Đồn thổi xung quanh việc ông Tập vắng mặt trước công chúng trong nỗ lực cho nhiệm kỳ thứ ba
Chỉ hơn một tuần trước, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến công du ba ngày tới Trung Á để đánh dấu tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Kể từ đó, ông đã vắng bóng trước công chúng, bỏ qua một cuộc họp quân sự cao cấp và cuộc họp thường niên của hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Trung Quốc, nơi ông Tập chuẩn bị theo đuổi một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có. Sự vắng mặt khá lâu như vậy đã thu hút sự chú ý từ những nhà quan sát chính trị tinh tường, với một số suy đoán cho rằng ông Tập đã bị quản thúc tại gia.
Hôm 24/09, ông Tập Cận Bình đã trở thành một trong những chủ đề thịnh hành nhất trên Twitter. Tên của ông đã xuất hiện trên các thẻ hashtag (#) hơn 42,000 lần và cụm từ “cuộc đảo chính Trung Quốc” (“China coup”) đã lan truyền 9,300 vòng trên nền tảng này.
“Tin đồn mới cần được kiểm chứng: Có phải ông Tập Cận Bình đang bị quản thúc tại Bắc Kinh không?” ông Subramanian Swamy, một cựu bộ trưởng nội các Ấn Độ kiêm nghị sĩ quốc hội của nước này cho đến tháng Tư, đã viết.
Sự suy đoán tương tự cũng xuất hiện khi người dân Trung Quốc ghi nhận các chuyến bay bị hủy hàng loạt trên khắp đất nước. Gần 10,000 chuyến bay — gần 2/3 số chuyến bay dự kiến trong ngày — đã bị hoãn hôm thứ Bảy (24/09), cùng ngày diễn ra một hội nghị quan trọng về cải tổ quốc phòng và quân đội đã được triệu tập tại Bắc Kinh. Weibo, nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu của Trung Quốc, đã nhanh chóng kiểm duyệt những cuộc thảo luận xung quanh các vụ hủy chuyến bay, khi tuyên bố chúng là “tin đồn.”
Ông Tập, vốn đã trở lại thủ đô của Trung Quốc hôm 16/09 sau cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin của Nga tại hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Trung Á, lại không xuất hiện tại cuộc họp ở Bắc Kinh nhưng chuyển tiếp chỉ thị rằng các lực lượng vũ trang nên tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh. Ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), vị tướng quân đội Trung Quốc được lựa chọn kỹ lưỡng, hiện đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng nước này, cũng vắng bóng tương tự.
Kể từ đó, các hoạt động công khai của ông chủ yếu bao gồm một bức thư chúc mừng đánh dấu Lễ hội Thu hoạch của Nông dân Trung Quốc hôm 22/09 và một bức thư khác vào ngày hôm sau gửi đến hãng truyền thông nhà nước China News Service, chúc mừng hãng này nhân kỷ niệm 70 năm thành lập.
Một số nhà phân tích cho biết, không có hãng truyền thông lớn của Trung Quốc hay quan chức nào lên tiếng bác bỏ những tin đồn này, tuy nhiên, giả thuyết này, dù không có cơ sở chứng minh, phản ánh một mức độ phẫn nộ nhất định trong nước.
“Đó là một biểu hiện của sự bất bình,” ông Vương Hách (Wang He), một nhà bình luận có trụ sở tại Hoa Kỳ về các vấn đề hiện tại của Trung Quốc, nói với The Epoch Times. “Có vẻ như mọi người đang đếm đến ngày ông ấy từ bỏ quyền lực.”
Ông cho rằng mặc dù ông Tập đã có được nhiệm kỳ thứ ba, nhưng nhiều người đã không đồng thuận để ông tiếp tục nắm quyền.
Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một nhà văn kiêm tác giả của cuốn sách Hoa ngữ có nhan đề “Con đường Chuyển đổi Hòa bình của Trung Quốc” (“China’s Path to Peaceful Transition”), cũng bác bỏ giả thuyết quản thúc tại gia vốn không phù hợp với lẽ thông thường.
Trong tuần qua (11-18/09), sáu quan chức cao cấp của Trung Quốc, trong đó có hai cựu quan chức cấp nội các, đã bị tuyên án nặng vì các tội danh liên quan đến tham nhũng, làm tăng thêm hàng loạt quan chức bị thanh trừng trong chiến dịch chống hối lộ của ông Tập được ông phát động sau khi nhậm chức vào cuối năm 2012.
Trong một chương trình của mình hôm 22/09, ông Chương tranh luận làm sao ông Tập có khả năng trừng phạt họ nếu ông đánh mất quyền lực.
Ông Vương cho rằng việc ông Tập vắng mặt kéo dài như vậy không phải là hy hữu, tuy nhiên, việc ông ấy có xuất hiện trước công chúng hay không cũng không có ý nghĩa gì nhiều.
Theo ông Vương, chuyến công du ngoại quốc của ông Tập trước thềm đại hội Đảng là một dự báo về sự tự tin.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times