Luật phản gián mới của ĐCSTQ biến người dân Trung Quốc thành gián điệp
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực thi Luật phản gián mới, theo đó họ sử dụng các trường hợp khả nghi, có liên quan đến đặc vụ ngoại quốc hoặc mạng lưới gián điệp phương Tây, do người dân báo cáo làm vũ khí. Các chuyên gia cho biết chính quyền ĐCSTQ đang bị ám ảnh về vấn đề an ninh, trong khi người dân Trung Quốc đang tìm cách đào thoát khỏi Trung Quốc, và mỗi người nên tận dụng cơ hội đào thoát khi có thể.
Theo Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Trung Quốc, luật mới sẽ “mở rộng định nghĩa của hoạt động gián điệp từ bao gồm bí mật quốc gia và thông tin tình báo đến bất kỳ tài liệu, số liệu, tư liệu hoặc vật phẩm nào liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia.” Luật mới này đã “mở rộng phạm vi của Luật phản gián [trước đây] của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ).”
Ông Gordon Chang, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Gatestone, đồng thời là tác giả cuốn sách “The Coming Collapse of China” (Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc), nói với hãng thông tấn Fox News Digital rằng: “Các quan chức Trung Quốc [ĐCSTQ] nói rằng họ muốn thúc đẩy du lịch và thúc đẩy nền kinh tế, nhưng [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình là một người độc tài và bị ám ảnh về vấn đề an ninh.”
Luật phản gián mới khiến Trung Quốc quay trở lại những năm 1950
Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như khủng hoảng trong ngành địa ốc, nợ của chính quyền địa phương gia tăng, và mức tiêu dùng suy yếu. Tình trạng này khiến chính quyền của ông Tập Cận Bình phải chi hàng tỷ USD để trợ giúp chi tiêu, ngăn chặn tình trạng giảm phát và củng cố đồng tiền yếu rớt giá. Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, các nhà phân tích cho rằng chính quyền của ông Tập đã không đưa ra các biện pháp kích thích trên diện rộng. Đây là ví dụ mới nhất về việc ông Tập Cận Bình tập trung vào an ninh trong và ngoài nước đã ảnh hưởng như thế nào đến cách ứng phó của ông đối với tình hình kinh tế.
Ông Victor Shih, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California, San Diego, nói với Financial Times rằng: “Nếu quý vị quyết định đầu tư nhiều tiền hơn vào một việc nào đó, thì quý vị phải cắt giảm các khoản chi tiêu ở việc khác. Với việc [ĐCSTQ] sẽ không cắt giảm đầu tư vào kỹ thuật công nghệ, quốc phòng hoặc an ninh nội địa, thì đây là một cuộc thảo luận vô cùng khó khăn.”
Ông Vu Kiệt (Yu Jie), chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chatham House của Anh quốc, nói với Financial Times rằng, đối mặt với hoàn cảnh bên ngoài ngày càng đối địch, nhiệm vụ hàng đầu của Bắc Kinh là bảo đảm an ninh và tự lực cánh sinh, chứ không phải là tăng trưởng kinh tế.
“Để áp đặt tư tưởng chủ nghĩa Mao lên Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang cắt đứt các mối liên hệ với thế giới và thúc đẩy tư tưởng bài ngoại,” ông Gordon Chang nói thêm. “Việc báo cáo về hoạt động gián điệp ngoại quốc rất phù hợp với tâm trạng của Trung Quốc trong những năm 1950.”
“Mỗi người nên tận dụng cơ hội đào thoát khi có thể”
ĐCSTQ đã mở một trương mục WeChat, trên đó có nút bấm “Báo cáo.” Chính quyền ĐCSTQ cũng phát động chiến dịch khuyến khích người dân báo cáo hoạt động gián điệp với khẩu hiệu “Bảo vệ an ninh quốc gia là trách nhiệm của mỗi người.” Nhãn mục (Hashtag) “Phát hiện gián điệp, gọi số 12339” trên Weibo đã có hơn 310 triệu lượt xem. Cục An ninh Quốc gia của ĐCSTQ còn ban bố áp phích về việc bắt giữ “gián điệp ngoại quốc.”
Hoạt động phản gián của ĐCSTQ không chỉ nhắm vào người trưởng thành. Truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin “nhiều vùng trên cả nước đã tăng cường giáo dục về luật phản gián thông qua các hình thức khác nhau như giáo dục định kỳ về lý thuyết an ninh quốc gia để công chúng hiểu được tầm quan trọng của Luật phản gián.”
TED, tổ chức bất vụ lợi nổi tiếng của Hoa Kỳ với các bài diễn văn xuất sắc, dự định tổ chức sự kiện tại Quảng Châu hôm 13/08, nhưng đã bị chính quyền ĐCSTQ buộc phải hủy bỏ. Quyết định hủy bỏ này khiến TED trở thành nạn nhân mới nhất của ĐCSTQ trong việc siết chặt các hạn chế về ngôn luận.
“Trung Quốc [ĐCSTQ] không an toàn cho bất kỳ người ngoại quốc nào,” ông Gordon Chang cảnh báo. “Trong số những người ngoại quốc [ở Trung Quốc], hiện tại chỉ có người Nhật có nguy cơ cao hơn so với người Mỹ. Bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ hiện đang nhắm mục tiêu không ngừng nghỉ và ác ý vào cả hai quốc gia này.”
Chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh báo về Luật phản gián mới của ĐCSTQ, nói rằng các công ty ngoại quốc tại Trung Quốc có thể bị trừng phạt chỉ vì các hoạt động kinh doanh bình thường của họ.
“Người dân Trung Quốc hiện đang đào thoát khỏi Trung Quốc. Vì vậy, có lẽ đây là một gợi ý cho những người khác,” ông Gordon Chang nói thêm. “Mỗi người nên tận dụng cơ hội đào thoát khi có thể.”
Hạ Vũ thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ