của cô đã được phép mở cửa trở lại hôm 26/11.
Cư dân Quảng Châu ẩu đả với cảnh sát
Một video đang lan truyền trên mạng xã hội từ hôm 25/11 cho thấy người dân ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu đã ẩu đả với cảnh sát vào ngày hôm đó. Họ phá hàng rào sắt, ném ghế và các đồ vật khác từ những căn lều phòng chống dịch của chính quyền trong khu phố của họ.
Ông Mạnh (bí danh), một người dân ở thôn Hậu Giáo nằm ở quận có nhiều công nhân nhập cư làm việc tại Quảng Châu, đã xác nhận với The Epoch Times rằng vụ việc là có thật. “Bây giờ quá hỗn loạn, dịch bệnh bùng phát khắp nơi, và quận Hải Châu đã bị phong tỏa hoàn toàn.” Ông Mạnh nói rằng nguyên nhân trực tiếp của xung đột này là do cửa hàng cộng đồng bán thuốc lá với giá cao trong thời gian phong tỏa, và những người dân lao động địa phương đã ẩu đả với chủ cửa hàng.
Ông Mạnh nói, “Khu vực của chúng tôi đã ngừng hoạt động trong một tháng. Một số người không thể mua được thức ăn, và nhiều người không có gì để ăn.” Người dân đã nhân cơ hội này mà nổi dậy.
Một cư dân khác, ông Thẩm (bí danh), nói với The Epoch Times rằng chính quyền chỉ phân phát thực phẩm duy nhất một lần từ hôm 16/11, và những lần khác họ chỉ có thể mua rau và thực phẩm khác với giá cao.
Ông Mạnh cho biết, sau vụ việc với chủ cửa hàng đó, một vài xe cảnh sát đã đến và bắt đầu một vụ xung đột bạo lực với cư dân. Vì vậy, những người bán rau từ bên ngoài không thể vào, và các quan chức không cho người dân ra ngoài mua thức ăn. “Không có thức ăn, mọi người trút giận lên nhau bằng những trận ẩu đả và cãi vã. Họ [chính quyền] nhốt tất cả những công nhân nhập cư vào bên trong và không cấp thức ăn cho họ, [người dân] tất nhiên đã phá bỏ tất cả các tấm tôn phong tỏa khu vực này.”
“Cuộc xung đột kéo dài từ sáng đến tối,” ông Mạnh mô tả, “bốn hoặc năm xe cảnh sát đến, và kết thúc lúc 7 hoặc 8 giờ tối. Cuối cùng, có hàng ngàn người dân trong thôn đã ra ngoài bao gồm cả những người đứng xem. Cảnh sát đã mang theo vũ khí và dùi cui, và bắt giữ một số người. Cảnh sát chống bạo động đã đánh một số cư dân không có vũ khí.”
Trong khi đó, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Thượng Hải, Trịnh Châu, và các thành phố lớn khác.
Người dân Trung Quốc không thể chịu đựng được nữa
Ông Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang), một nhà kinh tế học tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ không thể biện minh cho các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt kéo dài 3 năm qua khiến mọi người phẫn nộ, và tình trạng này đã đạt đến ngưỡng ngoài sức đựng, khi ngày càng nhiều người tham gia biểu tình.
Hôm 27/11, nhà bình luận các vấn đề thời sự Huệ Hổ Vũ (Hui Huyu) nói với The Epoch Times rằng sự nổi dậy gần đây của người dân ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Tân Cương, Quảng Châu, và những nơi khác cho thấy sức nhẫn chịu của công chúng ở Trung Quốc đối với chính sách “zero COVID” đã đạt đến đỉnh điểm — người dân không thể chịu đựng nữa và họ muốn nổi dậy, nếu chính quyền không chủ động dỡ bỏ tình trạng phong tỏa, thì người dân sẽ nổi dậy lật đổ chính sách này. “90% người dân đã hô vang khẩu hiệu vang dội của một thời đại — đả đảo Đảng Cộng Sản. Tôi nghĩ rằng ĐCSTQ rất khó tồn tại trong thời gian này.”
Cố Hiểu Hoa, Tiêu Luật Sinh, Hồng Ninh, và Lạc Á đã đóng góp cho báo cáo này.
Thanh Tâm và Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times