Cô gái trẻ Trung Quốc thay đổi hoàn toàn thế giới quan khi đến Hoa Kỳ
Cô Tô Bích Văn (Su Biwen) là một cô gái trẻ tự tin đến từ tỉnh Phúc Kiến nằm ở ven biển đông nam của Trung Quốc. Cô nhận thức rõ về sự tẩy não phổ biến của chế độ cộng sản ở Trung Quốc, cô phản đối việc thống nhất Đài Loan vào Hoa lục bằng biện pháp cưỡng ép quân sự, và cô đã phân biệt rõ ràng giữa bản thân mình và tầng lớp những người trẻ tuổi theo chủ nghĩa dân tộc trên mạng internet Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong vòng vài tháng sau khi đến New York, cô nhận ra rằng sự tuyên truyền nhồi nhét của chế độ cộng sản mà cô đã nếm trải rốt cuộc đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô. Phải mất một thời gian mới tống khứ được những thứ đó, nhưng bây giờ cô nói rằng cô cảm thấy như mình được tái sinh sau khi trải nghiệm cuộc sống ở New York.
Cô cho biết, “Tôi đã lãng phí 25 năm cuộc đời ở Trung Quốc, và tôi muốn sống ở một đất nước như Hoa Kỳ cho đến hết đời.”
Gặp được Pháp Luân Công
Cô Tô sinh năm 1997, từng theo học và lấy một tấm bằng chuyên ngành tiếng Anh, và đã làm việc cho một công ty thương mại quốc tế. Cô đến New York khi Phong trào Giấy Trắng nổ ra ở Trung Quốc.
Một ngày nọ, cô nhìn thấy một quầy thông tin Pháp Luân Công trên con đường ở Flushing, New York. Một trong những tình nguyện viên ở đó đã đưa cho cô một cuốn sách gồm loạt bài xã luận của The Epoch Times, có nhan đề “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản (Cửu Bình).”
Cô đã nhận cuốn sách đó, nhưng lại tránh nói chuyện với học viên Pháp Luân Công đã đưa cuốn sách cho cô. Trong số những điều sai sự thật mà cô đã bị nhồi sọ từ hồi mẫu giáo có những câu chuyện rùng rợn về Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả thân và tâm chiểu theo các nguyên lý phổ quát Chân, Thiện, và Nhẫn, và có cội nguồn từ lịch sử và văn hóa 5,000 năm của Trung Hoa. Kể từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, Pháp Luân Công đã thu hút hàng chục triệu học viên trên toàn thế giới với các bài tập khoan thai và thiền định, cùng những lời dạy về việc trở thành một người tốt hơn.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo của chế độ cộng sản Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân, đã khởi xướng một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Kể từ đó, rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã trở thành nạn nhân của cuộc bức hại này, và bộ máy tuyên truyền của chế độ này đã đầu độc và biến đông đảo người dân Trung Quốc thành nạn nhân — khiến nhiều người vô thức trở thành đồng phạm của chiến dịch tàn bạo này.
Cô Tô nhớ lại rằng tuyên truyền của nhà nước cộng sản Trung Quốc đã dạy cô rằng Pháp Luân Công là một thứ gì đó giống như mô hình đa cấp (người vào trước giới thiệu cho người vào sau); rằng các tín đồ sẽ tự thiêu; và rằng các học viên đã chống lại Đảng Cộng sản. “Cha mẹ sẽ nói như vậy, bằng hữu và bạn cùng lớp đều sẽ nói như vậy,” cô cho biết.
Khi nhìn thấy các học viên Pháp Luân Công ở Flushing, cô nghĩ: “New York thực sự tự do. Quý vị có thể có bất kỳ tín ngưỡng nào.”
Sau khi cô Tô định cư ở Manhattan, mỗi ngày cô thường đi ngang qua Ga Pennsylvania. Cô nhìn thấy có một số người thường tập thể dục ở đó — đôi khi thậm chí có những đàn chim bồ câu đi theo — trên bậc thềm của Post Office ở Penn Station. Cô rất đỗi ngạc nhiên khi biết rằng họ là những học viên Pháp Luân Công và nhiều người trong số họ không phải là người gốc Á.
Tại một sự kiện mà cô đã tham dự hồi tháng Hai, cô Tô đã làm quen với một người bạn mới mà cô nghĩ là “ngọt ngào và tốt bụng như một thiên thần.” Khi họ ngồi uống một tách cà phê với nhau, cô thậm chí còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng cô gái đó là một học viên Pháp Luân Công.
“Không thể nào! Làm sao mà cô ấy có thể tu luyện Pháp Luân Công được?” cô Tô nghĩ thầm. “Cô ấy trông bình thường, và tình trạng thể chất của cô ấy tốt hơn tôi rất nhiều.”
Cô gái đó đã đưa ra cho cô Tô một số lời khuyên về cách làm sao để thích nghi với cuộc sống ở New York, cụ thể là “hãy thư giãn, ngủ ngon, ăn uống điều độ, và cố gắng ổn định cuộc sống trước — để bản thân bình tĩnh lại.” Cô Tô có thể cảm thấy thế giới nội tâm của mình sụp đổ khi cô gái đó, một người hoàn toàn xa lạ, đã cho cô lời khuyên ngọt ngào nhất — mà cô cảm thấy còn tốt hơn cả những gì cha mẹ cô có thể cho cô.
Cô Tô đột nhiên nhận ra rằng bản thân đã bị lừa dối nhiều như thế nào về Pháp Luân Công. “Tôi đã sống trong một thế giới dối trá,” cô nói.
Cô Tô đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao việc vượt qua “Đại Tường Lửa (Great Firewall) của Trung Quốc” và tìm hiểu thế giới bên ngoài đã không giúp cô nhìn thấu những lời dối trá của chế độ cộng sản Trung Quốc, và tại sao nhiều người Trung Quốc thông minh và có học thức cao mà cô đã gặp ở Hoa Kỳ không thể nhận ra sự lừa dối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Đó là bởi vì người đại lục đã mất khả năng suy nghĩ,” cô kết luận. “Họ chỉ tin vào ĐCSTQ.”
Cô thừa nhận trước đây chỉ tập trung vào những việc của bản thân mình, những vấn đề liên quan đến công việc, và những điều bản thân tâm đắc. Những vấn đề lớn hoặc những vấn đề liên quan đến luân lý và tín ngưỡng là những thứ mà cô chưa bao giờ chú ý khi lướt mạng.
“Tôi chỉ biết được sự thật về Pháp Luân Công sau khi tôi gặp mặt trực tiếp các học viên Pháp Luân Công,” cô nói. Cô Tô nói rằng cô chắc chắn rằng họ không giống như những gì ĐCSTQ đã mô tả về họ. “Tôi cảm thấy rằng họ tốt bụng và tử tế, thậm chí còn hơn cả những người bình thường,” cô tâm sự.
Cô đồng ý rằng các học viên Pháp Luân Công đang ở trong một tình cảnh rất khó khăn và nguy hiểm ở Trung Quốc. “Mọi người sẽ báo cảnh sát về học viên đó, nhưng điều đó không có nghĩa là những người đó là xấu,” cô cho biết. “Họ đã báo cáo các học viên cho cảnh sát vì họ muốn ngăn chặn các học viên này đi đến cực đoan, tự thiêu và những việc tương tự. Điều đó cho thấy ĐCSTQ đã phỉ báng Pháp Luân Công nhiều đến mức nào.”
Dưới bầu không khí do ĐCSTQ tạo ra, mọi người đều bị tẩy não, và mọi người sẽ nói những điều giống nhau về Pháp Luân Công. “Tôi đã đọc sự thật về Pháp Luân Công [khi tôi đến New York], nhưng tôi cũng không tin về những gì tôi đọc ở đó,” cô nói, đề cập đến thông tin có sẵn trên internet bên ngoài Trung Quốc nhằm nói lên sự thật về Pháp Luân Công.
Cô Tô cho biết cô hối hận vì đã bị ĐCSTQ lừa dối. Cô nói rằng: “Tôi biết ĐCSTQ là xấu xa, nhưng tôi không biết họ tồi tệ đến mức như vậy. Tôi biết ĐCSTQ đã tẩy não chúng tôi, nhưng tôi không ngờ sự tẩy não này lại thâm sâu đến thế.”
Nhìn thấu ĐCSTQ
Tại một sự kiện hồi tháng Hai ở Central Park để tưởng nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người tố cáo về sự bùng phát của virus Trung Cộng (COVID-19) ở Vũ Hán, cô Tô đã nhìn thấy một số người Trung Quốc đến tham dự đang đeo khẩu trang.
Cô Tô đã rất sửng sốt trước sự sợ hãi của họ đối với ĐCSTQ — mặc dù họ đang ở New York. Cô Tô tin rằng họ đeo khẩu trang không phải vì sợ đại dịch: Họ sợ gián điệp của ĐCSTQ sẽ báo cáo về họ. Cô nói: “Tôi không thể tin rằng chúng tôi đang ở New York, nhưng chúng tôi vẫn cần phải tự bảo vệ mình khỏi ĐCSTQ. Những cánh tay của họ đã vươn ra quá xa.”
Cô dần dần nhận ra rằng ĐCSTQ không chỉ là một đảng chính trị. “Họ giống như một tôn giáo hơn,” cô cho biết.
Sự khác biệt một trời một vực giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm đảo lộn thế giới quan của cô.
Cô nói rằng ở Trung Quốc, ĐCSTQ đang ra sức tiêu diệt tất cả các tôn giáo. Cô cho biết rằng trên các giấy tờ và biểu mẫu cá nhân, cô thường phải điền “không tôn giáo” vào cột “tôn giáo” trên các tài liệu đó — chỉ đơn giản là để bản thân không gặp phải rắc rối.
Nhưng ở Mỹ, cô cho biết, dường như hầu hết mọi người đều có đức tin vào Chúa, hoặc ít nhất là một hệ thống tín ngưỡng nào đó. Cô nhận thấy trong nhiều nhóm người ở Hoa Kỳ, người ta có vẻ khó chịu với những người không có bất kỳ đức tin nào.
Cô giải thích rằng ở Trung Quốc, ĐCSTQ coi những người có đức tin vào Chúa là những người mắc bệnh tâm thần. “Chỉ những người không tin vào khoa học mới tin vào tôn giáo. Đó là những gì được tuyên truyền rộng rãi trên toàn quốc,” cô nói.
Khi biết được rằng, trong lịch sử xa xưa Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc từng có những giao lưu tôn giáo như thế nào, và rằng Đạo Giáo vẫn còn tồn tại ở Đài Loan, cô Tô cảm thấy rất chấn động.
“Tôi được dạy rằng tất cả các tôn giáo đã biến mất,” cô nói. Cuối cùng cô nhận ra rằng trong lịch sử Trung Quốc, Đạo Giáo và Phật Giáo đã tồn tại trên vùng đất đại lục ngay cả khi Trung Quốc bị cai trị bởi các nhóm dân tộc ngoại bang.
“Sách giáo khoa lịch sử của ĐCSTQ chính là một trò đùa, hầu như không chứa bất kỳ sự thật nào, mà chỉ toàn là quan điểm cá nhân. Cách mạng Văn hóa tồi tệ và tàn khốc hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng.
“Nói một cách đơn giản, mặc dù tôi đọc tin tức hải ngoại hàng ngày bằng cách vượt tường lửa, nhưng chừng nào tôi còn ở Trung Quốc, thì tôi vẫn bị tẩy não,” cô chia sẻ.
Một loạt sự việc chấn động này đã khiến cô đột ngột thức tỉnh.
“ĐCSTQ là một tà giáo. Nó đã xóa sổ tất cả các tôn giáo, xóa sổ văn hóa dân tộc, và đầu độc người dân Trung Quốc,” cô nói. “Chế độ này khiến người dân Trung Quốc trở nên xa lánh nhau giống như trong phim ‘The Hunger Games,’ nơi không có sự tin tưởng. Điều đó thực sự đáng sợ, nhưng những người đại lục đó không hề biết rằng họ đã bị tẩy não.”
Phải lòng nước Mỹ
Cô Tô xem nước Mỹ như là một nơi mà cô có thể thực hiện ước mơ của mình.
Cô muốn trở thành một luật sư, nhưng mọi người ở Trung Quốc nói với cô rằng cô đã quá tuổi để trở thành luật sư. Tuy nhiên, ở Mỹ, cô cho biết hầu hết mọi người đều động viên cô, và khuyên cô nên kiếm sống bằng công việc kinh doanh địa ốc trước khi theo đuổi ước mơ vào trường luật.
Cô cho rằng, “Ở Trung Quốc, dù quý vị làm gì, học gì, quý vị sẽ nghĩ liệu ĐCSTQ có thích điều đó không, điều đó có tương lai không … con đường đó thực sự rất hẹp.”
Cô cho biết, do hầu hết mọi người đều mất đi yếu tố tinh thần trong cuộc sống, nên người Trung Quốc chỉ theo đuổi tiền bạc, và sống một cuộc sống đầy khốn khó với những cuộc đấu tranh không ngừng. Cô nói: “Đối với người đại lục, cuộc sống thật khắc nghiệt, không giống như người Mỹ hay người Đài Loan, những người có đức tin, luôn suy nghĩ vì người khác, và biết khi nào nên sống chậm lại để thư giãn.”
Ở Trung Quốc, mọi người đều chỉ muốn thành công, cô nói: Người giàu muốn giàu hơn nên họ làm việc, họ tranh tranh đấu đấu, họ không nghỉ ngơi, và nhiều người trẻ tuổi thậm chí còn qua đời vì kiệt sức. “Hai người bạn cùng lớp của tôi đã qua đời,” cô Tô cho biết.
Điều cô thấy được an ủi nhiều nhất là sự tự do mà nước Mỹ mang lại. Cô đang tận hưởng việc bày tỏ cảm xúc thật của mình, điều mà cô cảm thấy rất được hoan nghênh và trân trọng tại Hoa Kỳ.
Cô nêu ví dụ về mức độ nguy hiểm đối với sinh viên ở Trung Quốc khi công khai phản đối sự cưỡng ép quân sự đối với Đài Loan. “Khi giáo viên hỏi có câu hỏi nào không, quý vị phải trả lời ‘Không!’ Quý vị phải tuân theo xu hướng đó.”
Nhưng ở Hoa Kỳ thì ngược lại, mọi người coi việc quý vị bày tỏ suy nghĩ của mình là một điều tích cực, và dường như trân trọng điều đó, cô cho biết.
Cô biết nước Mỹ không phải là thiên đường, và vẫn tồn tại những vấn đề xã hội, chẳng hạn như lạm dụng ma túy và vô gia cư, nhưng bầu không khí tự do và khoan dung ở Hoa Kỳ đã cho cô hy vọng.
Cuộc sống của cô Tô Bích Văn đang tràn ngập khát vọng, và cơ hội ở khắp mọi nơi. Cô nói: “Tôi cảm thấy như được tái sinh. Giống như tôi đang sống trên một hành tinh khác, một hành tinh hoàn toàn mới.”
Bản tin có sự đóng góp của Thi Bình
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times