Tân tổng thống Đài Loan tuyên thệ nhậm chức, kêu gọi Trung Quốc ngừng hăm dọa
Ông Lại Thanh Đức cho biết: ‘Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đối mặt với sự thật rằng Trung Hoa Dân Quốc tồn tại.’
ĐÀI BẮC — Tân tổng thống Đài Loan đã đọc diễn văn tuyên thệ nhậm chức, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động hăm dọa về quân sự và chính trị, mặc dù điều này khó có thể ngăn cản tham vọng giành quyền kiểm soát hòn đảo tự trị này của chính quyền cộng sản.
Trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Hai (20/05), ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), thành viên Đảng Dân Tiến (DDP), cho biết Đài Loan, với tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc (ROC), là một “quốc gia có chủ quyền và độc lập.” Ông nói thêm rằng Đài Loan và Trung Quốc, tên gọi chính thức là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa (PRC), là hai quốc gia không lệ thuộc lẫn nhau.
“Tôi cũng muốn kêu gọi Trung Quốc chấm dứt những hành vi hăm dọa chính trị và quân sự đối với Đài Loan, cùng Đài Loan đảm nhận những trách nhiệm toàn cầu, tận lực duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan cũng như trong khu vực, đồng thời bảo đảm rằng toàn thế giới không phải chịu đựng nỗi sợ chiến tranh,” ông Lại nói.
Ông Lại cho biết chính phủ của ông mong muốn “củng cố nền dân chủ của Đài Loan” và “duy trì hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
“Tôi luôn tin rằng nếu người lãnh đạo quốc gia đặt lợi ích của người dân lên trên hết, thì hòa bình tại Eo biển Đài Loan, các lợi ích chung, cũng như việc cùng tồn tại và phát triển sẽ là những mục tiêu chung,” ông cho biết thêm. “Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đối mặt với sự thật rằng Trung Hoa Dân Quốc tồn tại.”
Ông Lại đã chiến thắng cuộc tổng tuyển cử tổng thống hồi tháng 01/2024, với cách biệt khoảng 7 điểm phần trăm so với người đứng thứ hai là ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), một ứng cử viên thuộc Quốc Dân Đảng (KMT). Chiến thắng của ông đã mang đến cho Đảng Dân Tiến ba nhiệm kỳ liên tiếp chưa từng có, sau 8 năm lãnh đạo của bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen).
Chiến thắng của Đảng Dân Tiến được xem là một bước lùi đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn vẫn thường xem trọng các ứng cử viên chính trị của Quốc Dân Đảng hơn do họ có quan điểm thân với quốc gia cộng sản láng giềng này. Ngược lại, chính quyền Trung Quốc đã gác nhãn ông Lại là “kẻ phá rối” và “kẻ ly khai.”
ĐCSTQ thường gán nhãn “ly khai” cho bất kỳ người Đài Loan nào bảo vệ chủ quyền của hòn đảo và bác bỏ yêu sách lãnh thổ của chính quyền cộng sản đối với hòn đảo này. Chính quyền cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị quân đội để chiếm đóng Đài Loan, mặc dù trên thực tế hòn đảo này đã là một quốc gia độc lập với quân đội, hiến pháp, và tiền tệ riêng.
Ông Lại nhắc nhở người dân Đài Loan không nên nuôi dưỡng bất cứ ảo tưởng nào về Trung Quốc.
“Chừng nào Trung Quốc còn chưa từ bỏ sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, thì mọi người dân Đài Loan chúng ta nên hiểu rằng ngay cả khi chúng ta hoàn toàn chấp nhận quan điểm của Trung Quốc và từ bỏ chủ quyền, thì tham vọng thôn tính Đài Loan của Trung Quốc vẫn sẽ không biến mất,” ông cho biết.
Củng cố lập trường dân chủ kiên định
Về các vấn đề quốc tế, ông Lại cho biết ông sẽ hợp tác với “các quốc gia dân chủ khác để hình thành một cộng đồng dân chủ,” cùng hợp tác trong các vấn đề như chống tin giả và củng cố lập trường dân chủ kiên định.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tác động đến cuộc bầu cử ở Đài Loan đã được ghi lại hết sức rõ ràng, với các chiến thuật bao gồm tuyên truyền thông tin sai lệch thông qua các nền tảng truyền thông xã hội và sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính để tác động đến cử tri Đài Loan.
Một bản tin tình báo Hoa Kỳ được giải mật cho thấy Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ, và ngày càng có nhiều lo ngại rằng ĐCSTQ sẽ cố gắng tác động đến kết quả của cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2024.
Hôm thứ Hai (20/05), trước khi đọc diễn văn, ông Lại đã nhận lời chúc mừng từ khoảng 200 chính trị gia và đại diện ngoại quốc tại Văn phòng Tổng thống Đài Loan. Các quan chức đến dự gồm có những người đến từ các quốc gia hiện đang duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, cũng như các quan chức đến từ Nhật Bản, Úc, Canada, Hoa Kỳ, và một số quốc gia Âu Châu.
Hôm thứ Hai (20/05), phái đoàn lưỡng đảng do Hoa Kỳ cử đến viếng thăm ông Lại có sự góp mặt của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage cùng cựu phụ tá kinh tế hàng đầu của Tòa Bạch Ốc Brian Deese. Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã tới Đài Loan để chúc mừng ông Lại.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã phát hành một tuyên bố chúc mừng ông Lại, đồng thời chúc mừng bà Thái đã “củng cố mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan trong suốt 8 năm qua.”
“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Tổng thống Lại trên mọi nhóm quan điểm chính trị của Đài Loan để củng cố những lợi ích và giá trị chung của chúng ta, làm sâu sắc thêm mối quan hệ lâu năm không chính thức của chúng ta, và duy trì hòa bình, ổn định trên Eo biển Đài Loan,” ông Blinken tuyên bố.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin (Dân Chủ-Maryland), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết ông mong muốn được “hợp tác với Chính phủ Tổng thống Lại để tiếp tục củng cố mối quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan bằng cách mở rộng kinh tế, an ninh, và sự gắn kết giữa người dân hai bên,” theo một tuyên bố.
Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một liên minh các nhà lập pháp đến từ nhiều quốc gia trên toàn cầu, đã chúc mừng việc ông Lại nhậm chức trên nền tảng X (trước đây là Twitter).
‘Năm lĩnh vực công nghiệp đáng tin cậy’
Ông Lại cũng thảo luận về tầm quan trọng của các ngành công nghệ Đài Loan đối với thế giới.
“Đài Loan đã thành thạo kỹ thuật sản xuất chất bán dẫn tân tiến, và chúng ta đang ở vị trí trung tâm của cuộc cách mạng AI,” ông cho biết. “Chúng ta là nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng dành cho các nền dân chủ toàn cầu.”
Đài Loan sản xuất khoảng 90% vi mạch bán dẫn tân tiến nhất thế giới, đó là những mạch tích hợp nhỏ cung cấp năng lực cho mọi thứ từ máy điện toán, điện thoại thông minh, cho đến hệ thống hỏa tiễn. Vậy nên tham vọng thôn tính Đài Loan của Trung Quốc cũng phần nào chịu thôi thúc từ mục tiêu giành quyền kiểm soát lĩnh vực bán dẫn của hòn đảo này.
Dưới thời chính phủ của mình, ông Lại cho biết ông đặt mục tiêu phát triển “năm lĩnh vực công nghiệp đáng tin cậy”—vi mạch bán dẫn, AI, quân đội, an ninh và giám sát, cũng như truyền thông liên lạc thế hệ tiếp theo.
Trước lễ nhậm chức diễn ra hôm thứ Hai (20/05), Trung Quốc đã có những hành động gây áp lực lên ông Lại.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong vòng 24 giờ trước 6 giờ sáng (giờ địa phương) hôm 20/05, Trung Quốc đã điều động bảy chiến hạm đến vùng biển lân cận Đài Loan cùng sáu phi cơ quân sự bay qua vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này.
Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA) do chính phủ Đài Loan điều hành, đầu tháng này, Cục An ninh Quốc gia Đài Loan công bố rằng trong những tháng gần đây, số vụ tấn công mạng từ phía Trung Quốc đã tăng lên. Theo hãng thông tấn này, mỗi ngày có khoảng 2.5 triệu vụ tấn công mạng đã phát sinh trong những tháng gần đây, tăng từ 1 triệu vụ được ghi nhận trong tháng 01/2024. Những vụ tấn công này chủ yếu nhắm vào các trang web của chính phủ Đài Loan.
Tuần trước, Trung Quốc đã trừng phạt năm bình luận viên chính trị Đài Loan. Hội Ký giả Ngoại quốc Đài Loan (TFCC) đã lên án hành động này.
“Các biện pháp trừng phạt này vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được đưa tin mà không e sợ bị đe dọa hay trả đũa của các ký giả,” TFCC cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc duy trì các nguyên tắc tự do ngôn luận và tiết chế các hành vi làm suy yếu tính độc lập và liêm chính của nghề báo.”
Hôm thứ Hai (20/05), Bộ thương mại Trung Quốc đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với ba công ty Hoa Kỳ—Bộ phận Quốc phòng, Không gian và An ninh của Boeing, General Atomics Aeronautical Systems, và General Dynamics Land Systems—vì đã bán vũ khí cho Đài Loan.
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) cũng chúc mừng ông Lại và tân Phó Tổng thống Đài Loan Tiêu Mỹ Cầm trên X. Trước đây bà Tiêu từng là đại điện hàng đầu của Đài Loan tại Hoa Kỳ dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Thái Anh Văn.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times