Cựu chuyên gia phân tích chứng khoán Thượng Hải: Hãy tránh xa thị trường chứng khoán Trung Quốc
Hồi năm ngoái, thị trường chứng khoán Hoa lục đã trượt xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm trở lại đây. Các nhà đầu tư than khóc, giám đốc trẻ của một công ty quỹ nghe đồn là đã tự tử. Mặc dù việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) can thiệp vào chính sách của các quỹ doanh nghiệp nhà nước đã khiến giá cổ phiếu phục hồi nhẹ và dường như có lại cơ hội kiếm tiền, nhưng một nhà phân tích cấp cao từng làm việc cho Công ty Chứng khoán Thượng Hải cảnh báo rằng: Thị trường chứng khoán Trung Quốc không phải là thị trường chứng khoán theo đúng nghĩa. Đó là một cỗ máy “cắt rau hẹ” (*) được sắp đặt cẩn thận, đầy rẫy cạm bẫy và âm mưu. Nếu quý vị muốn giữ của cải thì nhất định phải tránh xa nó.
Trước khi ông Trương Thịnh Lợi (Zhang Shengli) đến Hoa Kỳ, ông là một nhà phân tích thị trường chứng khoán cấp cao đã được chứng nhận tại một công ty chứng khoán nổi tiếng ở Hoa lục. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông bắt đầu đầu cơ chứng khoán. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trương vẫn luôn làm việc trong lĩnh vực tài chính. Trước năm 2007, ông đã kiếm được một khoản tài sản nhỏ nhờ sự phát triển của thị trường vào thời điểm đó.
Sau khi dấn thân sâu vào ngành chứng khoán, ông hiểu biết ngày càng nhiều hơn về những bí mật mờ ám. Ông Trương nhìn thấy rất nhiều khách hàng trước đây có tài sản từ vài triệu đến chục triệu (nhân dân tệ) bị “thanh toán” và bị buộc phải rời khỏi thị trường chứng khoán. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều khách hàng vừa và nhỏ đang tiếp tục tiến vào thị trường dưới sự lừa dối của giới truyền thông, các chuyên gia tài chính, và các nguồn tin tức “mật thám” mà không biết rằng cạm bẫy đang ở phía trước.
Ông Trương Thịnh Lợi cho biết, cách đây một thời gian, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm tới 3,200 điểm, dưới sự lừa dối của các chuyên gia tài chính và cựu tổng biên tập tờ Thời báo hoàn cầu Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) về việc “bắt đáy chứng khoán,” rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường. Không ngờ thị trường chứng khoán lại tiếp tục giảm. Khi thị trường giảm xuống dưới 3,000 điểm, ông Hồ Tích Tiến nói rằng nếu thị trường lại giảm thì ông ta sẽ đi nhảy lầu. Kết quả là thị trường tiếp tục giảm xuống đến khoảng 2,700 điểm và mãi đến trước Tết Nguyên đán mới phục hồi nhẹ. Còn những nhà đầu tư bị lừa vào thị trường thì có kết cục thê thảm.
Câu chuyện mờ ám ở đây là gì?
Ai có thể sử dụng thông tin nội bộ?
Thông tin nội bộ luôn là công cụ kiếm tiền mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhưng ai là người có được thông tin nội bộ đầu tiên?
Ông Trương Thịnh Lợi cho biết, ở Hoa lục, người ta thường gọi người phụ trách bộ phận kinh doanh chứng khoán là “ông chủ.” Mỗi bộ phận kinh doanh chứng khoán và công ty quỹ đều có sự hợp tác riêng. Các công ty quỹ thường được gọi là “nhà cái.” Đằng sau mỗi cổ phiếu đều có một nhà cái đang thao khống.
Nếu công ty quỹ muốn thao túng một cổ phiếu, họ phải kết liên minh với bộ phận kinh doanh chứng khoán, lợi dụng các kênh mạng của bộ phận kinh doanh để thao khống các giao dịch. Bởi vì các kênh mạng này hoạt động nhanh, số lượng nhiều, nên việc thao khống sẽ có hiệu quả hơn. Ngoài ra, giám đốc điều hành (CEO) của các công ty chứng khoán thường biết trước một số thông tin nội bộ. Trước khi công ty quỹ “thao khống” bất kỳ cổ phiếu nào, thì họ đã biết được thông tin.
Ông Trương Thịnh Lợi nói rằng, ban quản lý của công ty chứng khoán, những người có quan hệ tốt với ông chủ cũng có thể thu được một số thông tin nội bộ, “những người này có thể kiếm bộn tiền.” Ngoài ra, “một phần thu nhập của các công ty chứng khoán đến từ lượng giao dịch của các nhà đầu tư lớn. Vậy nên, những nhà đầu tư lớn đó cũng có thể lấy được thông tin nội bộ thông qua ông chủ, họ cũng có thể kiếm được tiền. Còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ bên dưới sẽ bị lỗ nặng.”
Phân tích từ góc độ kỹ thuật, ông Trương Thịnh Lợi cho biết, kỳ thực bán khống thị trường chứng khoán (bán khống quyền chọn chỉ số chứng khoán, bán khống một cổ phiếu, sau khi vay mượn cổ phiếu thì bán ra thị trường) cũng có thể kiếm tiền. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư chỉ biết “mua vào.” Họ cho rằng, chỉ khi cổ phiếu tăng giá thì họ mới có thể kiếm được tiền, chứ không biết cách bán khống. Ngoài ra, ĐCSTQ nhận thấy rất nhiều người thực sự đang kiếm tiền thông qua việc “bán khống.” Vậy nên, họ đã trực tiếp tăng phí thực hiện quyền chọn chỉ số chứng khoán. Chi phí thực hiện một quyền chọn chỉ số chứng khoán ban đầu chỉ tốn 40 đến 50 nhân dân tệ, nhưng sau đó nó đã tăng lên khoảng 900 nhân dân tệ. Các nhà đầu tư bình thường sẽ bỏ cuộc vì chi phí bán khống quá cao. Vậy là, chỉ những tổ chức có sức mạnh tài chính mới có thể làm được. Như thế, các nhà đầu tư bình thường đã mất đi phương tiện kỹ thuật phòng ngừa rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Có thể nắm bắt được cơ hội bán khống, cộng với thông tin nội bộ đi trước một bước, các công ty quỹ “nhà cái” và nhà đầu tư lớn đương nhiên sẽ kiếm được rất nhiều tiền.
Thông tin nội bộ được tiết lộ như thế nào?
Ông Trương Thịnh Lợi nói rằng, về bản chất, thị trường vốn của Trung Quốc là cơ chế để ĐCSTQ, các công ty quỹ, và bộ phận kinh doanh chứng khoán phối hợp với nhau ‘cắt rau hẹ’ thường dân.
‘Cắt rau hẹ’ như thế nào? Hãy lấy “thông tin nội bộ” làm ví dụ. Ông Trương Thịnh Lợi nói: “Thủ đoạn của họ là mới đầu truyền bá một số thông tin thực tế từ các phương tiện truyền thông hoặc bộ phận kinh doanh, để quý vị nếm thử một chút vị ngọt trước.”
Thủ đoạn đầu tiên là ĐCSTQ kiểm soát quyền phát ngôn tuyên truyền.
Ví dụ, năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính phát sinh ở Hoa Kỳ, đài truyền hình chính thức của ĐCSTQ đã quảng bá mạnh mẽ rằng cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Hoa Kỳ không liên quan gì đến nền kinh tế Trung Quốc. Nó sẽ chỉ ảnh hưởng đến châu Âu và Hoa Kỳ. Họ nói rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát triển theo chiều hướng tốt.
“Tuy nhiên, kinh tế là liên động.” Ông Trương Thịnh Lợi nói, lúc đó rất nhiều nhà đầu tư đã cả tin vào những tuyên truyền của chính quyền. Họ tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng từ 6,000 điểm lên 10,000 điểm. Tuy nhiên, cuối cùng thị trường lại lao dốc xuống hơn 3,000 điểm.
Ông Trương cho biết ĐCSTQ còn có rất nhiều chiêu trò tương tự. Chẳng hạn như khi thị trường gần chạm đáy, ĐCSTQ sẽ sử dụng các chuyên gia, thông qua các phương tiện truyền thông để đánh lừa các nhà đầu tư bán lẻ rằng thị trường vẫn chưa chạm đáy. Họ kiến nghị mọi người trước tiên nên thanh lý tồn kho, đợi đến khi thị trường chạm đáy thực sự rồi mua cổ phiếu trở lại. Thông qua thủ đoạn này, các công ty quỹ và nhà cái có thể mua được cổ phiếu giá rẻ, v.v.
Ông Trương đưa ra một ví dụ: đài truyền hình China Business Network, có trụ sở chính tại Thượng Hải, thỉnh thoảng sẽ mời một số người được gọi là chuyên gia đến nói chuyện. Những người này sẽ không trực tiếp nói cổ phiếu nào sẽ tăng bao nhiêu, nhưng họ sẽ nói công ty này có sản phẩm gì tốt, bán chạy như thế nào, v.v. Nếu quý vị tin vào điều đó, mua cổ phiếu của công ty ấy thì sẽ mất tiền.
Thủ đoạn thứ hai là thu hút các nhà đầu tư bán lẻ thông qua bộ phận kinh doanh chứng khoán.
Ông Trương Thịnh Lợi cho biết, thông thường trước cửa của mỗi bộ phận kinh doanh chứng khoán đều sẽ có một vài người trung niên và người già trò chuyện. Khẩu khí những người này rất lớn, tạo cho người ta cảm giác “tay mắt khắp trời,” như thể họ rất rõ ràng về thông tin nội bộ.
“Thật ra, những người này đều có mối quan hệ với ông chủ của các công ty chứng khoán. Đôi khi các ông chủ sẽ đưa cho họ một số tin tức để họ phổ biến cho các nhà đầu tư bán lẻ,” nói rằng cổ phiếu nào gần đây tăng giá tốt và có tin tốt gì. Lúc đầu, một số nhà đầu tư bán lẻ đã làm theo những gì họ nói và kiếm được một ít tiền. Dần dần, những nhà đầu tư này sẽ bắt đầu tin tưởng họ và đầu tư nhiều tiền hơn. Khi ngày càng có nhiều cá cắn câu, các công ty quỹ đó sẽ đột ngột bán ra, đẩy giá cổ phiếu xuống, khiến một số lượng lớn nhà đầu tư bán lẻ trở thành “những kẻ vào tròng.”
Nếu những người này về sau bị nhận diện, họ sẽ chuyển sang công ty chứng khoán khác để tiếp tục hoạt động. “Họ nhất định sẽ thu được không ít lợi”, ông Trương Thịnh Lợi cho hay.
Nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ thị trường chứng khoán Trung Quốc
Cách đây một thời gian, nhận được những lời phàn nàn của các nhà đầu tư sau khi thị trường chứng khoán lao dốc, ĐCSTQ đã yêu cầu Bộ An ninh Nhà nước vào cuộc, viện dẫn lý do muốn ổn định thị trường chứng khoán.
Ông Trương Thịnh Lợi tin rằng đây là một màn kịch dành cho những người dân bình thường. ĐCSTQ đã đẩy trách nhiệm về sự sụp đổ thị trường chứng khoán cho các nhà đầu cơ và các công ty quỹ bán khống, đồng thời chuyển hướng lòng căm thù của người dân. “ĐCSTQ nói rằng, các công ty quỹ đang bán khống một cách ác ý. Cái gì gọi là bán khống ác ý? Chỉ số chứng khoán tương lai vốn do chính phủ mở ra. Mọi người mua chỉ số chứng khoán tương lai và bán khống, hành vi này sao có thể gọi là ác ý? Họ không vi phạm luật nào cả, đúng không?” Ông Trương Thịnh Lợi nói: “Việc này là để gán tội cho các công ty quỹ khác, đem nước bẩn đổ lên người ta.”
Ông Trương Thịnh Lợi cho biết, không có công ty chứng khoán nội địa nào ở Trung Quốc là tư nhân. Tất cả các công ty đó đều có liên quan đến ĐCSTQ. “Nếu không có sự liên quan thì sẽ không thể xin được giấy phép kinh doanh, chứ đừng nói đến việc mở bộ phận kinh doanh.”
“Nói tóm lại, tất cả những điều này đều do ĐCSTQ kiểm soát”, ông Trương cho hay.
Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài ba năm của chính quyền đối với dịch bệnh đã khiến một số lượng lớn các công ty ngoại quốc rời khỏi Trung Quốc. Theo các bản tin trước đó của tờ Wall Street Journal, trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng cộng có 78.1 tỷ USD đã rút khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc. Chỉ riêng từ tháng 8 đến đầu tháng 12/2023 đã có 24 tỷ USD vốn ngoại quốc rút khỏi thị trường cổ phiếu hạng A của nước này. Đây là làn sóng rút vốn ngoại quốc lớn nhất và kéo dài nhất từng được ghi nhận.
Phân tích từ góc độ vĩ mô nói chung, ông Trương Thịnh Lợi tin rằng nền kinh tế thế giới đang rời bỏ Hoa lục và chuyển sang Đông Nam Á, Mexico, và các quốc gia khác. Điều này là một đòn giáng mạnh vào toàn bộ chuỗi cung ứng công nghiệp của Trung Quốc. Sự ra đi của các ngành công nghiệp sản xuất đầu và cuối này đã khiến sản phẩm do các doanh nghiệp tư nhân hạ nguồn và doanh nghiệp nhỏ khó tiêu thụ trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao. Mọi người đều đang chuẩn bị ‘sống khổ’ qua ngày.
Mặc dù thị trường chứng khoán đã đột ngột tăng lên trước đêm giao thừa, nhưng ông Trương Thịnh Lợi tin rằng việc này được thực hiện có chủ đích. “Sự tăng giá đột ngột như vậy có một mục đích: đánh lừa người dân và các nhà đầu tư bán lẻ. Nếu mọi người đi theo thì sẽ lại mắc bẫy.” “Vào nhanh ra nhanh thì không sao,” ông khuyên chân thành, “nhưng nếu quý vị muốn đầu tư dài hạn thì không ổn, đó hoàn toàn là cắt rau hẹ.”
Sự suy giảm thị trường chứng khoán của Trung Quốc có mức chạm đáy không? “Nếu chính sách kinh tế vẫn như thế này, thị trường sẽ tiếp tục giảm, mức giảm không giới hạn,” ông Trương Thịnh Lợi nói. “Nếu nền kinh tế không tốt, không có lý do gì để cổ phiếu tăng giá cả.”