Công an Trung Quốc bắt đầu truy xét những người tham gia biểu tình phản đối chính sách COVID-19
Theo các bản tin, công an Trung Quốc đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào những người tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ hồi cuối tuần trước chống lại các chính sách COVID-19 hà khắc của nhà cầm quyền cộng sản, cho thấy nhà nước giám sát này đang dốc toàn lực để đối phó với cuộc biểu tình bất tuân dân sự lớn nhất của đất nước, vốn chưa từng có trong nhiều thập niên trở lại đây.
Hai người biểu tình nói với Reuters rằng hôm thứ Ba (29/11), những người gọi điện đến tự xưng là sĩ quan công an Bắc Kinh đã đề nghị họ lên đồn công an khai báo tình hình và viết bản tường trình về các hành động của họ vào tối Chủ Nhật (27/11). Một sinh viên cũng cho biết họ đã được trường đại học hỏi liệu họ có ở trong khu vực xảy ra biểu tình hay không và yêu cầu viết bản tường trình.
“Tất cả chúng tôi đều đang xóa lịch sử trò chuyện của mình trong lo âu sợ hãi,” một người khác chứng kiến cuộc biểu tình ở Bắc Kinh và từ chối nêu tên cho biết. Người này cho biết công an đã hỏi làm thế nào họ hay tin về cuộc biểu tình và động cơ đi biểu tình của họ là gì.
Hôm thứ Hai (28/11), một phụ nữ biểu tình cũng nói với AFP rằng công an thành phố đã gọi điện cho cô và năm người bạn của cô, hỏi xem họ có tham gia các cuộc biểu tình gần sông Lương Mã ở Bắc Kinh hay không. Người phụ nữ ẩn danh này cho biết, trong một trường hợp, công an còn đến tận nhà của bạn cô để hỏi thăm, bởi vì người này đã từ chối trả lời cuộc gọi từ phía công an.
Mặc dù không rõ làm thế nào công an có thể nhận dạng được những người biểu tình này, nhưng một luật sư Trung Quốc nói với Wall Street Journal rằng cô nghi ngờ công an đã sử dụng dữ liệu trên điện thoại di động của những người biểu tình, trong đó có những dữ liệu do ứng dụng truy vết tiếp xúc COVID bắt buộc của chính quyền thu thập, để xác định danh tính của họ. Luật sư Vương Thắng Sinh (Wang Shengsheng) đã trợ giúp pháp lý cho hơn 20 người biểu tình sau khi họ nhận được cuộc gọi từ công an.
Sự hiện diện dày đặc của công an
Trong khi đó, các sĩ quan công an đã tuần tra các tuyến phố ở Bắc Kinh cũng như ở các thành phố khác của Trung Quốc vào tối thứ Hai (28/11) để ngăn chặn các cuộc biểu tình cuối tuần lặp lại.
Từ thành phố phía đông Thượng Hải đến thị trấn Korla xa xôi ở khu tự trị viễn tây Tân Cương, các cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước để phản đối các biện pháp phòng chống dịch COVID nghiêm ngặt của nhà cầm quyền. Những người tham gia hét lớn, “Chúng tôi muốn tự do!”
Nhiều người dân ở Thượng Hải trực tiếp bày tỏ sự tức giận của họ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và lãnh đạo tối cao của đảng này, ông Tập Cận Bình. “Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc! Đả đảo Tập Cận Bình!” đám đông liên tục hô vang tại cuộc biểu tình hôm thứ Bảy (28/11) trên đường Ô Lỗ Mộc Tề.
Hàng trăm cư dân Bắc Kinh cầm nến và giấy trắng để biểu thị sự phản đối đã tập trung tại cầu Lương Mã vào tối Chủ Nhật (27/11) lạnh giá. Những chiếc xe hơi đi ngang qua bấm còi để thể hiện sự ủng hộ.
Các cuộc biểu tình này đã bùng phát sau vụ hỏa hoạn tang thương trong một tòa nhà chung cư ở thủ phủ của vùng viễn tây Tân Cương, Ô Lỗ Mộc Tề, nhiều khu vực trong thành phố này đã bị phong tỏa hơn 100 ngày. Các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt này được cho là nguyên nhân gây ra ít nhất 10 ca tử vong, trong đó nhiều người nói rằng các biện pháp hạn chế đã cản trở người dân thoát khỏi tòa nhà cao tầng đang bốc cháy cũng như làm chậm trễ nỗ lực cứu hộ, một cáo buộc mà các quan chức địa phương bác bỏ.
Có thông tin cho rằng các cuộc biểu tình được lên kế hoạch ở Bắc Kinh vào tối thứ Hai (28/11) đã bị hủy bỏ. Địa điểm nơi các nhóm trò chuyện trên Telegram đề nghị mọi người đến đó tụ tập để tiếp tục biểu tình đã tràn ngập ánh đèn nhấp nháy từ xe cảnh sát, theo một đoạn phim trực tuyến và Reuters. Các sĩ quan công an cũng tuần tra địa điểm này để chắc chắn rằng không có cuộc tụ tập nào diễn ra.
Tại trung tâm tài chính của Thượng Hải, các hàng rào thép cao vút đã được dựng lên dọc theo các địa điểm nổ ra các cuộc biểu tình, người dân địa phương nói với The Epoch Times. Tại đường Ô Lỗ Mộc Tề, nơi diễn ra các cuộc biểu tình cuối tuần qua, một ký giả của AFP đã đếm được 12 xe cảnh sát trong phạm vi 330 feet (100 mét) dọc theo tuyến đường này.
Giam giữ người biểu tình
Các nhân chứng cho biết những người biểu tình đã bị giam giữ sau các cuộc biểu tình, mặc dù không rõ chính xác có bao nhiêu người đã bị giam giữ.
Một phụ nữ trẻ tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Bảy (26/11) ở Thượng Hải cho biết cô đã thấy ba người biểu tình bị bắt trước khi cô rời địa điểm vào khoảng 8 giờ tối. “Đám đông hét lên ‘Thả họ ra!’ Nhưng họ vẫn bị bắt đi,” cô nói với The Epoch Times.
Các phóng viên của AFP tại trung tâm tài chính này đã chứng kiến bốn người bị giam giữ trong suốt ngày thứ Hai (28/11), một người sau đó đã được thả về.
Cho đến thứ Ba (29/11), chính quyền Trung Quốc và các hãng thông tấn do nhà nước hậu thuẫn vẫn im hơi lặng tiếng về các cuộc biểu tình này.
Mặc dù sang tuần này các cuộc biểu tình đã không tiếp tục ở các thành phố lớn của Trung Quốc nữa, nhưng ở những nơi khác thì vẫn xuất hiện.
Cầm trên tay những tờ giấy trắng, một số sinh viên trẻ tập trung tại khu thương mại trung tâm của Hồng Kông, nơi diễn ra phong trào đòi dân chủ của toàn dân vào năm 2019.
Cảnh quay được đăng tải trên mạng cho thấy, khoảng 50 sinh viên cũng tập trung tại khuôn viên của Đại học Trung văn Hồng Kông để tưởng nhớ các nạn nhân ở Tân Cương.
Đã có các cuộc biểu tình lẻ tẻ ở Hàng Châu, một thành phố cách Thượng Hải khoảng 106 dặm (170km), vào tối thứ Hai, theo các video lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội mà The Epoch Times hiện chưa thể kiểm chứng tính minh xác.
Cảnh quay cho thấy hàng trăm công an chiếm giữ một quảng trường lớn trong thành phố, ngăn người dân tụ tập. Một video cho thấy lực lượng công an, bị một đám đông nhỏ cầm điện thoại thông minh vây quanh, tiến hành bắt giữ trong khi những người khác cố gắng kéo người bị bắt giữ trở lại.
Phản ứng của các quan chức
Khi được hỏi liệu các nhà chức trách có xem xét lại chính sách zero COVID của mình hay không, ông Mễ Phong (Mi Feng), phát ngôn viên ủy ban y tế Trung Quốc, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng chính quyền đang “liên tục điều chỉnh” các biện pháp phòng chống COVID của mình.
Một quan chức y tế khác cho rằng những lời phàn nàn về các biện pháp kiểm soát COVID của chế độ tập trung chính vào việc thực thi thiếu linh hoạt của các quan chức địa phương thay vì phàn nàn về bản thân biện pháp đó.
Ông Trình Hữu Toàn (Cheng Youquan), Cục trưởng Cục Giám sát thuộc Cục Quản lý Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, “Các vấn đề được công chúng nêu ra không nhằm vào bản thân việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh mà tập trung vào việc đơn giản hóa các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.”
Sự bất mãn của công chúng đã tích tụ ba năm đối với chính sách zero COVID của nhà cầm quyền. Biện pháp hà khắc nhằm mục đích loại bỏ mọi ca lây nhiễm thông qua các đợt xét nghiệm lặp đi lặp lại, giám sát hàng loạt, và cách ly bắt buộc này đã làm trầm trọng thêm một trong những đợt suy giảm tăng trưởng mạnh nhất mà Trung Quốc phải hứng chịu trong nhiều thập niên, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và làm chao đảo thị trường tài chính.
Trong khi đó, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã phải trải qua các đợt phong tỏa lẻ tẻ làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày và gây ra khó khăn nghiêm trọng cho nhiều người, bao gồm việc không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thậm chí dẫn đến tử vong do điều kiện cách ly khắc nghiệt.
Hôm thứ Hai (28/11), chính quyền địa phương ở Bắc Kinh và một số thành phố đã nới lỏng các quy định về COVID ở một mức độ nhất định, mặc dù hầu hết các yêu cầu vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, các nhà phân tích không kỳ vọng chính sách zero COVID sẽ được rút lại, bởi vì đây là biện pháp mà ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình xem là một cách tiếp cận vượt trội so với cách ứng phó với dịch bệnh của phương Tây.
Không đề cập đến tình trạng bất ổn gần đây, một bài xã luận hôm thứ Ba trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, một lần nữa kêu gọi người dân “kiên quyết thực hiện” các chính sách COVID.
Bài báo viết: “Việc càng khó bao nhiêu, thì các vị phải nghiến răng chịu đựng nhiều bấy nhiêu.”
Dường như có nhiều người thất vọng sau phản ứng chính thức của chính quyền Trung Quốc hôm thứ Ba, đặc biệt là những người vẫn đang phải sống dưới sự phong tỏa.
Bản tin có sự đóng góp của Cố Hiểu Hoa và Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times