Chưa chắc phe ông Tập chiếm đa số ghế sau Đại hội Đảng lần thứ 20
Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 16/10/2022. Việc lãnh đạo Tập Cận Bình có thể giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ hay không và làm cách nào để ông tái đắc cử, đã trở thành tâm điểm chú ý của giới dư luận.
Các chuyên gia dự đoán rằng ngay cả khi ông Tập tái đắc cử, thì quyền lực của ông sẽ bị thu hẹp và liệu phe cánh của ông có chiếm được đa số ghế trong Quốc hội hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Ngoài ra, một số Hồng nhị đại (những hậu duệ của thế hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ) cho rằng, bất kể người nắm quyền tiếp theo là ai, ĐCSTQ vẫn sẽ càng ngày càng thâm hiểm.
Chuyên gia: Chưa chắc phe ông Tập chiếm đa số ghế trong Quốc hội
Ông Cao Văn Khiêm (Gao Wenqian), một chuyên gia nghiên cứu lịch sử về ĐCSTQ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA rằng, việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử là sự kiện nằm trong dự liệu và gần như đã biết trước kết quả. Tuy nhiên, ông Tập sẽ mất đi quyền lãnh đạo về đường lối chính trị ở một mức độ nào đó, hoặc ít nhất là phải chọn cách thỏa hiệp.
Ông Cao Văn Khiêm cho biết, việc phe cánh của ông Tập có chiếm đa số ghế trong Ủy ban Thường vụ và Bộ Chính trị hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. “Kể cả khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử, thì quyền lực của ông ta sẽ bị thu hẹp so với Đại hội Đảng lần thứ 19.”
“Ông Tập đã phải chịu thất bại lớn nhất trong suốt mười năm cầm quyền,” trong đó có việc hình thành khối liên minh Trung-Nga trước cuộc chiến Nga-Ukraine, kiên quyết thực hiện chính sách “zero COVID” ngay cả khi nền kinh tế đang sa sút, phá vỡ hiện trạng và gia tăng căng thẳng quân sự ở eo biển Đài Loan, v.v.
Do đó, ông Cao Văn Khiêm nhận định, tại Đại hội Đảng lần thứ 20, nhiều khả năng là ông Tập sẽ “thắng một nửa”, tức là “quyền lực bị phân chia, phải từ bỏ một trong những chức vị tối cao trong Đảng, chính phủ, và quân đội. Hoặc, mặc dù vẫn giữ ba vị trí cao nhất, nhưng ông không chiếm được đa số ghế trong Ban thường vụ và Bộ Chính trị.”
“Trong hoàn cảnh này, nhìn chung các phe phái trong chính trường Trung Quốc vẫn duy trì sự cân bằng, tức là họ vẫn liên tục tranh đấu nhưng không phá vỡ cục diện,” ông Cao nói.
“Ông ấy buộc phải nhượng bộ, vì chắc chắn đa số quan chức ĐCSTQ sẽ yêu cầu ông phải tuân thủ việc cải cách mở cửa.”
Con gái nuôi của ông Diệp Kiếm Anh: ‘Hồng nhị đại’ bị chia rẽ nghiêm trọng
Ngoài ra, những Hồng nhị đại (hậu duệ thế hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ) từng hết lòng ủng hộ việc ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, đã sớm không còn là một khối thống nhất mà đang bị chia rẽ nghiêm trọng.
Bà Đới Tình (Dai Qing), con gái nuôi của Đại nguyên soái kỳ cựu Diệp Kiếm Anh, và là một nhà văn tự do, đã nói với VOA rằng, Hồng nhị đại đã sớm tan đàn xẻ nghé.
Vào những năm 1980, một nhóm người giàu đã vượt trội lên, thông qua vận hành tư bản và quyền lực, họ kiếm được hàng triệu nhân dân tệ và trở thành tầng lớp tư bản quyền quý. Trong số đó, chỉ có một số ít người đã hoàn toàn thức tỉnh, theo đuổi các giá trị phổ quát của tự do và dân chủ.
Bà nói: “Đó là sự thức tỉnh rốt ráo. Họ thừa hưởng những lý tưởng của cha ông họ, những người đã từ bỏ hết thảy chủ nghĩa vị lợi cá nhân và tư nhân vào thời điểm đó, hy vọng một cuộc sống tốt đẹp, không chỉ trong chủ nghĩa dân tộc, mà còn ở giá trị phổ quát của xã hội nhân loại. Sau hơn 30 năm, gần 40 năm, họ đã hoàn toàn thức tỉnh.”
“Còn có một nhóm người từ giữa những năm 1980 (bắt kịp xu thế), họ làm được quá dễ dàng, nhờ vào quyền lực nên nhanh chóng tìm được cơ hội phát tài. Nhóm (người) này luôn nằm trong sự dò xét của những người dân bình thường trong quá trình tự biến mình thành những nhà tư bản quyền quý.”
Bà từng tiết lộ: “Những thanh niên trẻ theo phái cải cách vào thập niên 1980, lại tiếp tục trải qua năm 1990, sau bao nhiêu năm, hơn 30 năm trôi qua, họ cảm thấy rằng nếu vẫn không lên tiếng, không hành động, thì đất nước này sẽ rơi vào thảm kịch.”
Gần đây, một nhân vật trong nhóm Hồng nhị đại đã làm việc lâu năm trong hệ thống ĐCSTQ tiết lộ với đài VOA rằng, các ý kiến phản đối việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử đang là xu hướng chủ đạo trong nhóm Hồng nhị đại và trong nội bộ Đảng. “Từ tình hình mà tôi chứng kiến và tiếp xúc đều cho thấy, về căn bản có đến 90% không ủng hộ.”
Bà Lý Nam Ương: Bất kể ai lên nắm quyền, đều ‘thâm hiểm hơn’ trước đây
Bà Lý Nam Ương là một nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện Hoover ở Hoa Kỳ, và là con gái ông Lý Duệ, thư ký của ông Mao Trạch Đông.
Bà Lý Nam Ương trả lời VOA rằng: Hiện các quan chức cao cấp trong nội bộ Đảng và cả các quan chức cao cấp đã về hưu đều đang rất lo lắng.
Bà Lý nhận định, các vấn đề của Trung Quốc nằm ở thể chế và cấu trúc. Do đó, bất kể ai lên nắm quyền sau Đại hội Đảng lần thứ 20, thì ĐCSTQ cũng chỉ càng ngày càng thâm hiểm hơn.
Tôn Vân biên tập
Minh Phương lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ