Trung Quốc phong tỏa thị trường điện tử lớn nhất thế giới theo chính sách ‘Zero-COVID’
Đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phong tỏa thị trường điện tử lớn nhất thế giới và các quận thành thị thuộc siêu đô thị Thâm Quyến, vốn là trung tâm kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, một tổ chức tư vấn Trung Quốc đã cảnh báo về những rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, kêu gọi nhà chức trách thay đổi chính sách “zero-COVID” để giúp cho nền kinh tế.
Sau khi 11 ca COVID-19 tại địa phương nhiễm biến thể Omicron được nhà chức trách ở Thâm Quyến chính thức báo cáo hôm 29/08, thì ba trong số mười quận của thành phố này; Phúc Điền (Futian), Long Cương (Longgang), và La Hồ (Luohu), đã bị phong tỏa.
Phúc Điền được xếp hạng thứ hai về đóng góp vào GDP năm 2021 của Thâm Quyến, Long Cương đứng thứ ba, và La Hồ đứng thứ sáu. Cùng với nhau, ba quận này chiếm hơn 40% GDP của Thâm Quyến.
Theo điều tra dân số Trung Quốc năm 2020, dân số của Phúc Điền là 1.55 triệu người, quận Long Cương 4 triệu người, và quận La Hồ 1.14 triệu người.
Không ai trong số 11 bệnh nhân bị nhiễm bệnh sinh sống hoặc đã đi tới quận Long Cương. Tuy nhiên, quận này vẫn đang bị phong tỏa.
Các hoạt động sản xuất và kinh doanh đã bị đình chỉ, và tất cả người dân trong các quận này được yêu cầu xét nghiệm PCR mỗi ngày trong bốn ngày tới. Sáu tuyến tàu điện ngầm và 24 ga tàu điện ngầm cũng đã ngừng hoạt động tại thành phố 18 triệu dân này.
Thị trường điện tử lớn nhất thế giới đóng cửa
Chợ điện tử lớn nhất thế giới – khu thương mại Hoa Cường Bắc (Huaqiangbei), nằm ở quận Phúc Điền—cũng đã bị đóng cửa, khiến việc buôn bán các bộ phận điện tử bị đình trệ.
Chính quyền địa phương thông báo chợ này sẽ đóng cửa cho đến ngày 02/09. Chợ có hàng nghìn gian hàng bán vi mạch, linh kiện điện thoại, và những linh kiện khác cho các nhà sản xuất.
Các biện pháp kiểm soát COVID-19 cực đoan của ĐCSTQ — hiện đã khiến 6.70 triệu người ở ba quận của Thâm Quyến bị phong tỏa vì 11 ca nhiễm được báo cáo — đã khiến nhiều người phàn nàn.
Hôm 30/08, một người dân Thâm Quyến họ Dương (Yang) nói với NTDTV, “Tôi không thể ra ngoài, tôi không thể mua rau. Tình hình đang leo thang. Đầu tiên, họ nói phong tỏa trong ba ngày. Sau đó, thời hạn bị kéo dài thêm, và sẽ được kéo dài hết lần này đến lần khác.”
Một cư dân khác ở Thâm Quyến, người không cho biết tên vì lý do an toàn, nói với NTD, “Trong vài năm qua, người dân ở Thâm Quyến không thể kiếm tiền. Hoặc là lương của họ bị giảm hoặc là họ bị cho nghỉ việc. Nhiều công ty đã đóng cửa, và nhiều trẻ em đã đang không được đến trường [vì các đợt phong tỏa]. Tôi thậm chí không biết bây giờ ở Thâm Quyến có gì đáng để ở lại.”
Các biện pháp kiểm soát thắt chặt mới nhất diễn ra sau chuyến thăm và diễn thuyết gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Thâm Quyến. Ông Lý tuyên bố rằng chính quyền sẽ tiếp tục các chính sách mở cửa tập trung vào phát triển kinh tế của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình. Theo chính sách của ông Đặng và với sự trợ giúp của nước ngoài, Thâm Quyến đã nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế của Trung Quốc chỉ trong vài thập niên.
Về những thông điệp mâu thuẫn mà ĐCSTQ đưa ra, nhà bình luận về các vấn đề thời sự tại Canada Văn Triệu (Wen Zhao) đã chỉ ra trong chương trình trò chuyện của ông trên YouTube rằng việc này phản ánh sự đấu đá nội bộ ngày càng gay gắt giữa các phe phái chính trị của ĐCSTQ trước đại hội đảng sắp diễn ra vào tháng Mười.
Những biện pháp thắt chặt ở Thâm Quyến cho thấy các biện pháp “zero-COVID” và chính sách cách ly của ông Tập Cận Bình có ưu thế hơn so với việc mở cửa và phát triển đường lối kinh tế của đảng do Thủ tướng Lý đại diện, ông cho biết.
Rủi ro của nền kinh tế đình trệ
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Anbound, một tổ chức tư vấn của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, đã công bố một báo cáo chỉ ra rằng “Nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ đình trệ” do “tác động của các chính sách phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.”
Tổ chức này kêu gọi chính quyền Trung Quốc thay đổi các chính sách “zero-COVID” đã gây ra việc phong tỏa các thành phố và gián đoạn thương mại, để ngăn chặn “kinh tế đình trệ” trong nửa cuối năm nay.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times