Cuộc bức hại ‘đáng lên án’ của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công được phơi bày tại cuộc họp báo Quốc hội
Mười năm trước, ông Chu Đức Dũng (Zhou Deyong) từng cố gắng giải cứu vợ mình, người bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù vì đức tin của bà. Giờ đây, vợ và con trai ông đang làm điều tương tự cho ông.
Mỗi ngày, bà Vưu Linh (You Ling) xuất hiện tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York, cầm một tấm biển kêu gọi trả tự do cho chồng bà. Người kỹ sư địa chất 62 tuổi này gần đây đã bị kết án tám năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đàn áp tàn bạo kể từ năm 1999.
Con trai của hai vợ chồng này, anh Chu Du (Zhou You), một cư dân Florida, đã kể lại câu chuyện về sự bức hại mà gia đình anh phải chịu tại một cuộc họp báo trước Quốc hội do Nhóm họp kín Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Caucus) tổ chức hôm 23/05.
“Ông nội tôi mất năm ngoái. Tôi không thể đến dự đám tang, vì nếu trở về Trung Quốc, tôi sẽ bị bỏ tù,” anh Chu Du trình bày tại sự kiện do Dân biểu Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida), Chủ tịch Nhóm họp kín Tự do Tôn giáo Quốc tế chủ trì. “Cha tôi cũng không thể về để làm lễ tang cho ông nội, vì khi đó ông ấy đã bị giam cầm.”
Anh Chu Du là một trong ba người đã chia sẻ các câu chuyện về sự mất mát và chia ly của họ trong chiến dịch đã kéo dài 24 năm của nhà cầm quyền Trung Quốc, dẫn đến việc hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các nhà tù, hắc lao (hay còn gọi là ‘nhà tù đen,’ mạng lưới các trung tâm giam giữ ngoài vòng pháp luật), và các cơ sở khác.
Pháp Luân Công có một loạt các bài tập khoan thai và các bài giảng đạo đức xoay quanh ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến vào những năm 1990, dẫn đến ước tính khoảng 100 triệu người theo học ở Trung Quốc. Chính quyền cộng sản xem đó là mối đe dọa đối với việc nắm giữ quyền lực của mình, và đã khởi động một chiến dịch bức hại sâu rộng kéo dài đến tận ngày nay.
“Các học viên Pháp Luân Công bị bức hại, đe dọa, kiểm duyệt, bỏ tù, cưỡng bức lao động, tra tấn, thu hoạch nội tạng, và thậm chí là thiệt mạng dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ chỉ vì tuân theo đức tin tôn giáo của họ,” ông Bilirakis nói, đồng thời gọi chiến dịch đàn áp này là “đáng lên án.”
“Đây không phải là việc chỉ ảnh hưởng đến người dân ở Trung Quốc,” ông nói, đồng thời lưu ý đến những câu chuyện được trình bày tại buổi họp báo. “Đây là việc có một tác động trực tiếp; việc này có một tác động trực tiếp đến công dân Hoa Kỳ và những người sống ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
Một gia đình tan vỡ
Khi cô Vương San San (Wang Shanshan), một tham luận viên khác, chuẩn bị bài trình bày của mình hồi cuối tuần qua, cô đã nhìn chăm chú vào bức ảnh chụp mình cùng cha mẹ và ba anh chị em ở Trung Quốc hồi năm 1996. Gia đình cô đã không thể chụp một bức ảnh nào khác cùng nhau kể từ đó.
Thật khó để cô Vương nhớ lại những ký ức đau buồn đó; cô vẫn còn học trung học khi cuộc đàn áp bắt đầu. Cô nói rằng cô nhớ công an đã đột nhập vào nhà hồi khoảng năm 2000 và làm mọi thứ trở nên lộn xộn trước khi cưỡng ép đưa cha cô đi trước mặt bốn đứa con đang gào khóc của ông ấy.
Cô Vương nhớ lại, khi đó công an đã không ngần ngại sử dụng vũ lực trước mặt bốn người con; họ đánh đập cha của cô Vương một cách tàn bạo đến mức ông bất tỉnh.
“Bất cứ thứ gì có giá trị, họ đều lấy đi,” cô Vương, hiện đang sống ở New York, nói với The Epoch Times.
Đó là một trong nhiều vụ bắt giữ và sách nhiễu của công an mà gia đình này phải hứng chịu trong nhiều năm.
Cô Vương nhớ rằng cô đã đến thăm người cha bị cầm tù của mình khoảng hai năm sau khi ông bị bắt lần thứ hai. Ông chỉ được phép gặp cô và chị gái cô từ phía sau tấm kính cách âm và phải viết lên một tấm bảng đen để giao tiếp.
Ông nói với hai con rằng tình hình của ông không ổn. Ông nói với họ rằng các lính canh đã chỉ thị các tù nhân đánh đập ông.
“Sao mẹ các con không ở đây?” cô Vương nhớ cha cô đã hỏi như vậy. Cô cho biết ông muốn mẹ của cô Vương nói với các lính canh rằng ông đã bị đối xử bất công và tìm cách giúp ông được trả tự do.
Cô Vương và chị gái của cô chỉ biết khóc không ngừng.
“Chúng tôi không biết phải làm gì vì mẹ của chúng tôi cũng đã bị bắt,” cô nói.
Sau khi bị cầm tù lần thứ tư hồi tháng 02/2003, cha của cô Vương trở nên tiều tụy và mắc bệnh tiểu đường và suy thận.
Cuối cùng, một bác sĩ nhà tù đã cảnh báo các lính canh rằng nếu họ không thả cha của cô Vương ngay lập tức, thì ông ấy sẽ qua đời vào ngày hôm sau, cô Vương cho hay.
Sau khi trở về nhà, cha cô không nói nhiều về những gì ông đã trải qua. Tuy nhiên các ảnh hưởng về thể chất thì rõ ràng. Ông rất đau đớn vì những vết bầm tím và những vết thương khác trên khắp cơ thể đến nỗi khó có thể ngủ được. Cô Vương cho biết chân của ông sưng tấy đến mức nếu ấn nhẹ vào thì một vết lõm sẽ xuất hiện trên đó.
Cha của cô Vương qua đời năm 2009 vì những tổn thương mà từ đó ông chưa bao giờ hồi phục được hoàn toàn. Trong khi đó, công an tiếp tục nhắm đến những người còn lại trong gia đình, bắt giữ mẹ cô Vương 11 lần nhằm ép bà từ bỏ đức tin của mình.
Một trong những vụ bắt giữ diễn ra ngay sau khi cô Vương đào thoát sang Hoa Kỳ hồi năm 2012 để giữ lại đứa con thứ hai mà chính quyền này muốn cô phá đi theo chính sách một con nghiêm ngặt của Bắc Kinh.
Hồi tháng Ba năm nay, mẹ của cô Vương bị kết án bốn năm tù sau hơn nửa năm bị giam giữ không qua xét xử. Người con thứ hai của cô Vương, hiện 11 tuổi, chưa bao giờ được gặp bà ngoại của mình ở Trung Quốc.
‘Bác không thể giữ im lặng’
Giống như cô Vương và anh Chu, kiến trúc sư Trương Tiểu Long (Simon Zhang) ở New York cảm thấy bất lực khi mẹ anh, bà Quý Vân Chi (Ji Yunzhi), bị bắt vào Tết Nguyên Đán năm 2022, ba ngày trước Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh.
Bà Quý, 65 tuổi, đã qua đời sau 48 ngày bị giam giữ, trong thời gian đó các lính canh đã tra tấn bà, bức thực, và hạ nhục bà. Còng tay và xích sắt đã trói buộc bà trên giường bệnh trong suốt tháng cuối cùng của cuộc đời bà.
“Mẹ tôi có một mong ước mãnh liệt: được tận mắt chứng kiến mọi người có thể tu luyện Pháp Luân Công một cách tự do ở Mỹ quốc như thế nào,” anh Trương chia sẻ tại sự kiện, đồng thời cho biết thêm rằng mẹ anh không thể có được một tấm hộ chiếu đến Hoa Kỳ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.
“Bây giờ mẹ sẽ không bao giờ có được cơ hội đó.”
“Tất cả những gì bà làm là luôn tuân theo các nguyên lý của Pháp Luân Công — chân, thiện, và nhẫn,” anh Trương nói thêm, nhớ lại rằng hồi năm 2007, mẹ anh phải nhập viện vì lên cơn co giật do bị công an sách nhiễu.
Anh họ của anh đã hỏi bà tại sao bà không thể “chỉ đơn giản là giữ im lặng và luyện công ở nhà” mà không phân phát tờ rơi về cuộc bức hại đối với đức tin của họ.
“Bác nhìn xem bác đã phải trả giá nhiều như thế nào,” anh họ của anh nói.
Bằng một “giọng rất yếu ớt,” bà nói với người anh họ rằng bà không thể. Bà đã nói như thế này, “Bác đã đạt được rất nhiều lợi ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công. Bác không thể giữ im lặng khi Pháp Luân Công bị phỉ báng thậm tệ như vậy,” anh Trương kể lại.
Cuộc bức hại ‘ít được nhận thấy nhất trên thế giới’
Bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson và cựu ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), đã mô tả cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc là “một trong những cuộc đàn áp tín ngưỡng và có thể là cả diệt chủng nghiêm trọng và ít được nhận biết nhất trên thế giới ngày nay.”
Ngoài một chiến dịch nội địa rộng khắp nhắm vào nhóm đức tin trên, bao gồm cả việc sát hại các học viên bị giam giữ để lấy nội tạng của họ, nhà cầm quyền đã gửi các đặc vụ ra hải ngoại để trợ giúp tiến hành cuộc đàn áp.
Bà Shea trích dẫn một bản cáo trạng gần đây của Bộ Tư pháp về hai người đàn ông New York bị cáo buộc điều hành một đồn công an chìm thay mặt cho Bắc Kinh. Cụm từ Pháp Luân Công xuất hiện 13 lần trong bản cáo trạng này.
“Đó là một phần trong cuộc đàn áp toàn cầu dai dẳng không ngớt của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công,” bà cho biết tại cuộc họp báo.
Cô Vương vẫn đang phải xa cách cô con gái lớn còn đang ở Trung Quốc của mình. Cô Vương buộc phải ly dị chồng do bị bức hại, và con gái lớn của cô sống với ông bà nội.
Cô nói: “Trong cuộc bức hại này, một người con gái bị mất mẹ, người con gái còn lại thì mất cha.”
Những người họ hàng của cô Vương ở Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng đến thăm mẹ cô trong tù nhưng không thành công.
Cô khẩn cầu vị dân biểu thuộc tiểu bang Florida này và những người khác tại sự kiện giúp nêu lên trường hợp của mẹ cô, bà Lưu Ái Hoa (Liu Aihua), để bà Lưu có thể được trả tự do và đoàn tụ với cô ở New York.
Anh Chu Du cho biết cha anh đã bị mất gần như toàn bộ bộ răng của ông trong tù.
“Ông ấy không thể ăn thịt, rau, hay thậm chí là cơm vì ông không thể nhai nữa. Thứ duy nhất ông có thể ăn là bánh bao ngâm trong súp,” anh cho biết.
Ông Bilirakis, một nhà bảo trợ cho Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức được Hạ viện thông qua hồi tháng Ba, cho biết ông muốn thấy Quốc hội làm nhiều hơn nữa để chấm dứt những hành vi ngược đãi như vậy.
“Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa,” ông nói. “Lẽ ra không một ai phải bị sự đe dọa, bị buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở, bị bỏ tù, hoặc bị sát hại chỉ vì đức tin của họ như thế này.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times