Lực lượng an ninh quốc gia Trung Quốc sẽ can thiệp vào lĩnh vực tài chính để hạn chế rút vốn
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tìm cách sử dụng lực lượng an ninh quốc gia để can thiệp vào lĩnh vực tài chính, tuyên bố chống lại hành vi bán khống cũng như các hình thức rút vốn khác do nền kinh tế suy thoái của đất nước.
Sự suy thoái tiếp diễn của nền kinh tế Trung Quốc đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu điên cuồng, một phản ứng của các nhà giao dịch trước những rủi ro giảm giá khi họ suy đoán về sự suy thoái của thị trường tài chính.
Hôm 02/11, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã nhấn mạnh “an ninh tài chính là thành phần then chốt của an ninh quốc gia” và các cơ quan an ninh quốc gia cần “tích cực tham gia” vào lĩnh vực kinh tế, tài chính để “giám sát, cản trở, và đấu tranh” với các hoạt động tội phạm tài chính.
Theo bài báo, các hoạt động tội phạm tài chính kể trên được định nghĩa là “bán khống” và các hành vi đầu cơ bán khống khác được thực hiện bởi một số nhà giao dịch “có ý định xấu” muốn “làm lung lay niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với việc đầu tư vào Trung Quốc và kích động bất ổn tài chính.”
Cơ quan an ninh hàng đầu này cũng đổ lỗi cho các quốc gia phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo (nhưng không nêu tên) về sức mạnh kinh tế yếu kém của Trung Quốc, nói rằng “các quốc gia đơn lẻ” đang sử dụng tài chính như một công cụ đánh bạc địa chính trị và áp đặt “các biện pháp trừng phạt tài chính.”
Sự can thiệp của an ninh nhà nước vào lĩnh vực tài chính xảy ra sau Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương đầu tiên của ĐCSTQ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 30 đến ngày 31/10, nhấn mạnh sự cần thiết của “giám sát toàn diện, ngăn chặn, và giải quyết rủi ro tài chính.”
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã có bài diễn văn tại cuộc họp và sáu thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ông đều có mặt, chứng tỏ lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã nằm trong tay cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, trái ngược với các cuộc họp tài chính và kinh tế thường kỳ trước đây do Quốc vụ viện chủ trì.
Hôm 05/11, ông Đại Khang (Dakang), một bình luận viên thời sự, cho biết: “Họ [ĐCSTQ] có thể sử dụng các biện pháp bạo lực để ‘ép buộc duy trì sự ổn định [trong thị trường tài chính].’ Nếu quý vị bán cổ phiếu, quý vị có thể ‘đe dọa đến an ninh quốc gia’ hoặc ‘kích động lật đổ quyền lực nhà nước.’”
Rút vốn
Theo ông Đại, một thị trường giao dịch thông thường cho phép các vị thế mua và bán thực hiện giao dịch mua và bán cổ phiếu tương ứng theo kỳ vọng đầu tư tăng và giảm. Ngược lại, chính phủ ĐCSTQ có xu hướng trấn áp việc bán tháo chứng khoán, điều này sẽ dẫn đến một thị trường không hoạt động. Ông nói, “Không có người bán thì cũng không có người mua.”
Ông Đại tin rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ sụt giảm nghiêm trọng ngay khi nền kinh tế suy thoái.
Vốn ngoại quốc đã tháo chạy hàng loạt khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những năm gần đây, với các quỹ ngoại quốc bán 44.8 tỷ nhân dân tệ (6.1 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc vào tháng Mười và đợt bán tháo kéo dài ba tháng đạt đỉnh 172 tỷ nhân dân tệ (23.6 tỷ USD), theo Bloomberg.
Đầu tư ngoại quốc cũng đang suy yếu. Dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia (SAFE) cho thấy đầu tư trực tiếp vào trong nước bị thâm hụt 11.8 tỷ USD trong quý 3 năm nay, lần đầu tiên khoản mục này ghi nhận số liệu âm kể từ năm 1998.
Một số nhà đầu tư ngoại quốc đang rời bỏ Trung Quốc. Đại tập đoàn quản lý tài sản Vanguard của Hoa Kỳ đang thực hiện bước cuối cùng trong việc rút khỏi Trung Quốc bằng cách đóng cửa văn phòng quản lý thị trường quỹ tương hỗ trị giá 29 ngàn tỷ nhân dân tệ (4 ngàn tỷ USD) của công ty tại quốc gia này.
Gallup, một công ty tư vấn quốc tế hàng đầu đã hoạt động tại Trung Quốc trong 30 năm, cũng đang đóng cửa tất cả văn phòng tại đây.
Khủng hoảng tài chính sắp xảy ra
Nhà kinh tế Cao Phong (Gao Feng) cho biết trong một bài báo đăng trên ipkmedia.com hồi tháng Bảy năm ngoái rằng Trung Quốc đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính, vì gần như cả 10 dấu hiệu khủng hoảng đã xuất hiện ở Trung Quốc, chẳng hạn như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, tình trạng tháo chạy vốn quy mô lớn, khủng hoảng tín dụng ngân hàng, vỡ nợ doanh nghiệp, bong bóng giá địa ốc nghiêm trọng, dự trữ ngoại hối chính thức giảm đáng kể, toàn bộ nền kinh tế hiện đang suy thoái nghiêm trọng, tỷ lệ nợ trên tài sản của doanh nghiệp hoặc người dân cao, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc thu nhập của người dân giảm mạnh, và một thảm họa lớn trong nước.
Theo ông Cao, lý do tại sao chưa có sự sụp đổ toàn diện có thể là do sự can thiệp hành chính của ĐCSTQ nhằm kiềm chế xu hướng này; tuy nhiên, sự kìm hãm đó chỉ có thể mang tính tạm thời vì cuối cùng nó sẽ làm tăng phạm vi của cuộc khủng hoảng tài chính và độ mạnh của phản ứng.
Nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào thời kỳ khó khăn; ngoài cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương, các đại gia địa ốc cũng đang nợ nần chồng chất, với hàng chục công ty địa ốc được cho là đã phá vỡ chuỗi vốn của họ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times