Phải chăng tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ nghiêm trọng đến mức không thể vãn hồi?
Người ta nói rằng đặc điểm nổi bật của một quốc gia như Hoa Kỳ là [chủ nghĩa] da trắng thượng đẳng và sự bất bình của người da trắng. Theo ông Wesley Lowery, tác giả của cuốn sách mới “American Whitelash” (tạm dịch: Sự phẫn nộ của người Mỹ da trắng), ngày càng có nhiều người Mỹ không bằng lòng với ý tưởng về tiến bộ chủng tộc. Tôi cho rằng đây là một quan điểm hoàn toàn tách rời khỏi thực tế khách quan.
Cuốn sách của ông Lowery đã nhận được những đánh giá tích cực từ những người cánh tả. Ông Ibram X. Kendi, một trong những người chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng của Mỹ, đã gọi cuốn sách này là một cuốn “không thể thiếu.” Có thật như vậy không? Hay cuốn sách này chỉ đơn giản là góp phần vào một câu chuyện sai sự thật vốn tiếp tục bôi xấu Mỹ quốc một cách tệ hại?
Ông Lowery không phải là cá nhân nổi bật duy nhất tin rằng chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là một đặc điểm xác định cấu trúc tư tưởng của quốc gia này. Trong bài diễn văn khai mạc gần đây tại Đại học Howard, một trong những tổ chức nghiên cứu nổi bật nhất Mỹ quốc về lịch sử người Mỹ gốc Phi Châu, tổng thống Joe Biden đã yêu cầu tất cả những người tham dự “đứng lên phản đối chất độc của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” và “nhấn mạnh rằng đây là mối đe dọa khủng bố nguy hiểm nhất đối với đất nước chúng ta.”
Nếu quý vị tin rằng đất nước này được xây dựng trên nền tảng của sự phân biệt chủng tộc, thì rõ ràng là quý vị sẽ thấy sự phân biệt chủng tộc ở mọi nơi quý vị nhìn vào. Điểm này được nhấn mạnh trong một bản tin gần đây trên ấn phẩm Fortune, về một người phụ nữ Mỹ gốc Phi Châu tên là Makia Green. Với khoản nợ 20,000 USD sinh viên, bà Green đang “trông cậy vào lời hứa giảm nợ của tổng thống Joe Biden để xóa sạch gần như toàn bộ khoản nợ đó.”
Bà Green, hiện là một nhà tổ chức cộng đồng, đã được xóa một khoản nợ khá lớn thông qua chương trình AmeriCorps. Bà cảm thấy “dường như những người đi làm đã trải qua đủ rồi — tôi đã trải qua đủ rồi. Từ một đại dịch, một cuộc nổi dậy, một cuộc suy thoái, giá cả sinh hoạt tăng lên. Tôi xứng đáng được xóa nợ.” Như bài báo lưu ý, bà Green và “nhiều người da màu khác” tin chắc rằng những người phản đối việc xóa nợ cũng phản đối “sự tiến bộ về chủng tộc trong giáo dục đại học.”
Bà Green rõ ràng vì muốn đưa ra quan điểm mà đã gọi việc phản đối giảm nợ là “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng tại nơi làm việc.” Bà ấy khẳng định, những gì chúng ta đang chứng kiến là “một chiến thuật lâu dài của các nhóm bảo tồn truyền thống, theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng nhằm sử dụng giáo dục và hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của người Mỹ gốc Phi Châu, như một cách để kiểm soát và áp bức chúng tôi hơn nữa.”
Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng không chỉ ảnh hưởng đến giới giáo dục đại học. Bà Sara Heath, biên tập viên cao cấp của Patient Engagement News, gần đây đã lập luận rằng “lĩnh vực chăm sóc sức khỏe gần như không thể giải quyết vấn đề bình đẳng nếu không thừa nhận vai trò của giả thuyết về sự phong hóa, một khái niệm cho rằng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho sức khỏe.”
Theo bà Heath, “Rõ ràng là sự phong hóa có một vị trí trong cuộc trò chuyện về công bằng sức khỏe.”
Đối với những người không quen biết, giả thuyết về sự phong hóa này cho rằng việc tiếp xúc lâu dài với nạn phân biệt chủng tộc và nhiều bất công xã hội cũng như kinh tế có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các nhóm thiểu số, đặc biệt là sức khỏe của người Mỹ gốc Phi Châu. Theo bà Heath, người Mỹ gốc Phi Châu chịu một loạt tình trạng sức khỏe thể chất tồi tệ “vì họ thường xuyên phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.”
Một nghiên cứu gần đây được các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia thực hiện dường như đã xác nhận quan điểm gây tranh cãi của bà Heath (nhấn mạnh vào từ “dường như”). Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Stat, bà Indira C. Turney, một trong những tác giả của nghiên cứu này, nói rằng “bộ não của những người Mỹ gốc Phi Châu tham gia vào nghiên cứu này ở độ tuổi trung niên trông giống như bộ não của những người cao tuổi hơn.” Tuy nhiên, tác giả của bản tin này trên Stat, bà Usha Lee McFarling, đã lưu ý:
“Xét đến việc người gốc Tây Ban Nha cũng phải đối mặt với sự bất bình đẳng về cấu trúc, nhóm nghiên cứu này cũng ngạc nhiên rằng quá trình lão hóa não sớm lại không xuất hiện ở mức độ tương tự trong nhóm đó vốn gồm phần lớn là những người nhập cư từ Cộng hòa Dominica và con em của họ.”
Theo tác giả, sự khác biệt nổi bật này “là điều mà bà Turney dự định tìm hiểu trong nghiên cứu ở tương lai.”
Có thể là giả thuyết về sự phong hóa thiếu giá trị khoa học?
Điều này không có nghĩa là phân biệt chủng tộc không tồn tại ở Mỹ quốc. Đương nhiên là có. Nhưng phân biệt chủng tộc có mặt ở khắp mọi nơi. Hoa Kỳ của năm 2023 không phải là Hoa Kỳ của năm 1963. Trên thực tế, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia cởi mở nhất trên thế giới. Những người sẵn sàng trải nghiệm rất khó có khả năng chấp nhận phân biệt chủng tộc.
Điều quan trọng cần nhớ là 94% người trưởng thành ở Hoa Kỳ chấp thuận hôn nhân giữa công dân Mỹ gốc Phi Châu và người da trắng. Mười năm trước, 87% dân số chấp thuận hôn nhân khác chủng tộc. Con số này năm 1958 chỉ là 4%. Hãy để cho những người nói rằng không có sự tiến bộ nào ở Hoa Kỳ nhìn vào những con số đó. Làm thế nào một quốc gia được xây dựng dựa trên sự phân biệt chủng tộc cũng có thể cởi mở với hôn nhân giữa các chủng tộc chứ? Điều đó thật phi lý.
Như nhà nhân chủng học tiến hóa Robert Lynch gần đây đã nhấn mạnh, Hoa Kỳ không bị chia rẽ bởi chủng tộc mà bởi tầng lớp. Ông Lynch lưu ý: “Thu nhập của cha mẹ là yếu tố dự đoán lớn nhất về thu nhập cả đời của một người.” Ông nói thêm: “Đơn cử, những cậu bé da trắng và những cậu bé gốc Phi Châu nghèo lớn lên trong cùng một khu phố ở Los Angeles có khả năng nghèo như nhau khi trưởng thành.”
Vì vậy, chúng ta hãy một lần thực hiện một cuộc thảo luận trung thực về phân biệt chủng tộc. Đúng là những người phân biệt chủng tộc có tồn tại, và đúng là cần phải đạt nhiều tiến bộ hơn nữa. Nhưng chúng ta đừng đánh lừa bản thân khi nghĩ rằng phân biệt chủng tộc là một đặc điểm nổi bật của cuộc sống ở Mỹ quốc thời hiện đại. Suy nghĩ đó vừa không thành thật mà còn gây khó chịu.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times