Chuyên gia: Các hạn chế xuất cảng kim loại hiếm sử dụng trong vi mạch hiệu suất cao của Trung Quốc chủ yếu là để tuyên truyền
Theo một chuyên gia quốc phòng tại Đài Loan, việc ĐCSTQ công bố các biện pháp kiểm soát mới của nhà nước nhằm hạn chế xuất cảng gallium và germanium hôm 03/07 là phản ứng đáp trả các lệnh trừng phạt vi mạch của phương Tây đối với chính quyền này.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-Yun), giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng tại Đài Loan, nói rằng hành động của Bộ Thương mại và Cục Hải quan Trung Quốc đối với các kim loại đất hiếm chính được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, có hiệu lực từ ngày 01/08 này, chỉ là mang tính chất tượng trưng, vì hành động này chỉ có tác động hữu hạn đối với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn toàn cầu. Ông nói rằng sự đáp trả của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ chỉ đẩy nhanh các ưu tiên “giảm thiểu rủi ro” của Hoa Kỳ và châu Âu, điều có thể khiến Trung Quốc mất vị trí thống trị hiện có đối với ngành kim loại hiếm.
Theo dữ liệu công khai, germanium là nguyên liệu chính trong sản xuất cáp quang và cũng được sử dụng trong vi mạch máy điện toán tốc độ cao, bức xạ hồng ngoại, các ứng dụng quân sự như thiết bị nhìn đêm và cảm biến hình ảnh vệ tinh.
Các tấm bán dẫn làm bằng gallium arsenide (GaAs) có khả năng chịu nhiệt và có thể hoạt động ở tần số cao hơn với tiếng ồn ít hơn, đồng thời được sử dụng trong các thiết bị liên lạc vô tuyến và radar, vệ tinh, và đèn LED.
Hãng truyền thông tài chính hàng đầu của Trung Quốc Tài Tân (Caixin) trích dẫn dữ liệu hải quan Trung Quốc từ năm 2022 cho thấy, các nhà nhập cảng lớn nhất đối với các sản phẩm galium của Trung Quốc là Nhật Bản, Đức, và Hà Lan; và các nhà nhập cảng lớn nhất các sản phẩm germanium là Nhật Bản, Pháp, Đức, và Hoa Kỳ.
Một cử chỉ chính trị
Trước đó chỉ vài ngày, chính phủ Hà Lan đã công bố quy định mới về xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn. Từ ngày 01/09, việc xuất cảng thiết bị được sử dụng để sản xuất vi mạch bán dẫn cao cấp cho “các ứng dụng quân sự tân tiến” sẽ bị Hà Lan cấm nếu không có giấy phép.
Ông Tô nói với The Epoch Times rằng các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới của ĐCSTQ rõ ràng là để đáp trả hành động của Hà Lan, vì nước này là một phần của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm bảo đảm rằng các chế độ độc tài không được tiếp cận với các vi mạch bán dẫn tân tiến.
“Trước đây, chỉ có thiết bị EUV (in quang khắc siêu cực tím) tân tiến là bị cấm xuất cảng sang Trung Quốc. Giờ đây, ngay cả DUV (in quang khắc cực tím sâu) cũng bị cấm cung cấp cho chính quyền này,” ông nói về những hạn chế mà ông tin rằng được tạo ra ngày càng nhiều hơn vì giá trị tuyên truyền của các quy định này ở trong nước.
Ông nói, “ĐCSTQ không có cách nào khác để đáp trả. Vì vậy, một mặt, những hạn chế này thể hiện sự không hài lòng của Bắc Kinh [đối với các biện pháp trừng phạt vi mạch bán dẫn của phương Tây]. Mặt khác, những hạn chế này được sử dụng như một công cụ để tuyên truyền nội bộ.”
Gallium và germanium là sản phẩm phụ của quá trình chế biến than đá và bauxite, đồng thời có sẵn ở những nơi khác trên thế giới. Trung Quốc có lợi thế về giá rẻ. Các nhà phân tích tin rằng hành động này sẽ chỉ đẩy nhanh việc Hoa Kỳ và Âu Châu giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc, khiến việc sản xuất kim loại hiếm ở những nơi khác có lợi hơn.
Không phải là thị trường của người bán
Ông Tô chỉ ra rằng hai loại đất hiếm này không phải chịu một thị trường độc quyền bán, vì có các nguồn cung ứng thay thế khác.
Ông Tô nói, “Đầu tiên, vì bản thân vi mạch bán dẫn tương đối nhỏ, nên lượng kim loại hiếm được sử dụng là tương đối hạn chế; thứ hai, có các nguồn khác cho những kim loại hiếm này, mặc dù trữ lượng của các nguồn đó là ít hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng vẫn đủ cho các trường hợp dự phòng; thứ ba, công nghệ tái chế tiếp tục làm giảm nhu cầu từ Trung Quốc. Hơn nữa, bản thân gallium là sản phẩm phụ của quá trình nấu chảy nhôm, và gallium sẽ được sản xuất khi tinh luyện nhôm. Do đó, ĐCSTQ thậm chí không dám tăng giá, vì đây không phải là ngành kinh doanh độc nhất.”
Ông Tô nói rằng mặc dù ĐCSTQ có thể cố gắng sử dụng quyền kiểm soát của mình đối với các kim loại hiếm này như một vũ khí chống lại phương Tây, nhưng Hoa Kỳ và châu Âu có thể giảm tác động này theo ba cách, “cụ thể là, mở các mỏ mới, thiết kế lại thiết bị điện tử và phát triển các công nghệ mới để giảm nhu cầu, và thứ ba, cải thiện công nghệ tái chế.”
Thúc đẩy quá trình tách rời
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, nói với The Epoch Times: “ĐCSTQ nhìn chung lo lắng về việc thế giới bên ngoài tách rời vì đây là một nền kinh tế định hướng xuất cảng, phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương. Hành động [hạn chế xuất cảng kim loại hiếm] này là vì nhu cầu chính trị của ĐCSTQ, và họ thà chịu thiệt hại kinh tế cho hành động này. [Cuộc chiến bán dẫn] là một sự xung đột của các thể chế; một cuộc xung đột ý thức hệ mang tính cấu trúc.”
Ông Phùng nói, “Hoa Kỳ từ lâu đã thiết lập một chính sách tách rời khỏi Trung Quốc đối với sản phẩm quan trọng nhất là vi mạch bán dẫn rồi. Sự đáp trả của ĐCSTQ sẽ không ảnh hưởng đến chính sách này, bởi vì chính sách đó là dựa trên cân nhắc về an ninh chiến lược. Vì vậy, việc tách rời và cuộc chiến sẽ tiếp tục.”
“Bởi vì vi mạch tối tân và máy in quang khắc là không thể thay thế, nên lệnh cấm xuất cảng các thiết bị này sang Trung Quốc gây tổn hại lớn cho ĐCSTQ và sẽ là chí mạng, bởi vì Trung Quốc sẽ không bao giờ có cơ hội sản xuất vi mạch bán dẫn có độ chính xác cao. Nhưng nếu Trung Quốc không xuất cảng những kim loại hoặc khoáng sản quý hiếm này, thì Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ mua các kim loại đó từ những nơi khác, và thiệt hại sẽ không lớn.”
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times