BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Hoa Kỳ bắt đầu phá dỡ bộ máy ‘xã hội đen’ ở hải ngoại của ĐCSTQ
Bà Vu Kính (Yu Jing) đã đào thoát khỏi Trung Quốc sau khi bị bức hại vì đức tin của mình. Tuy nhiên, bà thực sự không ngờ được rằng bà sẽ cảm thấy quyền tự do của mình bị đe dọa ngay trong chính quê hương mà bà mới tìm được.
Bà Vu từng là một công chức của Cục Đường ống Dầu khí Trung Quốc do nhà nước điều hành ở Trung Quốc cộng sản nhưng đã bị buộc cho thôi việc, và phải chịu cảnh ba lần bị bắt giữ và hai lần bị lục soát nhà vì niềm tin của bà vào Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
Môn tu luyện tinh thần này gồm một bộ các bài giảng đạo đức xoay quanh ba nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn cùng năm bài tập chậm rãi, khoan thai. Đến năm 1999, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người thực hành Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Coi sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lãnh đạo đương thời Giang Trạch Dân đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch đàn áp tàn bạo trên toàn quốc mà vẫn kéo dài cho đến ngày nay.
Năm 2001, bà Vu đã suýt mất mạng. Sau 11 ngày tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại, trong tình trạng bị ép không cho ngủ, và bị các lính canh cầm dùi cui đe dọa không ngừng, cơ thể đẫm mồ hôi của bà bắt đầu run rẩy một cách không kiểm soát. Theo lời bác sĩ nói với các lính canh khi đó, nếu họ đến bệnh viện chỉ muộn hơn 10 phút nữa, thì bà đã từ trần.
Giữa năm 2015, bà Vu đã đào thoát để đến với tự do. Nhiều tháng sau, bà đã đến thủ đô Mỹ quốc để tham gia một cuộc biểu tình gần khách sạn Washington Marriott Wardman Park, nơi ông Tập Cận Bình đang cư ngụ trong chuyến công du đầu tiên tới Hoa Kỳ của ông với tư cách là lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản.
Bà đã giương một biểu ngữ lớn màu trắng có dòng chữ tiếng Hoa in đậm: “Đưa Giang Trạch Dân Ra Trước Công Lý.” Bà muốn cuộc đàn áp này chấm dứt và người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là ông Giang Trạch Dân — kẻ chủ mưu đã phát động chiến dịch này — phải được yêu cầu chịu trách nhiệm.
Khi đoàn xe hộ tống ông Tập đang lăn bánh vào cuối buổi chiều hôm đó, bà Vu đột nhiên thấy mình bị bao vây giữa một đám đông nam giới mặc áo T-shirt đỏ. Họ giương cờ đỏ nhằm che mặt và biểu ngữ của bà Vu. Họ đã bao vây bà, thậm chí ngay cả sau khi cảnh sát ra lệnh yêu cầu họ lùi lại.
Nhớ lại tâm trạng bàng hoàng của mình khi đó, bà nói với The Epoch Times, “Tôi chưa bao giờ hình dung ra được rằng trong một xã hội tự do như Hoa Kỳ, những đặc vụ thân Trung Quốc này lại có thể hành động mất kiểm soát như vậy.”
Bấy lâu nay, nhiều người trong cộng đồng Hoa kiều bất đồng chính kiến đã biết rằng những người biểu tình thân Bắc Kinh như vậy được các nhóm địa phương có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ dàn xếp.
Hồi tháng trước (04/2023), một bản cáo trạng liên bang đã xác nhận mối liên hệ này.
Hai người đàn ông New York đã bị bắt vì bị tình nghi điều hành một đồn công an chìm ở thành phố New York thay mặt cho Bắc Kinh. Những vụ bắt giữ này nằm trong loạt vụ kiện cáo buộc hơn 40 đặc vụ Trung Quốc tiến hành các âm mưu khác nhau nhằm trợ giúp cho các nỗ lực tuyên truyền và đe dọa xuyên quốc gia của nhà cầm quyền cộng sản này.
Theo tài liệu của tòa án, hai người đàn ông bị bắt nói trên đã điều hành một hiệp hội người Hoa địa phương chuyên tổ chức các chuyến xe chở những người ủng hộ Bắc Kinh đến Hoa Thịnh Đốn để đóng vai trò là những người biểu tình chống lại các nhóm biểu tình khác trong chuyến công du năm 2015 của ông Tập.
‘Các chiến thuật kiểu xã hội đen’
Theo số liệu thống kê năm 2020 do Đại học Hoa Kiều (Huaqiao University) do nhà nước Trung Quốc điều hành tổng hợp, khoảng 60 triệu người gốc Hoa đang sinh sống bên ngoài Trung Quốc, và khoảng 1/12 số người đó hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Ngôi trường này hoạt động dưới sự giám sát của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan nhà nước chủ chốt chuyên chỉ thị các chiến dịch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến và lôi kéo các nhóm phương Tây đi theo đường hướng của đảng này.
Do thám, sách nhiễu, đe dọa trực tuyến, hành hung thân thể, và gây áp lực cho thân nhân ở Trung Quốc của những người bị nhắm mục tiêu chỉ là một vài trong số các chiến thuật mà ĐCSTQ khai triển để kiểm soát cộng đồng ngày càng tăng này.
Đó là một nỗ lực ngày càng mở rộng đã được biết đến như cuộc đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc. Nhiều phân tích của các viện nghiên cứu đã cho thấy rằng, về quy mô lẫn tính phức tạp thì trên thế giới chưa từng có chiến dịch nào sánh được với chiến dịch của Bắc Kinh.
Bắc Kinh cũng không thấy ngại về ‘thành tích’ của họ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã quảng bá rằng, từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022, thông qua việc tiến hành các hoạt động công an vượt biên giới, chính quyền này đã buộc 230,000 công dân Trung Quốc bị họ gắn nhãn là nghi phạm lừa đảo phải quay trở lại Trung Quốc.
Trong khi đó, sự phản kháng ngày một lớn dần.
Bà Laura Harth, giám đốc chiến dịch của tổ chức nhân quyền bất vụ lợi Safeguard Defenders đã mô tả hành động hôm 17/04 của Bộ Tư pháp (DOJ) là một diễn biến trong khuôn khổ một “thay đổi lớn” từ chính phủ Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn các hoạt động bí mật của Trung Quốc ở hải ngoại. Safeguard Defenders là tổ chức đầu tiên công bố thông tin về mạng lưới công an toàn cầu của Trung Quốc.
“Đối với rất nhiều người trong cộng đồng nhân quyền chúng ta, những người đã quen với việc các bằng hữu, những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động, những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giam, bắt cóc, tra tấn, vì những lời buộc tội vô căn cứ, thì một lần được ở vị thế ngược lại là điều rất đáng mừng,” bà nói với The Epoch Times, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng sự chú ý mới về vấn đề này sẽ giúp các nạn nhân được lên tiếng.
Tương tự, bà Sarah Cook, nhà phân tích cao cấp tại tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cũng nói rằng các cáo buộc của DOJ là “chưa từng có.”
Bà cho biết, về cuộc đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh, các vụ truy tố kể trên là những vụ án đầu tiên động chạm đến vấn đề các đồn công an chìm, những vụ án đầu tiên ở vào quy mô như vậy, và cũng là những vụ lần đầu tiên nhắm vào những thủ phạm của một trong những chiến dịch đàn áp đức tin lớn nhất của chính quyền Trung Quốc: cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Bà Cook nói với The Epoch Times rằng mặc dù hầu hết những cá nhân bị buộc tội này đều sống ở Trung Quốc, nhưng vẫn có tác động trong thế giới thực.
Bà nói: “Đầu tiên, họ không thể đến Hoa Kỳ mà không phải đối mặt với việc bị bắt giữ, và có khả năng, họ phải cẩn trọng khi đi du lịch đến các quốc gia khác có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ.”
Trong khi hoan nghênh các vụ truy tố này, cả bà Harth và bà Cook, cùng với những người khác đang theo dõi tình hình Trung Quốc, các nhà lập pháp, và nạn nhân của các chiến dịch này, đều cho rằng các vụ việc kể trên chỉ mới chạm đến “phần nổi của tảng băng chìm.”
Dân biểu Michael Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) nói với The Epoch Times: “Việc bắt giữ các đặc vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia vào việc thiết lập đồn công an trái phép của ĐCSTQ ở New York là một chiến thắng nhỏ nhưng quan trọng đối với chủ quyền của Hoa Kỳ và đối với những người bất đồng chính kiến chạy thoát khỏi sự áp bức, những người đã xem Hoa Kỳ là quê hương của họ.”
Ông nói thêm: “Các chiến thuật kiểu xã hội đen của ĐCSTQ — giám sát, sách nhiễu, tống tiền, tấn công, và bức hại cha mẹ già, vợ/chồng hoặc con cái ở Trung Quốc — không thể được dung thứ ở Mỹ.”
“Hoa Kỳ phải tiếp tục là một nơi trú ẩn khỏi sự đàn áp, chứ không phải là một mảnh đất săn lùng của những kẻ độc tài.”
Trả thù lao cho người biểu tình
Hai người New York mà FBI đã bắt giữ hôm 17/04 là ông Lô Kiến Vượng (Lu Jianwang) và ông Trần Kim Bình (Chen Jinping), tổng cố vấn và tổng thư ký của Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ, một nơi tụ họp xã hội lớn của những người đến từ tỉnh Phúc Kiến thuộc miền đông nam Trung Quốc.
Theo Safeguard Defenders, đồn công an mà họ điều hành nằm trong văn phòng hiện đã bị đóng cửa của hiệp hội này ở khu Chinatown thuộc trung tâm Manhattan. Đồn này là một trong bốn tiền đồn công an bất hợp pháp của Trung Quốc ở Hoa Kỳ. Có ít nhất hai tiền đồn khác tồn tại ở New York và Los Angeles; vị trí của tiền đồn thứ tư vẫn chưa được biết đến.
Theo hồ sơ tòa án, ông Lô, cựu chủ tịch của Hiệp hội Trường Lạc, đã được chính quyền Trung Quốc tin tưởng từ lâu.
Hồ sơ tòa án cho biết, trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của ông Tập Cận Bình, ông Lô và các lãnh đạo hiệp hội người Hoa địa phương khác đã giúp đưa đón hàng trăm người đến Hoa Thịnh Đốn — mỗi người được trả thù lao 60 USD từ lãnh sự quán Trung Quốc ở New York — để phá rối các cuộc biểu tình của các học viên Pháp Luân Công.
Nhóm học viên này đã tìm cách nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc cộng sản.
Các công tố viên cho biết, ông Lô, người đã thừa nhận có mối liên hệ với một cựu giám đốc Phòng 610 của ĐCSTQ — một cơ quan công an bất hợp pháp được thành lập vào năm 1999 với mục đích bức hại các học viên Pháp Luân Công — cũng tham gia vào vụ phá rối đó.
Dường như hài lòng với kết quả của vụ phá rối này, các quan chức Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ ăn mừng, trong đó ông Lô nhận được một bằng khen cho công việc của mình.
Những cảnh tượng như vậy không chỉ xảy ra ở Hoa Thịnh Đốn. Trong chặng dừng chân ba ngày của ông Tập ở New York từ Hoa Thịnh Đốn, ông Xu Dong, một người Mỹ gốc Hoa và là một học viên Pháp Luân Công, nhớ lại một số người nói tiếng Phúc Kiến đã cố đứng chặn trước ông khi ông đứng gần khách sạn của ông Tập. Với cờ đỏ trong tay, những người này đã cố gắng ngăn không cho biểu ngữ phản đối của ông được nhìn thấy.
Vì không muốn gây ồn ào, một số học viên Pháp Luân Công khác đã rời đi. Nhưng ông Xu, người vừa mới trở thành công dân Hoa Kỳ, đã giữ vững lập trường của mình.
“Đây là quốc gia của chúng ta, không phải là nơi để ĐCSTQ tùy ý muốn làm gì thì làm,” ông nhớ lại suy nghĩ lúc đó.
Những hộp cơm trưa và ‘một chuyến đi miễn phí’
Ông Trương Huệ Đông (Zhang Huidong), người cầm biểu ngữ ở đầu kia cùng với bà Vu, nhớ rằng mình đã đếm được sáu đến bảy chiếc xe bus, trong đó có một số chiếc đến từ Connecticut, Virginia, North Carolina, và Philadelphia.
Họ đến vào những thời điểm khác nhau trong ngày, tùy thuộc vào một trong ba ca mà họ được sắp lịch để làm. Vào bữa trưa, những người cầm biểu ngữ đại diện cho các hiệp hội Trung Quốc tương ứng của họ đã đến phân phát cơm trưa, ông Trương nhớ lại.
Một người đàn ông, trông giống như một người trưởng nhóm, thậm chí còn chế nhạo ông Trương, người cũng giống như những học viên khác, đã tự mang theo thức ăn của mình.
“Các ông làm việc này vì lẽ gì?” ông Trương hỏi.
Một sinh viên đến từ Connecticut trả lời ông Trương: “Chúng tôi được đi miễn phí” trên xe bus.
Những người đàn ông đó trở nên khó chịu với máy ảnh xung quanh họ.
Khi ông Trương, với bước chân hơi khập khiễng vì bị thương khi cố gắng trốn thoát khỏi một nhà tù Trung Quốc cách đây hai mươi năm, giơ điện thoại lên để ghi lại hành vi của họ, thì những người ủng hộ Bắc Kinh đó đã né tránh và chửi thề. Một phóng viên của một hãng thông tấn phương Tây nhanh chóng thấy mình là nạn nhân của sự thù địch, với một số người trong nhóm đó đã kéo tay anh và yêu cầu phải xóa các bức ảnh.
Khoảng một năm sau khi bà Vu bắt đầu làm tài xế cho một trung tâm chăm sóc người cao niên Trung Quốc có mối quan hệ thân thiết với đại sứ quán Trung Quốc, thì bà mới biết rằng những người phá rối đó đã được trả tiền. Một số người cao niên nói với bà rằng họ đã được hứa hẹn sẽ nhận được thù lao từ 20 đến 50 USD nếu xuất hiện để chào đón ông Tập. Nhiều người đã chấp nhận lời đề nghị này.
Ông Lộ, một người tham gia vụ phá rối, đã thừa nhận có mối liên hệ với một cựu giám đốc Phòng 610, một lực lượng công an bất hợp pháp được thành lập để bức hại Pháp Luân Công. Hồ sơ tòa án cho thấy ông và một cựu giám đốc Phòng 610 đã chụp ảnh chung trước nhà của mình ở Trung Quốc.
Ông Trương cho biết hành vi của phe ủng hộ Bắc Kinh khiến ông không nói được lời nào.
“Chỉ vì vài đồng bạc mà họ dường như sẵn sàng bán đi mọi thứ,” ông Trương nói với The Epoch Times. “Thật đáng ghê tởm.”
Khi ông Trương kéo những lá cờ ra khỏi tấm biểu ngữ, những người đàn ông đó bắt đầu chọc gậy vào phần thắt lưng của ông, và trong cuộc ẩu đả này, một cột cờ bằng kim loại đã chọc vào người một nữ cảnh sát.
Theo bà Vu, nữ cảnh sát này đã giật lấy lá cờ và giận dữ nói với những người ủng hộ Bắc Kinh rằng họ có thể sẽ bị bắt nếu không đứng cách những người học viên này 6 feet (1.83 m).
Lời nói đó đã khiến bà Vu cảm động cho đến ngày nay. “Cảm ơn,” bà nhớ đã nói với nữ cảnh sát đó. “Ở Trung Quốc, chính công an Trung Quốc đã bức hại tôi.” Người cảnh sát đó đã ôm bà khi biết câu chuyện của bà.
Hai người bạn của bà Vu đã bị ĐCSTQ tra tấn đến tử vong kể từ khi bà Vu rời khỏi Trung Quốc.
‘Đây là khu vực của tôi’
Những vụ đụng độ vào năm 2015 đó đã đánh dấu một trong rất nhiều cuộc chạm trán giữa các học viên Pháp Luân Công cũng như những người bất đồng chính kiến khác với những người bị tình nghi là nhóm bình phong và đặc vụ Trung Cộng trong những năm qua. Nhiều nhân chứng cho biết, trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Manhattan, các học viên Pháp Luân Công giương cao biểu ngữ phản đối cuộc bức hại thường bị nhổ nước bọt vào mặt, điện thoại của một học viên đã bị người khác đá văng khi đang cầm trên tay.
Hồi tháng Hai, một người đàn ông, người đã sách nhiễu các học viên biểu tình trong nhiều năm bằng cách cầm các biểu ngữ đỏ có các khẩu hiệu phỉ báng đức tin của họ, đã xô đổ một tấm biển có dòng chữ “Chân Thiện Nhẫn” xuống lề đường và yêu cầu các học viên đang luyện công gần đó phải rời khỏi khu vực này.
“Các người không thể luyện công ở đây. Đây là khu vực của tôi,” người đàn ông này tuyên bố, bà Liu Guofang (họ Lưu), một trong số hai học viên có mặt tại hiện trường, kể lại với The Epoch Times. Người đàn ông này liên tục nhổ nước bọt vào bà Lưu và một học viên khác đang có mặt ở đó khiến cả hai phải chạy xuống đường.
Đến cuối cùng, một công nhân xây dựng chứng kiến vụ đụng độ này đã báo cảnh sát. Sau đó bà Lưu nhìn thấy người đàn ông này chạy băng qua đường đến cổng trước của lãnh sự quán Trung Quốc, nơi ông ta thường lảng vảng. Bà Lưu cho biết người đàn ông này đã quay lại vào ngày hôm sau và quấy rối các học viên khác.
Chưa đầy hai tuần sau vụ việc trên, một người đàn ông nói tiếng Phúc Kiến đã hành hung một học viên Pháp Luân Công ở khu phố Flushing, khiến ông bị trầy xước trên cổ, tay, và đầu gối.
Bà Lưu, 70 tuổi, nghi ngờ rằng thời điểm xảy ra những sự kiện này không phải ngẫu nhiên. “Họ có thể đã nhận được một số chỉ thị,” bà nói về những người đàn ông đó.
Ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp có trụ sở tại New York, đã ghi lại một danh sách dài các vụ tấn công tương tự của đặc vụ ĐCSTQ trong suốt hai thập niên phụ trách việc vận động chính sách của ông.
“Đây không phải là điều gì mới mẻ đối với chúng tôi,” ông Browde nói với NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, sau khi đọc các tài liệu của Bộ Tư pháp. “Chúng tôi đã phải đối mặt với vấn đề này trong hơn 20 năm — đó có thể là việc đe dọa ám sát, hành hung, đột nhập vào tư gia của chúng tôi, sách nhiễu trên mạng, can thiệp vào sinh kế của chúng tôi, đe dọa thân nhân ở Trung Quốc.”
Ông chia sẻ, ngoài những mối đe dọa tấn công thân thể các học viên, các đặc vụ “côn đồ” cộng sản còn kích động hận thù trực tuyến, tuyên truyền trên báo chí, hoặc tìm những phương cách khác để gây ảnh hưởng đến dư luận.
Ông nói: “Họ đang phá vỡ cách chúng ta giao tiếp với nhau ở đây tại đất nước này.”
‘Họ ẩn nấp trong bóng tối’
Dưới con mắt của luật sư Arthur Liu (họ Lưu) ở San Francisco (người không có mối liên hệ họ hàng với bà Liu Guofang), Hoa Kỳ đã quá chậm trễ trong việc giải quyết các mối đe dọa như vậy trong hàng chục năm qua.
“Các hoạt động đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ chưa bao giờ dừng lại,” ông nói với The Epoch Times. “Việc này đã diễn ra hàng mấy thập niên qua.”
Ông Lưu từng là một nhà lãnh đạo sinh viên trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989. Sau khi chính quyền ra lệnh đàn áp phong trào này bằng xe tăng và súng đạn vào tháng Sáu năm đó, ông Lưu đã chạy trốn sang Hoa Kỳ, nơi ông nuôi dạy con gái mình, cô Alysa, người đã hai lần giành chức vô địch trượt băng nghệ thuật của Hoa Kỳ.
Nhưng chế độ này đã không buông tha cho ông. Không bao lâu sau khi ông Lưu đến Hoa Kỳ, ĐCSTQ đã cử một đặc vụ đến để làm thân với ông và thu thập thông tin tình báo về ông. Ông Lưu đã rất tin tưởng người đàn ông đó, và từng giới thiệu ông ta đến nhà một người bạn tại địa phương để ở tạm. Chỉ khoảng hai hoặc ba năm sau, người đàn ông đó mới tiết lộ rằng mình đã “đến để làm nhiệm vụ.”
“Chúng tôi không biết gì về điều đó nếu ông ấy không nói với tôi. Do đó, có thể tồn tại những gián điệp ngoài kia mà quý vị không hay biết không? Câu trả lời có lẽ là có,” ông Lưu nói.
Đó là vào những năm 1990. Ông nói rằng đảng này đã trở nên “liều lĩnh” hơn khi họ hoàn thiện cơ cấu đàn áp của mình.
Tháng 11/2021, một người đàn ông đóng giả là một quan chức của Ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ đã gọi điện và yêu cầu cung cấp số hộ chiếu của ông Lưu và con gái ông, nhưng ông Lưu đã từ chối. Người đàn ông đó được cho là Matthew Ziburis, một công dân Hoa Kỳ mà các công tố viên nói rằng Bắc Kinh đã thuê để tiến hành giám sát gia đình ông Lưu. Ông Ziburis đã bị bắt hồi tháng Ba năm ngoái (2022) với các cáo buộc gồm âm mưu thực hiện hành vi sách nhiễu giữa các tiểu bang và sử dụng phương tiện nhận dạng cho hành vi phạm tội. Ông ta được trả tự do với khoản tiền bảo lãnh 500,000 USD để tại ngoại trong khi chờ xét xử.
Sau sự kiện trượt băng tự do ở Bắc Kinh vào tháng Hai năm ngoái, cô Alyssa đã bị một người lạ mặt đi theo tiếp cận và mời cô đến căn hộ của ông ta, ông Lưu nhớ lại.
“ĐCSTQ không bao giờ bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để theo dõi và do thám,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã học được cách không quá bận tâm đến đảng này.
“Quý vị không thể sống một cuộc sống bình thường nếu quý vị để cái đảng đó nuốt chửng mình,” ông chia sẻ. “Họ ẩn nấp trong bóng tối trong khi chúng ta ở ngoài sáng.”
‘Không có thời gian để lãng phí’
Bà Harth đến từ tổ chức Safeguard Defenders cảm thấy cảnh giác về con đường dài phía trước trong việc bảo vệ những người yếu thế khỏi tầm với của chế độ này.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng trên thực tế, đây là một hoạt động quy mô lớn trên toàn cầu. Tất cả chúng ta đều biết rằng cần phải có hành động phối hợp giữa các quốc gia dân chủ vì đôi khi nạn nhân có thể ở Hoa Kỳ, nhưng thủ phạm có thể ở đâu đó tại châu Âu,” bà cho biết. Và “rất thực tế, chúng ta biết rằng … ĐCSTQ đang bắt giữ các thành viên gia đình làm con tin một cách rất hiệu quả.”
Cho dù đã muộn hay chưa, một đòn đáp trả hiệu quả của Hoa Kỳ vẫn rất quan trọng và “hoàn toàn có thể xảy ra,” ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), từng là một trong năm người bị Bắc Kinh “truy nã gắt gao nhất” vì vai trò của ông trong các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, cho biết.
Đối với bà Harth, việc đó phần nào liên quan đến việc thu hẹp “một số lỗ hổng trong bộ luật hình sự hiện hành” nhằm cho phép Bộ Tư pháp dễ dàng truy tố hơn. Và đối với ông Chu, điều đó đồng nghĩa với việc phải giám sát kỹ lưỡng hơn những người trợ giúp tiềm năng: các nhóm cộng đồng nhập cư Trung Quốc khác nhau ghi danh như những tổ chức bất vụ lợi nhưng vẫn nhận được lợi ích từ chính quyền Trung Quốc. Ông cho hay, những nhóm như vậy đã bịt miệng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và “giống như một tập đoàn tội phạm, thực thi quyền kiểm soát đối với toàn bộ xã hội Hoa kiều.”
Hồi năm 2020, ông Chu nhận thấy ứng dụng hội nghị truyền hình Zoom, được phát triển tại Trung Quốc, đã tạm thời đình chỉ tài khoản của ông theo lệnh của Bắc Kinh — một sự việc mà ông nêu ra như một ví dụ nữa về ảnh hưởng lan rộng của Đảng Cộng sản. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội một giám đốc điều hành của Zoom sống tại Trung Quốc, ông Kim Tân Giang (Julien Jin), vì đã kiểm duyệt một loạt cuộc họp được ông Chu và các nhà hoạt động khác đang sống tại Hoa Kỳ tổ chức để đánh dấu lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn.
“Không có thời gian để lãng phí,” ông Chu nói với The Epoch Times. Ông Chu đã thành lập nhóm vận động Human Rights in China (Nhân Quyền ở Trung Quốc), mà theo ông là sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ sinh viên Trung Quốc nào từng là nạn nhân của các mối đe dọa của chính quyền Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Browde nói rằng ông hy vọng hành động gần đây của Bộ Tư pháp là một trong nhiều hành động khác sắp diễn ra.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times