Đài Loan mất đồng minh Nauru chỉ vài ngày sau bầu cử trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc
Đài Loan cho biết áp lực từ Bắc Kinh sẽ không “làm giảm ý chí của người dân Đài Loan trong việc hội nhập với thế giới.”
Chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống và bầu Quốc hội, Đài Loan đã để tuột mất một trong những đối tác ngoại giao còn lại vào tay Trung Quốc, một hành động mà Đài Bắc cho là do chính quyền Bắc Kinh dàn dựng nhằm tấn công nền dân chủ của Đài Loan.
Kể từ hôm 15/01, đảo quốc Nauru đã cắt đứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan và sẽ “không phát triển bất kỳ mối bang giao chính thức hay trao đổi chính thức nào với Đài Loan nữa,” chính phủ Nauru viết trong một bài đăng trên Facebook hôm 15/01. Theo tuyên bố, quốc đảo nhỏ bé Thái Bình Dương với 13,000 dân này sẽ tìm cách chuyển lòng trung thành ngoại giao của mình sang chính quyền cộng sản ở Trung Quốc.
Ngay sau thông báo của Nauru, Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố rằng họ sẽ “chấm dứt mối bang giao với Nauru và quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức” để “bảo vệ chủ quyền và phẩm giá quốc gia.”
Hôm 15/01, thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Điền Trung Quang (Tien Chung-kwang) cho biết trong cuộc họp báo được thu xếp vội vàng rằng chính phủ Nauru đã đề nghị Đài Bắc viện trợ “một số tiền lớn” trước khi đưa ra thông báo này. Ông Điền cho biết số tiền được yêu cầu “vượt xa” mức trung bình mà Đài Loan cung cấp cho các đối tác ngoại giao.
Ông Điền nói, “Sự việc này lại một lần nữa cho thấy rằng Trung Quốc đang dùng mọi cách có thể, kể cả tiền bạc và ngoại giao, để đàn áp chúng ta.”
Hành động của Nauru khiến Đài Loan chỉ còn lại 12 đối tác ngoại giao, bao gồm cả Vatican.
Từ lâu Bắc Kinh đã tìm cách cô lập Đài Bắc trên trường quốc tế như một phần trong nỗ lực sâu rộng nhằm buộc hòn đảo tự trị này chấp nhận yêu sách chủ quyền của mình. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chưa bao giờ cai trị Đài Loan, xem hòn đảo được quản lý dân chủ này là một tỉnh ly khai và tiếp tục điều động chiến đấu cơ và chiến hạm đến gần hòn đảo gần như hàng ngày.
Trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng từ phía Bắc Kinh, hôm 13/01 hàng triệu cử tri Đài Loan đã đến các điểm bỏ phiếu để bầu ra tổng thống tiếp theo của họ. Ứng cử viên Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), đã được bầu làm tổng thống sau khi giành được 40% số phiếu bầu.
Chiến thắng của ông Lại đánh dấu một sự thất bại cho nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa Đài Bắc về dưới quyền kiểm soát của mình. Ông Lại và đảng DPP tập trung vào việc duy trì hiện trạng Eo biển Đài Loan, theo đuổi sự tồn tại hòa bình với quốc gia lân bang rộng lớn nhưng bác bỏ quan điểm cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Điều đó đã khiến Bắc Kinh giận dữ, quốc gia này đã cắt đứt liên lạc chính thức với Đài Bắc kể từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Chính quyền này đã gán cho ông Lại, phó tổng thống hiện tại, là một “người theo chủ nghĩa ly khai” và cảnh báo người dân Đài Loan không nên bỏ phiếu cho ông trước cuộc bầu cử hôm 13/01.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại “chính thức” tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về những thông điệp mà hai quốc gia này đã gửi đi để chúc mừng chiến thắng của ông Lại.
Quân đội Trung Quốc chưa bình luận trực tiếp về kết quả bầu cử ở Đài Loan. Tuy nhiên, hôm 15/01, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ đã công bố đoạn phim về các cuộc tập trận hải quân ở Biển Hoa Đông mà không nêu rõ địa điểm và ngày tháng.
Thời điểm
Chính quyền Trung Quốc đã đặc biệt chọn thời điểm sau cuộc bầu cử để nhắm vào Đài Loan, ông Điền cho biết, và gọi thông báo của Nauru là “rất đường đột.” Trong khi Đài Loan biết rằng Trung Quốc vẫn đang “chủ động tiếp cận” các chính trị gia Nauru và “sử dụng viện trợ kinh tế để lôi kéo đảo quốc này chuyển sang công nhận ngoại giao,” vị bộ trưởng này cho biết họ cũng nhận được lời chúc mừng từ các quan chức Nauru sau cuộc bầu cử ngày 13/01.
Văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết hành động của Trung Quốc tương đương với “sự bác bỏ các giá trị dân chủ và thách thức trắng trợn trật tự và ổn định của cộng đồng quốc tế.”
“Từ lâu, chính quyền Bắc Kinh đã gây sức ép liên tục lên không gian ngoại giao của Đài Loan, bao gồm cả những lời hứa hão huyền lặp đi lặp lại nhằm lôi kéo các đồng minh ngoại giao của Đài Loan, thu hẹp không gian ngoại giao của Đài Loan,” phát ngôn viên văn phòng tổng thống Lâm Duật Thiền (Olivia Lin) được dẫn lời trong một tuyên bố hôm 15/01.
Kể từ năm 2016, Đài Loan đã mất 10 đồng minh ngoại giao.
“[Tuy nhiên,] không một sự việc nào trong số những hành động này có thể làm giảm ý chí của người dân Đài Loan trong việc hội nhập với thế giới, cũng như không thể thay đổi sự thật rằng Cộng Hòa Trung Hoa (Đài Loan) và Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa không phụ thuộc lẫn nhau,” tuyên bố cho biết, đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc cộng sản.
Một quan chức Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đánh giá cao và hoan nghênh quyết định của Nauru.
“Nauru, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, đã đưa ra lựa chọn đúng đắn khi nối lại mối bang giao với Trung Quốc một cách độc lập,” bà Mao Ninh (Mao Ning) phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 15/01.
Sự ủng hộ ‘vững như bàn thạch’
Tin tức này được đưa ra khi một phái đoàn gồm các cựu quan chức Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan. Dẫn đầu bởi cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Stephen Hadley, nhóm đã gặp bà Thái tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc vào ngày 15/01.
Cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan là “vững như bàn thạch,” ông Hadley cho biết, đồng thời lưu ý rằng ông mong muốn mối bang giao Đài Loan–Hoa Kỳ dưới sự quản lý của tân chính phủ Đài Loan vẫn sẽ được duy trì bền vững.
Mặc dù hai bên không cho liên hệ ngoại giao chính thức, nhưng Hoa Kỳ vẫn là nhà cung cấp khí tài chính và là quốc gia hậu thuẫn quan trọng nhất của Đài Loan trên trường quốc tế.
Hôm 13/01, sau cuộc bầu cử, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết Hoa Kỳ không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.
Ông Lại, trong cuộc họp với phái đoàn sau đó tại trụ sở đảng cầm quyền, cho biết ông sẽ đi theo chính sách của bà Thái, duy trì “hiện trạng” trong mối bang giao giữa hai bờ eo biển và bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan.
Mặc dù quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy rối Đài Loan, nhưng ông Lại nói với phái đoàn Hoa Kỳ rằng Đài Loan “có thể đối phó một cách bình tĩnh và hợp tác với các đối tác cùng chí hướng, bao gồm cả Hoa Kỳ, để bảo vệ hiện trạng ổn định ở khu vực Eo biển Đài Loan.”
Bản tin có sự đóng góp của Lawrence Wilson và John Haughey.
Hoàng Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times