Đàn Tỳ Bà – Giai điệu tuyệt mỹ đến từ Thiên Thượng
Từ xưa tới nay, đàn “Tỳ bà” luôn được mệnh danh là “Nhạc khí chi Vương”, tức vua của các loại nhạc cụ dân tộc. Tương truyền, đây là nhạc cụ đến từ Thiên Thượng, do Thần truyền cấp cho con người. Trong hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng, có các bức bích họa nàng Tiên nữ phi Thiên diễn tấu lên giai điệu đàn Tỳ bà vang vọng, nhẹ nhàng phiêu dật, dáng vẻ ưu mỹ uyển chuyển thoát tục, triển hiện ra sự thuần tịnh và tường hòa của thế giới Thiên Quốc.
Trong “Phong Tục Thông – Phê Bả Điều” của Ứng Thiệu thời Đông Hán có viết: “Đàn Tỳ bà dài ba thước năm tấc, tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân và Ngũ hành, bốn dây tượng trưng cho bốn mùa.” Như vậy đã nói rõ hình dáng và cấu tạo của đàn Tỳ bà là có sự tương ứng với Thiên – Địa – Nhân, Âm dương Ngũ hành cùng với tiết khí bốn mùa.
Trong tuyệt tác thơ Đường “Tỳ Bà Hành”, thi nhân Bạch Cư Dị với bút pháp sâu sắc, đã miêu tả sức cuốn hút của âm sắc, kỹ thuật và cách diễn tấu đàn Tỳ bà một cách sinh động:
“Đại huyền tào tào như cấp vũ,
Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ.
Tào tào thiết thiết thác tạp đạn,
Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn.”
Dịch thơ:
Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng.
Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
(Bản dịch của Phan Huy Thực)
“Tỳ” và “Bà” vốn là tên gọi của hai thủ pháp diễn tấu nhạc cụ có dây thời cổ đại, tay phải gảy đàn hướng về phía trước gọi là “tỳ”, gảy lui về phía sau gọi là “bà”. Đây cũng là hai thủ pháp diễn tấu cơ bản nhất để diễn tấu nhạc cụ dây. Vì vậy, từ thời nhà Tần, nhà Hán đến nhà Đường, hai từ “Tỳ bà” đã từng là tên gọi chung cho nhiều loại nhạc cụ có dây.
“Tỳ bà” được lưu truyền trong lịch sử chủ yếu được chia thành hai loại: loại “cổ thẳng hình tròn” truyền thống và loại “cổ cong và hình trái lê” được truyền từ bên ngoài vào. “Tỳ bà” truyền thống là một nhạc cụ dây chủ yếu có cổ thẳng, thân tròn, bốn dây, khi diễn tấu thì được ôm theo thế thẳng đứng dùng tay gảy. Trong các tài liệu lịch sử như “Thông Điển” của Đỗ Hữu thời Đường, và “Cựu Đường Thư”, “Tân Đường Thư” sau này, đều gọi đàn Tỳ bà là “Tần tỳ bà” hoặc “Tần Hán Tử”.
Loại đàn “Tỳ bà” được truyền từ bên ngoài có cổ cong, hộp âm hình nửa trái lê, bốn dây bốn trụ, ôm ngang, dùng miếng gảy, hoặc loại đàn Tỳ bà năm dây, đều được truyền vào vùng đất Trung Quốc theo sự giao lưu văn hóa với các nước Tây Vực vào thế kỷ thứ 4. Vì phần đầu của nó uốn cong về phía sau, để phân biệt với loại đàn Hán tỳ bà có cổ thẳng thân tròn thời ấy, nên gọi loại đàn Tỳ bà ngoại lai này là “Khúc cảnh Tỳ bà” (Tỳ bà cổ cong); vì nó được truyền vào từ Quy Từ (một nước thuộc Tây Vực thời cổ), nên còn được gọi là “Quy Từ Tỳ bà”.
Thời nhà Đường là thời kỳ đỉnh cao của sự phát triển nghệ thuật diễn tấu đàn Tỳ bà của Trung Quốc. Vào thời này, đàn Tỳ bà ngoài vai trò là nhạc cụ hợp tấu chính, hoặc đệm cho các ca vũ, thì nghệ thuật độc tấu của nó cũng rất thịnh hành.
Có vô số các danh gia diễn tấu đàn Tỳ bà được sử sách đã ghi chép lại, ví như trong “Nhạc Phủ Tạp Lục – Tỳ Bà” của Đoàn An Tiết triều Đường có một đoạn ghi chép lại câu chuyện tỷ thí diễn tấu đàn Tỳ bà như thế này: Khang Côn Luân là người nước Khang ở Tây Vực, vào những năm Trinh Nguyên thời Hoàng đế Đường Đức Tông, Khang Côn Luân được mệnh danh là “Trường An đệ nhất thủ”.
Trong thời kỳ Trinh Nguyên, vì ở vùng Trường An gặp hạn hán, ở thành phía Đông và thành phía Tây đã dựng tòa lầu dùng hoạt động tỷ thí âm nhạc để cầu mưa. Khang Côn Luân ở thành Đông dùng kỹ thuật cao siêu biểu diễn khiến cho quần chúng thưởng thức phải bái phục. Lúc này một cô gái ôm đàn Tỳ bà xuất hiện trên trên tòa lầu của thành Tây, nàng chuyển khúc nhạc “Vũ Điệu Lục Yêu” mà Khang Côn Luân vừa gảy sang điệu Phong hương càng khó hơn để đánh, âm thanh phát ra như sấm, tuyệt diệu nhập thần, khiến Khang Côn Luân phải kinh sợ kính phục. Hóa ra nàng là pháp sư Đoàn Thiện Bản cải trang, vì thế Khang Côn Luân bái Đoàn Thiện Bản làm thầy, khiêm tốn học tập nghệ thuật Tỳ bà.
Từ thời Đường, thời Tống đến nay, hình dáng của đàn Tỳ bà không ngừng được dung hợp giữa kiểu cổ thẳng hình tròn truyền thống với cổ cong hình trái lê ngoại lai, tạo ra loại đàn Tỳ bà với đặc điểm hình dáng cổ cong hình trái lê. Sự kết hợp giữa bốn tương của đàn Tỳ bà cổ cong với 12 trụ của Tỳ bà cổ thẳng tạo thành bốn tương 10 trụ; cách diễn tấu cũng đổi thành ôm đứng thẳng, từ dùng miếng gảy chuyển sang dùng ngón tay gảy dây đàn.
Sau thời Tống, “Tỳ bà” là dùng để chuyên chỉ loại đàn Tỳ bà có hộp âm hình trái lê; còn đàn Tỳ bà cổ thẳng hộp âm hình tròn, thì bởi vì Nguyễn Hàm – một trong “Trúc Lâm Thất Hiền” thời Ngụy Tấn nổi tiếng với tài diễn tấu nhạc cụ này, cho nên về sau nó được gọi là “Nguyễn Hàm” hoặc “Nguyễn”.
Đàn Tỳ bà thời cổ đại sử dụng dây tơ và dây gân bò làm dây đàn. Cổ nhân khí định thần nhàn, làm việc gì cũng đều coi trọng sự tĩnh tâm, mặc dù dùng dây đàn bằng tơ cho âm lượng nhỏ, nhưng người xưa vẫn có thể lĩnh hội được ý cảnh của khúc nhạc.
Xã hội phát triển cho đến ngày nay, hình thái sinh hoạt của con người hiện đại đã thay đổi; tâm tư nôn nóng bồn chồn, tâm thần không định, đây là “căn bệnh” chung của người hiện đại. Tâm không tĩnh là do dục vọng quá nhiều, điều gì cũng muốn truy cầu. Vì vậy, mặc dù dây đàn của đàn Tỳ bà ngày nay đã chuyển sang dùng dây thép để tăng độ lớn của âm lượng, nhưng thực sự có thể lĩnh hội được nội hàm văn hóa Trung Hoa sâu sắc trong những nhạc khúc cổ điển Trung Quốc, dẫn dắt bản tính con người hướng thiện, đồng thời truyền thừa tiêu chuẩn quy phạm đạo đức của nhân loại… thì có được mấy người?
Do Cổ Âm thực hiện
Ngô Vũ Khiết biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ