Chuyên gia: ĐCSTQ mở rộng chiêu binh để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện quy mô lớn
Các tài liệu tuyển dụng quân sự gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ việc yêu cầu lấy sinh viên đại học làm trọng tâm, “không có góc chết” ở các vùng nông thôn. Kể cả những người ra ngoài làm việc hoặc đang đi học đều bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Các chuyên gia tin rằng việc ĐCSTQ mở rộng chiêu binh là đang chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện quy mô lớn. Mặc dù ông Tập Cận Bình hiện không thể tấn công Đài Loan nhưng không loại trừ việc ông ‘bí quá hóa liều’ để thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng.
Việc tuyển quân của ĐCSTQ tập trung vào sinh viên đại học, những người đã giải ngũ cũng được chiêu hồi
Gần đây, ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị trực tuyến lẫn trực tiếp về công tác tuyển dụng quân sự ở tỉnh Hà Bắc, mang tên là “quán triệt tư tưởng của ông Tập Cận Bình về củng cố quân đội.” Ông Nghê Nhạc Phong (Ni Yuefeng), Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân khu tỉnh, cho biết công tác tuyển quân năm 2024 sẽ tập trung vào sinh viên đại học, tuyển thêm nhiều thanh niên có tố chất cao vào quân đội. Bí thư Đảng ủy các cấp là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm quản lý lực lượng vũ trang của Đảng, đồng thời là người tổng phụ trách và đích thân lo liệu công tác tuyển dụng.
Ông Lý (Li), một nhân sĩ cung cấp tin tức ở Hà Bắc, gần đây đã tiết lộ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng ĐCSTQ tuyển dụng trở lại những quân nhân đã giải ngũ trong vòng năm năm. Đây là tình cảnh của chồng một đồng nghiệp của ông và họ rất lo lắng về việc ra trận.
“Lần chiêu binh này có sự phân chia giữa hộ khẩu thành thị và hộ khẩu nông thôn, hơn nữa độ tuổi nhập ngũ được chú trọng là 24 tuổi, không cho biết cụ thể 24 tuổi tròn hay chưa tròn. Ngoài ra còn chú trọng đến trình độ văn hóa của người được chiêu binh, yêu cầu sinh viên đang học đại học và sinh viên đã tốt nghiệp đại học, nói là để chuẩn bị thích ứng cho cuộc chiến thông tin trong tương lai, đồng thời giải quyết vấn đề việc làm của thanh niên thất nghiệp (ở các thành phố và thị trấn), thuận lợi cho việc duy trì sự ổn định.”
Ông Lý còn cho biết: “Nếu có bằng tốt nghiệp đại học, sau khi hoàn thành nghĩa vụ đi lính trong hai năm, lưu lại quân đội sẽ dễ dàng thi đậu quân hàm sĩ quan, đợi đủ 12 năm thì giải ngũ. Đãi ngộ giữa lính nghĩa vụ và lính lưu lại 12 năm là khác nhau, nhưng sẽ chú trọng cân nhắc thời gian và địa điểm phục vụ cụ thể.
“Các sinh viên đại học nhập ngũ năm nay xác thực đều có lo lắng này (chiến tranh), kể cả những người trong thể chế cũng như vậy. Họ đều có cảm giác thảm họa sắp ập xuống đầu mình.”
Người dân: nông thôn “không có góc chết”, người đi làm hay đi học đều phải nhập ngũ
Ngoài ra, một bài viết về việc vận động tuyển quân trên trang web của chính quyền thị trấn Hà Bắc, huyện Khắc Sơn, Tề Tề Cáp Nhĩ, còn đề nghị “khích lệ thanh niên đã ra ngoài làm việc trở về quê ghi danh nghĩa vụ quân sự, không lưu lại góc chết”, v.v.
“Tôi nhận được tin sinh viên đại học có hộ khẩu ở nông thôn phải nhập ngũ,” ông Lý nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. “Một sinh viên tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh nói với tôi rằng, hộ khẩu của sinh viên đại học ở nông thôn được chuyển đến trường theo hình thức hộ khẩu tập thể, sau khi tốt nghiệp sẽ chuyển về nguyên quán. Bắt đầu từ năm ngoái, những người có hộ khẩu nông thôn ở tỉnh Hà Bắc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự bắt buộc (nhập ngũ), nhưng người có hộ khẩu ở thành thị thì không cần. Điều này chưa từng xảy ra, trước đây mọi người đều bình đẳng.”
“Giới hạn độ tuổi nhập ngũ lúc trước rất nghiêm ngặt, nhưng hiện nay độ tuổi tòng quân từ 18 đến 24 tuổi, không cho biết cụ thể là 24 tuổi tròn hay chưa tròn. Tôi cảm thấy giống như họ đang chuẩn bị cho chiến tranh. Cả hai số điện thoại di động của tôi đều nhận được thông báo tuyển dụng.”
Ông Lý nói: “Năm ngoái, người được tuyển đi lính không nhiều, nhưng năm nay lãnh đạo tỉnh Hà Bắc nói rằng cần tuyển dụng toàn bộ. Một số thanh niên lo lắng họ sẽ trở thành ‘bia đỡ đạn’ nếu hai bờ (eo biển Đài Loan) nổ ra chiến tranh. Một số khác không nguyện ý đi lính nhưng cũng không thể làm gì được. Cách đây một thời gian, Trung Quốc đã sửa đổi Luật động viên quốc phòng, điều kiện nới rộng hơn, ai có tiền án đều sẽ bị trưng dụng.”
ĐCSTQ mở rộng chiêu binh ở các vùng nông thôn để chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện quy mô lớn
Hôm 13/02, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả về Luật hiện sống ở Úc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, chỉ có một lý do để ĐCSTQ mở rộng chiêu binh ở các vùng nông thôn, đó là để chuẩn bị cho một hành động tác chiến quy mô lớn.
“Bởi vì ở Trung Quốc, vùng nông thôn có số nhân khẩu lớn nhất, hơn nữa đó không phải là trung tâm chính trị, kinh tế, và văn hóa. Vậy nên một khi chiến tranh nổ ra, nếu binh lính có hộ khẩu ở nông thôn chịu thương vong nặng nề thì sẽ không nhanh chóng gây ra những tác động kinh tế và chính trị lớn như binh lính có hộ khẩu ở thành thị. Đây là một trong những lý do cơ bản khiến ĐCSTQ hiện đang tuyển mộ mạnh mẽ binh lính ở nông thôn.”
Ông Viên Hồng Băng cho biết, “từ góc độ này, chúng ta thực sự có thể thấy rằng ĐCSTQ hoặc chính quyền ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện quy mô lớn.”
Vào ngày 01/05 năm ngoái, ĐCSTQ đã bắt đầu thực hiện “điều lệ công tác tuyển lính” mới, trong đó quy định binh sĩ đã giải ngũ có thể tái nhập ngũ; đồng thời đề cập việc tuyển dụng sinh viên chuyên nghiệp từng được đào tạo công nghệ cao. Một người dân đến từ Hà Bắc nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng anh ta đã xuất ngũ được 5 năm rồi nhưng vẫn bị yêu cầu quay lại nhập ngũ.
Ông Viên Hồng Băng cho biết, năm ngoái ĐCSTQ đã hoàn thành việc ghi danh nghĩa vụ quân sự của quốc gia và của toàn dân. Đây là đặc trưng rõ ràng nhất của việc chuẩn bị cho chiến tranh. “ĐCSTQ chuẩn bị phát động chiến tranh vào lúc nào? Chúng tôi đã từng nói, chính quyền ông Tập Cận Bình hiện đang chờ kết quả của cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm 2024.”
“Chính quyền ông Tập Cận Bình có phán đoán cơ bản rằng, bất kể kết quả của cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm 2024 ra sao, thì nó đều sẽ gây ra sự chia rẽ chính trị và xã hội nghiêm trọng hơn cuộc bầu cử lần trước. Hơn nữa sự chia rẽ này sẽ kéo dài trong vài năm. Vì vậy, chính quyền ông Tập xem thời kỳ này là một trong những ‘thời kỳ cửa sổ’ để ĐCSTQ bạo chính có thể giải quyết vấn đề Đài Loan.”
Ông Viên Hồng Băng tin rằng, “tất cả sự chuẩn bị chiến tranh hiện tại của ĐCSTQ đều nhằm mục đích này. Tức là từ năm 2025 đến năm 2027, họ sẽ lợi dụng ‘thời kỳ cửa sổ’ để phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan.”
Ông Tập không đủ sức đánh bại Đài Loan nhưng có thể ‘bí quá hóa liều’ để thoát khỏi khủng hoảng
Tuy nhiên, rất nhiều học giả và chuyên gia cho rằng, nếu ĐCSTQ dám dùng vũ lực, thì khi họ tấn công Đài Loan cũng là lúc ĐCSTQ sụp đổ. Do đó họ sẽ không dám hành động hấp tấp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền gần đây với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ông Dư Mậu Xuân (Yu Maochun), Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Hudson, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, cho biết nếu ông Tập Cận Bình xem xét cụ thể “chi phí, cơ hội và khả năng,” thì khả năng sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan không hề cao. “Sẽ không dễ dàng để tấn công Đài Loan, bởi vì ĐCSTQ cần rất nhiều cải tiến về công nghệ và kỹ năng quân sự trên phương diện chiến tranh đổ bộ, điều mà họ chưa có.”
“Tôi nghĩ lý do chủ yếu nhất khiến ông Tập Cận Bình không thể thực hiện những hành động này (tấn công Đài Loan) là vì ông ấy không có cơ hội như vậy. Cơ hội này không phải do chính ông ta tạo ra, mà do cộng đồng quốc tế và thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ quyết định.”
Ông Dư Mậu Xuân tin rằng, vì Hoa Kỳ chưa bao giờ nới lỏng các cam kết phòng thủ với Đài Loan, nên nước này cũng có ‘Đạo luật Quan hệ Đài Loan’ và nhiều mệnh lệnh hành pháp khác nhau để thực hiện các cam kết hỗ trợ Đài Loan. Vì vậy dù ông Tập Cận Bình có dã tâm rất lớn, nhưng khi xét đến cái giá phải trả cho sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ, “ông ta không đủ can đảm để mạo hiểm lớn như vậy.”
Hiện nay, chính quyền ĐCSTQ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế, cả bên trong và bên ngoài đều đang gặp khó khăn. Ông Viên Hồng Băng nói rằng việc người dân thất vọng với chính quyền ĐCSTQ đã là một trạng thái phổ biến. “Kể từ lúc dịch bệnh bùng phát ba năm nay, điều này đã phát triển thành một hiện tượng phổ biến, người dân vô cùng bất mãn đối với chính quyền ông Tập Cận Bình.”
“Khi đối mặt với sự bất mãn của dân chúng, ĐCSTQ, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, một người độc tài theo chủ nghĩa phiêu lưu, sẽ kế thừa truyền thống chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của ĐCSTQ. Tôi tin rằng, phương pháp để ứng phó với cuộc khủng hoảng này của ông ta là tiến hành những cuộc phiêu lưu quân sự mới. Hướng đi chủ yếu nhất và khả thi nhất là phát động chiến tranh ở Eo biển Đài Loan.”
Ông Viên Hồng Băng tin rằng, việc ĐCSTQ phát động chiến tranh ở Eo biển Đài Loan chắc chắn là một cuộc phiêu lưu quân sự. Với ĐCSTQ mà nói, kết quả của cuộc chiến này, nếu Đài Loan tự do và các lực lượng tự do quốc tế giành chiến thắng, đó sẽ là dấu chấm hết cho chế độ chuyên chế của ĐCSTQ.