Môn thiền định bắt nguồn từ Trung Quốc có hơn 100 triệu người thực hành
Cả thế giới đang theo dõi sát sao mọi hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ đợt bùng phát virus Trung Cộng, khiến 3 triệu người nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 200,000 người cho đến nay. Tuy nhiên, vào thời điểm này trong năm, có khoảng 100 triệu người trên khắp thế giới cũng đang nhớ về một hiện tượng toàn cầu tích cực hơn nhiều đã diễn ra ở Trung Quốc gần ba thập kỷ trước.
Ba mươi hai năm trước, Trung Quốc chứng kiến sức khỏe của dân chúng được cải thiện sau khi môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công) được phổ truyền ra công chúng. Hàng chục triệu người đã tập năm bài công pháp nhẹ nhàng của Pháp Luân Đại Pháp mỗi ngày tại các công viên và đã đưa những lời dạy về Chân, Thiện, và Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã phổ truyền môn tu luyện này ra công chúng vào ngày 13/05/1992 tại thành phố quê hương của Đại Sư ở Trường Xuân, phía đông bắc Trung Quốc. Nhờ những lợi ích sức khỏe được khắp nơi ca ngợi mà hệ thống thiền định cổ xưa này mang lại, đến đầu năm 1999, đã có hơn 70 triệu người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc.
Ngày nay, môn tu luyện ôn hòa này đã được truyền miệng đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và có hơn 100 triệu người đang thực hành.
Hàng triệu người thực hành môn tu luyện truyền thống Trung Hoa này đến từ mọi giai tầng trong xã hội, có thể là mọi ngành nghề, mọi điều kiện kinh tế và trình độ học vấn, và mọi lứa tuổi. Sức mạnh chữa lành thâm sâu của Pháp Luân Đại Pháp — cả về tinh thần và thể chất — đã giúp những người này trở thành những cá nhân và công dân tốt hơn, giúp họ phục vụ cộng đồng của mình hiệu quả hơn.
Các học viên chia sẻ rằng những lời dạy của Pháp Luân Đại Pháp có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần bằng việc giúp một người trở nên trầm tĩnh hơn, dẫn dắt một người thực hành khả năng tự kiềm chế, và hướng dẫn người ta ngưng chìm vào những tư tưởng, hành vi, và cảm xúc có hại. Điều này giúp một người buông bỏ oán hận hay các cảm xúc tự hủy hoại bản thân và ngừng tìm đến các món ăn chiều chuộng bản thân không lành mạnh khi họ cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng.
Được chính quyền công nhận và vinh danh tại Trung Quốc
Năm 1993, Tin tức Công an Nhân dân, tờ báo chính thức của Bộ Công an Trung Quốc, đã ca ngợi Đại Sư Lý vì đã “thúc đẩy đức tính truyền thống chống tội phạm của người dân Trung Quốc, trong việc bảo vệ trật tự trị an xã hội, và đề cao tính liêm khiết trong xã hội.”
Năm 1999, một quan chức của Ủy ban Thể thao Quốc gia Trung Quốc nói với tờ US News & World Report rằng Pháp Luân Đại Pháp “có thể tiết kiệm cho mỗi người 1,000 nhân dân tệ chi phí y tế hằng năm” và “nếu 100 triệu người tập luyện thì sẽ tiết kiệm được 100 tỷ nhân dân tệ chi phí y tế mỗi năm.”
Lời nói của vị quan chức này không phải là vô căn cứ. Theo một cuộc khảo sát được Cục Thể thao Nhà nước Trung Quốc thực hiện vào tháng 09/1998 trên 12,553 học viên Pháp Luân Đại Pháp, tỷ lệ khỏi bệnh là 77.5%, và có 20.4% số khác cho biết sức khỏe tổng thể của họ được cải thiện. Cuộc khảo sát này cho thấy trung bình, mỗi người đã tiết kiệm được hơn 1,700 nhân dân tệ (khoảng 240 USD) chi phí y tế mỗi năm, tổng số tiền tiết kiệm được hằng năm của nhóm người được khảo sát là hơn 21 triệu nhân dân tệ (2.96 triệu USD).
Một cuộc khảo sát khác được thực hiện tại hơn 5 quận ở Bắc Kinh trên 14,199 học viên cho thấy rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã giúp các học viên tiết kiệm 4.17 triệu nhân dân tệ (khoảng 588,000 USD) chi phí y tế mỗi năm. Hơn nữa, 96.5% người được khảo sát cũng cho biết trạng thái tinh thần được cải thiện. Cuộc khảo sát này cho thấy tỷ lệ hiệu quả tổng thể của việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là 99.1%.
Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới
Kể từ năm 2000, các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên khắp thế giới đã kỷ niệm ngày 13/05 là “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới” để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đại Sư Lý vì những lời dạy của Đại Sư và vì [Pháp Luân Đại Pháp] đã mang đến sức khỏe, hạnh phúc, và sự bình an cho cuộc sống hằng ngày của họ. Các hoạt động ghi dấu [sự kiện] Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới gồm có diễn hành, tổ chức tập các bài công pháp ngoài trời, và biểu diễn các ca khúc và điệu múa.
Hàng ngàn học viên từ khắp nơi trên thế giới thường tập trung tại Thành phố New York để tham dự một sự kiện kéo dài ba ngày, bao gồm một cuộc diễn hành quy mô lớn, trình diễn các bài công pháp của môn tu luyện này ngoài trời, và một pháp hội nơi các học viên chia sẻ về trải nghiệm tu sửa bản thân của họ. Vào năm 2019, có một sự kiện mà trong đó [các học viên] đã thực hiện việc xếp chữ rộng khoảng 110 mét đầy màu sắc và bắt mắt.
Anh Joseph Gigliotti, một bác sĩ trị liệu xương khớp đã đi từ Ontario, Canada, đến New York để tham dự các sự kiện năm 2019, chia sẻ rằng việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã dạy anh đặt mình vào vị trí của người khác. Lấy một ví dụ về anh trai mình, anh Gigliotti cho biết anh trai anh thường xuyên chỉ ra lỗi lầm của anh, khiến anh khó chịu. Nhưng chữ “nhẫn” trong nguyên lý tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã khiến anh có cái nhìn khác về mọi việc.
“[Anh trai tôi] làm điều đó vì anh ấy muốn tôi thành công, ngay cả khi anh ấy nói điều đó theo cách không hay chút nào. Cuối cùng, nếu bạn có thể nhận ra rằng mọi người quan tâm đến bạn như thế nào, đó mới là điều quan trọng,” anh nói. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Vương quốc Anh và nhiều nơi ở châu Âu, như Ý, Đức, và Pháp, đã tổ chức các hoạt động tương tự để kỷ niệm sự kiện này. Các học viên tại Pháp đã chào mừng [ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới] bằng các phần trình diễn các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp ngoài trời tại Trocadéro, ngay đối diện Tháp Eiffel ở Paris, vào năm 2019.
Anh Vladia Nuidins, làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, bắt đầu tu luyện vào năm 2016. Anh nói với The Epoch Times bản Hoa ngữ rằng Pháp Luân Đại Pháp đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời anh — anh không còn chìm đắm trong ăn uống và bia rượu nữa, và đã tìm được ý nghĩa nhân sinh.
“Tôi đã có thể nghĩ cho người khác và giúp đỡ mọi người. Tôi hiểu rằng người ta không chỉ sống cho bản thân và chỉ để bảo vệ bản thân, tôi sống để trở thành một người tốt hơn. Đại Pháp cũng đã mở rộng thế giới quan của tôi và khiến tôi hiểu rằng là nghệ sĩ, tôi nên mang đến điều gì cho mọi người.”
Ở phía bên kia bán cầu, tại các quốc gia như Nam Hàn, Hồng Kông, Đài Loan, và Úc, hàng ngàn học viên đã tổ chức các nhóm thiền định, diễn hành, mít tinh, và các tiết mục biểu diễn để kỷ niệm.
Ông Lee Kang-ming, một công dân Nam Hàn khoảng 70 tuổi, đã làm cảnh sát được 30 năm. Ông bị xơ gan do có thói quen hút thuốc và uống rượu để đối phó với căng thẳng từ công việc. Tuy nhiên, sức khỏe của ông đã cải thiện đáng kể sau khi ông bắt đầu tu luyện vào năm 2005. Bác sĩ của ông thậm chí còn ngạc nhiên trước sự chuyển biến về sức khỏe này.
Bác sĩ nói với ông rằng mật độ gan và xương của ông vẫn khỏe mạnh “giống như của một người ở độ tuổi 30,” The Epoch Times Hoa ngữ đưa tin.
Một học viên Đài Loan đã có trải nghiệm tương tự sau khi được một người đồng nghiệp giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp. Cô Đổng Đại Linh từng bị bệnh chàm nghiêm trọng, và tình trạng ngứa ngáy dữ dội thường khiến cô mất ngủ nhiều đêm; tình trạng này cũng ảnh hưởng đến công việc của cô. Cô nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng cô đã có thể ngủ rất ngon vào đêm đầu tiên sau khi học bài công pháp thứ hai của Pháp Luân Đại Pháp.
Chiến dịch bức hại tàn bạo
Dù trên thực tế chính quyền cộng sản này ban đầu đã công nhận và cảm kích trước những lợi ích sức khỏe to lớn của môn tu luyện, nhưng vào ngày 20/07/1999, lãnh đạo đảng cộng sản lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch đàn áp nhằm xóa bỏ môn tu luyện thiền định ôn hòa vốn mang lại sức khỏe tốt hơn cho hàng triệu người này. Môn tu luyện đã bị truyền thông nhà nước Trung Quốc vu khống, và hàng chục ngàn học viên đã bị cầm tù và tra tấn. Hơn 4,000 học viên được xác nhận đã mất mạng do cuộc đàn áp, mặc dù con số thực tế được dự đoán là cao hơn nhiều.
Gần đây, các báo cáo điều tra độc lập cho biết chính quyền cộng sản này đang thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, phần lớn là từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Mặc dù vào năm 2015, ĐCSTQ cho biết họ sẽ ngừng lấy nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết và bắt đầu dựa vào nguồn hiến tạng tự nguyện, nhưng các chuyên gia đang điều tra vấn đề này lại có quan điểm khác.
Cựu Quốc vụ khanh Canada (khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) David Kilgour, người được đề cử giải Nobel Hòa bình Ethan Gutmann, và luật sư nhân quyền David Matas đã công bố một báo cáo vào năm 2016 kiểm chứng về vấn đề thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Với tiêu đề “Thu hoạch đẫm máu/ Cuộc thảm sát: Bản cập nhật,” báo cáo này mô tả các học viên Pháp Luân Đại Pháp “thường xuyên bị buộc phải xét nghiệm máu và kiểm tra y tế trong khi các tù nhân khác (ngoại trừ người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và một số nhóm Cơ Đốc Giáo tại gia cũng là mục tiêu) không bị đối xử như vậy.”
Các tác giả cũng ước tính số lượng nội tạng được thu hoạch mỗi năm dao động trong khoảng từ 60,000 đến 100,000, mặc dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng [chỉ] có 10,000 ca ghép tạng diễn ra mỗi năm.
Theo một báo cáo dài 160 trang được công bố vào tháng 03/2020 bởi Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại London, ĐCSTQ tiếp tục giết hại và bán nội tạng của các tù nhân lương tâm để trục lợi. Báo cáo cũng bao gồm hàng trăm trang lời khai và bằng chứng từ các nhân chứng.
Năm 2020, trong bối cảnh khủng hoảng lan rộng do virus Trung Cộng (virus Đảng Cộng sản Trung Quốc), hay thường gọi là virus corona chủng mới, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm trực tuyến vào ngày 23/04 để kỷ niệm 21 năm sự kiện ngày 25/04/1999 — một sự kiện lịch sử khi có khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đến Bắc Kinh thỉnh nguyện ôn hòa trước chính quyền trung ương yêu cầu có một môi trường để họ tự do thực hành đức tin.
Mặc dù dịp kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới ở nhiều quốc gia năm 2020 không thể tiến hành do đại dịch, nhưng hàng triệu học viên trên toàn thế giới sẽ luôn nhớ đến môn tu luyện thiền định đã cải biến cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times