Cựu Phó Tổng thống Pence gặp ông Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine
Hôm 29/06, cựu Phó Tổng thống (TT) Mike Pence đã có chuyến đi bất ngờ tới Ukraine để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bối cảnh nước này đang tiếp tục cuộc chiến với Nga.
Hành động này khiến ông trở thành thành viên có triển vọng trở thành tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng Hòa gặp gỡ nhà lãnh đạo Ukraine kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu.
Ông Pence đã thực hiện chuyến đi với tổ chức cứu trợ nhân đạo cơ đốc quốc tế Samaritan’s Purse. Ngoài cuộc gặp với ông Zelensky, nghị trình trong ngày của ông bao gồm cập nhật về các vi phạm nhân quyền ở địa phương, tóm lược tình hình an ninh từ các quan chức Ukraine, và những chuyến thăm đến các địa điểm khác nhau để tôn vinh những người Ukraine đã ngã xuống.
“Tôi tin tưởng vai trò lãnh đạo thế giới tự do của nước Mỹ,” ông Pence nói với NBC News trong một cuộc phỏng vấn độc quyền. “Nhưng đến đây với tư cách là một công dân bình thường, có thể thực sự tận mắt chứng kiến sự anh dũng của những người lính Ukraine đang giữ phòng tuyến trong những khu rừng đó, thấy chí khí anh hùng của người dân ở mảnh đất Irpin này đã cầm chân quân đội Nga, thấy những gia đình có nhà cửa bị nã pháo theo đúng nghĩa đen giữa một cuộc xâm lược vô lương tâm và vô cớ của Nga chỉ càng khiến quyết tâm của tôi thêm mạnh mẽ để thực hiện phần việc của mình, tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho những bằng hữu và đồng minh Ukraine của chúng ta.”
Ông nói rằng chuyến thăm đã “giúp tôi có thêm nhiều tư liệu để có thể về nhà và nói chuyện với người dân Mỹ rằng sự ủng hộ của Mỹ quốc có tầm quan trọng sống còn thế nào trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.”
Lập trường của ông Pence về cuộc chiến đặt ông vào thế mâu thuẫn với một phần đáng kể trong đảng của mình.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 44% thành viên Đảng Cộng Hòa và những người độc lập nghiêng về Đảng Cộng Hòa nói rằng Hoa Kỳ đang cung cấp quá nhiều viện trợ cho Ukraine. Kết quả này đánh dấu mức tăng 4% so với hồi tháng Một và mức tăng đáng kinh ngạc 35% so với hồi tháng 03/2022, không lâu sau khi chiến sự khởi phát.
Ngược lại, chỉ 14% thành viên Đảng Dân Chủ ngày nay hoài nghi về tổng số tiền viện trợ được cung cấp. Nếu tính toàn bộ trong Đảng Dân Chủ và những người thiên theo Đảng Dân Chủ, thi phần này là 28%.
Trong một cuộc phỏng vấn khác của NBC, khi được hỏi về sự bất mãn ngày càng tăng giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa của ông, thì ông Pence nhấn mạnh rằng vấn đề này “lớn hơn cả chính trị.”
“Tôi thực sự tin rằng nếu ông Vladimir Putin và quân đội Nga có thể tràn qua Ukraine, thì sẽ không mất quá lâu để họ sẽ vượt qua biên giới, nơi những người đàn ông và phụ nữ mặc quân phục của chúng ta sẽ phải bước ra và chiến đấu,” ông nói. “Và thẳng thắn mà nói, thì nửa sau của thế kỷ 21 có thể trông rất giống với nửa đầu của thế kỷ 20. Tôi nghĩ chúng ta sát cánh cùng quân đội Ukraine ở đây, cung cấp cho họ những gì họ cần.”
Nói thêm rằng ông cảm thấy thời điểm hiện tại là thời điểm “cần đến khả năng lãnh đạo,” ứng cử viên này nói rằng đó là một trong những lý do khiến ông quyết định tham gia tranh cử tổng thống.
“Tôi thực sự tin rằng bây giờ, hơn bao giờ hết, quốc gia của chúng ta cần những nhà lãnh đạo sẽ nói chuyện thẳng thắn với người dân về những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt trên khắp thế giới và tại chính quê nhà của mình, đồng thời mang đến khả năng lãnh đạo thực sự rõ ràng được xây dựng trên các nguyên tắc trường tồn qua thời gian của chúng ta.”
Chính phủ ‘chậm chạp’
Mặc dù các thành viên Đảng Cộng Hòa khác phàn nàn rằng chính phủ hiện tại đã quá nhanh chóng gửi hàng tỷ dollar viện trợ tài chính và quân sự ra ngoại quốc, nhưng cựu TT Pence cho biết mối quan tâm của ông lại trái ngược với điều đó.
Ông nói, “Tôi cho rằng chính phủ TT Biden đã chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, và tôi thực sự đã nghe điều đó ngày hôm nay trong cuộc gặp gỡ với các quan chức, quan chức an ninh.”
Ông cho biết chính phủ đã chậm trễ trong việc cung cấp xe tăng Abrams cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá và “lề mề” trong việc chấp thuận chuyển giao F-16 từ các đồng minh NATO.
Nhưng ngay cả như vậy, ông nói thêm rằng ông cho là Hoa Kỳ không nên gửi quân đến Ukraine.
“Chúng ta không cần làm vậy — hôm nay tôi đã nghe Tổng thống Zelensky nói lại điều này một lần nữa. Ông ấy nói rằng, ‘Chúng tôi sẽ không đòi hỏi gửi binh lính Mỹ, và chúng tôi không [cần] họ. … Thứ chúng tôi cần là đạn dược; những gì chúng tôi cần là viện trợ.’”
Ông Pence nhấn mạnh rằng mục tiêu là cung cấp đủ viện trợ để ngăn chặn ông Putin cũng xâm lược một đồng minh lân cận của NATO — một tình huống mà theo hiệp ước, Hoa Kỳ sẽ phải điều quân đến.
‘Một mớ hỗn độn lớn’
Chuyến đi của ông Pence diễn ra ngay sau cuộc binh biến chóng vánh của tập đoàn lính đánh thuê Wagner chống lại nhà nước Nga sau nhiều tháng leo thang căng thẳng trong bối cảnh giao tranh ở Ukraine.
Hôm 23/06, theo chỉ thị của thủ lĩnh Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, tổ chức này đã chiếm giữ thành phố Rostov-on-Don của Nga và đưa quân tiến về phía Moscow. Tuy nhiên, ngày hôm sau, cuộc hành quân này đột ngột bị hoãn lại khi ông Alexander Lukashenko, tổng thống của nước láng giềng Belarus, bước vào đàm phán hòa bình.
Là một phần của thỏa thuận đó, ông Prigozhin và những người trung thành với ông đã bị lưu đày sang Belarus.
Bình luận về cuộc xung đột này thông qua Truth Social, cựu Tổng thống Donald Trump gọi tình hình đó là “một mớ hỗn độn lớn.”
“Một mớ hỗn độn lớn ở Nga, nhưng hãy cẩn thận với những gì quý vị mong muốn,” ông viết. “Điều sắp tới có thể tồi tệ hơn nhiều!”
Vị tổng thống thứ 45 này đã nhiều lần nói rằng sẽ không có chuyện Nga xâm lược Ukraine dưới sự quản lý của ông. Ông cũng cho rằng, nếu có cơ hội, ông có thể kết thúc xung đột chỉ sau 24 giờ.
Hôm 19/06, trong một cuộc phỏng vấn với ông Bret Baier của Fox News, ông đã nhắc lại những tuyên bố đó, đồng thời nói thêm trước đây ông đã cảnh báo ông Putin rằng nếu ông ta xâm lược Ukraine thì cái giá phải trả sẽ rất đắt.
“Tôi nghĩ ông ấy định làm thế,” ông Trump nói. “Nghe này, tôi đã nói chuyện với ông ấy. Tôi nói, ‘Nếu ông làm điều đó, thì sẽ phải trả giá đắt. Nó sẽ là một thảm họa. Đừng làm thế.’”
Ông nói thêm rằng ông Putin lúc đó cũng không tin rằng ông Trump sẽ thực hiện lời nói của mình.
“Ông ấy nói, ‘Không, không, không, ông sẽ không làm thế.’ Tôi nói, ‘Tôi sẽ làm, ông Vladimir ạ, tôi sẽ làm. Tôi sẽ làm điều đó.’”
Điểm tranh luận
Có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc chiến Ukraine giữa chiến trường bầu cử sơ bộ tổng thống đông đúc của Đảng Cộng Hòa.
Ông Trump, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa, cho biết ông hy vọng có một giải pháp hòa bình để chấm dứt thiệt hại về người của cả hai bên.
Hồi tháng Ba, Thống đốc Florida Ron DeSantis cũng chia sẻ quan điểm tương tự, nói với người dẫn chương trình của Fox News lúc bấy giờ là ông Tucker Carlson rằng ông không quan tâm đến việc “bị vướng vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Ukraine và Nga.” Sau khi nhận được phản ứng dữ dội vì những bình luận đó, sau đó, ông đã làm rõ lập trường của mình, gọi ông Putin là “tội phạm chiến tranh” và nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga là “sai trái.”
Những người khác, như cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, lại có chung suy nghĩ với ông Pence.
“Đây không chỉ là một cuộc chiến về Ukraine và Nga; đây là cuộc chiến giành tự do, và là cuộc chiến mà chúng ta phải giành chiến thắng,” bà Haley nói tại một sự kiện gặp gỡ cử tri hôm 24/05 ở Rye, New Hampshire. Giống như ông Pence, bà cũng nhấn mạnh rằng quân đội Hoa Kỳ không nên được điều động đến tham chiến trong cuộc xung đột này.
Đầu tuần này, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie đã bày tỏ quan điểm tương tự, cho biết cuộc nổi loạn đã bị dập tắt ở Nga là một dấu hiệu cho thấy “sự yếu thế” của ông Putin ở trong nước và chiến tranh có thể sớm được giải quyết.
Ông Christie nói: “Tôi nghĩ quý vị phải theo dõi việc này rất cẩn thận, nhưng chúng ta phải tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Chúng ta phải cung cấp cho họ vũ khí họ cần để chiến đấu chống lại quân Nga và đẩy lùi họ.”
Ông cho rằng việc ủng hộ Ukraine là nhất tiễn song điêu (một mũi tên trúng hai đích).
“Đây là cuộc chiến đầu tiên trong cuộc chiến ủy nhiệm với Trung Quốc,” ông nói. “Trung Quốc đang tài trợ cho cuộc chiến này của Nga bằng cách mua dầu của Nga. … Chúng ta không muốn một thế giới nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc cộng sản. Và vì vậy, đây là một cuộc chiến mà Mỹ quốc cũng có phần.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times