Cổ đạo nhân sinh: Người phụ nữ ăn xin trở thành Đại Quốc phu nhân
Trương Tòng Ân (898-966) là người Thái Nguyên, Bình Châu. Ông là tướng lĩnh thời Ngũ Đại Thập Quốc và là Tiết độ sứ nhà Bắc Tống. Những năm đầu thời nhà Hậu Tấn, vì mang thân phận ngoại thích [người thân của họ ngoại nhà vua] nên Trương Tòng Ân được thăng làm Hữu Kim Ngô Vệ Tướng quân. Không lâu sau, ông được chuyển làm Thứ sử Bối Châu, rồi thăng lên Phó lưu thủ Bắc Kinh, Phòng ngự sử Thiền Châu, sau đó lần lượt nhận chức Xu mật Phó sứ và Nam Viện sứ Tuyên Huy (kiêm Lưu thủ Tây Kinh). Sau đó không lâu, ông lại được bổ nhiệm làm Tam ty sứ.
Khi Tiết độ sứ An Tòng Tiến dẫn quân dẹp loạn ở Tương Dương, Trương Tòng Ân đảm nhận chức Hành dinh binh mã Đô giám (người giám sát quân và ngựa của doanh trại). Khi Hán Thiếu Đế lên ngôi, ông được gia phong làm Đông Trung Thư Môn hạ Bình Chương Sự (Tể tướng). Vào thời Hậu Chu, ông chuyển làm Tả Kim Vô Vệ Thượng tướng quân. Khi Chu Tổ chinh phục Duyện Châu, Trương Tòng Ân đi theo ngự giá. Khi Thế Tông kế vị ngai vàng, ông được gia chức Kiểm hiệu Thái sư, phong tước Bao Quốc Công. Sau khi nhà Tống kiến lập, ông được đổi phong tước thành Hứa Quốc Công. Sau đó, vì mang bệnh tật nên ông được miễn chức. Năm Càn Đức thứ tư (năm 966), Trương Tòng Ân qua đời, thọ sáu mươi chín tuổi.
Khi Trương Tòng Ân giữ chức Hành dinh binh mã Đô giám, ông đã nạp thêm một trắc thất [vợ bé]. Nàng là người Hà Đông, dung mạo rất xinh đẹp, thông tuệ, mẫn tiệp và đa tài đa nghệ. Lúc mười bốn, mười lăm tuổi, trắc thất này đã bị một quan quân cưỡng chiếm, về sau nàng trở thành vợ của người này. Tên quan quân này phải chuyển quân doanh nên đã dời đến dải đất Lạc Dương, nàng cũng đi theo hắn. Khi đến Thượng Đảng, nàng đột nhiên mắc bệnh, tên quan quân chỉ còn cách sai người khiêng nàng đi thẳng về phía trước. Khi đến một nơi gọi là Bắc Tiểu Kỷ, bệnh của nàng càng trầm trọng hơn, ngay cả canh cũng không uống được, từ sáng đến chiều tiêu chảy hơn cả trăm lần. Cơ thể nàng gầy gò đến nỗi chỉ thấy da bọc xương, khắp người vừa bẩn thỉu lại vừa hôi thối, luộm thuộm, không ai muốn lại gần nàng. Trong lòng tên quan quân chán ghét nàng cực độ, hắn bỏ mặc nàng ở lề đường, rồi theo quân tiếp tục di chuyển.
Nàng bị bỏ lại bên lề đường, mấy ngày liền không có gì để ăn. Người qua đường nhìn thấy nàng đều cảm thấy vô cùng thương xót. May mắn thay bên đường có một hang đất trũng, có thể chứa được vài người. Những đứa trẻ đốn củi và chăn dắt trâu bò thường sẽ chạy vào cái hang này để tránh mưa tránh gió. Người qua đường cảm thấy thương hại nàng, nên bế nàng vào cái hang đất đó. Lại vài ngày nữa trôi qua, bệnh tình của nàng dần thuyên giảm. Thế nhưng toàn bộ y phục trên thân đã bị những kẻ côn đồ nơi đó lấy mất. Nàng chỉ còn cách nhặt một ít lá và cỏ rơi rụng trên đất, đắp lên thân để che đi vẻ xấu xí của mình. Đợi đến khi có một chút sức lực, nàng chật vật bước chậm đến một quán ăn gần đó, ngày ngày xin đồ ăn thừa của người khác, đêm xuống thì ngủ dưới mái hiên của một lữ quán.
Một ngày nọ, có một bà lão đến gặp nàng và nói: “Tôi thấy cô không giống như người ăn xin. Tôi sống cách đây không xa, chỉ cách đây khoảng ba trăm bước thôi.” Nói xong, bà đưa nàng về nhà của mình. Bà lão giúp nàng tắm rửa gội đầu, lại tìm y phục cho nàng mặc, mỗi ngày bà đều cho nàng đồ ăn, mặc dù chỉ có cháo và rau, chẳng có gì khá khẩm hơn. Thế nhưng qua vài tháng sau, nàng đã khôi phục dáng vẻ trước kia, dung mạo và sắc vóc đẹp đến diễm lệ, quả thật giống như một nàng tiên nữ! Gia đình nào trong xóm có con trai chưa lấy vợ đều tranh nhau hỏi cưới nàng, nhưng đều bị nàng từ chối.
Một ngày nọ, tình cờ có một thư sinh đi ngang qua đây. Khi nghe được chuyện này, chàng một mực muốn được gặp người con gái xinh đẹp kia. Sau khi gặp mặt, chàng lập tức nói với bà lão rằng: “Có thể để nàng ấy trở thành thê tử của tôi được không? Nếu bà đồng ý, tôi sẽ dâng tặng bà năm mươi tấm lụa màu.” Lão bà đồng ý. Sau khi hoàn tất mọi việc, thư sinh bảo nàng thay một bộ y phục cùng những bộ trang sức mới tinh, rồi dùng xe ngựa đưa nàng rời đi. Hai người cùng nhau đến Tương Dương và thuê một căn nhà ở đó.
Họ ở đây không được bao lâu thì Tiết độ sứ An Tòng Tiến dẫn quân đến dẹp loạn. Những kẻ phản loạn vì ham muốn tiền tài của thư sinh này, nên nhân cơ hội hỗn loạn đã sát hại chàng và bắt thê tử của chàng. Quân An Tòng Tiến thất bại, trong lúc hỗn loạn nàng lại bị binh lính bắt đi. Có người thấy nàng rất xinh đẹp nên đã dâng nàng tặng cho Trương Đô giám.
Trương Đô Giám chính là Trương Tòng Ân. Trong số những thê thiếp của mình, ông đặc biệt sủng ái và yêu chiều nàng. Vài năm sau, chính thất của Trương Tòng Ân qua đời, ông liền để nàng làm kế thất, với địa vị tân phu nhân. Khi Trương Tòng Ân trở thành Thứ sử của một quận, nàng cũng được phong làm Quận phu nhân. Khi trở thành phu nhân, nàng giỏi lo liệu việc nhà, đặc biệt chú trọng đến quy củ, mọi việc lớn nhỏ trong nhà cũng đều dùng lễ nghĩa phép tắc để suy xét. Đến khi Trương Tòng Ân được đặc biệt gia phong làm chức Đông Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự (Tể tướng) vào thời Hậu Tấn, nàng cũng được phong làm Đại Quốc phu nhân. Cuối cùng, nàng qua đời trong phủ đệ của mình ở Lạc Dương.
Nàng là một nữ tử hết lần này đến lần khác gặp chuyện không may, nếm trải mọi hiểm nguy gian khổ. Ban đầu, nàng thất thân với người khác, phải đi xin ăn khốn khó cùng cực, nhưng cuối cùng lại trở nên vinh hoa phú quý, được tiến phong là Đại Quốc phu nhân. Vì sao lại như vậy? Thời xưa, người hiền nhân quân tử khi chưa đắc được cơ duyên, sống quanh quẩn giữa chốn bụi trần, đói rét khốn khổ, sắc mặt xanh xao, chính là rơi vào hoàn cảnh than trời kêu đất, muốn tìm đường tử, nhưng thường cũng khó được toại nguyện. Một khi thời thế xoay chuyển, kiến công lập nghiệp, gặp lúc gió mây hội tụ, rồng ngậm hổ gầm, thì quan cao lộc hậu, ân sủng gia tăng, liên miên chẳng dứt, công nghiệp được ghi vào sử sách, anh danh trường tồn bất hủ. Những người như vậy kể ra thì có rất nhiều! Sở dĩ tác giả viết ra câu chuyện này, là muốn để mọi người biết rằng, ngay cả một nữ nhân có thân phận thấp kém cũng không thể xem thường, huống hồ là những người văn võ tài cán, đang tạm thời khốn khổ với địa vị thấp kém trong tầng lớp thường dân kia.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ