Công chúng chào đón đoàn diễn hành của các học viên Pháp Luân Công tại lễ hội văn hóa Carnival ở Bielefeld, Đức
BIELEFELD, Đức — Hôm 03/06/2023, lễ hội văn hóa Carnival (Carnival der Kulturen) thường niên lần thứ 25 đã diễn ra tại thành phố Bielefeld thuộc tiểu bang Nordrhein-Westfalen, Cộng hòa Liên bang Đức. Hơn 250 học viên Pháp Luân Công đã tham dự sự kiện diễn hành này như một phần của các hoạt động diễn ra trong lễ hội.
Sau thời gian dài tạm dừng vì các biện pháp phòng dịch, lễ hội văn hóa Carnival ở thành phố Bielefeld cuối cùng đã được tái tổ chức hôm thứ Bảy, ngày 03/06. Có khoảng 70 nhóm, hội, tổ chức đến từ Bielefeld cũng như từ các vùng miền trên toàn nước Đức và các quốc gia Âu Châu khác đã tham dự lễ hội này. Ban tổ chức ước tính có khoảng 100,000 đến 120,000 khán giả có mặt tại sự kiện.
Trong 25 năm qua, lễ hội văn hóa Bielefeld được tổ chức hàng năm với tiêu chí: “Hòa bình, toàn diện, và hội nhập cùng nhau.” Lễ hội thể hiện sự đa dạng văn hóa cũng như vẻ đẹp truyền thống thông qua trang phục, âm nhạc, điệu múa của các đoàn diễn hành tham gia.
Thiên Quốc Nhạc Đoàn Âu Châu dẫn đầu đoàn diễn hành của Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) trong sự kiện này. Trong lễ hội năm nay, đoàn nhạc vận trang phục thời Đường và đã biểu diễn các bài nhạc do học viên Đại Pháp sáng tác như Pháp Luân Thánh Vương, Tống Bảo, Phật Ân Thánh Nhạc, Khải Hoàn, … và nhận được nhiều lời cổ vũ, khen ngợi tích cực cũng như yêu cầu chơi nhạc tiếp từ đông đảo khán giả.
Đây là một sự kiện cộng đồng dành cho người dân tại thành phố Bielefeld nên có rất nhiều gia đình đưa trẻ em đến xem.
Sự kiện lễ hội văn hóa này cũng là một dịp thích hợp để giới thiệu các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp cho công chúng. Một nhóm gồm 30 học viên đã luyện tập các bài công pháp trong suốt quãng đường dài 2.4 km của sự kiện này.
Múa lân và múa rồng là những tiết mục không thể thiếu trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp từ đội múa lân của Cộng hòa Séc và từ đội múa rồng Ba Lan đã vượt một chặng đường dài để đến tham dự sự kiện này. Khán giả phương Tây rất thích thú với màn trình diễn của các học viên, bởi họ chỉ được xem trên truyền hình mà chưa được tận mắt chứng kiến. Các em nhỏ rất thích múa lân và múa rồng, đặc biệt là khi các đội múa lân và rồng biểu diễn những động tác hài hước như cắn giả hay chạy theo đuổi bắt các em.
Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa được truyền rộng ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992, gồm các bài công pháp tĩnh tại và một bộ bài giảng đạo đức xoay quanh các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Hiện nay, pháp môn này được hàng triệu người theo học tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. Cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, cuốn Chuyển Pháp Luân, đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ.
Đi sau nhóm các học viên cầm biểu ngữ là đội trống lưng. Phổ biến ở cao nguyên Hoàng thổ, tỉnh Thiểm Tây phía bắc Trung Quốc, múa trống lưng được dùng trong các điệu múa dân gian thể hiện sự hạnh phúc và tạ ơn đất trời của người nông dân sau một vụ mùa bội thu. Hình thức biểu diễn biến hóa phong phú này kết hợp các bước nhảy nhẹ, có tiết tấu vui vẻ và mang đậm tính cách chất phác đặc trưng của người nông dân.
Do có rất nhiều đoàn diễn hành tham gia sự kiện, nên ban tổ chức lễ hội không cho phép các đoàn phát tờ rơi giới thiệu. Tuy nhiên, đoàn diễn hành của các học viên Pháp Luân Đại Pháp được ngoại lệ cho phép phát tặng hoa sen mang thông điệp “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” đến những người dân nơi đây.
Bên cạnh hoạt động tặng hoa sen, các học viên cũng thu thập chữ ký thỉnh nguyện chấm dứt cuộc bức hại và hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ở điểm cuối tuyến đường diễn hành, một sân khấu ngoài trời đã được dựng sẵn. Sân khấu tọa lạc tại quảng trường trước tòa thị chính, và cũng là địa điểm mà các nhóm tham dự sẽ biểu diễn trước khi kết thúc diễn hành. Thiên Quốc Nhạc Đoàn Âu Châu đã biểu diễn nhạc khúc “Pháp Luân Đại Pháp hảo” tại đây.
Kết thúc lễ hội, cô Ina Schwarz, người đại diện cho đoàn diễn hành của Pháp Luân Đại Pháp lần này, cảm ơn các học viên đến tham dự vì đã thể hiện những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Cô nói: “Tôi rất vui mừng. Mặc dù có nhiều thay đổi dường như hỗn loạn vào phút chót nhưng mọi thứ đều diễn ra rất tốt đẹp. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã cùng nhau tạo dựng một không khí tốt đẹp mà khán giả hoàn toàn cảm nhận được.”
Âu Định thực hiện