Hai học viên Pháp Luân Công qua đời sau khi bị bức hại vào đầu năm mới
Trong suốt ba năm dịch bệnh và phong tỏa, chiến dịch bức hại học viên Pháp Luân Công của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc vẫn không ngơi nghỉ.
Vào đầu năm mới 2023, hai học viên Pháp Luân Công cao niên đã qua đời sau nhiều năm chịu đựng chiến dịch bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hai người bị bức hại đến tử vong là bà Thôi Tú Trân (Cui Xiuzhen) đến từ tỉnh Hà Bắc ở phía bắc Trung Quốc và ông Lưu Nhi Lễ (Liu Erli) đến từ tỉnh Hồ Nam ở miền trung nam Trung Quốc.
Vì tu luyện Pháp Luân Công nên họ đã bị bắt cóc, kết án phi pháp, và giam cầm trong các trại lao động cưỡng bức, và bị tra tấn vô số lần.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa dựa trên các nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn. Sau một quá trình lịch sử lâu dài chế độ Trung Quốc đàn áp các tôn giáo và tín ngưỡng chính thống, năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Trại lao động cưỡng bức Cao Dương
Bà Thôi đã qua đời hôm 10/01. Trước khi bị giam giữ và bức hại vào ngày 20/07/1999, thân thể của bà rất kiện khang.
Đến tháng 12/2000, khi bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện và kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, thì bà tiếp tục bị bắt cóc lần thứ hai.
Đầu tiên bà bị giam lỏng ở đội thứ năm của trại lao động cưỡng bức Thạch Gia Trang. Sau đó vào ngày 08/04/2001, bà bị chuyển đến đội thứ năm của Trại lao động cưỡng bức Cao Dương.
Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị gửi đến trại Cao Dương khi nhà cầm quyền không còn cách nào để buộc họ từ bỏ đức tin của mình.
Trại Cao Dương khét tiếng vì đạt “hiệu quả cao” khi cưỡng chế các học viên từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Theo báo cáo điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), trại cải tạo này sở hữu hơn 100 dùi cui điện tử điện áp cao và sử dụng hơn 50 phương pháp tàn ác vô nhân đạo đối với các nạn nhân bị cầm tù để đạt được mục tiêu bắt các học viên từ bỏ tín tâm tu luyện của mình.
Bên trong trại Cao Dương, các học viên Pháp Luân Công thường phải chịu đựng một phương pháp tra tấn đó là “ngồi xổm” trong thời gian dài.
Theo mô tả của những người sống sót, cai ngục bắt họ phải cởi bỏ hết giày và tất, chỉ đi chân đất và ngồi xổm, đồng thời hai cánh tay ra bị kéo căng sang hai bên và ép chặt xuống đất. Càng ngồi lâu, thắt lưng và chân của nạn nhân sẽ càng đau nhức, tê liệt, bầm tím, và sưng tấy.
Dùi cui điện là một công cụ phổ biến khác trong kho vũ khí tra tấn của ĐCSTQ. Một số công an dùng dùi cui điện để tra tấn nạn nhân, sốc điện liên tục từ đầu đến chân cho đến khi nạn nhân bị bỏng nặng.
Vào ngày 22/03/2003, khi bà Tú Trân được thả khỏi trại Cao Dương, trông bà hốc hác và xanh xao, người bà yếu đến nỗi không thể đi lại; bà chỉ có thể nói líu nhíu, tay chân của bà không phối hợp được với nhau, và trí nhớ bị suy giảm. Năm 2014, bà bị liệt và bị hội chứng mất ngôn ngữ (mất khả năng giao tiếp). Sau tám năm sống trong cảnh đau đớn dày vò, bà đã qua đời vào ngày 10/01/2023.
Bị bắt cóc 18 lần
Ông Lưu, một học viên Pháp Luân Công 81 tuổi, đã bị chế độ này cầm tù, tra tấn, và sách nhiễu hơn 22 năm.
Hồi cuối năm 2022, công an lại tìm cách đến nhà bắt cóc ông, họ chỉ từ bỏ ý định này khi thấy ông quá ốm yếu không thể đi lại được.
Kể từ khi bắt đầu cuộc đàn áp vào năm 1999, lực lượng công an cộng sản đã bắt giữ ông 18 lần một cách bất hợp pháp. Trong năm năm, ông đã bị giam giữ bất hợp pháp trong các trại lao động cưỡng bức bốn lần. Đến năm ông 75 tuổi, ông vẫn bị kết án 3 năm 6 tháng tù.
Trong thời gian bị giam giữ và cầm tù, ông đã bị đánh đập và sốc điện bằng dùi cui điện.
Đến ngày 21/07/2018, khi ông ra tù, sức khỏe của ông đã sa sút. Chế độ này không cho ông nhận lương hưu và cũng không ngừng theo dõi, sách nhiễu ông. Ông Lưu đã qua đời hôm 02/01.
Bức hại người cao niên
Theo một báo cáo từ Minghui.org, một nền tảng trực tuyến có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi lại và đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ ở Trung Quốc, năm 2022, ĐCSTQ đã bắt cóc và sách nhiễu ít nhất 7,331 học viên Pháp Luân Công.
Trong số 7,331 nạn nhân được xác nhận nói trên có 971 người, tương đương khoảng 13%, từ 60 tuổi trở lên vào thời điểm bị bắt giữ hoặc sách nhiễu, trong đó có 327 người ở độ tuổi 60, 438 người ở độ tuổi 70, 197 người ở độ tuổi 80, và 9 người ở độ tuổi 90.
Cụ bà Thôi Kim Thực (Cui Jinshi), 88 tuổi, ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, miền bắc Trung Quốc, bị bắt cóc vào ngày 13/04/2022 và bị tra tấn đến tử vong chỉ trong ngày hôm đó. Khi con trai bà nhìn thấy thi thể bà trong bệnh viện, ông phát hiện rằng cổ họng của mẹ mình đã bị rạch một đường.
Cụ ông Trương Tư Cầm (Zhang Siqin), một học viên Pháp Luân Công 69 tuổi đến từ thành phố Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc, đã bị bắt cóc khỏi nhà vào ngày 19/01/2022. Thân nhân của ông được biết ông đã qua đời trong Nhà tù Đại Liên hôm 27/01, chỉ mới 8 ngày sau khi bị giam giữ.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Khiết Tư
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times