Giá xăng ở Trung Quốc tăng do thuế, phí cao
Trung Quốc vừa công bố đợt điều chỉnh giá xăng bán lẻ lần thứ năm trong năm nay, bắt đầu có hiệu lực từ thứ Hai (04/02). Giá bán lẻ tăng sẽ khiến người Trung Quốc bình dân phải trả nhiều tiền hơn cho một mức giá xăng sánh ngang với mức giá xăng cao nhất ở California. Theo tiết lộ của một cựu nhân viên công ty xăng dầu Trung Quốc, tiền thuế chiếm ít nhất một nửa mức giá này.
Ông Dương Tông Hoa (Yang Zonghua) đến từ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, người từng làm nhân viên đọc đồng hồ và quản lý trạm xăng tại Sinopec và PetroChina, đã cung cấp cái nhìn sâu sắc của mình về giá nhiên liệu cao ở Trung Quốc.
Ông Dương giải thích rằng, bên cạnh thuế và phí cao, các vấn đề về tham nhũng và an sinh xã hội cũng góp phần khiến giá xăng và dầu diesel tăng cao.
Thuế, phí cao
Lấy Từ Châu, một thành phố ở tỉnh ven biển phía đông Giang Tô làm ví dụ. Xăng chỉ số octane 92 có giá 7.79 nhân dân tệ/lít vào hôm 01/03 và đã được điều chỉnh lên thành 7.89 nhân dân tệ/lít vào hôm 04/03, tương đương với khoảng 4.20 USD/gallon.
Giá xăng Costco ở Los Angeles là 4.28 USD/gallon đối với xăng thông thường vào hôm 01/03. Mặc dù Costco bán với giá thấp hơn một chút so với các trạm xăng thông thường, nhưng khoảng cách thu nhập đáng kể giữa hai quốc gia có nghĩa là người dân Trung Quốc rõ ràng đang phải chịu một gánh nặng chi phí nhiên liệu lớn hơn nhiều so với người Mỹ ở California.
Ông kể lại rằng thuế và phí chiếm gần một nửa giá xăng. Hiện tại, cấu trúc giá xăng của Trung Quốc bao gồm thuế tiêu thụ 25%, thuế giá trị gia tăng 13%, thuế dầu nhập cảng 5%, thuế xây dựng và bảo trì đô thị 2.66%, thuế thu nhập doanh nghiệp 1.75%, phụ phí giáo dục 1.14%, và phụ phí giáo dục địa phương 0.26%, chiếm tổng cộng khoảng 48.81% giá nhiên liệu.
Để so sánh, người dân California phải trả khoảng 1.19 USD tiền thuế và phí cho mỗi gallon xăng, chiếm khoảng 27.8% giá nhiên liệu.
Hơn nữa, các cơ quan môi trường và năng lượng của Trung Quốc cũng quan tâm đến việc nâng cấp các sản phẩm dầu mỏ dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường. Theo ông Dương, chi phí phát sinh từ những lần nâng cấp này rốt cuộc sẽ được chuyển đến tay người tiêu dùng.
Yếu tố tham nhũng
Ông Dương nêu bật thực tế rằng PetroChina và Sinopec là các doanh nghiệp nhà nước và có nhiều dự án cơ sở hạ tầng hàng năm, chẳng hạn như xây dựng các trạm xăng mới, mua lại các trạm xăng thuộc sở hữu tư nhân, cải tạo các bể chứa dầu, và bảo trì các trạm xăng hiện có. Ông đã tin rằng những dự án cải tạo này luôn tạo ra các cơ hội cho tham nhũng cho những người có liên quan.
Ông lấy việc cho thuê hoặc mua lại các trạm xăng thuộc sở hữu tư nhân làm ví dụ. Đối với một trạm xăng trị giá 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 695,000 USD), nhóm mua lại thường sẽ yêu cầu mức giá 15 triệu nhân dân tệ (2 triệu USD). 10 triệu nhân dân tệ (1.3 triệu USD) dư ra là để phân chia riêng cho các cá nhân có liên quan.
Nhóm mua lại cũng sẽ hướng dẫn bên bán “tăng doanh thu” thông qua các kỹ thuật kế toán, ngay cả khi trạm xăng mục tiêu đang thua lỗ thì cũng phải trình bày báo cáo có lãi. Tuy nhiên, sau khi việc mua lại đã hoàn tất, thì doanh thu thực tế hiếm khi đạt được mức như báo cáo. Do đó, những khoản lỗ này cuối cùng sẽ phải được thu lại từ người tiêu dùng.
Ông cũng đề cập đến một khía cạnh độc đáo của doanh nghiệp nhà nước (SOE).
Vào cuối năm, các doanh nghiệp nhà nước này yêu cầu các trạm xăng chi nhánh của họ nộp kế hoạch ngân sách cho năm tới, nêu rõ các chi phí như phí vật tư văn phòng, phí đi lại, hóa đơn tiền điện, và chi phí giải trí kinh doanh.
Khi ngân sách năm trước chưa được chi tiêu hết, thì mức phân bổ ngân sách cho năm sau sẽ chỉ bị giảm đi. Do đó, các SOE lớn như PetroChina (Công ty Dầu khí Trung Quốc), Sinopec (Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc), và CNOOC (Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc) thường xuyên chứng kiến sự gia tăng lớn trong chi phí giải trí vào cuối năm.
“Điều này khá lãng phí. Ngân sách không được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của một hạng mục cụ thể; mọi người sẽ cố gắng hết sức để tiêu đủ số tiền đã báo cáo,” ông Dương nhận xét. “Đây là một khía cạnh khá điển hình của doanh nghiệp nhà nước.”
Ông giải thích thêm rằng các doanh nghiệp nhà nước này chiếm gần như độc quyền toàn bộ chuỗi công nghiệp của ngành dầu mỏ, từ khâu lọc dầu, lưu trữ, vận chuyển, cho đến khâu bán lẻ. Nhưng ở Trung Quốc cũng có rất nhiều trạm xăng thuộc sở hữu tư nhân. Để cản trở những công ty tư nhân này kiếm được lợi nhuận, các doanh nghiệp nhà nước sẽ cố gắng dành phần lớn lợi nhuận cho các doanh nghiệp thượng nguồn. Do đó, ở cấp độ trạm xăng, tỷ suất lợi nhuận còn lại không nhiều.
Chi phí an sinh xã hội
Từ kinh nghiệm vận hành cây xăng, ông Dương cho rằng những mâu thuẫn xã hội ở Trung Quốc ngày càng trở nên rõ rệt trong những năm gần đây.
Việc đổ xăng đã chuyển từ tự phục vụ, sang phải ghi danh bằng thẻ căn cước công dân, cho đến cuối cùng là chỉ dành riêng cho nhân viên trạm xăng.
Ông cho biết đó là để ngăn chặn người dân “sử dụng xăng làm vũ khí,” chẳng hạn như mang một thùng chứa nhiên liệu vào tòa nhà chính phủ. Ông cho biết, ở Trung Quốc ngay cả việc mua dao làm bếp cũng phải ghi danh bằng tên thật.
Ông Dương nói: “Chính quyền lo lắng rằng những người không còn gì để mất sẽ hành xử cực đoan trong những căng thẳng ngày càng leo thang giữa chính quyền và người dân.”