Cổ đạo nhân sinh: Thôi Tư Căng bày diệu kế, phá án oan cứu người vô tội
Thôi Tư Căng sống dưới thời Võ Tắc Thiên, là người thông minh, tinh tế, mưu dũng toàn tài.
Bình nguyên nổi bão
Vào một năm nọ, anh họ của Thôi Tư Căng là Thôi Tuyên bị một người từng có tư thù với mình vu cho tội mưu phản. Tội danh này không nhẹ, một khi tra rõ thì cả gia đình sẽ bị xử trảm. Sau khi nhận được cáo trạng, triều đình đã ủy phái Ngự sử Trương Hành Ngập chủ trì thẩm tra án này. Sau khi Trương Hành Ngập tiếp quản, ông phái người bắt giam Thôi Tuyên trước, chuẩn bị bắt tay tiến hành điều tra.
Lúc này, để làm cho lời vu cáo của mình thêm phần chân thực đáng tin, cừu gia của Thôi Tuyên đã nghĩ ra kế, lừa một thị thiếp của nhà Thôi Tuyên ra ngoài, đem giấu cô đến một nơi bí mật, sau đó tung tin khắp nơi rằng: “Thị thiếp của Thôi Tuyên phát hiện ra chủ nhân mưu đồ làm loạn, đang định báo quan thì bị Thôi Tuyên giết hại, ném xác xuống sông Lạc.” Tin này vừa truyền ra đã khiến dư luận dậy sóng, mọi người lũ lượt yêu cầu triều đình nghiêm trị kẻ sát nhân.
Ngự sử Trương Hành Ngập không hề bị dư luận lung lay, vẫn bí mật tiến hành điều tra theo phương án mà ông đã định. Kết quả phát hiện, Thôi Tuyên không có bất kỳ động cơ mưu phản nào, đừng nói đến có hành động gì. Đối với việc giết người diệt khẩu mà bên ngoài lưu truyền, ngoại trừ sự biến mất của người thị thiếp thì không có bằng chứng nào xác thực. Về việc thị thiếp mất tích, Thôi gia giải thích là chính nàng rời đi, về phần vì sao rời đi, nàng đi đâu, họ căn bản đều không biết. Trương Hành Ngập khép lại vụ án với lý do Thôi Tuyên không có hành vi mưu phản và bẩm tấu lên triều đình.
Võ Tắc Thiên nhận được báo cáo kết án thì không khỏi giận dữ, lập tức hạ một đạo chỉ, lệnh cho Trương Hành Ngập thẩm tra lại lần nữa. Trương Hành Ngập mang hồ sơ vụ án quay về, bắt giam cả người tố cáo, cẩn thận tra hỏi, nhưng không phát hiện thêm manh mối nào. Ông lại thẩm vấn Thôi Tuyên, lời khai của Thôi Tuyên vẫn giống hệt như lần trước. Trương Hành Ngập lần nữa báo lên triều đình rằng Thôi Tuyên vô tội.
Võ Tắc Thiên sai người đưa Trương Hành Ngập vào cung, rất không hài lòng nói với ông rằng: “Ta vốn tưởng ngươi hành sự chừng mực, lão luyện thành thục, không ngờ ngươi lại lười biếng và ngoan cố như vậy. Sau hai lần xử liên tiếp, vụ án vẫn chưa được giải quyết, thực sự khiến ta thất vọng. Sự việc thực ra rất đơn giản, tội danh và bằng chứng mưu phản của Thôi Tuyên đã rất rõ ràng, nhưng ngươi lại dung túng cho hắn, nói rằng hắn vô tội. Nếu ta ra lệnh cho Lai Tuấn Thần xét xử vụ án này, có kết quả, ngươi đừng có hối hận.”
Nghe được lời quở trách này, Trương Hành Ngập cảm thấy rất khó chịu. Ông đã dốc hết tâm sức vào việc điều tra phá án, nhưng cuối cùng kết quả lại thế này. Hơn nữa Võ Tắc Thiên còn lôi Tuấn Thần ra để uy hiếp. Mọi người đều biết, Lai Tuấn Thần là một viên quan tàn ác có tiếng dưới thời Võ Tắc Thiên, dùng thủ đoạn gian xảo, thâm độc và tàn nhẫn đối với tù nhân. “Thỉnh quân nhập úng” (mời ngài vào chum) chính là điển cố thành ngữ dựa trên câu chuyện liên quan đến Lai Tuấn Thần.
Trương Hành Ngập mạnh dạn trả lời Võ Tắc Thiên: “Thần thừa nhận thẩm án không bằng Lai Tuấn Thần, nhưng bệ hạ đã ủy phái thần điều tra vụ án, thần đã dốc lòng hành sự theo sự thật. Sự việc vốn thế nào thì nên nói như thế ấy, không thể theo ý chỉ nhất thời của bên trên mà khinh suất, tùy tiện giết hại cả nhà người khác. Nếu là như vậy, còn có thể xưng là pháp quan thi hành vương pháp không? Những lời bệ hạ vừa nói, thần nghĩ đó là một bài kiểm tra đối với thần, để xem liệu thần có thể tuân theo ý chỉ của bệ hạ và phá án một cách công bằng, trung thực hay không.”
Võ Tắc Thiên nghe xong càng thêm phẫn nộ, gay gắt nói: “Ngươi không cần biện giải, nếu như Thôi Tuyên thật sự đã giết thị thiếp của hắn, âm mưu phản nghịch không còn gì để nghi ngờ, hiện tại nói hắn vô tội, có chứng cứ gì không? Tìm không được thị thiếp của hắn, thì cũng không có lý do gì để minh oan cho hắn!” Nói xong, Võ Tắc Thiên tức giận đùng đùng khởi giá quay về nội cung.
Trương Hành Ngập lúc này thực sự đã có vài phần sợ hãi, ông vội vàng hạ lệnh, thúc giục gia đình Thôi Tuyên tìm tung tích của người thị thiếp, nếu không sẽ không cách nào chống đỡ.
Diệu kế phá án
Nhà họ Thôi càng thêm hoảng loạn, đối mặt với việc tìm người không hề có manh mối nào như vậy, gần như không biết nên bắt đầu từ đâu. Thôi Tư Căng là người đưa ra giải pháp đầu tiên, ông nói: “Lúc thị thiếp bỏ đi không chút động tĩnh, không một dấu vết, muốn tìm nàng ở thành Trường An rộng lớn chẳng khác gì mò kim đáy biển. Không bằng chúng ta bố trí mấy điểm ở hai đầu nam bắc của dải Trung kiều sầm uất, dùng tiền và vải để thưởng cho người nói ra được chỗ ở của nàng hoặc biết được tung tích của nàng, như vậy có thể sẽ tìm được vài manh mối quý giá.” Thế là, mọi người liền theo ý kiến của Thôi Tư Căng, chia nhau ra hành động.
Tuy nhiên, tiền thưởng bày ra đã mấy ngày nhưng đều không có ai đến cung cấp manh mối có giá trị. Cả nhà họ một lần nữa rơi vào cảnh vô kế khả thi. Thôi Tư Căng mấy ngày liên tiếp cau mày, khổ tâm suy nghĩ. Dần dần, ông phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ: những việc mà họ bí mật bàn bạc và đưa ra quyết định, nhà bên kia rất nhanh đã biết rõ ràng rành mạch, đồng thời luôn có biện pháp đối phó trước, khiến kế hoạch của nhà họ thất bại.
Thôi Tư Căng nhận ra rằng trong gia đình mình có nội gián, nhưng nghĩ tới nghĩ lui, lại không thể xác định đó là kẻ nào. Thế là, trong tâm ông nghĩ ra một kế. Một ngày nọ, sau bữa tối, Thôi Tư Căng nói lớn với thê tử của Thôi Tuyên trước mặt mọi người trong gia đình rằng: “Đệ cần ba trăm sất lụa, mong chị chuẩn bị cho.” Thê tử của Thôi Tuyên hỏi tại sao ông cần nhiều lụa như vậy, ông nói: “Đệ sẽ thuê sát thủ để giết kẻ đã vu cáo gia đình chúng ta.” Nói xong, ông giả vờ thờ ơ nhìn lướt qua mọi người, cũng không phát hiện người nào có phản ứng gì đặc biệt.
Sáng sớm hôm sau, khi trời còn chưa sáng tỏ, Thôi Tư Căng đã trốn trước cổng Ngự Sử Đài. Vì người tố giác phải làm chứng trước khi vụ án khép lại nên cũng bị giam giữ ở đây, Thôi Tư Căng muốn làm rõ rốt cuộc kẻ đưa tin là ai.
Ngay khi đang nghĩ về điều đó, ông nhìn thấy một vị quán khách (chỉ người làm công việc tiếp đón khách) họ Thư từ gia đình ông vội vã đi về hướng này. Vị quán khách họ Thư này đến từ Kim Hoa, Chiết Giang, khiêm tốn ít nói, cử chỉ tao nhã, phong thái đàng hoàng, đã sống và làm việc trong nhà họ Thôi được vài năm. Thôi Tuyên rất tán thưởng và tin tưởng anh ta, luôn giao việc cho anh ta giống như đối xử với người thân trong nhà.
Thôi Tư Căng thấy anh ta đến thì không khỏi kinh ngạc, chưa kịp định thần lại thì thấy vị quán khách đã đến cổng của Ngự Sử Đài, anh ta lấy tiền trong túi ra đưa cho người gác cổng. Người gác cổng cho anh ta vào, một lúc sau thì anh ta đi ra. Ngay lập tức, trong Ngự Sử Đài vang lên tiếng kêu cứu của người tố cáo, nói rằng muốn gặp Ngự sử đại nhân, cũng nói rằng nhà họ Thôi muốn thuê người giết mình, muốn người gác cổng báo cáo với bên trên để có biện pháp bảo đảm an toàn cho mình.
Thôi Tư Căng vốn rất tôn trọng vị quán khách họ Thư đó, chưa bao giờ nghi ngờ anh ta. Không ngờ anh ta lại là kẻ báo tin, Thôi Tư Căng vừa kinh ngạc vừa tức giận, bí mật đi theo anh ta. Khi đến cầu Thiên Tân, đoán chắc vị quán khách sẽ không thể đến Ngự Sử Đài nữa nên đã ngăn anh ta lại. Vị quán khách kinh ngạc thất sắc, Thôi Tư Căng vô cùng tức giận, mắng: “Tên lưu manh quỷ quyệt, vô ơn bạc nghĩa nhà ngươi, nhà ta nào có đối xử tệ bạc với ngươi, mà ngươi làm ra chuyện âm hiểm xấu xa như vậy? Nhà họ Thôi chúng ta bị phá hoại, ngươi chắc chắn sẽ bị coi là đồng lõa, đến lúc đó ngươi trốn thoát được không? Bây giờ ngươi nghe cho kỹ, có hai con đường cho ngươi lựa chọn: thứ nhất, ngươi khai ra tung tích của người thị thiếp, ta sẽ cho ngươi năm trăm sất lụa, ngươi về quê sống một đời dư dả. Thứ hai, nếu ngươi không hợp tác với ta và tiếp tục làm kẻ thù của nhà họ Thôi, thì ta nhất định sẽ giết ngươi.”
Vị quán khách mặt đầy vẻ xấu hổ, không ngừng tạ lỗi với Thôi Tư Căng, liên tục nói “xin lỗi, xin lỗi”, đồng thời lập tức đưa Thôi Tư Căng đến chỗ giấu người thị thiếp. Sự xuất hiện của người tiểu thiếp khiến những người kia không thể buộc tội Thôi Tuyên mưu phản được nữa. Nhờ thế Thôi Tuyên có thể vô tội và được thả ra.