Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc bị ‘dồn vào thế bí’, cần ‘tiền rải từ trực thăng’ để khôi phục niềm tin
Các nhà phân tích cho biết, nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm khôi phục niềm tin đang sụt giảm của các nhà đầu tư là không đủ để ngăn chặn vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế và sẽ chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn nếu sau đó không có các biện pháp trợ giúp cho nền kinh tế thực.
Nhiều bộ thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một số biện pháp nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và trợ giúp các thị trường vốn. Những lĩnh vực này đã bị căng thẳng nghiêm trọng trong những tháng gần đây do đà suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai và phản ứng chính sách thờ ơ của Bắc Kinh.
Ví dụ, hôm Chủ Nhật (27/08), Bộ Tài chính Trung Quốc đã giảm một nửa mức thuế chuyển quyền sở hữu đối với giao dịch chứng khoán xuống 0.1%, đây là mức giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong một tuyên bố ngắn gọn, bộ này tuyên bố rằng việc cắt giảm được thực hiện “để tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tăng niềm tin của nhà đầu tư.”
Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc cũng cho biết hôm Chủ Nhật (27/08) rằng họ sẽ giảm số lượng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để xoa dịu thị trường do những biến động gần đây và ngăn cản các nhà đầu tư bán cổ phần hiện có để tài trợ cho các khoản đầu tư IPO.
Năm ngoái (2022), Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã đứng đầu về gọi vốn thông qua IPO, nhiều trong các cuộc IPO đó đã kêu gọi được số tiền đáng kể. Theo báo cáo, các đợt IPO lớn đã gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư thanh lý số cổ phiếu hiện có để trợ giúp cho các khoản đầu tư của họ vào các công ty niêm yết lớn.
Cho đến thời điểm hiện tại, có 242 công ty ở Trung Quốc đã lên sàn chứng khoán, đây một phần là lý do khiến chỉ số cổ phiếu chính giảm xuống mức thấp nhất trong vòng chín tháng.
Tuy nhiên, trong khi các biện pháp hôm Chủ Nhật (27/08) đã khiến lãi suất công khố phiếu Trung Quốc (CGB) và đồng nhân dân tệ tăng mạnh hôm thứ Hai (28/07), thì ông Gary Dugan, giám đốc đầu tư của Dalma Capital, một nhà đầu tư ngoại quốc lâu năm tại Trung Quốc, cho biết, “đây chỉ là những biện pháp khắc phục nhanh chóng cho các giải pháp rất ngắn hạn và có thể không giúp ích nhiều trong việc cải thiện tăng trưởng GDP và giải quyết khủng hoảng trên thị trường.”
Trong một nỗ lực khác nhằm xoa dịu thị trường hồi đầu tuần trước (22-28/08), Bộ Nhà ở và Kiến thiết Thành thị-Nông thôn (MOHURD), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, và Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia đã ban hành thông tư chung chính thức cho phép các chính quyền địa phương từ bỏ quy định “chưa có hồ sơ vay thế chấp” để xác định tình trạng của người mua nhà lần đầu.
Ông Dugan nói với The Epoch Times: “Các thị trường đã mong đợi bước giảm nhẹ này sau chỉ dẫn từ chủ tịch MOHURD hôm 27/07.”
[Nhưng điều này cũng vậy, cũng] là một phản ứng tức thời, là một lớp vữa dán lên các vấn đề, và mọi người vẫn đang chờ một biện pháp chính sách quan trọng để củng cố tăng trưởng.”
Ông Lục Đĩnh (Ting Lu), một nhà phân tích tại Nomura, lập luận rằng chính sách tháo gỡ hiện tại chỉ mang lại lợi ích cho các thành phố lớn vì quy định “không có hồ sơ thế chấp” chỉ áp dụng cho một số thành phố cấp 1 và một số thành phố cấp 2.
Ông Lục viết trong một ghi chú hôm thứ Hai (28/08): “Mặc dù thông tư nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương được quyết định có nên dỡ bỏ quy định này hay không, nhưng chúng tôi tin rằng nhiều thành phố, bao gồm cả các thành phố cấp 1, sẽ dỡ bỏ quy định này, trước nguy cơ sụp đổ tài sản trên toàn quốc hiện nay.”
Ông lo ngại rằng việc nới lỏng có thể làm giảm nhu cầu ở thị trường thứ cấp và không làm được gì để giảm thiểu những lo ngại vỡ nợ đối với các nhà phát triển lớn, mà nhiều trong số các công ty này nắm giữ lượng lớn cổ phần ở các thành phố cấp thấp hơn. “Tóm lại, biện pháp này là chưa đủ,” ông Lục viết.
Trong khi việc phân bổ tài sản cá nhân ở Trung Quốc thiên về nhà ở, và giá nhà đất giảm có nguy cơ gây ra hiệu ứng đảo ngược xu hướng do sự sẵn lòng chi tiêu giảm mạnh, các nhà phân tích tin rằng bất kỳ sự sụt giảm niềm tin nào vào thị trường chứng khoán, cũng như sụt giảm niềm tin vào các công ty niêm yết và các ứng cử viên chào bán IPO, cũng đều có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.
Ông Dugan cho biết: “Trớ trêu thay, biện pháp kìm hãm IPO không phù hợp với thị trường giá lên, bởi vì trong một thị trường tốt, IPO là cần thiết để khiến các nhà đầu tư cá nhân phấn khích.”
Trong thời kỳ thị trường chứng khoán sụp đổ năm 2013 và 2015, Trung Quốc đã tạm dừng các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Tuy nhiên, biện pháp mới nhất được dự kiến là sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, ngăn chặn việc dừng hoàn toàn các đợt IPO. Cơ quan quản lý cho biết, hoàn cảnh thị trường sẽ quyết định phạm vi và thời gian các tập đoàn tạm dừng IPO.
Trong cuộc họp của Bộ Chính trị hồi tháng Bảy, giới lãnh đạo Trung Quốc đã hứa sẽ vực dậy thị trường chứng khoán và nền kinh tế của đất nước, vốn đang phục hồi chậm chạp sau đại dịch và chịu vấn đề nợ ngày càng nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản.
Một loại tiêu chuẩn cho vay quan trọng cũng đã được Bắc Kinh giảm hồi tuần trước, mặc dù mức cắt giảm nhỏ hơn dự kiến. Tuy nhiên, thị trường đang tìm kiếm một phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như chi tiêu lớn của chính phủ.
Trung Quốc ‘tự dồn mình vào thế bí’
Ông Dugan nói thêm: “Thật không may, Trung Quốc đã tự dồn mình vào thế bí, trong đó quốc gia này cần phải thực hiện những thay đổi lớn về cấu trúc và nhanh chóng tháo gỡ các động lực tăng trưởng trước đó, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.”
“Trung Quốc cần nhìn ra con đường quay trở lại mức tăng trưởng 5% của chính quyền. Hiện chúng ta dường như đang bị trượt dài, mà vẫn chưa nhìn thấy đáy,” ông nói.
Khi nền kinh tế suy thoái do suy thoái nhà ở ngày càng sâu sắc, chi tiêu tiêu dùng kém, và tăng trưởng cho vay giảm mạnh, các ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm xuống dưới mục tiêu khoảng 5% của chính quyền.
Dữ liệu công bố hôm Chủ Nhật (27/08) cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc sụt giảm, kéo dài trong bảy tháng liên tiếp do nhu cầu trì trệ.
Lợi nhuận công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm 6.7% trong tháng Bảy so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Cục Thống kê Quốc gia công bố số liệu hôm Chủ Nhật (27/08) cho thấy thu nhập trung bình của gia đình đã giảm 15.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái tính đến tháng Bảy, sau khi giảm 16.8% trong nửa đầu năm.
Trong tháng này, ngân hàng trung ương hứa sẽ duy trì lập trường “chính xác và mạnh mẽ” để thúc đẩy quá trình phục hồi.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times