Cựu sinh viên tiết lộ trải nghiệm bị ĐCSTQ bức hại trong bệnh viện tâm thần
Anh Trương Tuấn Kiệt (Zhang Junjie) là cựu sinh viên năm thứ nhất Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương ở Trung Quốc. Vì tham gia “cuộc cách mạng giấy trắng” nên anh đã bị công an Trung Quốc đưa vào bệnh viện tâm thần nhiều lần, bị buộc phải uống thuốc và chích thuốc. Sau khi xuất viện, anh nộp đơn vào một trường đại học ở New Zealand và đặt chân đến New Zealand an toàn hôm 18/08 qua đường Hồng Kông.
Không lâu sau khi anh Trương đến phi trường quốc tế Auckland ở New Zealand, anh đã đăng tải trải nghiệm bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại vì tham gia “Phong trào giấy trắng” và “Cách mạng pháo hoa” ở Trung Quốc, cũng như danh sách các bác sĩ tham gia bức hại lên Twitter.
https://twitter.com/AQUILIFER_Zjj/status/1692309424210338227?ref_src=twsrc%5Etfw
Đến New Zealand vẫn bị đe dọa, thẻ tín dụng bị đóng băng
Ngày 18/08, anh Trương đang đợi chuyến bay nối chuyến tại phi trường Auckland thì nhận được cuộc gọi từ cha mẹ. Họ nói với anh rằng: “Cảnh sát đã xông vào nhà.” Các viên chức ĐCSTQ còn dùng điện thoại di động của cha anh để gọi cho anh và đe dọa: “Đừng nghĩ rằng chúng tôi sẽ không đối phó được với cậu khi cậu đến New Zealand. Cậu càng nói nhiều trên mạng xã hội ở ngoại quốc, thì gia đình cậu sẽ càng chịu nhiều đau khổ.”
Hôm 20/08, trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, anh Trương cho biết: “Trước khi tôi xuất ngoại, mọi người trong gia đình đã nhắc đến chuyện đó nhiều lần. Họ khuyên tôi sau khi ra ngoại quốc thì đừng kể lại những chuyện trước đây.”
Anh Trương cho biết khi anh vừa đến New Zealand, áp lực từ phía công an Trung Quốc và gia đình đã ập tới.
Ngày 19/08, mẹ của anh Trương đã gửi cho anh một tin nhắn, nhưng anh cảm thấy những lời trong tin nhắn không nhất định là của mẹ mình.
https://twitter.com/AQUILIFER_Zjj/status/1692462148377813277?ref_src=twsrc%5Etfw
https://twitter.com/AQUILIFER_Zjj/status/1692697904547565620?ref_src=twsrc%5Etfw
Chiều ngày 19/08, khi đang đi mua sắm, anh Trương sử dụng thẻ tín dụng nhiều lần nhưng không có phản hồi. Ngay lập tức, anh nhận được tin nhắn thông báo có sự bất thường trong thẻ tín dụng Visa của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, việc sử dụng thẻ này đã bị hạn chế. Đây là thẻ tín dụng duy nhất mà anh có thể dùng ở ngoại quốc.
“Thẻ tín dụng của tôi được liên kết với thẻ chính của cha tôi. Cha tôi đã được cảnh sát chỉ thị đóng băng thẻ của tôi,” anh nói.
Anh đăng trên Twitter: “Cho dù mấy người (chính quyền ĐCSTQ) dùng cách gì để ép buộc và đe dọa, thì tôi vẫn sẽ không bao giờ thỏa hiệp.” Anh cho biết anh sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa lên tiếng cho những người bị oan ở tầng 7 khoa nội trú của “bệnh viện tâm thần,” những người vì tham dự chính trị mà bị “bệnh tâm thần.”
https://twitter.com/AQUILIFER_Zjj/status/1692731092779098310?ref_src=twsrc%5Etfw
Được truyền cảm hứng từ cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông, tham gia “Phong trào giấy trắng”
Một chuỗi các sự việc mà anh Trương gặp phải đều có liên quan đến việc anh từng tham gia “Phong trào giấy trắng.”
Sau cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh hồi tháng 10/2022, rất nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc đã được truyền cảm hứng, trong đó có cả anh Trương. Lúc đó anh là sinh viên năm nhất của Viện Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Tài Chính Trung ương Trung Quốc. Anh đã tham gia ký vào bức thư ngỏ toàn cầu có tiêu đề “Thư gửi Đại hội Toàn quốc Lần thứ 20 của ĐCSTQ, bãi miễn và xét xử Tập Cận Bình” do các nhân sĩ dân chủ ở ngoại quốc khởi xướng. Ngay sau đó, anh nhận được tin nhắn đe dọa từ một người nặc danh.
Sau khi “vụ hỏa hoạn Ürümqi” xảy ra vào ngày 24/11/2022, hơn 100 trường đại học ở hơn 20 tỉnh, thành phố, bao gồm Nam Kinh, Thượng Hải, Bắc Kinh, v.v. đã phát động “phong trào giấy trắng” để phản đối chính sách “Zero COVID” của ĐCSTQ. Anh Trương đã hai lần giơ tờ giấy trắng trước tòa nhà giảng dạy vào tối ngày 27/11 và sáng ngày 28/11/2022.
Lần thứ hai, khi anh Trương giơ tờ giấy trắng được khoảng 5 phút thì bị một số giáo viên kéo đến một tòa nhà văn phòng gần đó. Sau đó, hai lãnh đạo nhà trường đã theo dõi anh cả ngày. Nhà trường cũng liên lạc với gia đình anh và yêu cầu đưa anh đi.
Sau khi trở về nhà ở Nam Thông, Giang Tô, cha anh đã tịch thu máy điện toán và điện thoại di động của anh. Ngày 01/12/2022, người nhà của anh Trương đã hợp tác với công an để lừa anh, đưa anh đến Bệnh viện số 4 Nam Thông (một bệnh viện tâm thần). Trong bệnh viện tâm thần, bác sĩ trói anh lại và nói rằng anh có vấn đề về tâm thần. Anh Trương nhớ lại: “Tôi nói tôi không bị bệnh. Một người đàn ông mặc thường phục liền nói: ‘Cậu không ủng hộ ĐCSTQ, chính là cậu có bệnh.’”
Trong bệnh viện tâm thần, đầu tiên anh bị nhốt trong phòng khám sốt suốt 6 ngày. Trong thời gian này, bệnh viện đã cưỡng chế chích thuốc an thần cho anh và ép anh uống rất nhiều thuốc. Anh sẽ bị đánh rất nặng nếu kháng cự.
Anh Trương kể rằng có ba y tá canh gác và trói anh vào giường. Y tá nói: “Cậu không yêu nước yêu đảng, thì sẽ có kết cục thế này.”
Ngày 06/12/2022, cha của anh Trương đã hợp tác với công an để lừa nhốt anh vào khoa nội trú. Ngày 12/12/2022, bác sĩ điều trị Kim Á Linh (Jin Yaling) tuyên bố anh bị “tâm thần phân liệt.” Người mặc thường phục và nhân viên bệnh viện liên tục đe dọa anh: “Cậu không ủng hộ ĐCSTQ, cậu chính là có bệnh!”; “Cậu không yêu nước yêu đảng, chính là có kết cục thế này.”
https://twitter.com/AQUILIFER_Zjj/status/1692698851600372159?ref_src=twsrc%5Etfw
Sau đó, cha anh Trương đã lo liệu các thủ tục cho anh nghỉ học.
Hưởng ứng “Cách mạng pháo hoa,” tiếp tục bị “bệnh tâm thần”
Sau khi xuất viện, anh Trương tiếp tục theo dõi hoạt động của “Phong trào giấy trắng” toàn cầu trên Internet, đồng thời đốt pháo hoa trước Nhà hát lớn Nam Thông vào tối ngày 20/01/2023 để hưởng ứng “Cách mạng pháo hoa.”
Ngày hôm sau, có 4 xe cảnh sát và gần 20 công an bao vây nhà anh. Anh Trương bị đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn. Anh từ chối giao mật khẩu iPhone và iPad, cự tuyệt trả lời các câu hỏi về việc ai là chủ mưu của “Cách mạng pháo hoa.”
Vào đêm giao thừa (ngày 21/01/2023), anh Trương lại bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Sau đó, anh xuất viện vào ngày 28/01. Do bị liên lụy, nên cha anh đã bị mất chức vụ công chức. Mọi người trong gia đình nổi giận với anh, và một lần nữa họ hợp tác với công an để đưa anh đến Bệnh viện số 4 Nam Thông. Lần này, anh bị nhốt ở tầng 7 của khoa nội trú. Tại đây, anh bị ngược đãi còn tàn nhẫn hơn, nếu anh chống cự dù chỉ một chút thì sẽ bị trói cả người lại. Anh được xuất viện vào ngày 02/04.
Anh Trương nói: “Ở đây tôi đã gặp rất nhiều người bất đồng chính kiến bị bỏ tù vài năm, thậm chí hơn chục năm. Có mấy vị khiếu nại đã bị bỏ tù 2~4 năm. Ngoài ra còn có một giáo viên cấp hai bị bỏ tù 10 năm vì viết thư cho các lãnh đạo của ĐCSTQ.”
Anh Trương nói rằng cha anh là bí thư thôn ở địa phương. Anh cho rằng có thể cha mình vì để giữ được chức vụ hoặc là tin vào những lời công an nói, nên đã nghĩ rằng chỉ cần nhốt anh lại một thời gian là được, “[vì thế cha tôi] mới hợp tác với công an để đưa tôi vào bệnh viện tâm thần hết lần này đến lần khác.”
Vào cuối tháng 03/2023, khi anh Trương vẫn đang bị nhốt trong bệnh viện tâm thần, cha anh đã liên lạc với một người trung gian để giúp anh nộp hồ sơ du học. Do đó, anh đã ghi danh thành công vào Đại học Otago ở New Zealand. Anh cho hay, “Ban đầu tôi nói với cha là tôi sẽ đến New Zealand vào cuối tháng Chín hoặc đầu tháng Mười. Lần này tôi đã đi trước thời hạn, ra đi không một lời từ biệt.”
“Hôm 09/06, khi tôi đang tìm đường ở Hồng Kông thì phát hiện mình bị theo dõi trên đường từ Quỳ Phương (Kwai Fong) đến Thanh Y (Tsing Yi). Nhưng lần này mọi chuyện diễn ra suôn sẻ khi tôi xuất ngoại, việc xuất nhập cảnh ở Hồng Kông cũng diễn ra suôn sẻ,” anh cho biết.
Anh Trương nhiều lần bị nhốt vào bệnh viện tâm thần, và mỗi ngày ở đó anh buộc phải uống nửa chai Aripiprazole và 4 viên thuốc chống tâm thần phân liệt như Olanzapine, v.v. Kể về di chứng do sử dụng loại thuốc này trong thời gian dài, anh cho biết, “Bây giờ tôi thường xuyên bị đau bụng, buồn nôn, thỉnh thoảng gan cũng bị đau.”
Lý Hi thực hiện
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ