EU kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho họa sĩ bị bức hại vì đức tin
Liên minh Âu Châu (EU) bày tỏ lo ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc và kêu gọi “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho 39 công dân Trung Quốc, trong đó có học viên Pháp Luân Công Hứa Na (Xu Na), người đang bị chính quyền cộng sản bức hại.
Trong phiên họp thứ 54 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 11/09 đến ngày 13/10, phái đoàn EU đã đệ trình một tuyên bố kêu gọi chính quyền Trung Quốc “phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc gia, trong đó có Hiến Pháp của riêng mình, và luật pháp quốc tế, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhân quyền đối với tất cả người dân.”
Theo tuyên bố, “Người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và những người thuộc các dân tộc, tôn giáo, và ngôn ngữ thiểu số tiếp tục chịu những hành vi vi phạm nhân quyền.”
Phái đoàn EU cho biết, những người bảo vệ nhân quyền, ký giả, và giới trí thức liên tục bị sách nhiễu, đe dọa, và giám sát cũng như bị tra tấn, giam giữ trái pháp luật, kết án, và cưỡng bức mất tích, kể cả thông qua “Giám sát Khu dân cư tại một Địa điểm được Chỉ định” (RSDL).
Tuyên bố cũng nhấn mạnh mối lo ngại của họ về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông và việc Bắc Kinh sử dụng Luật An ninh Quốc gia và Luật phản loạn để cản trở sự tự do cơ bản.
“EU kêu gọi chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông khôi phục sự tôn trọng đầy đủ đối với pháp quyền, sự tự do cơ bản, và các nguyên tắc dân chủ,” tuyên bố viết.
Học viên Pháp Luân Công Hứa Na
Mặc dù tuyên bố của EU không đề cập rõ ràng đến Pháp Luân Công, nhưng trong đó có bà Hứa Na — một họa sĩ hiện đang bị chính quyền giam giữ vì đức tin của mình — là một trong số những người được liệt kê là những người bị đàn áp.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên lý cốt lõi là: chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, môn tu luyện này đã vô cùng phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên này.
Ngày 20/07/1999, chính quyền cộng sản vô thần đã khởi xướng một chiến dịch sâu rộng nhằm mục đích “xóa sổ” Pháp Luân Công, vì chính quyền này coi số lượng học viên càng ngày càng tăng là mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài của mình. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở giam giữ khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị bắt giam.
Năm 1999, ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu chiến dịch đàn áp, bà Hứa và chồng, ông Vu Trụ (Yu Zhou), một nhạc sĩ dân ca và cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị bắt cùng năm đó.
Năm 2001, bà Hứa, lúc đó 32 tuổi, bị bắt lần nữa và nhận bản án năm năm tù giam.
Tháng 01/2008, chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ vợ chồng bà Hứa dưới chiêu bài “kiểm tra Olympic.” Đáng buồn thay, ông Vu, lúc đó chỉ mới 42 tuổi, đã qua đời vì bị tra tấn trong vòng hai tuần sau khi bị bắt. Sau đó bà Hứa bị kết án ba năm tù giam.
Ngày 19/07/2020, Cục Công an Thành phố Bắc Kinh đã bắt giữ 11 học viên Pháp Luân Công, trong đó có bà Hứa. Họ bị giam giữ vì cung cấp hình ảnh và thông tin cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong thời gian đầu bùng phát dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc.
Vào ngày 14/01/2022, sau hơn một năm ở trại tạm giam địa phương, bà Hứa nhận bản án tám năm tù vào ba tuần trước khi Thế vận hội mùa đông 2022 bắt đầu. Bà bị kết án với cáo buộc có liên quan đến một tổ chức “dị giáo” nhằm phá hoại việc thực thi luật pháp, theo Điều 300 Bộ luật Hình sự Trung Quốc. Bản án của bà là dài nhất trong số 11 học viên, những người còn lại nhận mức án từ hai đến năm năm.
Trong một báo cáo hồi tháng 10/2023 của Minghui.org, một trang web đa ngôn ngữ có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên cung cấp thông tin có nguồn trực tiếp về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đã tiết lộ rằng hồi tháng Chín, bà Hứa đã bị chuyển từ Nhà tù Thiên Hà Bắc Kinh đến Nhà tù Nữ Bắc Kinh. Cơ sở thứ hai này đã liên tục từ chối yêu cầu của gia đình được đến thăm bà.
Bà Hứa xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ. Thân phụ của bà là một thành viên của Hiệp hội Nghệ sĩ Trung Quốc, còn thân mẫu của bà giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật tỉnh Cát Lâm. Bà Hứa đã nhận được một giải thưởng tại Triển lãm Tranh sơn Dầu của các nghệ sĩ trẻ Trung Quốc năm 1998.
Điều 300 Bộ luật Hình sự
Báo cáo thường niên của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc năm 2022 tuyên bố rằng ĐCSTQ tiếp tục sử dụng Điều 300 để bức hại các thành viên của các nhóm tu luyện tinh thần — bao gồm Pháp Luân Công, Hội Thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng, Nhân Chứng của Giê-hô-va, cùng các nhóm khác — được cho là bất hợp pháp hoặc bị coi là “tà giáo.” Báo cáo cho biết luật pháp nước này nghiêm cấm việc “tổ chức, lợi dụng một giáo phái để phá hoại việc thi hành pháp luật.”
Ông Ngô Thiểu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền hiện đang sống ở New York, nói rằng bản thân Điều 300 đã vi phạm Hiến Pháp Trung Quốc, và “Điều 300 là một quy định được sử dụng để bịa đặt các cáo buộc chống lại Pháp Luân Công.”
Trong một bức thư ngỏ năm 2008 gửi Viện kiểm sát Tối cao Trung Quốc, luật sư nhân quyền Trung Quốc Vương Vĩnh Hàng (Wang Yonghang) nêu ra vấn đề rằng Điều 300 không thể được áp dụng hợp pháp đối với Pháp Luân Công bởi vì điều khoản này “không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế tối thiểu về sự rõ ràng và cụ thể.”
Hơn nữa, “Trên thực tế, các cơ quan chính quyền từng cố gắng buộc tội các học viên Pháp Luân Công theo lệnh của Phòng 610 chưa bao giờ có thể chứng minh một cách hợp pháp rằng các học viên đã phạm tội thực sự. Chưa bao giờ tòa án xác định rằng việc thực thi luật pháp bị gián đoạn là do các học viên Pháp Luân Công thực hành tín ngưỡng, luyện công, hoặc phổ biến thông tin về vi phạm nhân quyền một cách ôn hòa,” theo một Tuyên bố bằng văn bản của ông Hạ Nhất Dương (Yiyang Xia), Giám đốc cao cấp về Chính sách và Nghiên cứu tại Tổ chức Luật Nhân quyền và Giám đốc Ban Điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Phòng 610, được đặt tên theo ngày thành lập vào ngày 10/06/1999, là một lực lượng đặc nhiệm thực thi ngoài vòng pháp luật được thành lập để thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công.