‘ĐCSTQ đã lừa dối tôi’: Cựu ký giả chia sẻ hành trình thức tỉnh về sự tà ác của ĐCSTQ
Cô Lâm Vũ Đan (Lin Yudan), cựu ký giả của một hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã chia sẻ hành trình của cô — từ có định kiến sai lầm về Pháp Luân Công sau khi bị thông tin sai lệch của Bắc Kinh lừa dối đến cảm phục dũng khí của các học viên theo môn tu luyện này. Cũng trên chặng đường thức tỉnh đó, cô đã đi từ chỗ dung túng và chịu đựng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến quyết định thoái xuất khỏi đảng này.
Cô cảm thấy hối hận vì những hành xử ngây thơ của mình đã khiến cô trở thành kẻ đồng lõa với cái ác. Cô nói: “Bản tính thiện lương và ngay thẳng của tôi đã bị ĐCSTQ lợi dụng.”
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 26/01, cô bày tỏ lời xin lỗi chân thành của mình tới Pháp Luân Công vì đã tin theo, nghe theo lời tuyên truyền của nhà cầm quyền. Sau đó cô bộc bạch về hành trình thức tỉnh và quyết định thoái xuất ĐCSTQ của mình.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Hoa gồm các bài tập có động tác khoan thai và các bài giảng dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990. Theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, có khoảng 70 đến 100 triệu người theo học Pháp Luân Công ở Hoa lục vào cuối thập niên này.
Xem sự phổ biến đó là mối đe dọa đối với mình, tháng 07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch ‘xóa sổ’ có hệ thống. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
‘Mỹ Hầu Vương’ đại náo Thiên Cung
Năm 2012, cô Lâm chuyển sang Hoa Kỳ sinh sống, còn khoảng thời gian trước đó thì các ấn phẩm và tuyên truyền của ĐCSTQ là nguồn thông tin duy nhất của cô.
Cô từng làm ký giả cho Báo Pháp Trị Thượng Hải, mặt trận tuyên truyền chính trị và pháp luật chính do Đảng ủy thành phố chỉ định.
Cô thừa nhận rằng cô đã sập bẫy tuyên truyền chính trị của ĐCSTQ, vốn chụp mũ Pháp Luân Công là ‘mê tín’. Bản tin truyền hình nhà nước chiếu vụ tự thiêu tự biên tự diễn ở Quảng trường Thiên An Môn của ĐCSTQ để bôi nhọ các học viên Pháp Luân Công vào năm 2001 đã khiến cô chấn động. Đoạn phóng sự chiếu những hình ảnh tự thiêu đẫm máu này đã khiến cô có ác cảm với Pháp Luân Công.
Năm 2001, Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IED) đã trình chiếu một đoạn video trước Liên Hiệp Quốc, xác nhận vụ tự thiêu này là một sự kiện do chính phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ một tay đạo diễn với mục đích bôi nhọ Pháp Luân Công để biện hộ cho cuộc đàn áp của đảng này.
Năm 2003, Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) cũng bắt đầu cuộc điều tra của riêng mình. Theo kết quả điều tra, vụ tự thiêu này “có thể là âm mưu lớn nhất được biết đến do giới lãnh đạo Trung Quốc thực hiện kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền,” Chủ tịch WOIPFG John Jaw cho biết.
Mãi cho đến khi cô Lâm đến Hoa Kỳ, cô mới dần biết được những lời dối trá và ác hành mà ĐCSTQ đã làm ra trong suốt lịch sử của đảng này, bao gồm cả cách ĐCSTQ đối xử với các tù nhân chiến tranh, cái gọi là ba năm thiên tai thực chất lại là thảm họa nhân tạo gây ra Nạn Đói Lớn ở Trung Quốc, thêm vào đó là cuộc Cách mạng Văn hóa tàn khốc, Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Năm 2021, cô cho rằng hành động “đại náo Thiên Cung” của Mỹ Hầu Vương (danh hiệu khác của Tôn Ngộ Không) rất giống với tâm trạng của cô lúc bấy giờ, nên cô đã chọn biệt danh này làm tên tài khoản Twitter của mình, và bắt đầu chiến dịch chống lại ĐCSTQ.
Vì thiếu hiểu biết mà ‘đồng lõa với cái ác’
Trước kia, cô có biết chế độ độc tài và các phong trào chính trị của ĐCSTQ: “Tôi thấy rất phản cảm về ĐCSTQ, nhưng vẫn chưa đến mức căm ghét đảng này,” cô nói, đề cập đến suy nghĩ của cô trước khi đến phương Tây.
Cô bộc bạch, “Tôi đã quá ngây thơ … với bản tính thiện lương và sự ngay thẳng của mình, ĐCSTQ đã lừa dối tôi, và thế là tôi đã trở thành một kẻ đồng lõa với cái ác.”
Cô cảm thấy rất khổ tâm và hối hận vì sự thiếu hiểu biết của mình đã khiến cô có những hành xử không đúng với các học viên Pháp Luân Công trong một thời gian rất dài.
Cô nói: “Tôi cảm thấy thật nhục nhã, và chính điều đó đã khiến tôi căm ghét ĐCSTQ, sự tổn thương đối với con người tôi là rất lớn, đến mức khắc cốt minh tâm.”
Cô còn nhấn mạnh rằng cô sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ người nào đồng lõa với cái ác nữa.
Cô đặc biệt cảm kích The Epoch Times vì đã giúp cô biết được nhiều hơn về sự thật, đặc biệt là công sức mà The Epoch Times đã bỏ ra để đưa tin và tường thuật về phong trào chống dẫn độ năm 2019 của Hồng Kông.
Liễu giải được nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Cô cho biết những kiến thức về y khoa của mình đã khiến cô hiểu sai về nạn thu hoạch nội tạng sống.
Cô cho biết “thu hoạch nội tạng sống” hiểu nôm na theo nghĩa bề mặt là thu hoạch nội tạng “khi còn sống … Tôi nghĩ làm sao mà lấy nội tạng ra được đây? Trong quá trình thu hoạch tạng sống thì nạn nhân sẽ đau đớn tột cùng, vật vã như thế làm sao lấy nội tạng ra? Người ta đau đến cỡ đó thì nội tạng ấy cũng đâu có tác dụng nữa. Vì vậy, tôi cảm thấy chuyện này thật khó tin.” Cô tự hỏi, chẳng lẽ ĐCSTQ lại ác đến như vậy.
Tuy nhiên, số lượng lớn các ca cấy ghép ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của cô và cô đã kiểm chứng lại thông tin này sau khi đến Hoa Kỳ.
Sau khi xem rất nhiều video trực tuyến ở hải ngoại về những người Trung Quốc mất tích, chẳng hạn như video ghi lại cảnh những kẻ bắt cóc khống chế ép nạn nhân vào xe tải ngay trên đường phố, rồi có nhiều sinh viên đại học bị mất tích, bên cạnh đó là những thông tin cho thấy các bác sĩ thực hiện giải phẫu các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ phi pháp ngay bên trong nhà tù: “Sau đó, tôi nhận ra nạn thu hoạch nội tạng sống là thực sự tồn tại, và những gì The Epoch Times đưa tin là sự thật.”
Trước đó, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã nhận được danh sách thanh thiếu niên mất tích vào ngày 17/02/2022 từ một người cha Trung Quốc có con trai bị mất tích vào năm 2015. Theo danh sách này, có ít nhất 372 gia đình người Trung Quốc đang tìm kiếm những đứa con bị mất tích của mình. Nhiều bậc cha mẹ cũng ký cam kết sẽ hậu tạ 100,000 nhân dân tệ (14,840 USD) cho người nào giúp tìm được con em họ.
Bội phục, cảm ân, và tin tưởng các học viên Pháp Luân Công
Cô Lâm cho biết cô đã cho thêm nhiều chương trình và bản tin của The Epoch Times cũng như của hãng truyền thông cùng hệ thống NTD vào danh sách yêu thích của mình. Cô cũng chia sẻ rằng nhiều chương trình không chỉ bóc trần sự thật về ĐCSTQ, mà còn có trách nhiệm với xã hội Mỹ, phơi bày mặt tối của những người cực đoan cánh tả ở Hoa Kỳ.
Cô bày tỏ mối lo ngại sâu sắc nhất của mình về những người cánh tả cực đoan này, vốn đang đẩy nước Mỹ tới vực thẳm tội ác của chủ nghĩa xã hội.
Cô nói: “Cuối cùng tôi đã thoát khỏi Trung Quốc và đặt chân đến thiên đường trong mơ của mình, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ trở thành một Trung Quốc thứ hai, thì đối với tôi đây sẽ là cơn ác mộng kinh hoàng nhất.”
Trong số rất nhiều chương trình, cô đặc biệt yêu thích chương trình Thời gian với Phương Vĩ (Fang Wei Time). Ông Phương Vĩ là một cộng tác viên thường xuyên của NTD. Cô cho biết chương trình này đã cung cấp một số hướng đi nhất định cho một người Mỹ gốc Hoa như cô. Cô nói: “Ông ấy đã dắt tôi bước qua lớp sương mù u mê dày đặc đó. Bây giờ tôi đã biết phải làm gì cho quê hương thứ hai của mình và bảo vệ cho các thế hệ tiếp theo của Hoa Kỳ.”
Phản đối chủ nghĩa cộng sản là chưa đủ
Hôm 24/01, cô Lâm tuyên bố thoái ĐCSTQ. Cô mô tả về niềm vui của mình khi cô thức tỉnh.
Cô nói, “Tôi đã thoái ĐCSTQ bằng tên thật của mình. Tôi đã vứt đi chiếc khăn quàng đỏ duy nhất mà ĐCSTQ để lại trong tôi! Chiếc khăn quàng đỏ này cũng là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, cho nên nó cũng dơ bẩn. Giờ đây tôi cảm thấy như bản thân được gột rửa sạch sẽ, tinh thần khoáng đạt, và hưng khởi hơn rất nhiều.”
Trong tuyên bố rút khỏi Đội Thiếu niên Tiền phong, cô viết: “Tôi sinh ra trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc. Tôi yêu nước nhưng từ nhỏ tôi đã không thích đảng. Tôi từ chối làm đơn xin gia nhập Đội Thiếu niên Tiền phong. Vì vậy, ở lớp tôi được cho là một học sinh hư. Để chuyển sang trường khác, tôi buộc phải đeo khăn quàng đỏ. Lúc tôi còn trẻ, vì thấy chiếc khăn quàng đỏ này cũng đẹp nên tôi không từ chối. Nhưng tôi đã nhầm, giờ tôi cảm thấy rất hối hận. Giờ tôi đã thoái xuất Đội Thiếu niên Tiền phong bằng tên thật của mình, để cắt đứt mối liên hệ duy nhất còn sót lại với tấm giẻ rách đỏ của ĐCSTQ!”
Theo quy định của ĐCSTQ, học sinh tiểu học tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong đều phải đeo khăn quàng đỏ như một biểu tượng.
Cô xem việc tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong là một vết nhơ trong cuộc đời mình. Cô tin rằng cô phải có trách nhiệm chủ động gột rửa vết nhơ ấy. Cô nói: “Tôi đã nhận ra lỗi lầm mà mình mắc phải trong cuộc đời, vì vậy tôi muốn sửa chữa và bù đắp lỗi lầm ấy, đó là ý nghĩa của việc thoái xuất Đội Thiếu niên Tiền phong đối với tôi.”
Cô đã từng nghĩ rằng mình phản đối cộng sản vậy là đủ rồi, vậy là tốt rồi. Nhưng cuối cùng, cô đã nhận ra mục đích thực sự là phải đoạn tuyệt với ĐCSTQ.
Cô nói rằng bây giờ tâm hồn cô có thể tự do và dám chấp nhận sự phán xét cuối cùng. Có một sự khác biệt sau khi thoái ĐCSTQ, cô nói: “Thật sảng khoái cả về thể chất lẫn tinh thần.”
Giờ đây cô có đủ can đảm để đối mặt với Đức Chúa Trời trong ngày phán xét cuối cùng. Cô nói: “Bây giờ tôi có thể nói với Đức Chúa Trời rằng: Tôi đã từng có một chiếc khăn quàng màu đỏ, nhưng tôi đã vứt nó đi. Tôi đã tuyên bố thoái Đội. Tôi không còn tội lỗi này nữa. Tôi đã phạm tội, nhưng tôi đã biết thú nhận và sửa đổi.”
Cô hy vọng có thể kêu gọi người Trung Quốc suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của việc thoái ĐCSTQ. Cô nói: “Việc đó có ý nghĩa đối với quý vị không chỉ trong đời này kiếp này, mà còn có ý nghĩa cả trong kiếp sau nữa.”
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á, Ninh Hải Chung, và Tiêu Luật Sinh
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times