Bắc Kinh không xoay chuyển được cuộc bầu cử ở Đài Loan. Điều gì diễn ra tiếp theo?
Các chuyên gia đưa ra những nhận định sâu sắc về tương lai của mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc sau cuộc bầu cử ở Đài Loan.
HOA THỊNH ĐỐN — Cuộc bầu cử hôm 13/01 ở Đài Loan, được xem là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử gần đây, đã thu hút sự chú ý của thế giới do những tác động sâu rộng của sự kiện này đối với mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Nhiều người trong cộng đồng quốc tế đã xem cuộc bầu cử này là một cuộc trưng cầu dân ý về thái độ của hòn đảo này đối với Trung Quốc Cộng sản và Hoa Kỳ.
Khi có tin Đảng Dân Chủ Tiến bộ (gọi tắt là Đảng Dân Tiến, DPP), một đảng ủng hộ cho mối liên kết bền chặt hơn với Hoa Kỳ, đã giành được thêm một nhiệm kỳ tổng thống bốn năm thì sự chú ý đã đỗ dồn sang Tòa Bạch Ốc.
Vài giờ sau đó, Tổng thống Joe Biden bước ra khỏi dinh thự của mình, thay đổi lịch trình hàng ngày, và trả lời một số câu hỏi từ các phóng viên trước khi đến khu nghỉ dưỡng của tổng thống tại Trại David ở Maryland.
Đúng như dự đoán, câu hỏi đầu tiên dành cho ông là về thái độ của ông đối với cuộc bầu cử ở Đài Loan.
Thể hiện sự thận trọng và lưu tâm đến những nhận xét khiến chế độ Bắc Kinh nổi giận trước đây của mình, Tổng thống đã đưa ra một bình luận ngắn gọn:
“Chúng tôi không ủng hộ độc lập.”
Sau đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chúc mừng đương kim Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, hay còn được gọi là ông William Lai, ứng cử viên của DPP, về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan.
“Hoa Kỳ cam kết duy trì hòa bình và ổn định xuyên Eo biển cũng như giải quyết các khác biệt một cách ôn hòa mà không có sự cưỡng ép hay áp lực nào,” tuyên bố viết.
Các nhà lãnh đạo Quốc hội và nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đưa ra các tuyên bố chúc mừng chiến thắng lịch sử của ông Lại.
Nhiều người xem kết quả của cuộc bầu cử quan trọng này là dấu hiệu của sự phản kháng từ người dân Đài Loan đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn tìm cách xoay chuyển cuộc bầu cử này bằng những lời đe dọa và các chiến dịch truyền thông.
Ông Gordon Chang, một thành viên cao cấp tại Viện Gatestone và là tác giả cuốn sách có nhan đề “The Coming Collapse of China” (Sự Sụp Đổ Sắp Tới Của Trung Quốc), mô tả thái độ của Tổng thống Biden là “yếu nhược” và mong muốn Tổng thống Hoa Kỳ thể hiện nhiều sức mạnh hơn nữa.
“Tôi nghĩ ông ấy chỉ đang cố gắng xoa dịu ông Tập Cận Bình,” ông Chang nói với The Epoch Times, đề cập đến nhà lãnh đạo ĐCSTQ. “Người dân ở Đài Loan, những người chỉ cách cường quốc to lớn và hay đe dọa này chỉ 100 dặm, còn không sợ Trung Quốc. Thì tại sao tổng thống Hoa Kỳ lại phải sợ Trung Quốc kia chứ?”
Theo ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-Đài Loan, tuyên bố vắn tắt của Tổng thống Biden thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Bắc Kinh và khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
“Tôi nghĩ đó là một sự nhượng bộ không cần thiết,” ông nói với The Epoch Times. “Tuyên bố đó làm suy yếu lập trường lâu dài của Mỹ đối với chủ quyền của Đài Loan.”
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền với một chính phủ được bầu cử dân chủ. ĐCSTQ đã quyết sẽ chinh phục Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tổng thống Biden nhiều lần nói rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ trợ giúp Đài Loan nếu chính quyền Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược vào hòn đảo này, khác với chính sách lâu nay của Hoa Kỳ với kiểu “mơ hồ về chiến lược,” tức là cố tình không rõ ràng về những gì Hoa Thịnh Đốn sẽ thực hiện khi có cuộc xâm lược diễn ra. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần rút lại bình luận của Tổng thống để tuyên bố rằng cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Đài Loan là không thay đổi.
Theo Đạo luật Mối quan hệ Đài Loan năm 1979, Hoa Thịnh Đốn có nghĩa vụ cung cấp cho hòn đảo tự trị này các phương tiện để tự vệ khỏi bị tấn công.
Đe dọa và can thiệp bầu cử
Trước thềm bầu cử, Trung Quốc đã gây áp lực đáng kể lên Đài Loan bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả việc khai triển các khinh khí cầu do thám và phát động chiến tranh tâm lý.
Kể từ tháng trước (12/2023), Bộ Quốc phòng Đài Loan đã báo cáo có hàng chục khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Eo biển Đài Loan nhạy cảm này, nơi phân cách hòn đảo này với Trung Quốc, trong đó có một số khinh khí cầu bay ngay phía trên hòn đảo này.
Bắc Kinh từ lâu đã có thái độ thù địch với DPP, xem đảng này và nghị trình của đảng là những rào cản trên con đường “thống nhất” hòn đảo với Hoa lục. Chế độ cộng sản ủng hộ phe đối lập chính của DPP là Quốc Dân Đảng (KMT), một đảng xem Bắc Kinh ít đe dọa hơn đối với an ninh quốc gia của hòn đảo.
Hôm 13/01, đảng cầm quyền DPP đã giành được nhiệm kỳ thứ ba mang tính lịch sử, với việc ông Lại có được hơn 5.5 triệu phiếu bầu, tương đương khoảng 40% số phiếu. Ứng cử viên liên danh của ông là bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), người đã từ chức đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ hồi tháng 11/2023, sẽ trở thành tân phó tổng thống.
Ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), đương kim thị trưởng thành phố Tân Bắc và là ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng, đứng thứ hai với khoảng 4.6 triệu phiếu bầu, trong khi ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je), cựu thị trưởng Đài Bắc và là ứng cử viên tổng thống của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), một đảng tương đối mới được thành lập hồi năm 2019, đứng thứ ba với khoảng 3.6 triệu phiếu.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Keith Krach, đã ca ngợi kết quả bầu cử lần này và xem đây là dấu hiệu cho thấy người dân Đài Loan tiếp tục ủng hộ mối quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan.
Ông nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Trước những mối đe dọa dai dẳng và sự can thiệp từ chính quyền Trung Quốc, người dân Đài Loan kiên quyết đứng lên ủng hộ nền dân chủ của họ, đồng thời gửi một thông điệp rõ ràng đến phần còn lại của thế giới.”
Tháng 09/2020, dưới thời Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, ông Krach trở thành quan chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập mối bang giao với Bắc Kinh vào năm 1979.
Theo ông Krach, chừng nào Đài Loan còn tự do thì ĐCSTQ sẽ còn tiếp tục gây căng thẳng ở Eo biển Đài Loan.
Trước cuộc bầu cử, chính quyền Trung Quốc đã đi quá xa khi cho rằng cuộc bỏ phiếu là một sự lựa chọn hệ trọng giữa “hòa bình và chiến tranh.”
Ông Mu-Jen Wu, một người Mỹ gốc Đài Loan sống ở New York, cho biết Ngày Bầu Cử đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với nền dân chủ Đài Loan.
Ông và gia đình là những người ủng hộ mạnh mẽ sự độc lập của Đài Loan và tin rằng Tổng thống Thái Anh Văn đã lãnh đạo tốt đất nước này trong suốt tám năm qua.
“Kết quả bầu cử này là một sự công nhận các chính sách của Tổng thống Thái: ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc và duy trì nền độc lập trên thực tế mà không cần tuyên bố,” ông Wu nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, ông cảm thấy rằng với một cơ quan lập pháp chia rẽ, bốn năm tới sẽ đòi hỏi đảng cầm quyền phải hợp tác một cách hiệu quả với phe đối lập.
Không có đảng nào chiếm đa số trong Quốc hội
Trong cuộc bầu cử này, Đảng Dân Tiến đã không giành được một khối đa số tuyệt đối trong Lập pháp viện, dẫn đến không đảng nào chiếm ưu thế trong cơ quan 113 ghế này.
Ông Hammond-Chambers thừa nhận những thách thức mà tổng thống sắp nhậm chức phải đối mặt bởi một nghị viện chia rẽ.
Ông nói: “Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn. Sẽ có nhiều cuộc đàm phán hơn, và quan trọng hơn là sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiến hành các bước lập pháp mà hai bên đồng ý thực hiện.”
Cũng không chắc chắn việc nghị viện do hai đảng cùng kiểm soát này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của Đài Loan với Hoa Kỳ và với các quốc gia khác.
Ông Hammond-Chambers cho biết, chẳng hạn, nếu cơ quan lập pháp do Quốc Dân Đảng kiểm soát không ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng hoặc cố gắng rút ngắn thời gian quân dịch từ một năm xuống còn 4 tháng, thì điều này sẽ không được nhìn nhận tích cực ở Hoa Kỳ.
Đảng Dân Tiến đã đánh bại Quốc Dân Đảng bằng một chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp năm 2016 và nắm quyền kể từ đó.
Quốc Dân Đảng kế tục sự nghiệp của chính phủ Tưởng Giới Thạch, vốn cai trị phần lớn Trung Quốc từ năm 1928 cho đến khi sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi để thua ĐCSTQ trong cuộc Nội Chiến Trung Quốc. Hiện nay, Quốc Dân Đảng được biết đến là đảng ủng hộ mối quan hệ mật thiết hơn với Bắc Kinh.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Hầu, 66 tuổi, đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng đồng thời nối lại đàm phán với ĐCSTQ như một phần trong “Chiến lược 3D” của ông, viết tắt của “Răn đe, Đối thoại, Giảm leo thang” (Deterrence, Dialogue, De-escalation).
Điều gì diễn ra tiếp theo?
Ở Hoa Thịnh Đốn, nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ mất bình tĩnh trước kết quả bầu cử này và sẽ phản ứng bằng cách này hay cách khác.
Bà Bonnie Glaser, giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Quỹ Marshall Đức, tin rằng Bắc Kinh sẽ từ chối nối lại liên lạc chính thức với chính phủ Đài Loan vốn đã ngừng hoạt động trong tám năm qua.
ĐCSTQ đã gán cho ông Lại và bà Tiêu là “sự kết hợp của hai kẻ ly khai,” gọi đây là “sự kết hợp nguy hiểm nhất.”
Bà Glaser cho biết trong một ghi chú: “Mong muốn của ông Tập nhằm duy trì sự ổn định mong manh trong mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Woodside với Tổng thống Joe Biden hồi tháng Mười Một có lẽ sẽ là một yếu tố ngăn cản ông ấy thực hiện các biện pháp quá sức khắc nghiệt đối với Đài Loan, ít nhất là trong thời gian còn lại của năm nay.”
“Tuy nhiên, áp lực của Trung Quốc đối với Đài Loan được cho rằng có thể sẽ tiếp diễn và có lẽ sẽ gia tăng, mặc dù việc sử dụng lực lượng quân sự để trừng phạt Đài Loan hoặc ép buộc phải thống nhất là khó xảy ra.”
Ông Chang cho rằng việc Bắc Kinh đe dọa người dân Đài Loan về chiến tranh trước thềm bầu cử đã phản tác dụng nếu xét đến mục tiêu của chính quyền này.
“Tôi nghĩ Trung Quốc không có khả năng để sử dụng vũ lực thôn tính Đài Loan. Vì vậy ít nhất là vào lúc này, tôi cho rằng đó chỉ là sự giận dữ và lời khoác lác,” ông nhận định.
Theo ông Chang, việc phối hợp một chiến dịch quân sự toàn diện, bao gồm trên không, trên bộ, và trên biển, là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với bất kỳ chính phủ nào.
“Trung Quốc chưa bao giờ làm được điều đó trong lịch sử của mình,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng ông Tập từng lo ngại về rủi ro thất bại của một chiến dịch như vậy.
Theo ông Chang, giả sử một thất bại như vậy xảy ra, thì điều này có thể đặt dấu chấm hết cho ĐCSTQ.
“Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình không tin tưởng quân đội của mình,” ông nói. “Chúng ta có thể thấy điều đó qua tất cả các cuộc thanh trừng và mất tích hàng loạt. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng ông Tập tin rằng quân đội của ông ấy đã sẵn sàng chiến đấu.”
Đối với các công ty Hoa Kỳ, phản ứng của Trung Quốc là nguyên nhân gây lo ngại vì phản ứng này có thể làm tăng chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Ông Hammond-Chambers dự đoán rằng các hoạt động vùng xám của ĐCSTQ, bao gồm cưỡng ép kinh tế, diễn tập quân sự, đe dọa không gian mạng, và các chiến thuật khác, sẽ tăng trở lại.
Ông nói rằng câu hỏi quan trọng là chính phủ ông Biden sẽ ứng xử thế nào trước phản ứng của Trung Quốc về chiến thắng của Đảng Dân Tiến, và ông đang thúc giục Hoa Thịnh Đốn hành động vượt trên những phản ứng đơn thuần bằng lời nói khi giải quyết các mối đe dọa của Bắc Kinh.
Ví dụ, nếu Trung Quốc tăng cường các hoạt động vùng xám hoặc tập trận quân sự, thì ông gợi ý rằng Hoa Thịnh Đốn nên đáp trả bằng cách bán thêm vũ khí cho Đài Loan. Tương tự, nếu Trung Quốc cố gắng cưỡng ép kinh tế đối với Đài Loan, thì ông gợi ý rằng Quốc Hội Hoa Kỳ hãy xúc tiến các thỏa thuận thuế giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, điều này sẽ giúp tạo thuận tiện cho hoạt động đầu tư giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Đài Loan đã sẵn sàng cho chiến tranh chưa?
Trong khi nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cho rằng một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ không sớm xảy ra thì họ cho rằng cách hiệu quả nhất để Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc tấn công hòn đảo này là tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của Đài Loan.
Ông Jim Fanell, Đại úy Hải quân Hoa Kỳ đã về hưu đồng thời là cựu giám đốc hoạt động tình báo và thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, tin rằng Đài Loan chưa quan tâm đầy đủ đến nền quốc phòng của mình. Ông cho rằng ông Tập và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có ý định, có quyết tâm chính trị, và các nguồn lực để tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan.
Ông Fanell nói với The Epoch Times, kể từ năm 2020, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, với hàng trăm phi cơ bay gần hòn đảo này mỗi tháng. Bất chấp tình trạng gia tăng hoạt động quân sự này, cả Hoa Kỳ và Đài Loan đều phản ứng thận trọng vì sợ xúc phạm Trung Quốc cũng như sợ gây ra một cuộc xâm lược rộng hơn.
Ông nói: “Đó là suy nghĩ sai lầm,” đồng thời lưu ý rằng hành động cần thiết bây giờ là Hoa Kỳ hợp tác với Nhật Bản và các đồng minh khác trong khu vực để nâng cao năng lực phòng thủ của Đài Loan.
Theo ông Fanell, quân đội Hoa Kỳ cũng nên chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc xung đột với Trung Quốc.
Ông nói, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng liên quan đến khả năng phát triển, chế tạo, và sản xuất hàng loạt vũ khí.
Ông Fanell chỉ ra rằng mặc dù Hoa Kỳ đã dành thời gian và nỗ lực đáng kể cho các cuộc chiến trên bộ ở Iraq, Afghanistan, và Syria trong 35 năm qua để chống khủng bố, nhưng nước này vẫn chưa chuẩn bị quân đội một cách đầy đủ cho một cuộc xung đột hải quân với Trung Quốc.
Ông cũng tin rằng lập trường mơ hồ về chiến lược hiện nay cần phải chấm dứt.
Ông Fanell nói: “Hoa Kỳ cần chuẩn bị và thể hiện sức mạnh quân sự của mình để bảo đảm rằng Bắc Kinh không nghi ngờ gì về lời cam kết của Hoa Kỳ.”
Bà Karla Jones, một chuyên gia về Đài Loan đồng thời là giám đốc cao cấp tại Hội đồng Trao đổi Lập pháp Mỹ, cho biết việc thể hiện một lập trường rõ ràng là cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột với Bắc Kinh.
Bà nói với The Epoch Times: “Tôi tin rằng cách tốt nhất để tránh xung đột là thể hiện mục đích rõ ràng, và đó là lúc không còn sự mơ hồ về chiến lược. Chính sách [mơ hồ] đó khiến Trung Quốc tin rằng Đài Loan không còn quan trọng đối với Hoa Kỳ nữa.”
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang
Vân Sa và Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times