EU áp thêm thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất
Mức thuế lên tới 37.6% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất sẽ có hiệu lực từ hôm 05/07, ban đầu trong bốn tháng, nhưng có thể được gia hạn thêm nhiều năm.
Hôm 04/07, Brussels đã tuyên bố các công ty sản xuất xe điện (EV) tại Trung Quốc sẽ phải chịu thêm thuế quan khi sản phẩm của họ được xuất cảng vào thị trường Liên minh Âu Châu.
Tất cả các quốc gia thành viên sẽ áp dụng mức thuế lên tới 37.6% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất kể từ ngày 05/07. Quyết định này có tính ràng buộc và ban đầu sẽ có hiệu lực trong 4 tháng, sau đó có thể được gia hạn thêm nhiều năm.
Hành động này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của Ủy ban Âu Châu. Cuộc điều tra phát hiện ra rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang hưởng lợi từ các khoản trợ cấp nhà nước “không công bằng” và gây ra “mối đe dọa gây tổn hại kinh tế” cho ngành xe hơi nội địa của EU, ủy ban cho biết trong một tuyên bố hôm 04/07.
EU đã đồng ý đàm phán với Bắc Kinh về kế hoạch thuế quan của khối, được công bố lần đầu tiên hôm 12/06. Ủy viên thương mại EU, ông Valdis Dombrovskis, và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Vương Văn Đào, đã có cuộc họp đầu tiên hôm 22/06.
Phát ngôn viên về thương mại của Ủy ban Âu Châu, ông Olof Gill, cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp: “Phía EU nhấn mạnh rằng bất kỳ kết quả đàm phán nào đối với cuộc điều tra của EU đều phải mang lại hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề trợ cấp gây tổn hại.”
Hôm 04/07, Brussels đã nhắc lại thông điệp đó trong tuyên bố của mình, cho biết các cuộc đàm phán kỹ thuật với Bắc Kinh sẽ tiếp tục với “mục đích đạt được giải pháp tương thích với WTO,” biện pháp mà sẽ giải quyết được “thỏa đáng” những lo ngại của Brussels.
Thuế tạm thời đối với xe điện Trung Quốc gần như giống hệt với các kế hoạch được công bố hồi tháng trước. Ủy ban cho biết họ đã giảm nhẹ một số mức thuế dựa trên “bình luận về độ chính xác của các tính toán do các bên quan tâm đệ trình.”
Theo quyết định được công bố trên Công báo EU, mức thuế cao nhất là 37.6% sẽ được áp dụng đối với SAIC Group, một hãng sản xuất xe hơi nhà nước của Trung Quốc. Thuế áp dụng cho các hãng sản xuất xe hơi khác của Trung Quốc cũng khác nhau, với Geely phải đối mặt với mức thuế 19.9% và BYD chịu mức 17.4%.
Các biện pháp này cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty phương Tây sản xuất xe điện tại Trung Quốc, chẳng hạn như Tesla, hãng có một nhà máy lớn ở Thượng Hải. Theo Công báo EU, đại công ty sản xuất xe hơi Mỹ này, cùng với BMW và các nhà sản xuất xe hơi khác được EU nhận định là tỏ ra hợp tác trong cuộc điều tra, sẽ phải chịu mức thuế 21%, trong khi các nhà sản xuất xe hơi không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế cao hơn là 38.1%.
Cuộc điều tra đang diễn ra của EU về xe điện do Trung Quốc sản xuất dự kiến sẽ kéo dài thêm gần bốn tháng nữa.
Sau thời hạn này, Ủy ban Âu Châu có thể đề nghị áp dụng các mức thuế cố định, thường có hiệu lực trong năm năm, nếu kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của đa số quốc gia trong số 27 thành viên của khối tại cuộc bỏ phiếu vào tháng Mười Một tới.
‘Phi toàn cầu hóa’
Chính quyền Trung Quốc đã cam kết thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để “kiên quyết” bảo vệ các quyền và lợi ích của mình.
Ví dụ, hôm 17/06, Bộ Thương mại Trung Quốc đã khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt heo nhập cảng từ EU.
Hồi tháng Một, Bắc Kinh đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh Âu Châu, đặc biệt là rượu cognac của Pháp. Hành động này được xem là nhằm đáp trả việc Brussels giám sát chặt chẽ các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện và thiết bị y tế.
Một số nhà phân tích cho rằng hành động trả đũa của Bắc Kinh nhằm mục đích gây sức ép buộc Brussels phải có lập trường mềm mỏng hơn.
Ông Erik Jones, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sau đại học Robert Schuman tại Viện Đại học Âu Châu (EUI) có trụ sở tại Ý, cho biết: “Trung Quốc đang sử dụng mọi đòn bẩy mà họ có để thúc đẩy EU điều chỉnh lập trường. Tất cả đều là một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược.”
Mới đây ông đã chia sẻ với The Epoch Times, “Tin tức về cuộc điều tra bán phá giá của Trung Quốc đối với thịt heo xuất cảng từ EU chỉ là minh họa mới nhất.”
Ông Jones cho biết hành động trả đũa của Bắc Kinh chỉ có thể làm gia tăng căng thẳng với EU, và Brussels sẽ tiếp tục con đường “giảm thiểu rủi ro” của mình.
“Mỗi hành động ăn miếng trả miếng đều làm gia tăng tình hình căng thẳng chung trong mối quan hệ này,” ông Jones nói tiếp. “Tôi dự đoán kiểu hành xử như vậy sẽ gia tăng chứ không giảm đi trong những tháng và năm tới.”
Quyết định này của Brussels được đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố áp thuế 100% đối với xe điện được vận chuyển từ Trung Quốc — tăng gấp bốn lần so với mức thuế 25% trước đó — trước thềm cuộc bầu cử tháng Mười Một.
Ông Jones cho biết, bất kể ai kiểm soát Tòa Bạch Ốc, thì cấu trúc cơ bản của mối bang giao EU-Trung Quốc sẽ “vẫn đi theo cùng một quỹ đạo mà chúng ta chứng kiến ngày nay — hướng tới cạnh tranh chiến lược nhiều hơn và do đó cũng hướng tới ‘giảm thiểu rủi ro’ nhiều hơn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times