PHÂN TÍCH: Cuộc binh biến của Wagner ảnh hưởng thế nào đến xung đột Nga-Ukraine?
Lãnh đạo tập đoàn Wagner bác bỏ những khẳng định của phương Tây rằng cuộc binh biến phơi bày sự yếu kém của quân đội Nga
Cuộc binh biến vũ trang đầy kịch tính — dù chỉ xảy ra trong chớp nhoáng — do người đứng đầu Tập đoàn Wagner, ông Yevgeny Prigozhin lãnh đạo đã kích khởi một loạt những đồn đoán rằng quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang giảm sút.
Trong bài diễn thuyết trên truyền hình hôm 25/06, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết: “Chúng ta đã thấy nhiều rạn nứt xuất hiện ở vòng ngoài của Nga.”
“Cuộc binh biến Đặt ra Những câu hỏi Nhức nhối,” The New York Times đã đưa ra tiêu đề một ngày sau đó. “Ông Putin Có thể Đánh mất Quyền lực Không?”
Hôm 24/06, tình tiết trở nên kịch tính khi chứng kiến hàng ngàn binh lính Wagner, do ông Prigozhin chỉ huy, tiến về Moscow. Mục đích của họ là bày tỏ sự bất bình về cách cuộc xung đột ở Ukraine đang được tiến hành.
Nhưng mặc dù hành động này chắc chắn khiến giới lãnh đạo Nga bối rối, nhưng sự kiện đó đã được giải quyết trong vòng 24 giờ, với việc ông Prigozhin nhanh chóng ngừng cuộc nổi loạn của mình.
Hơn nữa, khi các sự kiện diễn ra, toàn bộ khía cạnh của xã hội Nga — cả dân sự lẫn quân sự — dường như tập hợp xung quanh ông Putin và lên án những kẻ nổi loạn.
“Những sự kiện này cho thấy xã hội đoàn kết luôn ở bên tổng thống như thế nào,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 27/06.
Mối thù từ lâu của ông Prigozhin
Mặc dù cuộc binh biến này kết thúc gần như là trước khi nó bắt đầu, nhưng nhìn lại thì sự thù nghịch này đã âm ỉ từ lâu.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine 15 tháng trước, Tập đoàn Wagner, một công ty quân sự tư nhân có liên hệ mật thiết với Điện Kremlin, hiện đang là lực lượng chủ đạo lãnh đạo cuộc chiến này.
Sau khi các binh lính Wagner chiếm được thị trấn Soledar hồi tháng Hai, ông Prigozhin bắt đầu cáo buộc giới lãnh đạo cao nhất của Nga đã không gửi đủ đạn dược ra mặt trận — một thất bại mà ông nói là không khác gì “tội phản quốc.”
Trong vài tháng tiếp theo, những lời chỉ trích của ông đối với Moscow ngày càng trở nên gay gắt.
Ông liên tục kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov từ chức.
Tại một thời điểm, ông Prigozhin cho biết “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã không đạt được mục tiêu. Ông cũng nghi hoặc về năng lực giữ được lãnh thổ đã chiếm được của quân đội chính quy Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng trước, ông một lần nữa chỉ trích Moscow, cho rằng cái được cho là tham nhũng và quản lý kém có thể dẫn đến “cuộc cách mạng” ở Nga.
Về phần mình, Moscow hầu như phớt lờ những hành động bộc phát này cho đến hôm 24/06, khi ông Prigozhin — sau một trong những bài công kích đặc trưng của mình — đã đột ngột đẩy mâu thuẫn lên cao hơn.
Với hàng ngàn binh lính Wagner, ông đã chiếm thành phố Rostov-on-Don của Nga, rồi từ thành phố này một đoàn xe vũ trang bắt đầu tiến về Moscow với mục đích mà ông đã tuyên bố là “khôi phục công lý.”
Cuộc binh biến bất thành
Nhưng mọi chuyện đã không được như dự tính.
Tối hôm 24/06, có tin tức cho biết Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của ông Putin, đã dàn xếp một thỏa thuận với thủ lĩnh của Wagner, người đã ra lệnh cho các binh lính của mình quay trở lại doanh trại của họ.
Đổi lại, các cáo buộc hình sự đối với ông Prigozhin được bãi bỏ, và ông sẽ được phép định cư tại Belarus. Ngoài ra, các binh lính Wagner tham gia vào cuộc binh biến sẽ được ân xá vì những thành tích ở tiền tuyến thay mặt cho Nga của họ.
“Tất cả đều rất bất ngờ,” ông Stanislav Aleksandrovich Pritchin, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Nga, nói với The Epoch Times.
Ông Pritchin nói: “Trước đó, không thể tưởng tượng được rằng một trong những đồng minh trên danh nghĩa của ông Putin lại có thể hành động độc lập như vậy — và vì lợi ích của chính ông ta — ở phạm vi công khai.”
“Nhưng sự bất bình của ông Prigozhin dường như chủ yếu là với Bộ Quốc phòng của ông Shoigu,” ông nói thêm. “Tôi không nghĩ mục đích của ông ấy là thay đổi chế độ ở Moscow.”
Kể từ đó, truyền thông Nga đưa tin rằng ông Prigozhin sẽ bị nhà chức trách Belarus giám sát để bảo đảm ông không “tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào.”
Trong một thông điệp qua video hôm 26/06, ông Prigozhin khẳng định cuộc nổi loạn của ông không phải là một âm mưu đảo chính, mà chỉ đơn giản là một “biểu hiện phản đối” giới lãnh đạo quân sự của Nga.
Sự ủng hộ mới của phương Tây
Động cơ của lãnh đạo nhóm Wagner vẫn chưa rõ ràng, và vụ việc này từ lúc đó đã làm nảy sinh một số thuyết âm mưu.
Hôm 27/06, ông Viktor Zolotov, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, nói với hãng thông tấn TASS của Nga rằng cuộc nổi loạn này có khả năng “được truyền cảm hứng bởi tình báo phương Tây.”
Mặc dù ông không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố này, nhưng thuyết âm mưu này vẫn đang lưu hành phổ biến trong giới blogger và giới bình luận Nga.
Nhưng có một điều chắc chắn: Cuộc binh biến này đã đưa ra lời biện minh mới cho việc sự ủng hộ tăng cường của phương Tây dành cho Kyiv — bất chấp một cuộc phản công kéo dài nhiều tuần đã đạt được kết quả thấp hơn đáng kể so với dự kiến.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 25/06 với tờ nhật báo La Provence của Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các hành động của ông Prigozhin đã bộc lộ “sự chia rẽ trong phe Nga [cũng như] sự mong manh của quân đội và các lực lượng phụ trợ của họ.”
Ông tuyên bố rằng những hé lộ này “biện minh hoàn hảo cho sự ủng hộ mà chúng tôi đang dành cho người Ukraine trong cuộc kháng chiến của họ.”
Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã nắm lấy cuộc binh biến bị hủy bỏ của ông Prigozhin như một dấu hiệu cho thấy bộ máy quân sự của Nga đang tan rã.
“Tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa thấy hành động cuối cùng,” ông Blinken nói với ABC hôm 25/06. “Đến mức độ mà người Nga bị phân tâm và chia rẽ, thì điều đó có thể khiến việc truy tố họ về hành vi xâm lược Ukraine trở nên khó khăn hơn.”
Người đảm trách chính sách ngoại giao của Liên minh Âu Châu Josep Borrell cũng khẳng định rằng hệ thống chính trị của Nga đang “tỏ ra yếu kém, và sức mạnh quân sự đang rạn nứt.”
Tướng Philip Breedlove, cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ, tuyên bố rằng các thể chế nhà nước của Nga đang “phân tách” và uy tín của quân đội Nga đã bị “giảm đi nhiều.”
Không ảnh hưởng đến cuộc xung đột
Nhưng có phải thế không?
Thứ nhất, giới quan chức Nga — trên toàn thế giới — đã đồng lòng lên án những kẻ nổi loạn. Ngay cả trong chính Tập đoàn Wagner, rất ít nhân viên — nếu có — đã tham gia vào cuộc nổi loạn của ông Prigozhin.
Hơn nữa, khi các sự kiện diễn ra, ông Putin đã nhận được một vài lời kêu gọi ủng hộ từ các đồng minh chủ chốt, bao gồm các nhà lãnh đạo của Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Kazakhstan, và Qatar.
Hôm 24/06, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Erdogan đã bày tỏ “sự ủng hộ hoàn toàn đối với các hành động của giới lãnh đạo Nga,” theo Điện Kremlin.
Mặc dù là một thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối bang giao tốt đẹp với Nga, là quốc gia mà nước này có sự liên kết rộng lớn về thương mại cũng như chia sẻ đường biên giới dài trên biển.
Nhưng có lẽ điều đáng nói nhất là, ngay cả truyền thông phương Tây cũng thừa nhận rằng cuộc binh biến xấu số này đã không ảnh hưởng đến cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm 25/06, NY Times, dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ, nói rằng cuộc hành quân của ông Prigozhin tới Moscow “đã không khiến bất kỳ đơn vị nào của Nga … phải rời khỏi vị trí của họ ở miền nam hoặc miền đông Ukraine.”
Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov thừa nhận các mục tiêu trong cuộc phản công của Kyiv đã được “đánh giá quá cao.”
Trong nhiều tháng, Kyiv và những người ủng hộ phương Tây đã hứa hẹn một cuộc phản công mạnh mẽ nhằm chiếm lại lãnh thổ do Nga chiếm giữ. Nhưng kể từ khi bắt đầu hôm 04/06, chiến dịch phản công này không đạt được nhiều thành tựu.
Về phần mình, ông Pritchin không đồng tình với những khẳng định của phương Tây rằng cuộc binh biến này được thực hiện nhằm phơi bày sự yếu kém của quân đội Nga.
Ông nói, “Wagner vẫn là một bộ phận trong năng lực quân sự của Nga.”
“Câu hỏi lớn hiện nay là làm thế nào ông Putin có thể tích hợp nhóm này vào hệ thống phân cấp quân sự và hệ thống an ninh của Nga.”
Hôm 27/06, ông Prigozhin đến Belarus theo các điều khoản của thỏa thuận do ông Lukashenko làm trung gian.