Downing Street ca ngợi Pháp Luân Công về cuộc thỉnh nguyện phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ kéo dài 24 năm
Downing Street đã ca ngợi các học viên Pháp Luân Công vì “thành tích đáng khen ngợi” khi các học viên ở Vương quốc Anh kỷ niệm 24 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ở Bắc Kinh.
Một số chính trị gia cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nhóm tu luyện này, vốn là một mục tiêu đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong hơn hai thập niên qua.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần đề cao các nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.”
Được truyền ra tại Hoa lục hồi năm 1992, theo ước tính của ĐCSTQ, Pháp Luân Công đã thu hút khoảng 70 triệu học viên, trước khi cựu lãnh đạo chính quyền Trung Quốc Giang Trạch Dân chỉ thị bộ máy đảng đàn áp môn tu luyện này.
Theo lời kể của ký giả Hoa Kỳ Danny Schechter, hôm 25/04/1999, có khoảng 10,000 đến 15,000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung xung quanh Trung Nam Hải, khu phức hợp của giới lãnh đạo ĐCSTQ ở Bắc Kinh, để thỉnh nguyện ôn hòa sau khi cảnh sát chống bạo động ở thành phố Thiên Tân gần đó sử dụng bạo lực và bắt giữ 45 học viên vì đã phản đối một bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công.
Trước đây, Pháp Luân Công từng nói rằng địa điểm dự định của nhóm là văn phòng Quản lý Kiến nghị và Khiếu nại Công cộng Quốc gia, nằm bên cạnh Trung Nam Hải.
Cuộc thỉnh nguyện thầm lặng dường như đã có một kết thúc có hậu sau khi Thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ nói chuyện với một số đại diện và ra lệnh thả các học viên bị bắt, nhưng ba tháng sau đó, ĐCSTQ chính thức phát động một chiến dịch nhằm “xóa sổ” Pháp Luân Công trong vòng ba tháng.
Kể từ đó, những học viên từ chối từ bỏ đức tin đã bị sách nhiễu, không được đi học hoặc làm việc, bị giam giữ, tra tấn và sát hại, đôi khi còn bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập do luật sư và thẩm phán nổi tiếng người Anh Geoffrey Nice, KC chủ trì đã phát hiện ra rằng các học viên Pháp Luân Công đã và đang tiếp tục là nhóm nạn nhân chính bị sát hại để thu hoạch nội tạng. Bằng chứng cũng cho thấy nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức cũng nhắm vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong những năm gần đây.
Trong một bức thư gửi cho ông Lưu Vĩ (Wei Liu,) giám đốc Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Vương quốc Anh, Downing Street cho biết Thủ tướng Rishi Sunak đánh giá cao “cử chỉ cao đẹp” về lời mời tham dự một sự kiện kỷ niệm hôm 29/04.
“Đó là một thành tích đáng khen ngợi của các học viên Pháp Luân Công khi duy trì môn tu luyện của họ trong một hoàn cảnh như vậy và tôi muốn gửi lời chúc mừng vì cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của họ đã tròn 24 năm,” bức thư viết.
Những bức thư của một số chính trị gia liên đảng cũng được đọc tại cuộc tập hợp ở London.
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Fiona Bruce, phó chủ tịch Nhóm nghị sĩ toàn đảng (APPG) về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, đã bày tỏ “sự cảm thông chân thành trước hoàn cảnh bất công” mà các học viên Pháp Luân Công đã và đang phải gánh chịu.
Bà cho biết APPG sát cánh cùng nhóm tu luyện này trong chiến dịch đòi quyền thực hành Pháp Luân Công “không sợ hãi và trong sự ôn hòa.”
Bà viết: “Không ai nên bị mất việc làm, bị cấm học tập, bị bỏ tù, tra tấn, thậm chí bị sát hại chỉ vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.”
Nam tước Lord Pearson của Rannoch cho biết cách đối xử của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công “có thể được mô tả một cách chắc chắn là tàn ác” và khuyến khích các học viên “tiếp tục đấu tranh” cho quyền lợi của họ.
Bà Shabana Mahmood, Nghị sĩ Đảng Lao động và là thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc, cho biết bà ủng hộ tất cả các cuộc tranh luận tại quốc hội về các vấn đề của Trung Quốc, “bao gồm cả cuộc bức hại Pháp Luân Công,” và sẽ tiếp tục theo dõi sát sao vấn đề này.
Nghị sĩ Đảng Xanh Caroline Lucas cho biết bà “vô cùng bàng hoàng” khi đọc về “quy mô vi phạm nhân quyền không có giới hạn” mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng, và cho biết bà không tin rằng chính phủ Vương quốc Anh đã làm đủ để phản đối và gây áp lực lên ĐCSTQ.
Ông Bob Doris, một thành viên của Quốc hội Scotland, cho biết: “Việc đàn áp và từ chối các quyền tự do dân sự cơ bản do nhà nước Trung Quốc gây ra đã được ghi chép đầy đủ.”
Thành viên Đảng Quốc gia Scotland cho biết: “Những tội ác này là một vụ bê bối đạo đức và luân lý vẫn còn đang tiếp diễn.”
Bảo An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times