Tín đồ Cơ Đốc và học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì đăng các thông điệp tôn giáo lên mạng
Vào thời điểm mà công dân của một quốc gia cộng sản như Trung Quốc đang phải sống trong cơn ác mộng về sự kiểm soát độc tài của nhà nước, thì ở ngoài kia những người dân trên toàn thế giới đang bắt đầu thức tỉnh trước những mối đe dọa ngày càng tăng đối với quyền tự do ngôn luận.
Ở Trung Quốc, nếu như một cá nhân bày tỏ bất kỳ quan điểm nào không phù hợp với luận điệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì chính là đang mạo hiểm mạng sống của mình. Nếu tôn giáo của một người không được ĐCSTQ chính thức thừa nhận, thì một hành động đơn giản như công khai niềm tin tôn giáo của họ trên mạng xã hội có thể dẫn đến việc họ bị giám sát hoặc thậm chí bị bắt giữ. Thậm chí cuộc đàn áp đức tin này còn trở nên tồi tệ hơn trong thời gian ông Tập Cận Bình trị vì đất nước.
Hồi tháng 03/2022, Trung Quốc đã ban hành các biện pháp quản lý thông tin tôn giáo trên mạng Internet sau khi ông Tập “than phiền” rằng mạng Internet đang được sử dụng để “quảng bá” đức tin và các trang mạng xã hội đang trở thành công cụ “tuyên truyền tôn giáo,” theo Bitter Winter.
ChinaAid báo cáo, kể từ khi bản dự thảo của biện pháp quản lý hành chính mới này được công bố hồi năm 2018, các phòng trò chuyện và một số nền tảng Internet được cho là đã nhận được “các cảnh báo về việc sử dụng các từ nhạy cảm như ‘Amen’ và ‘Jesus.’”
Dưới đây là một số câu chuyện về những gì đã xảy ra khi các học viên Pháp Luân Công và các tín đồ Cơ Đốc bị bức hại vì đã chia sẻ “thông tin nhạy cảm” trên mạng.
Giáo viên bị kết án 8 năm tù
Minghui.org đưa tin, hồi tháng 07/2022, ông Tôn Vạn Soái (Sun Wanshuai), một giáo viên mỹ thuật ngoài 50 tuổi sống ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án 8 năm tù với khoản tiền phạt 30,000 nhân dân tệ (khoảng 4,350 USD) vì đăng “thông tin nhạy cảm” về Pháp Luân Công trên WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội giống Facebook ở Trung Quốc. Công an mạng đã bắt ông, tịch thu máy điện toán và điện thoại di động của ông.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Pháp Luân Công được thực hành tự do ở hơn 100 quốc gia nhưng kể từ ngày 20/07/1999, pháp môn này đã bị bức hại ở Trung Quốc; vô số học viên đã bị bắt giữ và bị sát hại trong 23 năm qua.
Người truyền đạo Cơ Đốc bị bắt vì rao giảng phúc âm
Persecution.org đưa tin, vào ngày 05/03/2022, ông Trần Văn Thắng (Chen Wensheng), một tín đồ Cơ Đốc rao giảng phúc âm trên đường phố ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, đã bị bắt sau khi ông đăng một thông điệp trên mạng xã hội nhằm kêu gọi mọi người tham gia vào một đoàn mục sư dành cho các nhóm dân tộc thiểu số ở Trung Quốc.
Đến 11 giờ 02 phút sáng cùng ngày, công an Hồ Nam đã đến bắt ông đi. Trước đó, ông Trần đã bị bắt nhiều lần vì xuống đường truyền giáo.
Các ứng dụng và trang web của Cơ Đốc Giáo ngừng hoạt động
Vào ngày 01/09/2022, ứng dụng Cơ Đốc giáo đầu tiên của Trung Quốc, CathAssist, đã thông báo cả trang web và ứng dụng của họ sẽ “ngừng hoạt động,” theo ChinaAid.
Theo báo cáo của ChinaAid, nhóm điều hành của CathAssist cho biết họ “đã nhiều lần cố gắng xin Giấy phép Dịch vụ Thông tin Tôn giáo trên mạng Internet” kể từ khi bộ luật mới này được thực thi nhưng họ không đáp ứng được các yêu cầu của ĐCSTQ vì “các quan chức chính phủ yêu cầu cắt giảm đáng kể chức năng và nội dung.”
Một cựu nhân viên công an và một phó trưởng khoa bị kết án
Minghui.org đưa tin, hồi tháng 02/2021, học viên Pháp Luân Công Trương Hà (Zhang Xia), một cựu cảnh viên Thượng Hải, đã bị bắt vì đăng thông tin về Pháp Luân Công trên mạng xã hội. Hồi tháng 06/2022, người phụ nữ 53 tuổi này đã bị buộc tội “dùng mạng truyền thông để tuyên truyền tà giáo”, bị kết án 9 năm tù, và bị phạt 30,000 nhân dân tệ (khoảng 4,350 USD).
Hồi tháng 07/2018, ông Hoàng Đại Miểu (Huang Daimiao), từng là Phó trưởng Khoa Kinh doanh và Du lịch tại một trường cao đẳng nghề ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, đã bị kết án 4 năm tù giam và phạt 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,450 USD) vì gửi các video giảng rõ sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên WeChat.
Cấm xuất bản các chương trình phát sóng trực tiếp về Cơ Đốc Giáo
Theo ChinaAid, vào ngày 29/01/2021, Tam Tự Dĩ Ái Quốc, hay Hội Công Giáo Ái Quốc và Hội Cơ Đốc Giáo Thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã công bố một thông tri về “Các hạn chế đối với Giáo hội ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc: Cấm phát sóng trực tiếp cũng như phát hành các bài thuyết giáo dạng audio và video trên mạng.”
Theo bản tin trên, hai ngày trước đó, các tín đồ Cơ Đốc trong tỉnh này cũng bị cấm phát sóng các hoạt động tôn giáo qua Internet.
Cấm tổ chức thánh lễ trực tuyến
ChinaAid cũng đưa tin rằng vào ngày 11/07/2022, công an đã đột kích Nhà thờ Gặt hái Phúc âm Ba ngôi ở Thâm Quyến trong thời gian họ thực hiện thánh lễ trực tuyến. Các quan chức an ninh quốc gia, công an, và Cục Tôn giáo đã “đột nhập vào những căn phòng” trong lúc Mục sư Mao Chí Bân (Mao Zhibin) và Anh cả Sở Duyên Khánh (Chu Yanqing) đang cử hành thánh lễ qua ứng dụng Zoom.
Báo cáo trên cho biết buổi thánh lễ trực tuyến của Giáo hội này đã bị “buộc phải chấm dứt.”
Một giáo sư khoa kinh doanh bị kết án
Minghui.org đưa tin, hồi tháng 08/2017, ông Tăng Hạo (Zeng Hao), một giáo sư chuyên ngành kinh doanh ở độ tuổi 40 tại Đại học Thiên Hà thuộc Đại học Sư phạm Bách khoa Quảng Đông, bị bắt vì trong khoảng thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 01/2017, ông đã chia sẻ thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên nền tảng Tencent QQ, một dịch vụ nhắn tin tức thì và cổng thông tin điện tử phổ biến của Trung Quốc. Sau một thời gian theo dõi, công an đã bắt giữ ông. Sau đó, vào tháng 01/2019, ông Tăng đã bị kết án ba năm rưỡi tù giam và bị phạt 10,000 nhân dân tệ.
Một học viên Pháp Luân Công khác từ tỉnh Hắc Long Giang cũng bị kết án vì đăng bài trên nền tảng Tencent QQ. Ông Vương Hâm (Wang Xin), một người đàn ông ở độ tuổi tứ tuần, đã bị công an Thượng Hải bắt giữ hồi tháng 08/2016 sau khi ông đăng một bức ảnh liên quan đến Pháp Luân Công lên mạng xã hội, theo Minghui.org. Ông bị kết án 8 tháng và bị phạt 3,000 nhân dân tệ (khoảng 450 USD).
Bị bắt vì chia sẻ tệp âm thanh phơi bày cuộc bức hại
Theo Minghui.org, hồi tháng 05/2017, cô Xa Quốc Bình (Che Guoping), một nhân viên của Công ty Điện lực Hoa Năng ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, đã bị hơn mười công an bắt giữ khi đang trên đường đi làm về. Trước đó, cô Xa đã chia sẻ một tệp âm thanh trực tuyến có chứa thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times