Trung Quốc: Hơn 300 triệu người tại 74 thành phố bị phong tỏa trước Đại hội Đảng
Tổ chức tư vấn Trung Quốc cảnh báo chính sách COVID của chính phủ đang gây ra nhiều tổn thất về kinh tế và xã hội
Kể từ cuối tháng Tám, hơn 300 triệu người tại ít nhất 74 thành phố ở Trung Quốc đã bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần. Một tổ chức tư vấn của Trung Quốc đã chỉ trích hành động này, cho rằng biện pháp đó có thể gây ra tổn thất về kinh tế-xã hội cao cho đất nước.
Đợt phong tỏa trên diện rộng này được đưa ra khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị cho đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, một hội nghị lớn sẽ diễn ra vào ngày 16/10 tại Bắc Kinh. Hội nghị được tổ chức năm năm một lần này dự kiến sẽ công bố ban lãnh đạo hàng đầu mới của Đảng, trong đó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tầm cầu một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba liên tiếp phá vỡ mọi kỷ lục trong lịch sử nước này.
Hôm 08/09, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã thông báo rằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tăng cường sẽ được thực hiện để bảo đảm không có dịch bệnh quy mô lớn nào xảy ra “vào khoảng thời gian diễn ra Tết Trung Thu (10/09) và Quốc khánh (01/10)”.
Cơ quan y tế cho biết các biện pháp hạn chế COVID-19 sẽ bắt đầu vào ngày 10/09 và kết thúc vào ngày 31/10.
Các biện pháp này bao gồm vận động công chúng đón mừng các ngày lễ tại địa phương và tránh các cuộc tụ tập lớn. Hành khách đi bằng đường hàng không, tàu tốc hành, xe lửa, xe khách đường dài liên tỉnh, và tàu thủy phải cho xem phiếu xét nghiệm acid nucleic âm tính trong vòng 48 giờ.
Ngoài ra, khách du lịch liên tỉnh sẽ được xét nghiệm COVID tại điểm đến của họ. Những nơi quan trọng như khách sạn và địa điểm du lịch sẽ yêu cầu mã sức khỏe và kết quả xét nghiệm acid nucleic âm tính.
Hôm 03/09, truyền thông Trung Quốc Tài Tân (Caixin) đã đưa tin, trong mùa du lịch cao điểm mùa hè này, Hải Nam, Tây Tạng, Tân Cương, Thanh Hải, Vân Nam, và các điểm du lịch khác đã liên tiếp thực hiện “quản lý tĩnh”, kết quả là một số lượng lớn khách du lịch bị mắc kẹt.
Quản lý tĩnh buộc cư dân ở trong nhà và tạm dừng các phương tiện giao thông công cộng.
Ví dụ, Tam Á, một thành phố ở tỉnh Hải Nam, đã thực hiện quản lý tĩnh từ hôm 06/08 và vẫn chưa được dỡ bỏ (tại thời điểm đăng tin).
Từ cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín, nhiều tỉnh của Trung Quốc như Hà Bắc, Tứ Xuyên, Liêu Ninh, và Quảng Đông đã nâng cấp các biện pháp kiểm soát và phòng chống dịch lên quản lý tĩnh.
Hiện tại, ít nhất 33 thành phố, bao gồm bảy thành phố trực thuộc tỉnh và một thành phố trực thuộc trung ương, vẫn đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, ảnh hưởng đến hơn 65 triệu cư dân.
Kể từ hôm 20/08, ít nhất 74 thành phố với hơn 313 triệu cư dân đã bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn, theo một bản tin của CNN. Các cuộc phong tỏa bao gồm toàn bộ các thành phố và huyện, bao gồm 15 thành phố trực thuộc tỉnh và Thiên Tân, một đô thị cấp tỉnh.
Ông Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong), một thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New York, nói với CNN rằng ĐCSTQ “muốn bảo đảm rằng không có một sự cố không hay nào, chẳng hạn như một đợt bùng phát lớn, có thể đe dọa sự ổn định xã hội, làm mờ nhạt đi quá trình chuyển giao ban lãnh đạo đảng … và sự tín nhiệm lãnh đạo cá nhân của ông Tập.”
Ông Hoàng cho biết ông hy vọng sẽ có thêm nhiều thành phố bị phong tỏa “trong một tháng rưỡi tới” và các quan chức địa phương sẽ siết chặt hơn nữa việc thực hiện chính sách “zero COVID” để “thể hiện lòng trung thành của họ với ông Tập.”
Tổ chức tư vấn kêu gọi Bắc Kinh ‘điều chỉnh’ chính sách đại dịch
Hôm 28/08, tổ chức tư vấn Anbound Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh đã chỉ trích chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ, cho rằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát của họ đã gây ra nhiều tổn thất cho nền kinh tế và xã hội của đất nước.
Bài báo đó có nhan đề “Đã Đến Lúc Trung Quốc Cần Điều Chỉnh Các Chính Sách Phòng Chống Và Kiểm Soát Dịch Bệnh Của Mình.” Tổ chức tư vấn chính sách này hiếm khi chỉ trích hoặc đi ngược lại đường lối chính sách công của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, bài báo nói trên đã bị xóa khỏi các phương tiện truyền thông xã hội như WeChat và Weibo một ngày sau khi nó được xuất bản. Nhưng các trang web như Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc (China Digital Times), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về Trung Quốc, đã giữ lại ấn phẩm này.
Bài báo này cho biết rủi ro của COVID-19 đã được giảm thiểu đáng kể và “việc ngăn chặn suy thoái kinh tế phải là nhiệm vụ số một.”
Bài báo còn cho biết: “Đất nước cần điều chỉnh các chính sách phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của mình, tập trung vào phục hồi kinh tế, từng bước hội nhập với thế giới trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế phức tạp.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times