Chuyên gia: Nước đi tăng cường kiểm soát tài chính đối với Trung Quốc của Bắc Kinh là ‘một ngõ cụt’
Một chuyên gia nhận định, ông Tập Cận Bình đang ‘quyết tâm giải quyết khủng hoảng kinh tế thông qua chế độ độc tài chính trị.’
Khi các lãnh đạo hàng đầu tập trung tại hội nghị tài chính quan trọng nhất của Trung Quốc, Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương (CFWC) năm 2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết họ sẽ tăng cường kiểm soát lĩnh vực tài chính trị giá 61 ngàn tỷ USD của quốc gia này. Mặc dù CFWC đã nêu bật những thách thức mà lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình phải đối mặt liên quan đến nền kinh tế yếu kém, nhưng các chuyên gia cho rằng hội nghị này không đề ra được giải pháp cho những khó khăn tài chính của Trung Quốc.
Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, hội nghị công tác tài chính quốc gia được tổ chức hai lần một thập niên này đã diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 30 đến ngày 31/10. Hội nghị diễn ra cùng lúc với các nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm giải quyết các khoản nợ rất lớn của các tỉnh thành và một cuộc khủng hoảng địa ốc đang tiếp diễn, hai yếu tố mà các nhà phân tích cảnh báo có thể khiến các vấn đề kinh tế càng thêm nghiêm trọng.
CCTV cho biết ông Tập đã triệu tập hội nghị năm nay, hội nghị này đã bị trì hoãn một năm do các hạn chế về COVID-19 của chính quyền.
Kể từ khi hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 1997 sau cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu, những cuộc họp này đã đề ra định hướng cho các chính sách tài chính của đất nước. Các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, và chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng như chính trị vẫn luôn theo dõi chặt chẽ các cuộc họp này để có được những hiểu biết sâu sắc về chiến lược của Bắc Kinh nhằm phục hồi nền kinh tế yếu kém.
Tuyên bố được đưa ra vào cuối hội nghị nêu bật sự lãnh đạo của ĐCSTQ trong các vấn đề tài chính, với cam kết quản lý rủi ro tài chính và thực hiện một giải pháp lâu dài cho các khoản nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của một người ngoài cuộc, hội nghị đã không mang lại một quyết định thực chất nào.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế sống tại Hoa Thịnh Đốn, cho rằng “không có gì đáng chú ý” tại cuộc họp.
Ông Lý nói với The Epoch Times: “Mục đích chính của những gì [ông Tập] đang làm là tập trung quyền lực thông qua cải cách thể chế,” và ông gọi cách làm đó là “ngõ cụt”.
Cải cách thể chế
Hội nghị năm nay trùng với thời điểm ông Tập đại tu hệ thống tài chính vào đầu năm nay.
Hồi đầu năm nay, ông Tập đã thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương, một cơ quan trực thuộc Đảng, để xây dựng chính sách và giám sát lĩnh vực tài chính, bổ sung cho vai trò trước đây từng do Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính (FSDC) — một cơ quan thuộc sự quản lý của Quốc vụ viện Trung Quốc — đảm nhận. Cải tổ này đã được công bố trong cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp chỉ trên danh nghĩa của Trung Quốc — Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc — hồi tháng Ba, một cuộc họp cũng đã đồng thời mang lại cho ông Tập nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ chuẩn mực trong vai trò là người lãnh đạo cao nhất đất nước.
Một bước đi quan trọng khác được công bố tại hội nghị là việc hồi sinh cơ quan giám sát tài chính, Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương. Ủy ban này được thành lập năm 1997 nhưng đã giải tán vào năm 2003.
Các chi tiết cụ thể liên quan đến cả hai ủy ban, bao gồm thành phần nhân sự và lãnh đạo của họ, vẫn chưa được tiết lộ cho công chúng. Theo ông Vương Hách (Wang He), một nhà phân tích chuyên về các vấn đề Trung Quốc, sự thiếu minh bạch này là “một thực tế phổ biến trong ĐCSTQ”. Theo ông Vương, việc che giấu thông tin về các cơ quan chủ chốt của Đảng là một phần trong nỗ lực của ĐCSTQ nhằm khẳng định quyền kiểm soát xã hội.
Mặc dù ông Tập là lãnh đạo có ảnh hưởng nhất mà Trung Quốc từng có trong nhiều thập niên, nhưng ông Vương nêu lên thực tế rằng ông Tập chỉ có ảnh hưởng hạn chế trong lĩnh vực tài chính trong những năm đầu cầm quyền. Ông Vương giải thích, việc này là kết quả của những động lực phức tạp giữa các nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh của Trung Quốc và các cá nhân thuộc cấp cao nhất trong ĐCSTQ.
Ở Trung Quốc cộng sản, “không phải ai cũng có thể tham gia vào thị trường tài chính”, ông nói và nhận định rằng các quy định thị trường có lợi cho giới tinh hoa của Đảng.
Theo ông Vương, sự “sụp đổ chớp nhoáng” của thị trường chứng khoán năm 2015 đánh dấu sự khởi đầu cho những nỗ lực của ông Tập nhằm kiềm chế lĩnh vực tài chính. Kể từ đó, hàng loạt ông trùm kinh doanh có mối quan hệ chính trị đã bị các nhà quản lý Bắc Kinh nhắm tới. Một ví dụ gần đây là ông Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), người sáng lập đại tập đoàn địa ốc Evergrande, người đã bị chính quyền điều tra vì bị tình nghi thực hiện các hoạt động tội phạm chưa được công khai cụ thể. Ông Hứa được biết là có mối quan hệ mật thiết với ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), cựu phó chủ tịch và là thành viên của một phe phái chính trị trung thành với cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Ngoài ra, Evergrande của ông Hứa hiện là nhà phát triển địa ốc mắc nợ nhiều nhất thế giới, với khoản nợ hơn 300 tỷ USD Các nhà kinh tế và cơ quan quản lý lo ngại rằng nếu Evergrande sụp đổ, thì tập đoàn này không chỉ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những người cho vay và nhà cung cấp mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính của Trung Quốc và gây ra tình trạng bất ổn xã hội.
Ông Vương cho biết: “Ngành tài chính của Trung Quốc đang ở trong tình trạng hỗn loạn.”
Nhưng thực tế là chính trị gắn liền với kinh doanh có nghĩa là không có giải pháp dễ dàng nào.
Ông Vương cho biết, để giải quyết tận gốc các vấn đề tài chính, ông Tập có thể cần phải trấn áp toàn bộ giới tinh hoa trong Đảng, những người kiểm soát hầu hết các nguồn tài nguyên của Trung Quốc và những người ủng hộ các nhân vật kinh doanh nổi tiếng.
Ông nói, việc áp dụng cách tiếp cận như vậy về cơ bản đồng nghĩa với việc giải thể ĐCSTQ, đồng thời nói thêm rằng cách làm của ông Tập khó có thể đạt đến điểm đó.
Siết chặt sự kiểm soát của Đảng
Thay vào đó, ông Tập đã chọn cách cứu ĐCSTQ bằng cách củng cố quyền kiểm soát tài chính của Đảng.
Ông Vương lưu ý, bên cạnh việc trấn áp các nhân vật kinh doanh, ông Tập và cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của ông đã hướng tầm nhìn sang hệ thống tài chính rộng lớn. Năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã dành hai tháng để thanh tra các tổ chức tài chính lớn, bao gồm ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý chứng khoán, bảo hiểm. Chiến dịch kỷ luật đã được đẩy mạnh trong năm nay, với việc cơ quan giám sát của Đảng cam kết sẽ trấn áp “kiên quyết” nạn tham nhũng trong lĩnh vực tài chính của đất nước.
Mặc dù ông Tập đã tái cấu trúc hệ thống tài chính nhưng ông vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Vương cho biết: “Thách thức lớn nhất là: Ông ấy có thể tìm được những quan chức vừa đáng tin cậy về mặt chính trị vừa có khả năng quản lý ngành [tài chính] ở đâu?”
Ông Tập đã bổ nhiệm những người trung thành với ông vào các cơ quan ra quyết định hàng đầu của chính quyền, nhưng hầu hết trong số họ đều có kinh nghiệm tài chính hạn chế, theo ông Vương.
Ông Vương suy đoán rằng ông Hà Lập Phong (He Lifeng) có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cơ quan giám sát tài chính, vì ông Tập đã giao cho ông Hà trách nhiệm kết thúc hội nghị tài chính quan trọng trong tuần này.
Ông Hà, người thân tín của ông Tập, đảm nhận vai trò phó thủ tướng vào tháng Ba. Các bản tin gần đây từ truyền thông nhà nước tiết lộ rằng ông Hà đã thay thế ông Lưu Hạc (Liu He), một nhà kinh tế được đào tạo tại Harvard, làm giám đốc văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát nền kinh tế.
‘Ngõ cụt’
Các nhà phân tích bày tỏ nghi ngờ về khả năng của vị tư lệnh kinh tế mới trong việc đảo ngược sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Lý chỉ ra sự thành công hạn chế của các chính sách do người tiền nhiệm của ông Hà đưa ra, chẳng hạn như cải tổ “phía chuỗi cung ứng” nhằm mục đích giảm nợ của nền kinh tế và giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất công nghiệp. Ông Lý nói: “Những chính sách này dựa trên nền kinh tế thị trường, nhưng chúng không có tác dụng… khi quyền lực của Đảng tiếp tục mở rộng.”
Tại hội nghị tài chính quan trọng diễn ra vào thứ Hai (30/10) và thứ Ba (31/10), ông Tập thừa nhận “nhiều rủi ro tiềm ẩn” trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, đồng thời ông kêu gọi mở rộng vai trò của ĐCSTQ.
Theo bản tóm tắt cuộc họp do CCTV công bố: “Chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong công tác tài chính… đồng thời cải thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng.”
Ông Lý lo ngại rằng Trung Quốc có thể quay trở lại một thời kỳ gợi nhớ đến thời Mao Trạch Đông khi ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, việc làm, và mọi khía cạnh của cuộc sống.
“Đạt được sự kiểm soát toàn diện của Đảng đồng nghĩa với việc quay trở lại nền kinh tế kế hoạch,” ông Lý nói. “Sự sụp đổ của Liên Xô đã minh họa rằng nền kinh tế kế hoạch hóa không hoạt động.”
Tuy nhiên, ông Tập vẫn ủng hộ việc kiểm soát nền kinh tế thông qua kế hoạch tập trung, từ trên xuống, vì ưu tiên của ông là tránh sự sụp đổ kiểu Xô Viết.
“Có một mối lo rằng chế độ này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào,” ông Lý nói. “Bằng cách tập trung vào sự kiểm soát của Đảng, ông ấy cảm thấy mình có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng cầm quyền của mình — tạm thời.”
Tuy nhiên, việc nhấn mạnh vào hệ tư tưởng cộng sản và sự kiểm soát của ĐCSTQ đã khiến triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trở nên u ám.
Theo dữ liệu từ một tổ chức nghiên cứu được nhà nước hậu thuẫn, tổng nợ ở Trung Quốc đã lên tới hơn 280% GDP. Các khoản nợ rất lớn đã đe dọa tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục. Ông Lý tin rằng bong bóng nợ có thể vỡ “bất cứ lúc nào.”
Ông Lý nói, đối mặt với nền kinh tế trì trệ và nợ nần tăng vọt, “ông ấy đang quyết tâm giải quyết khủng hoảng kinh tế thông qua chế độ độc tài chính trị.”