Đối đầu về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines đối đáp gay gắt với thiếu tướng chiến lang của ĐCSTQ
Trong khi trình bày tại Hội nghị Đối thoại Shangri-La, Singapore, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã gặp phải câu hỏi khiêu khích từ ông Từ Huy (Xu Hui), một thiếu tướng theo phong cách chiến lang của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hai bên đã có cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề Biển Đông.
Hôm thứ Sáu (31/05), ông Marcos Jr. đã được mời đến diễn thuyết tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ông Từ Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc tế thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, là người đầu tiên đứng lên đặt câu hỏi ông Marcos Jr. (xem video).
Đầu tiên, ông Từ Huy không giới thiệu bản thân trước micro theo thông lệ, mà đưa ra một bài phát biểu dài (khoảng 1 phút rưỡi) về “vai trò trung tâm của ASEAN.”
Dưới sự thúc giục của ông John Chipman, Chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh quốc (IISS), người đứng ra tổ chức hội nghị, ông Từ Huy mới đặt câu hỏi cho ông Marcos Jr. về vấn đề Biển Đông.
Ông Từ Huy hỏi: “Theo cộng đồng quốc tế, một số hành động gần đây của Philippines nghe có vẻ như quý quốc thực sự quan tâm đến sự dễ chịu của các bên khác. Kể từ khi … lịch sử thuộc địa (của Philippines) kết thúc, liệu có tồn tại nguy cơ phá hoại hòa bình lâu dài và bền vững của khu vực này không? Ông có ý kiến gì về điều này? Xin cảm ơn.”
Ông Marcos Jr. đã trả lời rằng, Philippines “vẫn tuân thủ nghiêm ngặt” các “nguyên tắc” của Hiệp hội ASEAN.
Ông sau đó tái khẳng định cam kết của Philippines đối với “vai trò trung tâm của ASEAN,” đây là một trong những yếu tố cốt lõi của chính sách đối ngoại của Philippines.
Khoản 15 Điều 1 của Hiến chương ASEAN nói rằng, “Duy trì vai trò trung tâm và tích cực của ASEAN như là động lực chủ chốt trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, và thân thiện.”
Nhóm từ “vai trò trung tâm của ASEAN” được coi là một thuật ngữ chính trị, và thuật ngữ này không được giải thích rõ ràng. ĐCSTQ thường giải nghĩa thuật ngữ này rằng các quốc gia khác của ASEAN phải đóng vai trò “người trung gian chiến lược” và không được thân thiết với bất kỳ đối thủ lớn nào của Bắc Kinh.
Ông Marcos Jr.: Biển Đông đã trở thành vấn đề toàn cầu, vượt ra ngoài khu vực
Ông Marcos Jr. đã đáp lại câu hỏi của ông Từ Huy: “Tôi không thể đoán được ý ông là gì, nếu ông đề cập hoặc ám chỉ rằng Philippines bằng cách nào đó phá vỡ sự đồng thuận về vai trò trung tâm của ASEAN. Thì đáp án là hoàn toàn ngược lại.”
“Nếu ông lắng nghe kỹ bài phát biểu của tôi vừa rồi, ông sẽ thấy rằng chúng tôi tập trung vào vai trò trung tâm của ASEAN và những nguyên tắc được thiết lập khi ASEAN ra đời. Điều đó bao gồm ý tưởng về vai trò trung tâm của ASEAN, đó là điều chúng ta phải sử dụng để định hướng.” Ông Marcos Jr. cho biết thêm.
“Hơn nữa tôi nghĩ, cũng như tôi đã nói, có nhiều điều mà chúng ta hôm nay không muốn nhắc lại, tuy nhiên chúng ta buộc phải nói,” ông Marcos Jr. bổ sung.
“Tôi thậm chí có thể nói rằng, bây giờ không còn tồn tại vấn đề khu vực nữa… Chúng ta phải để tất cả các bên cùng tham gia thảo luận, bởi vì bây giờ không chỉ các quốc gia thành viên ASEAN mới là các bên liên quan. Và rất dễ nhận thấy rằng, trên thực tế, toàn thế giới đã trở thành các bên có lợi ích liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực chúng ta.” Ông nói.
Câu hỏi của ông Từ Huy không khác gì với tuyên truyền của chính quyền ĐCSTQ về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, chỉ trích Philippines gây rối và tuân theo chỉ đạo của đồng minh hiệp ước Hoa Kỳ. Hầu như tất cả các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc đều từng bị ĐCSTQ phàn nàn về những vấn đề tương tự như vậy.
Đối thoại Shangri-La được coi là hội nghị quốc phòng hàng đầu vì hình thức hội nghị này cho phép các đại diện giao lưu trực tiếp và thân mật hơn. Đây luôn là nơi các quan chức quốc phòng và an ninh cao nhất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trao đổi thẳng thắn và đôi khi gay gắt.
Ông Marcos Jr. một lần nữa nhấn mạnh việc phân định Biển Đông phải tuân theo luật pháp quốc tế
Trong bài diễn văn, ông Marcos Jr. nói: “Việc Philippines phân định giới tuyến trên vùng biển (Biển Đông) không phải xuất phát từ trí tưởng tượng của chúng tôi, mà là từ luật pháp quốc tế.”
Ông ám chỉ Philippines dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phán quyết về chủ quyền trên Biển Đông năm 2016 của trọng tài Quốc tế. Phán quyết năm 2016 tuyên bố yêu sách toàn diện của Bắc Kinh đối với Biển Đông là bất hợp pháp.
Trong khoảng một năm qua, tình thế căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ngày càng gia tăng, khi Philippines thể hiện sự kiên quyết trong việc bảo vệ quyền lợi và tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Tây Philippines (bao gồm một phần vùng biển của Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines).
Các cuộc đối đầu trên biển giữa hai bên thường rất căng thẳng và nguy hiểm, ĐCSTQ sử dụng tàu Hải cảnh phun vòi rồng để ngăn chặn Philippines tiếp tế cho tàu mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây).
Ông Marcos Jr. trước đó đã cho biết, ông không muốn làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng vốn có ở Biển Đông, và tuyên bố rằng, chính phủ Philippines sẽ không bao giờ sử dụng vòi rồng như ĐCSTQ để bảo vệ lãnh thổ.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia “không ổn định”, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lại đe dọa rằng, quan hệ hai quốc gia đang “ở ngã tư đường.”
Sau đó, một nhà ngoại giao của ĐCSTQ trú tại Philippines đã ghi âm bất hợp pháp cuộc nói chuyện điện thoại với các tướng lĩnh quân sự Philippines. Sau khi tin tức này bị tiết lộ, mối quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng hơn.
Tổng thống Philippines vạch rõ lằn ranh đỏ, tuyệt đối không dung thứ việc ĐCSTQ dùng vòi rồng làm thiệt mạng người Philippines
Trong phần hỏi đáp tại Đối thoại Shangri-La, Tổng thống Philippines được hỏi rằng, nếu một thủy thủ Philippines bị thiệt mạng do Hải cảnh của ĐCSTQ dùng vòi rồng tấn công, liệu điều đó có được xem là vượt qua lằn ranh đỏ hay không.
Ông Marcos Jr. không từ chối trả lời câu hỏi giả định này. Ông nói: “Nếu xảy ra một sự việc khiến binh sĩ và người dân Philippines thiệt mạng, cho dù là Hải cảnh hay một phần của hải quân, thì Philippines khẳng định sẽ nâng cao mức độ phản ứng.”
“Nếu người Philippines (không chỉ là binh sĩ hay bất kỳ công dân Philippines nào) bị cố ý sát hại, tôi nghĩ rằng điều đó đã rất, rất gần với hành vi chiến tranh theo định nghĩa của chúng tôi,” ông Marcos Jr. bổ sung thêm.