Y thuật siêu phàm, ba danh y thời Minh có khả năng dự đoán vận mệnh của người khác
Lịch sử Trung y bắt nguồn từ rất xa xưa, là một trong những môn khoa học huyền ảo nhất của Trung Quốc thời cổ đại. Trong lịch sử có rất nhiều danh y am hiểu sâu sắc đạo tu hành, có người ở trong núi ngẫu nhiên gặp người tu Đạo và được truyền thụ pháp thuật huyền diệu hoặc y thuật siêu phàm, sau đó mới đi trên con đường hành nghề y.
Trong số đó, có không ít thầy thuốc tinh thông Thái Tố Mạch, đây là một loại y thuật thần kỳ có thể thông qua bắt mạch mà dự đoán được phúc họa, cát hung, mệnh số sống chết của người bệnh. Mãi cho đến thời Minh, cũng không thiếu người tinh thông thuật này.
Trương Nhữ Lâm trước học Nho sau học y, có thể dự đoán bệnh tình
Trương Nhữ Lâm, hiệu Tế Xuyên, người Y Thị (nay thuộc huyện Lâm Y, tỉnh Sơn Tây). Ông thuở nhỏ học Nho, về sau lại bắt đầu nghiên cứu y thuật, dần dần cũng khá nổi danh ở chính vùng đất ấy. Ông còn tinh thông Thái Tố Mạch, sau khi bắt mạch cho người ta, thậm chí có thể dự báo được ngày người này qua đời. Ông trị bệnh cho người ta không hề so đo được mất của bản thân, luôn luôn tận tâm tận lực chữa trị cho người bệnh.
Phương pháp phán đoán chứng bệnh của Trương Nhữ Lâm rất đặc biệt, mỗi lần đều chuẩn xác không sai. Có vị tăng nhân nọ mắc chứng sốt nhiệt, Trương Nhữ Lâm vô tình gặp được người này, nhìn ông ấy dùng nước giếng gội đầu, liền nói: “Ông một tháng sau chắc chắn sẽ đau đầu như muốn nứt, nay uống thuốc thì còn kịp”. Vị tăng nhân không nghe, một tháng sau, đầu của ông quả nhiên đau nhức. Về sau, càng đau đớn hơn nữa, quả thực khó mà chịu đựng, chỉ còn cách đi tìm Trương Nhữ Lâm, nhưng Trương Nhữ Lâm lại nói: “Quá trễ rồi, hiện tại uống thuốc đã vô dụng. Ông nếu vượt qua năm nay, thì đến sang năm sẽ tốt. Nhưng khi đó, răng ông chỉ sợ lại không còn”. Đến năm sau, đầu tăng nhân quả nhiên đã hết đau, nhưng toàn bộ hàm răng lại rụng hết.
Có vị nho sinh bị bệnh thương hàn, mấy năm trôi qua, vẫn không thấy khá. Trương Nhữ Lâm nói cho người nhà anh ta biết: “Nếu như triệu chứng của anh ta càng ngày càng nghiêm trọng, ngược lại là chuyện tốt, bởi vì như vậy mới có thể khỏi hẳn”. Không lâu sau, nho sinh kia quả nhiên bệnh rất nghiêm trọng, người nhà của anh ta rất lo lắng, lại mời Trương Nhữ Lâm đến chữa trị. Ông hỏi thăm một chút tình huống giấc ngủ của người bệnh và triệu chứng lúc phát bệnh, liền lập tức nói: “Đây là chuyện tốt, đừng vội uống thuốc”.
Nhưng người nhà này lại khăng khăng muốn Trương Nhữ Lâm kê đơn, ông ấy nghĩ một chút, rất nhanh viết ra một toa thuốc, sau đó nói: “Để anh ta đổ mồ hôi ra đi”. Người nhà còn tưởng rằng đơn thuốc rất bí ẩn, liền cướp mở ra xem, nhưng phía trên đó cũng chỉ có mấy dược liệu bình thường. Họ đem thuốc đi sắc, cho người bệnh uống. Sau khi người bệnh uống thuốc, rất nhanh liền đổ mồ hôi. Không lâu, thân thể cũng hoàn toàn bình phục.
Năm Trương Nhữ Lâm 93 tuổi, biết bản thân phải rời khỏi thế gian, liền gọi con cháu đến bên, nói với họ: “Ta sẽ chết vào ngày đó tháng đó sang năm. Đến giờ những cuốn sách y kia ta chưa viết xong, các con phải giúp ta hoàn thành bản thảo”.
Từ đó về sau, Trương Nhữ Lâm mỗi ngày đều để con cháu ghi chép lại nội dung ông thuật lại. Ông đã cất giữ rất nhiều bản thảo sách, nhưng vẫn nhớ kỹ bên trong có chỗ nào chưa hoàn thiện, thiếu sót. Trương Nhữ Lâm thường xuyên nói với các con cháu: “Quyển nào, tờ nào còn có mấy chữ chưa viết, các con tranh thủ thời gian bổ sung; mấy chữ viết sai, các con nhất định phải sửa lại”.
Một ngày trước khi ông mất, tinh thần vẫn tỉnh táo, khuôn mặt còn chưa già. Ông mời người trong tộc, bạn bè đến uống rượu, ôn chuyện cũ, hàn huyên cả ngày. Ngày hôm sau, ông giao phó xong hậu sự cùng các con, sửa sang lại một chút y phục của bản thân, rồi nhắm mắt lại, bình yên qua đời.
Lưu Bang Vĩnh gặp cao nhân truyền y thuật, có thể dự báo số mệnh
Lưu Bang Vĩnh, người huyện Tòng Hóa, Quảng Đông (nay thuộc thành phố Quảng Châu). Ông từ nhỏ đã có thiên phú dị thường, luôn ở trên núi, lấy việc đốn củi làm kế mưu sinh. Một ngày, ông gặp được một vị ẩn sĩ trong núi, người kia nhìn thấy ông có dáng vẻ thiên tư bất phàm, liền đem một vài y thuật thượng cổ truyền cho. Về sau, ông lĩnh ngộ được sự huyền diệu trong đó, bắt đầu hành nghề y ở trên đường phố chốn thành thị.
Lúc xem bệnh cho người ta, ông chỉ quan sát sắc mặt và trạng thái của người bệnh, liền biết người này bị bệnh gì. Lúc kê đơn thuốc cũng chưa từng câu nệ cổ phương. Phương pháp chữa bệnh của ông biến ảo khó lường, người bình thường rất khó biết được chiêu thuật bên trong, nhưng mỗi phương thuốc đều trị được bệnh. Người dân địa phương khen ngợi y thuật của ông không dứt miệng, lúc nào cũng cảm thấy thần kỳ, người tìm ông xem bệnh cũng lũ lượt không dứt.
Lưu Bang Vĩnh bắt thái tố mạch cũng rất tinh diệu, chỉ dùng một ngón tay bắt mạch, liền dự đoán được mệnh số và điềm cát hung của bệnh nhân. Gặp người bệnh còn có thể chữa trị được, ông vui vẻ kê đơn thuốc cho họ; Gặp người bệnh đã đến lúc nguy kịch, ông nói cho họ biết ngày qua đời.
Một bà lão tìm đến ông xem bệnh, muốn biết mình còn có thể sống bao lâu. Lưu Bang Vĩnh sau khi bắt mạch, thả một vài miếng vụn trúc trong một cái hũ, sau đó phong kín cái hũ lại, nói với bà lão rằng: “Bà sau này mỗi năm lấy một mảnh trong này ra, đến ngày đó tháng đó năm đó lấy hết, mệnh số của bà cũng liền đến”. Về sau, bà lão quả nhiên qua đời vào ngày hôm đó.
Huyện lệnh nơi đó mắc chứng bệnh đờm, thường xuyên thấy không khỏe, mời Lưu Bang Vĩnh đến chẩn trị. Lưu Bang Vĩnh sau khi bắt mạch nói cho ông ấy biết: “Bệnh này đã không thể chữa được nữa rồi”. Huyện lệnh lại xem thường, khăng khăng muốn ngồi thuyền đi nơi khác chẩn trị. Lưu Bang Vĩnh khuyên đừng đi xa, nhưng ông ấy cũng không nghe, còn bắt giam Lưu Bang Vĩnh, đồng thời tức giận nói với ông: “Chờ ta trở lại sẽ trị tội ngươi”.
Thế nhưng không lâu sau, Huyện lệnh kia bệnh chết trên thuyền. Ông ta trước khi lâm chung nhớ tới Lưu Bang Vĩnh, hối hận bản thân đã không nghe lời khuyên ngăn, thế là lưu lại di ngôn, sai người thả ông ra. Lưu Bang Vĩnh nghe được tin Huyện lệnh chết, bi thương nói: “Tôi bảo ông ấy đừng đi xa, chính là lo lắng ông ấy không về được nữa!”
Về sau, Lưu Bang Vĩnh viết ra phương thuốc mà bản thân tích lũy nhiều năm. Mọi người dùng đơn thuốc của ông để chữa bệnh thường thấy rất linh nghiệm.
Triệu Thuyên được y quan đương thời tiến cử, có thể ngửi được khí chết
Triệu Thuyên, tự Trọng Hành, người huyện Cao Đường (nay thuộc tỉnh Sơn Đông). Ông là người chất phác, tinh thông y thuật, từng lấy tư cách cống sinh vào học trường Quốc Tử Giám.
Giữa năm Gia Tĩnh thời nhà Minh, Hạ Ngôn vừa tiếp nhận chức Thủ phụ Nội các, dự định vào kinh diện thánh. Hạ Ngôn đi thuyền hướng lên phía bắc, chọn tuyến đường Ngô Thành. Một đêm nọ, thuyền của ông dừng sát ở bên bờ. Lúc ấy trời đêm tịch mịch, không gặp ai, từ không trung truyền đến âm thanh của đám người hầu dẫn ngựa mở đường, trong đó xen lẫn tiếng sáo trúc êm tai, tiếng chuông đồng lắc trên xe ngựa. Cả đoàn người Hạ Ngôn sau khi nghe được, nhìn lên không trung hồi lâu. Mọi người bàn tán ầm ĩ, cho rằng đây là điềm không may.
Đột nhiên, Hạ Ngôn nghe được trên không trung truyền đến một tiếng “Dược vương đến”, bèn liền lớn tiếng hỏi: “Dược vương rốt cục là người nào?”. Thanh âm kia lập tức trả lời: “Ngài ấy họ Triệu”. Lời vừa dứt, liền không nghe thấy thanh âm gì nữa.
Lúc này, có thuyền từ đằng xa chèo tới, Hạ Ngôn lập tức cảm thấy người đến bất phàm, thế là sai người đi nghe ngóng. Người trên thuyền trả lời: “Ta họ Triệu, là một thư sinh”. Hạ Ngôn nghe xong mừng rỡ, thừa dịp có trăng mời ông lên thuyền của mình, nói chuyện vui vẻ cùng nhau. Người này chính là Triệu Thuyên. Hạ Ngôn rất thích tài hoa của Triệu Thuyên, thế là dẫn ông đi tới kinh thành.
Y thuật của Triệu Thuyên quả nhiên bất phàm, không lâu liền nổi danh khắp nơi trong kinh thành. Có một lần, thân thể của Gia Tĩnh Đế thấy khó chịu, ngự y trong cung đều bó tay không có cách chữa trị. Hạ Ngôn sau khi bàn bạc với đám đại thần, quyết định để Triệu Thuyên đến chẩn trị cho hoàng thượng. Triệu Thuyên chỉ kê một loại thuốc, hoàng thượng chưa uống xong, thân thể đã khỏe lại. Từ đó về sau, Gia Tĩnh Đế rất ngưỡng mộ ông.
Bởi vì nhận được sự trọng thị của Hoàng đế, Triệu Thuyên được nhận chức y quan. Nhưng không lâu sau liền từ quan. Ông một mực ở nhà viết y thư, khi có người nhà bệnh nhân đến mời, ông liền vui vẻ đi. Sau khi trị hết bệnh cho người ta, ông cũng không nhận tiền bạc hay vải vóc mà người bệnh cho thêm, còn đem dược liệu bố thí cho người nghèo khó.
Triệu Thuyên y thuật rất cao minh, đối với thái tố mạch cũng rất tinh thông. Có vị Tri huyện bị bệnh liệt giường, thấy bệnh rất nghiêm trọng, liền mời Triệu Thuyên đến chữa trị. Triệu Thuyên sau khi đến nhà, nhìn thấy ông ta đang chợp mắt, liền không đánh thức. Con trai trưởng của tri huyện đứng ở một bên, Triệu Thuyên cầm lấy tay của anh ta bắt mạch, sau đó nói: “Mạch tượng của cậu rất bình ổn, phụ thân cậu sẽ không có trở ngại gì”. Sau đó, Triệu Thuyên chỉ kê một đơn thuốc, đã chữa hết bệnh cho vị tri huyện kia.
Có một ngày, Triệu Thuyên cưỡi ngựa đi ra ngoại thành, trông thấy có người đang đem một người chết để vào trong quan tài gỗ. Ông nhanh chóng xuống ngựa, đi đến trước mặt người chết, xốc chăn mền và quần áo trên người anh ta. Sau đó, ông cho người mang nước nóng đến, đem một vài dược liệu bỏ vào, lại đem nước nóng rót vào miệng người chết. Chỉ chốc lát sau, người chết kia liền sống lại.
Người bên ngoài hỏi, làm thế nào ông biết người trong quan tài chưa chết. Ông trả lời: “Tôi có thể ngửi được khí chết trong vòng mười trượng. Vừa rồi đi qua bên cạnh anh ta, đều không ngửi được loại khí này, thế là tôi kết luận anh ta còn chưa chết. Nếu không, tôi sao lại đi xốc quần áo người chết ra chứ?”
Sau khi Triệu Thuyên từ quan, một mực dốc lòng tu đạo. Lúc tạ thế, trong phòng tỏa đầy mùi hương lạ, trên nóc nhà còn từ từ bay lên một tia sáng. Mấy ngày trôi qua, mọi người phát hiện ông giống như vẫn còn sống.
Tư liệu tham khảo:
- “Cổ kim đồ thư tập thành y bộ tổng lục y thuật danh lưu liệt truyện” của Trần Mộng Lôi thời nhà Thanh.
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: