Các tổng chưởng lý tiểu bang nói với 100 CEO hàng đầu: Phán quyết chống phân biệt chủng tộc của SCOTUS cũng áp dụng cho các công ty
Theo các tổng chưởng lý, các công ty phải ‘ngay lập tức chấm dứt bất kỳ hạn ngạch hoặc ưu đãi phi pháp nào dựa trên chủng tộc’
Các tổng chưởng lý tiểu bang từ Tennessee, Kansas, và 11 tiểu bang khác đã thông báo cho 100 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ rằng, sau phán quyết chống phân biệt chủng tộc tại Harvard và Đại học North Carolina của Tối cao Pháp viện, các công ty tư nhân cũng sẽ phải tuân theo tiêu chuẩn này.
Trong một bức thư đề ngày 13/07 gửi cho CEO của các công ty trong danh sách Fortune 100, các tổng chưởng lý viết rằng “phán quyết gần đây của Tối cao Pháp viện nên khiến mọi nhà tuyển dụng và nhà thầu phải thông báo về tính bất hợp pháp của hạn ngạch chủng tộc và các ưu tiên dựa trên chủng tộc trong việc tuyển dụng và thực hành hợp đồng.
“Nếu công ty của quý vị trước đây sử dụng các ưu đãi về chủng tộc hoặc hạn ngạch trần trụi để bù đắp cho sự cố chấp của mình, thì con đường phân biệt đối xử đó hiện đã hoàn toàn bị đóng lại,” bức thư viết. “Công ty của quý vị phải vượt qua sự thiên vị căn bản của mình và đối xử bình đẳng với tất cả các nhân viên, tất cả các ứng viên, và tất cả các nhà thầu, bất kể chủng tộc.”
Do Tổng Chưởng lý Kansas Kris Kobach và Tổng Chưởng lý Tennessee Jonathan Skrmetti viết, bức thư này được các tổng chưởng lý từ Alabama, Arkansas, Indiana, Nebraska, Iowa, South Carolina, Kentucky, West Virginia, Mississippi, Missouri, và Montana đồng ký.
Trong số nhiều công ty khác, họ đã cáo buộc các công ty sau áp dụng chính sách tuyển dụng theo hạn ngạch, thăng chức, hoặc ký hợp đồng mang tính phân biệt chủng tộc: Airbnb, Apple, Cisco, Facebook, Google, Intel, Lyft, Microsoft, Netflix, PayPal, Snapchat, TikTok, Uber, Goldman Sachs, và JPMorgan Chase. Họ cho biết tổng cộng 27 ngân hàng, công ty công nghệ, và công ty tư vấn đã đặt ra hạn ngạch tuyển dụng rõ rệt về chủng tộc, mà các tòa án đã liên tục phán quyết là bất hợp pháp theo luật Hoa Kỳ.
Theo một cuộc khảo sát của Harvard Business Review năm 2022, hơn 60% công ty Mỹ từng có một chương trình đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI) dựa trên chủng tộc hoặc giới tính. Ngoài ra, sau sự việc ông George Floyd, một người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu, thiệt mạng hồi năm 2020 dưới tay của các sĩ quan cảnh sát, nhiều công ty, trong đó có Wells Fargo, United Airlines, JPMorgan Chase, Delta Airlines, Ralph Lauren, và Estee Lauder, đã thông báo các chính sách tuyển dụng và khuyến mãi dựa trên chủng tộc.
Hồi tháng 07/2021, giám đốc đa dạng của Facebook, bà Maxine Williams, đã viết rằng công ty đã vượt mục tiêu tăng 30% số vị trí trong ban lãnh đạo là do “người da màu” nắm giữ và sẽ đạt được mục tiêu chi 1.1 tỷ USD cho “các doanh nghiệp có thành phần chủ sở hữu đa dạng.”
Tối cao Pháp viện kết thúc việc tuyển sinh dựa trên chủng tộc
Hôm 29/06, Tối cao Pháp viện đã phán quyết rằng các chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc tại Đại học Harvard và Đại học North Carolina đã vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng của Tu chính án thứ 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Khi thảo ra phán quyết này, các thẩm phán đã viết: “Được Quốc hội đề nghị và các Tiểu bang phê chuẩn sau Nội chiến, Tu chính án thứ 14 quy định rằng không Tiểu bang nào được ‘từ chối bất kỳ người nào … có được sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật.’”
“Những người ủng hộ Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng đã mô tả ‘nguyên tắc nền tảng’ của điều khoản này là ‘không cho phép luật pháp có bất kỳ sự phân biệt nào dựa trên chủng tộc hoặc màu da,’” các thẩm phán viết. “Bất kỳ ‘luật nào áp dụng cho một người đều [nên] áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người’… Xóa bỏ phân biệt chủng tộc có nghĩa là xóa bỏ toàn bộ mọi phân biệt về chủng tộc.”
Trong khi phán quyết này liên quan đến các chính sách tuyển sinh đại học, Tối cao Pháp viện cũng đã lập luận rằng luật dân quyền của Hoa Kỳ được áp dụng, quy định này cũng sẽ áp dụng đối với các công ty tư nhân. Đề mục VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964 cấm phân biệt chủng tộc đối với bất kỳ tổ chức nào nhận tiền liên bang; Đề mục VII cấm phân biệt đối xử trong việc làm và áp dụng đối với các công ty tư nhân.
Ngoài ra, một số tiểu bang, bao gồm New York, California, và New Jersey, có luật phản ánh việc cấm phân biệt chủng tộc trong tuyển dụng tư nhân tương tự như Đạo luật Quyền Công dân. Một số luật của tiểu bang cho phép việc đánh giá mức thiệt hại để bồi thường không giới hạn cho hành vi phân biệt chủng tộc đối với các nhân viên, và một tòa án ở New Jersey đã trao cho một nhân viên da trắng của Starbucks 20 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại vào tháng Sáu, phán quyết rằng công ty đã sa thải cô ấy vì lý do chủng tộc.
‘Khoảng cách chủng tộc lớn cỡ vùng Vịnh là có tồn tại’
Trong bản ý kiến bất đồng với phán quyết của Tối cao Pháp viện, Thẩm phán Ketanji Brown Jackson đã viết: “Có những khoảng cách chủng tộc lớn cỡ vùng Vịnh đối với sức khỏe, sự giàu có, và hạnh phúc của công dân Mỹ. “
“Chúng được tạo ra trong quá khứ xa xôi, nhưng chắc chắn đã được truyền lại cho đến ngày nay qua nhiều thế hệ,” bà nói. “Mọi thời điểm mà những khoảng cách này tồn tại là thời điểm mà quốc gia vĩ đại này không thể hiện thực hóa một trong những nguyên tắc nền tảng của mình — sự thật ‘hiển nhiên’ rằng tất cả chúng ta sinh ra đều bình đẳng.”
Bức thư của các tổng chưởng lý tiểu bang nói rằng các công ty phải “ngay lập tức chấm dứt bất kỳ hạn ngạch hoặc ưu đãi phi pháp nào dựa trên chủng tộc.”
“Các tập đoàn có trách nhiệm quan tâm đến việc trợ giúp cho các cá nhân và cộng đồng kém may mắn có thể tìm thấy nhiều hãng truyền thông hợp pháp để làm như vậy,” họ viết. “Nhưng vẽ những đường thô sơ dựa trên màu da không phải là một lối thoát hợp pháp.”
Ông Erin Wilcox, một luật sư tại Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương, cho biết trong khi một số công ty có thể chọn loại bỏ các chính sách dựa trên chủng tộc sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, nhưng những công ty khác sẽ tiếp tục sử dụng các tiêu chí chủng tộc hoặc sử dụng các chính sách “ủy quyền” không nêu rõ các điều khoản về chủng tộc nhưng tìm các tiêu chí khác đạt được cùng mục tiêu phân biệt chủng tộc.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện có thể đẩy nhanh một xu hướng mà sự suy thoái kinh tế hiện tại đã bắt đầu khởi động, đó là làm giảm các chương trình đa dạng của công ty. Theo một báo cáo hồi tháng Hai của Revelio Labs, phối hợp với Washington Post và Reuters, các chương trình đa dạng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng sa thải của các công ty trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.
“Tốc độ bỏ việc đối với các vị trí về DEI đã vượt xa tỷ lệ của các vị trí không phải DEI tại hơn 600 công ty Hoa Kỳ đã sa thải lao động kể từ cuối năm 2020, và đã tăng nhanh chóng trong sáu tháng qua,” báo cáo cho biết. “Hơn nữa, hơn 300 chuyên gia DEI đã rời khỏi các công ty này trong sáu tháng qua. Amazon, Twitter, và Nike mỗi hãng đã sa thải từ 5 đến 16 chuyên gia DEI và vụ sa thải nổi tiếng đối với đội ngũ đa dạng của Twitter cũng không hề kém cạnh.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times