Từ thịnh vượng chung đến thất nghiệp tràn lan, ‘khế ước xã hội’ của ĐCSTQ đang phá sản
Từ “thịnh vượng chung” đến tình trạng thất nghiệp tràn lan, “khế ước xã hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lộ rõ sự sụp đổ.
296 triệu người lao động ở Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tiền lương tăng trưởng chậm; sinh viên mới tốt nghiệp đại học gặp khó khăn trong việc tìm việc làm; tầng lớp trung lưu ở thành thị chịu tổn thất nặng nề trong cuộc khủng hoảng địa ốc; những người giàu có trong các ngành Internet, tài chính, và y tế thì đang điêu đứng với các cuộc tấn công của chính quyền.
Các quy định an ninh quốc gia của Trung Quốc cũng khiến các công ty ngoại quốc cảm thấy lo lắng. Rất nhiều công ty đã ngừng đầu tư tại nước này.
Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn tuyên bố rằng mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Trước đây, ĐCSTQ cho phép người dân có cơ hội kiếm tiền để đổi lấy sự thờ ơ với các quyền tự do chính trị của họ. Nhưng giờ đây, “khế ước xã hội” của ĐCSTQ đã chuyển từ tăng trưởng kinh tế và cơ hội trong quá khứ, sang những lời hứa hẹn mơ hồ về an ninh và “cuộc sống tốt đẹp.”
Theo Financial Times, một thanh niên họ Chu làm việc ở Bắc Kinh cho biết: “Tôi không biết ai là người chịu trách nhiệm cho cuộc suy thoái kinh tế. Tôi chỉ biết nền kinh tế năm nay thực sự rất tệ. Khắp nơi đều có người bị sa thải.”
Công việc của anh Chu là tạo ra dòng tiền giả để thành lập các công ty vỏ bọc cho các chủ doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn. Sau đó, những chủ doanh nghiệp này sẽ sử dụng các công ty vỏ bọc để vay nợ mới và trả các khoản nợ cũ.
Tuy nhiên, ngay cả hoạt động kinh doanh được cho là rất phù hợp với tình trạng suy thoái kinh tế như thế này, cũng bị liên lụy bởi sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Tháng trước, thu nhập của anh Chu giảm xuống chỉ bằng một phần nhỏ của năm ngoái. Hiện nay, anh đang dự định trở về quê ở Hà Nam và bán trứng gà hữu cơ.
ĐCSTQ đánh mất lòng dân, áp đặt một khế ước xã hội lên người dân Trung Quốc
Một bài bình luận trên Đài Á Châu Tự Do nói rằng kể từ sự kiện Lục Tứ ngày 04/06/1989, ĐCSTQ đã thực hiện một khế ước xã hội bất thành văn. Đó là chính quyền cung cấp cho người dân một cuộc sống ổn định, và đổi lại, người dân phải phải trả giá bằng tự do chính trị. Khế ước dưới thời ông Hồ Cẩm Đào là “tôi sẽ để quý vị yên, quý vị có thể sống cuộc sống trong yên bình, nhưng tôi sẽ quyết định xem quý vị có bao nhiêu quyền chính trị như ngôn luận, xuất bản, lập hội, v.v.”
Mười năm trở lại đây khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, dưới tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài, người dân vừa không có cuộc sống tốt, vừa không có sự yên bình. Nhất là ba năm thực hiện chính sách zero COVID, người dân không chỉ mất đi những quyền tự do cá nhân cơ bản nhất, mà cuộc sống hàng ngày của họ còn bị kiểm soát ở khắp mọi nơi.
Bài bình luận nhấn mạnh rằng khế ước xã hội giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc là do ĐCSTQ áp đặt, là một sự thỏa hiệp mà người dân không thể không thực hiện.
Ông George Magnus, Trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, nói với Financial Times rằng khế ước này “đã bị phá hoại, không chỉ vì mô hình phát triển cũ của Trung Quốc không còn thực sự hiệu quả, mà còn vì bản thân chính quyền không giải quyết được vấn đề. Về cơ bản, đó là vấn đề lòng tin.”
Từ thịnh vượng chung đến thất nghiệp tràn lan
Ông Tập Cận Bình đã có bài diễn văn về “thịnh vượng chung” tại cuộc họp Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ hồi tháng 08/2021. Ông Tập nói rằng các cán bộ phải “kiên quyết phản đối việc mở rộng vốn không hạn chế,” “khẳng định vị trí thống trị của khu vực công,” đồng thời cũng cần động viên “sự nhiệt tình của các nhà khởi nghiệp” theo một phương thức nào đó.
Những lời nói này thông báo rằng các kế hoạch cải cách trong quá khứ đã tan vỡ. Bắc Kinh đã sửa đổi “Luật chống độc quyền” để hạn chế những công ty Internet lớn như Alibaba, đồng thời thực hiện một loạt các biện pháp quản lý ngành giáo dục.
Sau khi bước vào nhiệm kỳ thứ ba, dưới sự trợ giúp của đội ngũ phụ tá mới, ông Tập đã tiến hành một cuộc đàn áp nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Những biện pháp này đã làm suy yếu tiềm năng phát triển và khả năng cung cấp việc làm của các ngành. Khi các công ty cắt giảm nhân viên, thì giới trẻ sẽ khó tìm việc làm hơn.
Tháng Tám năm nay, chính quyền Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của công dân Trung Quốc từ 16-24 tuổi ở thành thị đạt mức cao kỷ lục là 21.3%. Sau đó, chính quyền nhanh chóng quyết định dừng việc công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên thành thị.
Tin tức mới nhất là chính quyền đang chuyển sự chú ý từ ngành địa ốc sang ngành tài chính để “nhổ tận gốc” nạn tham nhũng.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời những người biết tin, cho biết ông Tập Cận Bình nói rõ trong cuộc họp hồi tháng Chín rằng ông hy vọng sẽ dốc hết sức để chấn chỉnh ngành địa ốc Trung Quốc; ngay cả khi việc này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung, thì chiến dịch chống tham nhũng vẫn phải được thực hiện đến cùng.
Chống tham nhũng thường là một cách nói khác của việc thanh lọc những người bất đồng chính kiến trong đảng.
Áp lực kinh tế đang gây ra nhiều sự xung đột trong xã hội Trung Quốc. Khi người dân đang cố gắng tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn, thì dòng tiền cũng đang tăng tốc chảy đi. Sự phẫn nộ của công chúng đối với tình trạng tham nhũng của quan chức đang lan rộng, cảm xúc tức giận của tầng lớp trung lưu cũng ngày càng gia tăng. Các hoạt động phản kháng của người dân cũng bắt đầu nổ ra, ví dụ như Phong trào Giấy trắng v.v.
Hôm 03/11, Cục Quản lý Ngoại hối của ĐCSTQ cho biết khoản nợ đầu tư trực tiếp trong cán cân thanh toán của Trung Quốc đã giảm 11.8 tỷ USD trong quý 3. Đây là lần đầu tiên chỉ số đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc xuất hiện giá trị âm kể từ năm 1998.
Công ty Nhập cư Đầu tư Quốc tế cho biết, trong năm 2023, Trung Quốc có 13,500 người có giá trị ròng cao với tài sản có thể đầu tư vượt quá 1 triệu USD, đã di dân.