Dị nhân nước Tiền Thục tinh thông dị thuật, dự đoán mệnh số chính xác
Thuật số là một môn khoa học huyền bí và tinh thâm có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại. Các triều đại Trung Quốc đều có không ít người tinh thông thuật số âm dương. Bằng cách đối chiếu, tổ hợp các yếu tố khác nhau trong ngũ hành, bát quái, thiên văn và lịch pháp, họ có thể đoán được hung cát của một cá nhân, thậm chí sự thành bại, hưng suy của một quốc gia.
Những ghi chép trong sử sách về những dị nhân, phương sĩ đó, từ Quốc sư được Hoàng đế gia phong, cho đến thầy bói trên đường phố, về cơ bản đều là những chuyện có thật mà người ta đã nghe thấy hoặc được tận mắt chứng kiến. Người biên soạn cuốn “Bắc mộng tỏa ngôn” từng nói rằng, ông “mỗi linh nhất sự, vị cảm cô tín, tam phục tham giáo, nhiên thủy nhu hào” (mỗi khi nghe thấy điều gì đó, bản thân không dám tin, ba lần kiểm tra soát xét, đành nhúng bút vào mực mà viết). Do đó những giai thoại của ông cũng được ghi lại trong các sử sách lưu truyền cho hậu thế, chẳng hạn như trong “Thái bình quảng ký”, “Tư trị thông giám” cũng có nhiều ghi chép như vậy.
Thế ngoại cao nhân thấy trước sự việc trong cung
Vào thời Cao Tổ Vương Kiến nước Tiền Thục lên ngôi, ở huyện Miên Trúc, Hàn Châu có một ông lão thông hiểu thuật số tên là Trịnh Sơn Cổ. Một ngày nọ, Quân hiệu Hoàng Thừa Chân trên đường vận chuyển lương thực đi ngang qua đây, Hoàng Thừa Chân vừa gặp Trịnh Sơn Cổ, liền tiến lên phía trước bái kiến. Ông lão nói: “Ngũ hành của quốc gia này hiện đang khuyết Kim, là có điềm không may. Năm nay trong cung sẽ xảy ra hỏa hoạn lớn. Đến năm Giáp Thân, Ất Dậu, sẽ có chuyện khiến sinh linh đồ thán, rất nhiều người bị giết. Bây giờ tôi đem một số bí thuật truyền cho ngài, khi ngài lên triều nhất định phải bẩm báo với Thục Vương. Nếu bí thuật này có thể tiêu trừ tai họa, trấn áp tà ma thì chuyện sát phạt sau này sẽ không xảy ra nữa. Công đức cứu người là vô lượng, đây cũng là chuyện quan trọng nhất của người tu Đạo, cứ cho là ngài đang giúp tôi đi. Nhưng nếu ngài đã nói ba lần mà Thục Vương vẫn không tiếp thu, thì không còn cách nào nữa, chỉ có thể phó mặc cho số mệnh.”
Sau khi nghe những lời này, Hoàng Thừa Chân rất lo lắng. Ông đáp rằng: “Nếu ngài đã nói với tôi chuyện quan trọng như vậy, tôi nhất định sẽ xông pha khói lửa, quyết không chối từ.” Hoàng Thừa Chân viết tấu dâng Thục Vương, nhưng ba lần đều không đệ trình được, lòng nóng như lửa đốt, cuối cùng vì lo lắng quá mức nên thổ huyết mà qua đời. Chính vào tháng Mười Một năm đó, trong cung nước Thục quả nhiên xảy ra một trận hỏa hoạn lớn. Tẩm điện với lầu cao cả trăm thước của Vương Kiến và rất nhiều bảo vật trong đó đều bị thiêu cháy thành tro. Đám cháy dữ dội đến nỗi sáng hôm sau vẫn chưa thể dập tắt hoàn toàn. Về sau, Hậu Chủ Vương Diễn (tên thật là Vương Tông Diễn) kế vị, đến năm Ất Dậu (năm 925), nước Tiền Thục bị công phá. Bảy mươi ngày chiến loạn đã khiến sinh linh đồ thán, nước Tiền Thục từ đó diệt vong.
Còn nói về bí thuật của Trịnh Sơn Cổ, Lăng Châu phán quan bấy giờ là Tôn Quang Hiến đã từng nhìn qua, trong đó có khoảng 5000~6000 chữ, đề cập đến “Âm phù” lưu truyền trong dân gian thời bấy giờ, nhưng so với “Hoàng đế Âm phù kinh” là hoàn toàn khác nhau. Hoàng Thừa Chân cũng nói đây là một kỳ văn hiếm có trên đời, không chỉ văn từ thanh thoát trôi chảy, mà từng nét bút, từng nét vạch trong đó đều đối ứng với Ngũ hành. Tương truyền kể từ thời nhà Hán, dải đất Miên Trúc đã có không ít người tinh thông sấm ký. Trịnh Sơn Cổ có thể là một trong số họ!
Bậc tu hành dự đoán hưng suy của triều đại
Vào cuối triều đại nhà Đường, trong sơn cốc phía đông Phụng Châu có một người tu Phật tên là Cường Thân. Ông tu hành Pháp của tam giới, nhưng ông còn có thể thông qua quan sát khí mây để bói ra hưng vong của quốc gia, dự đoán hung cát của Thiên tử.
Vào năm 897, Vương Kiến dẫn quân thôn tính Tần Châu và Phụng Châu. Khi ông ấy mang theo một nhóm người ngựa khuếch trương thanh thế ở đô thành, Cường Thân đã nói với Tôn Quang Hiến, viên quan đứng bên cạnh rằng: “Qua mười năm nữa, thiên hạ sẽ đồng thời xuất hiện mấy vị Thiên tử.” Quả nhiên, đến năm 907, Chu Ôn lập ra nhà Hậu Lương, Mã Ân được phong là Sở Vương, Tiền Lưu trở thành Ngô Việt Vương, Vương Dung làm Triệu Vương, Vương Kiến cũng xưng vương. Từ đó dần hình thành thế cục Ngũ Đại Thập Quốc.
Về sau quân Thục tấn công Kỳ Sơn, tuyên bố sẽ khiến đất Tần chỉ trong một đêm trở thành bình địa. Cường Thân nói: “Tần vương suy nghĩ chu toàn, nhưng lại dễ hành động hấp tấp, dù không thể trở thành bá vương thiên hạ nhưng cũng có thể sống hết tuổi già. Quân Thục cuối cùng sẽ không thể công chiếm được đất Tần, nhưng đáng tiếc rằng dải đất Tần Xuyên từ nay sẽ biến thành phế tích.” Về sau, Tần Vương Lý Mậu Trinh càng chiến càng bại, cuối cùng phải xưng bề tôi với nhà Hậu Đường. Vào năm thứ hai sau khi Lý Mậu Trinh qua đời, nước Tiền Thục cũng vì sự ngu ngốc vô đạo của Quân vương đời thứ hai Vương Diễn mà diệt vong.
Người tu đạo có thể nhìn ra ai là người kế vị
Vào cuối thời nhà Đường và đầu nhà Tiền Thục, ở huyện Vu Sơn, Trùng Khánh có một ngôi đền Cao Đường. Một thôn dân tên là Hoàng Vạn Hộ sống ở quận Ba Đông, trước khi tu đạo ở đây đã học được pháp Lục Đinh từ một vị đạo sĩ. Ông còn biết một số phép thuật thay đổi vật thể. Vào thời điểm đó, Thứ sử Nhung Châu là Văn Tư Lộ cũng đã học được loại phép thuật này. Ông dùng giấy cắt thành hình con cá rồi thả xuống nước, cá liền bơi lội. Và lúc này, Hoàng Vạn Hộ bỏ một lá bùa vào đó, liền biến ra một con rái cá có thể ăn thịt con cá kia.
Văn Tư Lộ biết Hoàng Vạn Hộ có một cây roi sắt có thể chữa bệnh cho mọi người, liền dùng phép thuật mang nó đến, nhưng khi ông đến Phù Châu, chiếc roi sắt đã biến đâu mất. Sau này, ông phát hiện ra rằng chiếc roi sắt đã trở về tay Hoàng Vạn Hộ.
Một người đàn ông địa phương tên là Dương Hy Cổ muốn học đạo thuật từ Hoàng Vạn Hộ. Anh chưa kịp ngồi xuống, Hoàng Vạn Hộ đã nói với anh: “Trong nhà anh có tang sự rồi.” Không lâu sau đó, anh nghe tin mẹ mình đã qua đời.
Một ngày nọ, Cao Tổ nhà Tiền Thục gọi Hoàng Vạn Hộ vào trong cung, lại cho gọi các hoàng tử đến đứng trước mặt mình. Cao Tổ bảo Hoàng Vạn Hộ nhìn xem, rốt cuộc ai là người có thể thừa kế ngai vàng trong tương lai. Hoàng Vạn Hộ chỉ vào Vương Diễn và nói: “Chính là vị hoàng tử này.”
Về sau, con trai cả Vương Tông Nhân do bị bệnh từ bé nên không thể thừa kế ngai vàng. Con trai thứ hai là Vương Tông Ý được lập làm Thái tử. Sau đó Thái tử bị giết, Vương Kiến dự định chọn một trong hai người con trai còn lại. Người mà ông không muốn chọn nhất chính là con trai út Vương Tông Diễn (tức Vương Diễn), cho dù sau này Vương Diễn trở thành thái tử, ông cũng dự định sẽ chuyển ngôi cho người con trai tài giỏi kia. Nhưng không lâu sau đó, người con trai ấy cũng đột ngột qua đời. Vương Kiến trước khi băng hà vẫn nhìn Vương Diễn thở dài: “Ta trải qua trăm trận mà gây dựng nên cơ nghiệp này, hậu bối này sao có thể giữ được?” Có lẽ Vương Kiến đã dự cảm được rằng trong cõi u minh đã định sẵn, không chỉ sự kế vị của Vương Diễn, mà còn là sự diệt vong của Tiền Thục.
Lúc bấy giờ, ở huyện Thanh Thành có một vị Mã hòa thượng, là một cao tăng đắc Đạo đã đả tọa ba mươi lăm năm. Trước khi qua đời, Hoàng Vạn Hộ nói với người nhà: “Mã hòa thượng đến gặp ta, ta phải đi rồi.” Chính trong năm đó, Mã hòa thượng cũng viên tịch.
Nhan Văn thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ