Doanh nhân Trung Quốc: Sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi là tin vào ĐCSTQ
Hiện nay, những tin tức xấu về tình hình kinh tế Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều và liên tục, khiến mọi tầng lớp trong xã hội Trung Quốc đều cảm thấy bất an. Các doanh nhân tư nhân ở quốc gia này cho biết họ đã hoàn toàn mất niềm tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Khủng hoảng niềm tin khiến kinh tế tiếp tục diễn biến xấu
Sau ba năm dịch bệnh loay hoay với chiến dịch “zero COVID,” kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi dù đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa và chính sách hà khắc này.
Hiện tượng các dự án xây dựng nở rộ trong nhiều năm qua và lượng tiền vay mượn quá mức đã gây ra cuộc khủng hoảng địa ốc, kéo theo đó là một cuộc khủng hoảng nợ thậm chí còn lớn hơn. Trong khi đó, các vấn đề nổi bật như xuất cảnh trì trệ, lượng tiêu dùng giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao kỷ lục cũng trở thành những thách thức mà ĐCSTQ phải đối mặt sau đại dịch.
Hôm 28/08, tờ New York Times loan tin thời điểm khủng hoảng của Trung Quốc đã đến. Những số liệu thống kê đã phản ánh sự trì trệ của nền kinh tế, nhưng ngoài ra còn có một mối lo ngại sâu sắc hơn với đất nước này. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp Trung Quốc đang mất niềm tin vào khả năng của chính quyền trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài trong nền kinh tế. Nếu chính quyền ông Tập Cận Bình không thể giải quyết được vấn đề cơ bản này, thì không có biện pháp nào có thể ngăn chặn sự suy thoái liên tục của nền kinh tế.
Theo New York Times, chính quyền ĐCSTQ ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước hơn các doanh nghiệp tư nhân, vì doanh nghiệp nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với đường lối của ĐCSTQ và được nhà cầm quyền trực tiếp kiểm soát. Hiện tại, chủ tịch Tập Cận Bình đang dần nhận ra rằng niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân là điều khó kiểm soát nhất.
Các doanh nhân Trung Quốc bất mãn và mất niềm tin vào ĐCSTQ
Trong hai ngày 30-31/08, phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã phỏng vấn nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc. Họ từng là những doanh nhân giàu có, nhưng chỉ vì tin vào ĐCSTQ mà cuối cùng trở nên trắng tay. Những chủ doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề này vô cùng hối hận và mất hết niềm tin vào nền kinh tế cũng như vào chính quyền Trung Quốc.
Ông Từ Sùng Dương, một doanh nhân ở Vũ Hán vừa bước sang tuổi 65, và vợ ông, bà Kiều Lệ (Qiao Li), là một người Mỹ gốc Hoa. Chỉ vì tin vào ĐCSTQ, nên hai vợ chồng ông quyết định giới thiệu các nguồn vốn ngoại quốc đầu tư vào Vũ Hán. Vì sự nghiệp thiện nguyện ủng hộ quê nhà, họ đã đầu tư hơn 10 triệu nhân dân tệ (RMB) để thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Cứu hộ Hồ Bắc 999. Tuy nhiên, họ đã bị cơ quan công-kiểm-pháp (công an-tòa án-viện kiểm sát) của ĐCSTQ lừa gạt, cướp trắng, mất hết tài sản trị giá hàng trăm triệu RMB. Hiện tại, họ trở thành những người vô gia cư, không có bảo hiểm y tế cơ bản và lương hưu. Ông Từ còn bị mưu hại bỏ tù và bị đánh đập đến mức tàn phế.
Trong khi cơ quan công an của ĐCSTQ đang thụ lý vụ án, ông Từ Sùng Dương đã chịu cực hình như bị treo người lên, bị còng tay và xích chân trong 10 tháng. Nhân viên thụ lý vụ án là Lý Nam (Li Nan) còn rao bán đoạn video quá trình ông Từ bị tra tấn cho ông với giá 70,000 RMB.
Ông Từ cho biết, ở một xã hội như Trung Quốc, không có pháp luật bảo đảm cho người dân. Về mặt kinh tế, những người trong cơ quan tư pháp nhân danh công lý, lạm dụng chức quyền thực thi trái quy định, những khoản đầu tư của doanh nghiệp không được pháp luật bảo đảm. Từ góc độ chính trị, những lời lẽ mà các quan chức đứng đầu tuyên thệ trung thành với Đảng, với Chủ tịch Tập Cận Bình, thực ra đều là giả tạo. ĐCSTQ luôn rao giảng “quản lý đất nước dựa trên pháp luật,” nhưng thực tế cho thấy việc thực thi pháp luật của chính quyền này không hề công khai, minh bạch.
“Tôi có sáu vụ án oan ở thành phố Vũ Hán. Sau một thời gian báo án, không một [cơ quan] nào thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Có vụ thì bị trả về, có vụ thì không được xét xử, có vụ không được điều tra,” ông Từ nói.
Theo ông, tòa án của ĐCSTQ làm giả bản phán quyết và tài liệu pháp lý mua bán. Công ty của ông đã bị Tòa án Tối cao Trung ương, Tòa án Tối cao tỉnh Hồ Bắc, Viện Kiểm sát và Cục công an làm giả bản án, nhiều lần lừa gạt cướp đoạt tài sản.
Ông nói rằng: “Tôi từng tôn sùng và tin tưởng ĐCSTQ. Tôi cũng từng tin vào một nhà nước pháp quyền mà ông Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đến, nhưng tôi không nhìn thấy hy vọng. Các quyền về kinh tế, nhân quyền và quyền chính trị của công dân ở đâu? 20 năm qua tôi không có quyền bỏ phiếu, phiếu bầu cử của tôi không biết đã bị ai bán đi rồi.”
Ông Từ Sùng Dương bày tỏ: “Hôm nay tôi cảm thấy vô cùng thê lương, đau khổ. Tôi bị bức hại đến mức không còn tiền để sinh sống, cũng không có gì bảo đảm cho mức sống tối thiểu hàng ngày. Tôi từng là một tỷ phú, nhưng giờ thì tôi trở thành kẻ khất thực! Liệu kinh tế Trung Quốc có khá khẩm hơn không!?”
Ông Cung Mẫn Canh (Gong Mingeng), một doanh nhân liên doanh Thượng Hải-Đài Loan từng làm ăn phát đạt, nhưng vì cơ quan tư pháp đổi trắng thay đen, khiến ông từ chủ nợ trở thành con nợ. Nhà xưởng, thiết bị của ông bị niêm phong, toàn bộ tài sản của công ty bị cướp đoạt.
Ông cho biết, “Thẩm phán Tòa án Trung cấp số 1 Thượng Hải đã bắt tay với người vay nợ để ‘thực thi pháp luật,’ cướp số tài sản hợp pháp của tôi tích lũy suốt 27 năm, trong đó có cả chứng từ hoàn thuế thu nhập hợp pháp của chủ nợ. Họ cướp của tôi, đến nay vẫn không chịu trả. Thẩm phán bãi bỏ quyền lợi của chủ nợ, rõ ràng đây là phạm tội hình sự!”
Ông Cung cho hay, sau khi bị cướp hết tài sản, ông mưu sinh bằng cách bán hàng ven đường, nhưng lại bị cưỡng chế cấm không được kinh doanh. Đến nay, ông chỉ có thể sống bằng tiền trợ cấp cho người nghèo, không có bảo hiểm y tế, luôn sống trong tình trạng cận kề cửa tử. Ông còn bị hạn chế quyền tự do, hạn chế quyền xuất ngoại.
Ông nói: “Dưới chế độ độc tài này, không có pháp luật nào có thể tin được. ĐCSTQ đang phạm tội trắng trợn, đảng này hiện đã phát rồ, không có thuốc chữa!”
Ông Lưu Huỳnh Lâm (Liu Tonglin), một doanh nhân ở tỉnh Giang Tô, điều hành một nhà máy chế biến rau quả ở huyện Phong, thành phố Từ Châu. Ông Lưu cho biết các bí thư Đảng ủy chính quyền địa phương và các quan chức khác đã đàn áp các doanh nghiệp tư nhân, bảo vệ lợi ích cho những người phạm pháp cấu kết với quan chức. Hơn 20 năm qua, ông từng khiếu nại lên quận, thành phố, thậm chí lên Quốc vụ viện; hàng chục ngàn đơn khiếu nại đã được gửi đi nhưng đều không có kết quả. Ông còn bị lừa, bị giam vào ngục tối, và bị tra tấn đến tàn phế.
Ông Lưu cảm thán: “Tôi sống ở Trung Quốc, tôi tin ĐCSTQ, tin vào chính quyền, và kết cục nhận về là tán gia bại sản, không có nhà để về. Cha tôi tức giận mà qua đời, thật thê lương bi thảm! Tôi đã sai khi tin tưởng họ [ĐCSTQ]! Người dân Trung Quốc bị hại đang kêu cứu trong vô vọng!”
ĐCSTQ tiếp tục tuyên truyền giả dối, che đậy sự thật
Nếu chỉ theo dõi các hãng truyền thông chính thức của ĐCSTQ thì chúng ta không thể biết nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và khủng hoảng niềm tin của người dân ở đất nước này.
Tờ New York Times đưa tin, nhận thức của nhiều người Trung Quốc về thực trạng kinh tế trong nước khác hẳn với những gì ĐCSTQ mô trả trên thông tin đại chúng, và khoảng cách nhận thức này vẫn đang nới rộng. Đối với người dân Trung Quốc, cuộc suy thoái hiện nay được xem là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, khiến họ bi quan và thoái chí.
Có ý kiến cho rằng tình trạng của xã hội Trung Quốc ngày nay bị đẩy đến mức cực hạn, niềm tin của người dân sụp đổ, sự bất mãn với chế độ hiện thời đang lan rộng khắp cả nước như một loại dịch bệnh. Đây được xem là cách miêu tả chân thực gần với thực tế xã hội Trung Quốc nhất.
Trong khi đó, truyền thông của ĐCSTQ vẫn lừa dối dân chúng, tuyên bố là do “chính trị gia và truyền thông phương Tây phát động cuộc chiến nhận thức” mà phóng đại các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.
Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố thêm rằng, “những thế lực thù địch” này “cuối cùng không thể thoát khỏi số phận bị hiện thực vỗ vào mặt.”
Dù số liệu thống kê đều đang phản ánh nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái trầm trọng, thì phương pháp mà chính quyền nước này áp dụng vẫn là “che đậy.”
Giữa tháng Tám, ĐCSTQ tuyên bố sẽ ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, bất chấp tỷ lệ đó đang ở mức cao kỷ lục. Quyết định này nhận về làn sóng chế giễu của cư dân mạng trên các mạng xã hội Trung Quốc. Họ chế nhạo rằng rốt cuộc “bịt tai trộm chuông” (tự lừa dối mình nhưng không lừa dối được người khác) lại là giải pháp mà chính quyền chọn để giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay.
Theo New York Times, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bộ máy kiểm duyệt, câu chuyện về sự mâu thuẫn chênh lệch giữa tuyên truyền của chính quyền và tình hình thực tế không còn là điều mới mẻ ở Trung Quốc.
Cao Tĩnh thực hiện
Thanh Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ