Chỉ trích ĐCSTQ, 5 nhà bình luận chính trị Đài Loan bị Trung Quốc trừng phạt
Trong một cuộc họp báo hôm 15/05, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc đã cảnh báo về “những hành động kỷ luật” đối với năm nhà bình luận chính trị Đài Loan và gia đình họ ở Đài Loan. Một trong những nhà bình luận bị nhắm mục tiêu lại rất hoan nghênh việc bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trừng phạt, gọi đó là “vinh dự trọn đời.”
Ông Trần Ban Hoa (Chen Binhua), phát ngôn viên của Văn phòng Sự vụ Đài Loan, đã nêu tên năm nhà bình luận chương trình tọa đàm chính trị nổi tiếng gồm—ông Hoàng Thế Thông (Huang Shicong), ông Lý Chính Hạo (Lee Cheng-hao), ông Vương Nghị Xuyên (Wang Yichuan), ông Vu Bắc Thần (Yu Beichen), và ông Lưu Bảo Kiệt (Liu Baojie)—cáo buộc rằng họ đã “không màn đến sự phát triển và tiến bộ ở Trung Quốc” và “truyền bá thông tin sai lệch và tiêu cực” về nền kinh tế Trung Quốc. Các chi tiết cụ thể của lệnh trừng phạt không được tiết lộ.
‘Vinh dự trọn đời’
Ông Vu Bắc Thần, thiếu tướng đã về hưu, cũng là Ủy viên Hội đồng thành phố Đào Viên ở phía bắc Đài Loan, xem lệnh trừng phạt của ĐCSTQ là một sự công nhận muộn màng kéo dài hơn 4 thập niên.
“Năm 15 tuổi, tôi gia nhập quân đội và tuyên thệ chống lại ĐCSTQ,” ông Vu nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. “Tình báo của ĐCSTQ đã quá chậm chạp trong việc nhận ra của tôi.”
Ông nhấn mạnh: “Đó là một vinh dự dù muộn màng, khẳng định rằng tôi đang đi đúng con đường. Việc tôi chống lại chủ nghĩa cộng sản vẫn còn tiếp tục sau khi tôi phục vụ quân đội. Đây đúng là một vinh dự trọn đời.”
Ông Vu khẳng định rằng các nhà bình luận bị nhắm mục tiêu đã tạo được ảnh hưởng đối với khán giả Trung Quốc, cho thấy hành động của ĐCSTQ là nhằm thao túng dư luận ở Trung Quốc, đặc biệt là trước lễ nhậm chức vào ngày 20/05 của tổng thống mới đắc cử Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te).
Ông Vu giải thích rằng hành động này là sự trả đũa của ĐCSTQ sau thất bại của các đảng thân ĐCSTQ trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan.
Chế giễu khắp nơi về lời cảnh báo của ĐCSTQ
Theo ông Vu, những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến các nhà bình luận đã phản tác dụng.
“ĐCSTQ không thể ngăn chặn khát vọng dân chủ và tự do ngôn luận ở Đài Loan,” ông nhận xét. “Hành động của ĐCSTQ đã trở khơi nguồn cho những lời chế giễu.”
Ông Vu lưu ý rằng nhiều chuyên gia khác bày tỏ sự bất bình với việc Bắc Kinh không thừa nhận lập trường và cam kết chống cộng sản của họ đối với Đài Loan. Ông nhận xét rằng, “Họ tin rằng họ cũng nên nằm trong danh sách đen của Bắc Kinh.”
“Vinh dự này không chỉ dành riêng cho chúng tôi; mà vinh dự này cần được chia sẻ cho tất cả những ai yêu mến Đài Loan và đề cao tự do, dân chủ,” ông Vu nhấn mạnh.
Ông Trần Thế Dân (Chen Shih-min), giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, đồng tình rằng cảnh báo kỷ luật đó đã phản tác dụng, xem ĐCSTQ như một trò cười ở Đài Loan.
“Rõ ràng là người dân Đài Loan xem đây là một huy chương danh dự,” ông nói với The Epoch Times.
Ông Trần khẳng định ĐCSTQ không có thẩm quyền ở Đài Loan và không nhận ra sự khác biệt về chính thể giữa Đài Loan và Trung Quốc. “Thậm chí, người dân Đài Loan còn ít có xu hướng ủng hộ ‘sự thống nhất’ dưới quyền cai trị của ĐCSTQ,” ông nói thêm.
Là cá nhân đầu tiên có tên trong danh sách đen này, ông Hoàng đã đăng trên Facebook của mình rằng việc đến Đài Loan là một điều may mắn khi xét đến hậu quả của việc nói sự thật về Trung Quốc cộng sản. Ông kêu gọi công dân Đài Loan sau vụ việc này hãy trân trọng quyền tự do ngôn luận đang thịnh hành ở Đài Loan.
Về động cơ của Văn phòng Sự vụ Đài Loan trong việc đưa ra cảnh báo kỷ luật nêu trên, ông Thẩm Minh Thất (Shen Mingshi), Phó Giám đốc Điều hành Tạm quyền tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan (INDSR), cho rằng nhiều phe phái khác nhau trong ĐCSTQ đã tìm cách lấy lòng nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi ông Lại nhậm chức vào ngày 20/05.
Tuy nhiên, ông Trần cho rằng Văn phòng Sự vụ Đài Loan đã nhắm nhầm người. Ông tin rằng vụ việc này chỉ mang đến cho những nhà bình luận lượng người xem cao hơn. “Khi việc chế nhạo ĐCSTQ trở thành lý do chính giúp tăng lượng người xem, ĐCSTQ phải nghiêm túc suy ngẫm về hành vi của mình và liệu họ có đánh giá sai về dư luận ở Đài Loan hay không,” ông nói với The Epoch Times.
“Giờ đây, các quan chức cấp cao của Văn phòng Sự vụ Đài Loan có thể đang lo ngại về hậu quả của vụ việc này,” ông nói thêm.
Đáp lại, Hội đồng Sự vụ Đại lục, đối tác của Đài Loan với Văn phòng Sự vụ Đài Loan, tuyên bố rằng sự bắt nạt và những lời đe dọa nhắm vào các cá nhân Đài Loan và gia đình họ vì bày tỏ quan điểm bất đồng “làm nổi bật sự thiếu tự tin của Bắc Kinh vào thể chế và cách quản lý của chính họ.”
Đài Loan kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng xã hội tự do và đa dạng của Đài Loan.