Bộ Ngoại giao: Hoa Kỳ ‘sẽ tiếp tục tập trung’ vào nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc
HOA THỊNH ĐỐN—Hôm 20/03, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước bảo trợ của Bắc Kinh vẫn là một mối lo ngại đối với Hoa Kỳ.
Hành động cưỡng bức lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm để bán một cách có hệ thống của chế độ cộng sản này, vốn được đưa ra ánh sáng lần đầu tiên vào khoảng năm 2006 sau khi một số người tố cáo đến với The Epoch Times, đã thu hút được sự chú ý ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nghị viện Âu Châu cũng như hàng chục tiểu bang và thành phố của Hoa Kỳ đã ban hành các nghị quyết lên án hành vi lạm dụng này, và các nhà lập pháp liên bang từ lưỡng đảng gần đây đã đưa ra các dự luật nhằm quy trách nhiệm cho những kẻ phạm tội.
Bà Erin Barclay, phụ tá ngoại trưởng lâm thời đặc trách Cục Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động, nói rằng bà biết về đề nghị lập pháp này của quốc hội, và đề cập đến một phần trong báo cáo nhân quyền mới được công bố của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh vấn đề này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào điều đó như một vấn đề trong hàng loạt các vấn đề về nhân quyền và buôn người hướng đến nơi vấn đề đó phát sinh,” bà nói khi trả lời câu hỏi của The Epoch Times tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai (20/03) cho buổi công bố báo cáo này.
Sau đó trong cuộc họp báo, bà Barclay cho biết tình hình nhân quyền là “tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, điều mà chúng tôi thường xuyên nêu ra với các quốc gia đối tác song phương và trong các bối cảnh đa phương nơi có sự hiện diện của Trung Quốc.”
Báo cáo của Bộ Ngoại giao này trích dẫn một bài báo nghiên cứu được bình duyệt được đăng trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ hồi tháng Tư năm ngoái (2022) chỉ ra rằng “Trung Quốc đã vi phạm ‘quy tắc hiến tạng đã tử vong’ (dead donor rule) rằng một người hiến tạng phải được chính thức tuyên bố là đã tử vong trước khi bất kỳ nội tạng nào bị lấy đi.”
“Các tác giả đã phân tích 2,838 bài báo từ các ấn phẩm Hoa ngữ về cấy ghép và phát hiện ra rằng trong 71 trường hợp, nguyên nhân tử vong là do chính việc cấy ghép nội tạng, được thực hiện trước khi các bác sĩ đưa ra một nhận định hợp pháp về chết não,” báo cáo này nêu rõ.
Đồng tác giả của bài báo nghiên cứu trên, ông Jacob Lavee, người cũng là chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Israel, nói với The Epoch Times vào thời điểm đó rằng ông tin những phát hiện này là một sự thừa nhận vô tình của các bác sĩ Trung Quốc rằng họ đang tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Ông nói: “Họ đã lấy nội tạng từ những người không được tuyên bố là đã tử vong, nghĩa là họ đã trở thành những kẻ hành quyết.”
Theo các phát hiện của một tòa án độc lập, nạn nhân chính của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức này là Pháp Luân Công, một nhóm tu luyện tinh thần thực hành các bài tập về thiền định và tuân theo các giá trị chân, thiện, và nhẫn.
Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đàn áp tàn bạo của chế độ này kể từ năm 1999, với các học viên bị cưỡng bức mất tích, giam giữ tùy tiện, lao động khổ sai, cùng nhiều hình thức tra tấn khác. Do đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị giam giữ đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng của chính quyền này.
Những người bảo vệ nhân quyền vốn cố gắng trợ giúp về mặt pháp lý cho các nạn nhân bị bức hại cũng phải đối mặt với sự trừng phạt ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, Luật sư nhân quyền Trung Quốc Lương Tiểu Quân (Liang Xiaojun) đã bị mất giấy phép biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công.
Trong danh sách các tù nhân chính trị được nêu tên trong báo cáo nhân quyền có học viên Pháp Luân Công Biện Lệ Triều (Bian Lichao), một cựu giáo viên cấp hai ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, người đã bị kết án 13 năm tù vào năm 2012. Vợ ông, người không tu luyện Pháp Luân Công, đã bị bỏ tù vì công khai các thông tin chi tiết về cuộc bức hại của chính quyền này đối với gia đình họ, và qua đời vào năm 2020 do tràn dịch ổ bụng mà bà ấy phải chịu đựng trong thời gian ngồi tù, theo Minghui.org, một trang web của Hoa Kỳ đóng vai trò là một cơ sở dữ liệu về các trường hợp bức hại này.
Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times